Đặt Catheter vào nhu mô đo áp lực nội sọ

Tăng áp lực nội sọ là tình trạng bệnh lý vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, thường xuất hiện trong bệnh cảnh chấn thương sọ não. Để có thể theo dõi diễn tiến bệnh cũng như quá trình điều trị thì việc phẫu thuật đặt Catheter vào nhu mô để đo áp lực nội sọ là cực kỳ quan trọng.

1. Tăng áp lực nội sọ

Tăng áp lực nội sọ là tình trạng áp lực của sọ não cũng như áp lực những cấu trúc khác bên trong như não, máu, hệ thống dịch não tủy bị tăng lên, thường gặp trong rất nhiều bệnh lý khác nhau như giãn não thất, u não, não gan, phù não, và nguy hiểm nhất là trong chấn thương sọ não.

Tăng áp lực nội sọ là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, đòi hỏi phải được xử lý kịp thời nếu không có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như tổn thương về thần kinh, thiếu máu não cục bộ, thoát vị thân não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Tăng áp lực nội sọ cũng là một trong những diễn biến cuối cùng trong quá trình phẫu thuật thần kinh ở một số bệnh nhân, khả năng xảy ra tăng áp lực nội sọ thường ảnh hưởng đến kết quả tốt hay xấu của cuộc phẫu thuật đó, vì vậy nếu phát hiện trường hợp tăng áp lực nội sọ xảy ra thì cần nhanh chóng can thiệp và xử lý đúng cách.

Để có thể nắm bắt và theo dõi tăng áp lực nội sọ một cách nhanh nhất thì việc đo áp lực nội sọ đóng vai trò rất to lớn. Nếu các bác sĩ và nhân biên y tế có thể theo dõi liên tục áp lực nội sọ của bệnh nhân thì việc phát hiện cũng như điều trị tăng áp lực nội sọ sẽ thuận lợi hơn. khi theo dõi áp lực nội sọ của bệnh nhân thì có thể điều chỉnh và duy trì được áp lực tưới máu lên não một cách phù hợp nhất. Ngoài ra, đo áp lực nội sọ còn có thể làm nền tảng cho việc điều trị sau này, có thể là điều trị nội khoa như dùng Natriclorua 3%, Manitol, thuốc lợi tiểu... hoặc những biện pháp kỹ thuật như mở thông não thất hay dẫn lưu dịch não tủy... Sau khi tình trạng tăng áp lực nội sọ được kiểm soát và quay về mức ổn định thì việc đo áp lực nội sọ có thể sẽ có chỉ định ngừng lại trên bệnh nhân.

2. Đo áp lực nội sọ

Đặt Catheter vào nhu mô đo áp lực nội sọ
Máy Catheter nhu mô não thất được sử dụng phổ biến để đo áp lực nội sọ

Tính đến hiện nay thì có 2 loại máy đo áp lực nội sọ được sử dụng phổ biến nhất đó là Catheter nhu mô não thất và cảm biến vi mạch. Nếu như đo áp lực nội sọ bằng cảm biến vi mạch không thể điều chỉnh được bên trong cơ thể người bệnh thì việc đặt Catheter vào nhu mô để đo áp lực nội sọ cho phép có thể dẫn lưu dịch não tủy cũng như đưa thuốc vào bên trong não thất để điều trị tăng áp lực nội sọ.

Cụ thể hơn, để tiến hành đặt Catheter vào nhu mô não để đo áp lực nội sọ thì tuân theo những chỉ định như sau:

  • Những bệnh nhân sau khi thăm khám được chẩn đoán chấn thương sọ não nặng, điểm Glasgow nhỏ hơn 8 và không có chỉ định phẫu thuật.
  • Bệnh nhân chấn thương sọ não nặng có nguy cơ khối máu tụ lớn dần lên.
  • Bệnh nhân sau khi phẫu thuật lấy khối máu tụ và có những thương tổn kèm theo dẫn đến một số bộ phận khác cũng bị tổn thương.
  • Bệnh nhân giãn não thất độ vừa cần được đặt Catheter theo dõi nhằm cân nhắc chỉ định dẫn lưu não thất.

Chống chỉ định của phương pháp phẫu thuật đặt Catheter đó là những bệnh nhân có dùng thuốc chống đông hoặc có tiền sử mắc bệnh máu khó đông hoặc ưa chảy máu.

Các bước tiến hành phương pháp đặt Catheter đo áp lực nội sọ như sau:

Bệnh nhân luôn luôn cần trao đổi với bác sĩ và điều dưỡng trong quá trình chữa trị. Bất cứ khi nào được đề nghị điều trị
Bác sĩ sẽ giải thích những kỹ thuật cho bênh nhân, người nhà trước khi tiến hành đặt Catheter đo áp lực nội sọ

  • Chẩn đoán xác định trên bệnh nhân kèm với thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để đánh giá tổng trạng bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Giải thích đầy đủ những kỹ thuật sẽ thực hiện cho bệnh nhân và người nhà, bên cạnh đó cũng giải đáp về khả năng phẫu thuật cũng như những biến chứng không mong muốn có thể xảy ra sau phẫu thuật.
  • Chuẩn bị những máy móc, thiết bị cần thiết như bộ dụng cụ đo áp lực nội sọ, những dụng cụ chuyên môn phẫu thuật thần kinh, dịch truyền, thuốc...
  • Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa, đầu hướng lên trên 1 góc 15°- 20°.
  • Tiến hành gây mê nội khí quản.
  • Rạch da bệnh nhân ở vùng 0.3cm- 0.5cm trước khớp trán- đỉnh phải với kích thước đường rạch khoảng 2cm để bộc lộ phần xương sọ.
  • Khoan trên phần xương sọ đã bộc lộ 1 lỗ bằng khoan chuyên dụng phẫu thuật, lưu ý về việc chuẩn bị nút hãm để ngăn chặn tình trạng khoan trúng vào màng cứng.
  • Dùng vít để cố định xương sọ, đầu ngoài xương sọ và cố định Catheter vào xương sọ.
  • Điều chỉnh Catheter về mức 0 trước khi đưa vào nhu mô não.
  • Dùng kim chuyên dụng để mở màng cứng.
  • Tiến hành đưa Catheter đầu cảm biến vào nhu mô não một cách từ từ, nối dẫn lưu, sau đó cố định Catheter vào vít.
  • Tiến hành khâu đóng đường rạch da.
  • Làm sạch và băng vết thương.

Sau kỹ thuật đặt Catheter đo áp lực nội sọ thì cần theo dõi sinh hiệu gồm mạch, nhịp thở, huyết áp, nhiệt độ... cũng như những dấu hiệu liên quan đến thần kinh. Một số biến chứng có thể gặp phải sau phẫu thuật đó là chảy máu, nhiễm trùng gây viêm màng não hoặc viêm não. Vì vậy, cần theo dõi sát tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật để kịp thời áp dụng những biện pháp xử trí như cầm máu, truyền máu, cho bệnh nhân dùng thuốc chống động kinh, chọc dịch màng não để cấy vi khuẩn, điều trị viêm não, viêm màng não bằng kháng sinh đồ, nếu có tình trạng viêm xoang xảy ra thì cần phẫu thuật lại để hút mủ, bơm rửa vết thương và điều trị kháng sinh cho bệnh nhân.

Tăng áp lực nội sọ được xem là một tình trạng khẩn cấp trong những tình trạng bệnh lý nguy hiểm như giãn não thất, chấn thương sọ não... nên cần được xử lý và can thiệp ngay khi có thể. Việc đo áp lực nội sọ bằng biện pháp đặt Catheter vào não thất giúp việc theo dõi, điều chỉnh áp lực nội sọ dễ dàng hơn, từ đó có thể điều trị tăng áp lực nội sọ một cách hiệu quả.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan