Đau đầu hồi ứng (Rebound Headaches) là gì?

Bài viết được viết bởi ThS.BS Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Đau đầu hồi ứng (Rebound headaches) hoặc đau đầu do lạm dụng thuốc (Medication overuse headaches) xảy ra khi người bệnh sử dụng thuốc điều trị đau đầu thường xuyên, lâu dài. Đau đầu hồi ứng hay xảy ra nếu thuốc có chứa caffeine, đây là thành phần có trong nhiều loại thuốc giảm đau để tăng tốc độ hoạt động của các thành phần khác. Việc lạm dụng thuốc giảm đau cũng có thể dẫn đến nghiện, đau dữ dội hơn khi thuốc hết tác dụng và các tác dụng phụ nghiêm trọng khác.

1. Triệu chứng đau đầu hồi ứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của đau đầu do lạm dụng thuốc có thể khác nhau tùy theo loại đau đầu được điều trị và các loại thuốc được sử dụng. Đau đầu do lạm dụng thuốc thường có xu hướng:

  • Xảy ra mỗi ngày hoặc gần như mỗi ngày, thường đánh thức bạn vào sáng sớm
  • Cải thiện với thuốc giảm đau nhưng sau đó đau đầu quay trở lại khi thuốc hết tác dụng

Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Bồn chồn, lo lắng
  • Khó tập trung
  • Gặp vấn đề về trí nhớ
  • Hay cáu gắt
Buồn non
Ngoài đau đầu, bệnh nhân có thể gặp triệu chứng khác như buồn nôn

2. Đau đầu hồi ứng khi nào đi khám bác sĩ?

Mặc dù triệu chứng đau đầu xảy ra rất phổ biến nhưng điều quan trọng, người bệnh cần phải phân biệt được một số loại đau đầu có thể đe dọa tính mạng. Đến cơ sở Y tế ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng đau đầu dưới đây:

  • Đau đầu diễn ra đột ngột, đau đầu nhói từng cơn và nghiêm trọng
  • Đau đầu kèm với sốt, cứng cổ, phát ban, lú lẫn, co giật, nhìn đôi, yếu, tê hoặc nói khó.
  • Đau đầu sau khi bị chấn thương đầu
  • Đau đầu trở nên tồi tệ hơn khi nghỉ ngơi và dùng thuốc giảm đau
  • Đau đầu kèm với khó thở
  • Xảy ra khi bạn đứng nhưng sẽ biến mất nếu bạn nằm

Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ nếu:

  • Bạn thường bị đau đầu nhiều hơn một tuần
  • Bạn uống thuốc giảm đau khi bị đau đầu hơn hai lần một tuần
  • Bạn cần liều thuốc giảm đau đầu cao hơn liều được khuyến cáo
  • Kiểu cơn đau đầu thay đổi
  • Đau đầu ngày càng nặng hơn, không đáp ứng thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol,...).

3. Nguyên nhân gây đau đầu hồi ứng

Aspirin
Thuốc giảm đau thông thường như apsirin có thể góp phần gây đau đầu hồi ứng

Các bác sĩ vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân tại sao lạm dụng thuốc lại dẫn đến đau đầu hồi ứng. Nguy cơ phát triển đau đầu do lạm dụng thuốc thay đổi tùy theo thuốc, nhưng bất kỳ loại thuốc đau đầu cấp tính nào cũng có khả năng dẫn đến đau đầu hồi ứng, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau thông thường như Aspirin (Aspilet,..) và Acetaminophen (Panadol, Efferalgan, Tylenol, các loại khác) có thể góp phần gây đau đầu hồi ứng, đặc biệt khi người bệnh sử dụng vượt quá liều lượng được khuyến cáo hàng ngày. Các thuốc giảm đau khác như Ibuprofen (Advil, Motrin IB, ...) và Naproxen natri (Aleve) có nguy cơ thấp hơn.
  • Thuốc giảm đau kết hợp. Thuốc giảm đau không cần kê đơn (OTC) kết hợp caffeine, aspirin và acetaminophen (Excedrin, những biệt dược khác) là nguyên nhân phổ biến. Nhóm này cũng bao gồm các loại thuốc theo toa như Fiorinal, có chứa butalbital. Các hợp chất chứa butalbital có nguy cơ đặc biệt cao gây ra tình trạng đau đầu do lạm dụng thuốc quá mức, vì vậy không nên dùng chúng để điều trị đau đầu.
  • Thuốc điều trị đau nửa đầu. Các loại thuốc trị đau nửa đầu có liên quan đến chứng đau đầu hồi ứng, bao gồm cả Triptans (Imitrex, Zomig, những loại khác) và một số ergot (như ergotamine,...).
  • Thuốc giảm đau nhóm Opioid. Thuốc giảm đau có nguồn gốc từ thuốc phiện hoặc hợp chất thuốc phiện tổng hợp có kết hợp của Codeine và Acetaminophen.
  • Liều lượng caffeine hàng ngày - từ cà phê, soda, thuốc giảm đau và các sản phẩm khác có chứa chất kích thích nhẹ này - cũng có thể là nguyên nhân gây đau đầu do thuốc.

4. Các yếu tố nguy cơ của đau đầu hồi ứng

Các yếu tố nguy cơ mắc phải đau đầu hồi ứng bao gồm:

  • Tiền sử đau đầu kinh niên.
  • Thường xuyên sử dụng thuốc đau đầu. Nguy cơ tăng lên nếu bạn sử dụng thuốc giảm đau kết hợp, Ergotamine hoặc Triptans 10 ngày trở lên/tháng hoặc thuốc giảm đau thông thường hơn 15 ngày/tháng, đặc biệt nếu việc sử dụng liên tục trong ba tháng trở lên.

5. Chẩn đoán và điều trị

Việc chẩn đoán đau đầu do lạm dụng thuốc (đau đầu hồi ứng) thường dựa vào lời khai từ bệnh nhân (như hay đau đầu và thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau), các xét nghiệm thường dùng để chẩn đoán loại suy (xét nghiệm máu, nước tiểu, CT scanner, MRI,..).Việc điều trị thường bắt đầu bằng việc ngưng dùng thuốc giảm đau hoặc giảm dần liều. Một số trường hợp cần được “cai nghiện” dưới sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. Những người sử dụng thuốc ngủ an thần liều cao, hoặc thuốc đau đầu kết hợp an thần, thuốc có codein hoặc oxycodone cần phải nhập viện khi ngưng thuốc.

Thời gian đầu của quá trình này có thể gây đau đầu nhiều hơn, nhưng sau đó sẽ giảm dần và biến mất. Tình trạng đau đầu có thể xuất hiện trở lại như mọi người bình thường. Một số nghiên cứu đang dùng thuốc (Gabapentin, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co giật,...) để cắt cơn đau đầu này. Với sự kiên trì, hầu hết chữa khỏi sau 2-6 tháng.

Ngoài ra, có thể phối hợp nhiều cách để chữa: châm cứu, massage, thảo dược,...

6. Phòng ngừa đau đầu hồi ứng như thế nào?

Bỏ thuốc
Bỏ hút thuốc cũng là cách để chăm sóc bản thân, giúp ngăn ngừa hầu hết các cơn đạu đầu

Để giúp ngăn ngừa đau đầu do lạm dụng thuốc, người bệnh nên:

  • Uống thuốc đau đầu theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Nếu cần dùng thuốc đau đầu hơn hai lần/tuần, hãy xin ý kiến của bác sĩ trước.
  • Tránh các loại thuốc có chứa butalbital hoặc opioids.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn dưới 15 ngày/tháng.
  • Hạn chế sử dụng Triptans hoặc thuốc giảm đau kết hợp không quá chín ngày/tháng.

Chăm sóc bản thân có thể giúp ngăn ngừa hầu hết các cơn đau đầu:

  • Tránh các tác nhân gây đau đầu. Nếu bạn không chắc chắn nguyên nhân gây ra cơn đau đầu của bản thân, hãy ghi nhật ký đau đầu với các chi tiết về mọi cơn đau đầu (thời gian, độ dài, kết thúc khi nào...) để thấy được kiểu hình đau đầu như thế nào.
  • Ngủ đủ giấc. Cố định thời gian đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm trong ngày, ngay cả vào cuối tuần.
  • Không bỏ bữa. Bắt đầu một ngày với một bữa ăn sáng lành mạnh. Ăn trưa và ăn tối vào cùng một thời điểm hằng ngày.
  • Uống nhiều nước hoặc chất lỏng khác không chứa caffein.
  • Tập thể dục thường xuyên. Hoạt động thể chất khiến cơ thể bạn giải phóng các hóa chất ngăn chặn tín hiệu đau lên não như đi bộ, bơi lội hoặc đi xe đạp.
  • Giảm căng thẳng. Đơn giản hóa lịch trình hằng ngày, lên kế hoạch trước cho mọi việc và giữ thái độ lối sống tích cực.
  • Giữ cân nặng hợp lý
  • Bỏ hút thuốc lá

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan