Đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân

Có lẽ bất kỳ ai trong số chúng ta đều đã từng trải qua một cơn đau đầu, thậm chí là cơn đau đầu kéo dài hơn một ngày. Thực chất có rất nhiều lý do giải thích tại sao cơn đau đầu có thể kéo dài liên tục, từ những thay đổi nội tiết tố cho đến các tình trạng sức khoẻ khác nghiêm trọng hơn.

1. Đau đầu kéo dài liên tục là gì?

Đôi khi vào một thời điểm nhất định trong cuộc sống, chúng ta có thể trải qua các triệu chứng của đau đầu. Thông thường, tình trạng này chỉ gây ra sự khó chịu nhỏ và có thể được giảm bớt khi sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC). Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu kéo dài liên tục và xảy ra vào mỗi ngày có thể là dấu hiệu cho thấy một tình trạng sức khỏe đáng chú ý.

Đau đầu kéo dài liên tục (đau đầu kinh niên hàng ngày) không phải là một loại đau đầu cụ thể mà nó có thể bao gồm nhiều loại đau đầu khác nhau:

  • Đau đầu dạng căng thẳng: Khiến bạn có cảm giác như có một sợi dây đang thắt chặt xung quanh đầu mình.
  • Chứng đau nửa đầu:Gây ra cơn đau dữ dội ở một hoặc cả hai bên đầu
  • Đau đầu từng cơn: Chứng đau đầu này có thể xảy ra liên tục trong một khoảng thời gian từ vài tuần hoặc vài tháng, và thường gây ra cơn đau dữ dội ở một bên đầu.
  • Đau nửa đầu liên tục (HC): Thường xảy ra ở một bên đầu và gây ra cảm giác đau tương tự như chứng đau nửa đầu.

2. Các triệu chứng khác của đau đầu kéo dài liên tục

Các triệu chứng của đau đầu kéo dài liên tục có thể khác nhau tùy thuộc vào loại đau đầu mà bạn đang gặp phải. Nhìn chung, chứng đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân có thể bao gồm một số triệu chứng sau đây:

  • Đau đầu có thể liên quan đến một hoặc cả 2 bên đầu
  • Bệnh nhân có cảm giác như đầu bị thắt chặt hoặc đau nhói
  • Buồn nôn / nôn mửa
  • Đau đầu với cường độ khác nhau, có thể từ nhẹ cho đến nặng
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Đỏ hoặc chảy nước mắt
  • Nhạy cảm với âm thanh / ánh sáng
  • Bị nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi
Đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân có thể gây buồn nôn
Đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân có thể gây buồn nôn

3. Nguyên nhân nào gây ra chứng đau đầu kéo dài liên tục?

Thực tế, có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau đầu kéo dài liên tục, một trong số đó bao gồm:

Đau đầu hồi ứng: Việc thường xuyên sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) để chữa bệnh đau đầu thực sự có thể khiến bạn bị đau đầu hồi ứng giữa các lần dùng thuốc. Mặc dù loại đau đầu này thường không kéo dài nhưng nó có thể tái phát trong một ngày hoặc lâu hơn.

Chứng đau nửa đầu: Đây là một loại đau đầu nghiêm trọng, có thể kéo dài nhiều ngày hoặc thậm chí lên tới vài tuần. Chứng đau nửa đầu thường bắt đầu bằng một cảm giác ốm yếu và kéo dài từ 1 – 2 ngày trước khi cơn đau đầu thực sự bắt đầu. Một số người có các triệu chứng như thấy hào quang, nhấp nháy hoặc thay đổi thị lực sáng trước khi cơn đau bắt đầu.

Sau đó, cơn đau đầu kéo dài liên tục do chứng đau nửa đầu gây ra có thể kèm theo các triệu chứng cụ thể như:

  • Đau ở sau mắt
  • Đau nhói ở một trong 2 bên (hoặc cả 2 bên) đầu
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Nhạy cảm với mùi hoặc nước hoa
  • Nhạy cảm với ánh sáng / âm thanh

Sau khi cơn đau nửa đầu thuyên giảm, bệnh nhân có thể trải qua cảm giác mệt mỏi và kiệt sức.

Đau đầu liên quan đến căng thẳng hoặc rối loạn tâm trạng: Sự lo lắng, căng thẳng và rối loạn tâm trạng có thể gây ra những cơn đau đầu kéo dài liên tục hơn một ngày. Cụ thể, những người bị rối loạn lo âu hoặc rối loạn hoảng sợ có xu hướng bị đau đầu kéo dài thường xuyên hơn những người khác.

Đau đầu Cervicogenic: Đôi khi cơn đau đầu của bạn không xuất phát từ khu vực đầu mà có thể từ cổ. Đây là một chứng đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, và nếu không được điều trị, cơn đau đầu của bạn sẽ không biến mất.

Đau đầu Cervicogenic có thể do chấn thương, viêm khớp, mòn đĩa đệm, khối u, gãy xương hoặc nhiễm trùng. Ngoài ra, tư thế thường ngày hoặc trong lúc bạn ngủ cũng có thể gây ra chứng đau đầu này.

Chấn động hoặc chấn thương ở đầu: Nếu gần đây bạn mới trải qua một cơn chấn động hoặc chấn thương trên đầu, điều này có thể khiến bạn phải đối mặt với một cơn đau đầu kéo dài liên tục, hay còn được gọi là hội chứng sau chấn động. Hội chứng này thường là một chấn thương nhẹ đối với não do chấn thương ban đầu gây ra và có thể kéo dài đến hàng tháng hoặc thậm chí một năm.

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng sau chấn động, bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đau đầu tái phát hoặc liên tục
  • Khó tập trung
  • Khó chịu
  • Chóng mặt
  • Gặp phải một số vấn đề liên quan đến trí nhớ ngắn hạn
  • Khó ngủ
  • Cảm xúc lo lắng
  • Nhạy cảm với âm thanh cũng như ánh sáng
  • Mờ mắt
  • Ù tai
  • Rối loạn cảm giác, chẳng hạn như giảm vị giác hoặc khứu giác
Chứng đau nửa đầu có thể gây đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân
Chứng đau nửa đầu có thể gây đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân

4. Các yếu tố nguy cơ rủi ro gây đau đầu kéo dài liên tục

Một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến việc phát triển chứng đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, bao gồm:

Đau đầu kéo dài có nguy hiểm không? Nếu bạn bị đau đầu kinh niên hàng ngày, bạn cũng sẽ có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng như lo lắng, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ và các vấn đề về tâm lý hoặc thể chất khác.

5. Các biện pháp chẩn đoán đau đầu kéo dài liên tục

Bạn nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để trao đổi về những cơn đau đầu kéo dài liên tục của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm đến một bác sĩ thần kinh, chuyên về các tình trạng có ảnh hưởng đến hệ thần kinh để được tư vấn kỹ lưỡng.

Để chẩn đoán đau đầu kéo dài liên tục, trước tiên bác sĩ sẽ lấy tiền sử bệnh của bạn thông qua một số câu hỏi sau:

  • Bạn bị đau đầu như thế nào?
  • Cơn đau đầu của bạn nằm ở đâu và có cảm giác như thế nào?
  • Cơn đau đầu của bạn kéo dài trong thời gian bao lâu?
  • Cơn đau đầu xảy ra vào một thời điểm nhất định hay sau một hoạt động cụ thể?
  • Cơn đau đầu có đi kèm với các triệu chứng nào khác không?
  • Bạn có tiền sử gia đình mắc một số loại đau đầu, ví dụ như chứng đau nửa đầu không?
  • Hiện tại bạn đang sử dụng những loại thuốc điều trị bệnh nào?

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm thường không cần thiết trong chẩn đoán đau đầu kéo dài liên tục, trừ khi người bệnh có các triệu chứng của bệnh toàn thân hoặc nhiễm trùng.

Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ sẽ thực hiện các bước loại trừ nguyên nhân thứ phát gây ra cơn đau đầu, bao gồm lạm dụng thuốc, tác dụng phụ của thuốc, khó thở khi ngủ, nhiễm trùng (như viêm màng nãonhiễm trùng xoang), chấn thương sọ não hoặc đau dây thần kinh. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể sử dụng một số xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp MRI hoặc CT nhằm giúp chẩn đoán nguyên nhân gây đau đầu kéo dài liên tục của người bệnh.

6. Làm thế nào để điều trị cho chứng đau đầu kéo dài liên tục?

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng đau đầu kéo dài liên tục. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để xác định cụ thể phương pháp điều trị nào là tối ưu nhất.

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra chứng đau đầu liên tục của bạn. Nếu đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị tập trung vào việc ngăn ngừa và kiểm soát hiệu quả hơn cơn đau nhức đầu của bạn. Bên cạnh đó, một số phương pháp điều trị đau đầu liên tục khác cũng có thể được áp dụng rộng rãi, bao gồm:

Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để ngăn ngừa hoặc điều trị cho chứng đau đầu kéo dài liên tục, chẳng hạn như:

  • Thuốc chẹn beta: Metoprolol (Lopressor) và propranolol (Inderal).
  • Thuốc chống trầm cảm 3 vòng: Nortriptylineamitriptyline, giúp ngăn ngừa tình trạng đau đầu và kiểm soát được sự lo lắng hoặc trầm cảm có thể xảy ra cùng với những cơn đau đầu liên tục.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Naproxen (Aleve) và ibuprofen (Motrin, Advil). Những loại thuốc này cần được sử dụng đúng liều lượng vì chúng có thể gây lạm dụng thuốc hoặc tái phát cơn đau đầu.
  • Thuốc chống động kinh: Topiramate (Topamax) và gabapentin (Neurontin).
  • Tiêm botox: Đây là một chất độc thần kinh, có nguồn gốc từ vi khuẩn gây ngộ độc thịt. Tiêm botox có thể là một lựa chọn điều trị đau đầu kéo dài liên tục khác cho những người không dung nạp với thuốc hàng ngày.

Các liệu pháp điều trị ngoài thuốc

Việc điều trị cho chứng đau đầu kéo dài liên tục có thể bao gồm sự kết hợp của việc sử dụng thuốc cùng với các liệu pháp khác. Những liệu pháp ngoài thuốc này thường bao gồm:

  • Liệu pháp hành vi: Giúp người bệnh hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng tinh thần của cơn đau đầu và tìm ra biện pháp đối phó với nó.
  • Phản hồi sinh học: Sử dụng các thiết bị theo dõi, giúp người bệnh hiểu và học cách kiểm soát các chức năng của cơ thể, chẳng hạn như nhịp tim, huyết áp và căng cơ.
  • Châm cứu: Sử dụng các loại kim nhỏ và cắm lên những vị trí cụ thể trên cơ thể nhằm giúp cải thiện các triệu chứng của đau đầu kéo dài liên tục.
  • Kích thích dây thần kinh chẩm: Đây là một thủ thuật phẫu thuật, trong đó đáy hộp sọ của bệnh nhân sẽ được đặt một thiết bị nhỏ gửi xung điện đến dây thần kinh chẩm, từ đó giúp làm giảm cơn đau nhức đầu.
  • Mát xa: Giúp bệnh nhân thư giãn và giảm tình trạng căng cơ.
Châm cứu có thể điều trị đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân
Châm cứu có thể điều trị đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân

Thay đổi lối sống

Bên cạnh các biện pháp điều trị trên, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số thay đổi lối sống để giúp kiểm soát chứng đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân hoặc tránh các tác nhân kích thích bùng phát cơn đau đầu. Những thay đổi lối sống này thường bao gồm tránh sử dụng caffeine, bỏ hút thuốc lá và thực hiện các bước giúp cải thiện giấc ngủ.

7. Đau đầu kéo dài liên tục – khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Để nhận được phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với tình trạng đau đầu kéo dài liên tục, bạn nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán bệnh nếu có các triệu chứng sau đây:

  • Có 3 cơn đau đầu trở lên trong một tuần
  • Cơn đau đầu trở nên tồi tệ hơn hoặc không có dấu hiệu cải thiện ngay cả khi bạn đã sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
  • Hầu như mỗi ngày bạn đều phải uống thuốc giảm đau không kê đơn để kiểm soát cơn đau đầu của mình
  • Cảm thấy các hoạt động gắng sức có thể làm kích hoạt cơn đau đầu của bạn
  • Cơn đau đầu làm cản trở các hoạt động thường ngày của bạn, chẳng hạn như gián đoạn giấc ngủ, công việc hoặc học tập.

Nhiều người băn khoăn rằng liệu đau đầu kéo dài có nguy hiểm không? Thực tế, đôi khi cơn đau đầu kéo dài có thể là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm màng não hoặc đột quỵ. Bạn cũng nên nhanh chóng tìm đến sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu có các tình trạng sau đây:

  • Xuất hiện một cơn đau đầu dữ dội và đột ngột
  • Nhức đầu kèm theo các triệu chứng nhiễm trùng, chẳng hạn như cứng cổ, sốt cao, buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Cơn đau đầu kèm theo các triệu chứng thần kinh khác, ví dụ như tê, lú lẫn hoặc các vấn đề về phối hợp, nói và đi lại.
  • Cơn đau đầu xảy ra sau một chấn thương ở đầu

Nếu những phương pháp trên không làm tình trạng của bạn thuyên giảm, hãy đến thăm khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ sẽ thăm khám và chỉ ra biện pháp điều trị hữu ích nhất dành cho bạn.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Dianragan 500
    Công dụng thuốc Dianragan 500

    Dianragan 500 có thành phần chính là Paracetamol với hàm lượng 500mg, thuộc nhóm thuốc kháng viêm không Steroid - NSAIDs. Thuốc Dianragan 500 được sử dụng phổ biến trong điều trị giảm đau và hạ sốt mức độ từ ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp cho người tổn thương gan do sử dụng bia rượu

    Kanzou Ukon mang lại nhiều công dụng nhờ sự kết hợp của 4 thành phần độc đáo như Mầm súp lơ, nghệ vàng,...

    Đọc thêm
  • Đau họng kèm sổ mũi
    Đau mũi kèm đau đầu từng cơn là bệnh gì?

    Em hiện đang bị đau mũi (phía trước vòm mũi - gần với mắt) và đau đầu. Đầu thì đau từng cơn chứ không đau liên tục. Em bị như thế anyf khoảng hơn 1 tuần. Bên trong có cảm ...

    Đọc thêm
  • etnadin
    Công dụng thuốc Etnadin

    Etnadin là thuốc gì? Thuốc Etnadin được dùng để chỉ định điều trị bệnh đau nửa đầu, chóng mặt do rối loạn tiền đình. Trong bài viết này, xin gửi đến quý bạn đọc công dụng, chỉ định và cách ...

    Đọc thêm
  • jordapol
    Công dụng thuốc Jordapol

    Jordapol là thuốc gì, có phải thuốc giảm đau hạ sốt không? Với thành phần chính là Paracetamol, Jordapol là thuốc giảm đau và hạ sốt rất hữu hiệu đối với những cơn đau nhẹ và trung bình.

    Đọc thêm
  • stigiron
    Công dụng thuốc Stigiron

    Stigiron là một trong những thuốc điều trị đau nửa đầu đã và đang được sử dụng phổ biến trên lâm sàng hiện nay. Trong Stigiron chứa Flunarizine - thuốc đối kháng canxi có chọn lọc.

    Đọc thêm