Dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến hình bướm ở phía trước cổ. Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) khiến bạn đổ mồ hôi nhiều, cảm thấy nóng, giảm cân hoặc tim đập nhanh. Tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp) biểu hiện ngược lại. Ngoài ra còn có những dấu hiệu bệnh tuyến giáp khác ít rõ ràng hơn.

Bệnh tuyến giáp có thể biểu hiện với nhiều triệu chứng khác nhau. Nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về tuyến giáp sẽ đem lại cơ hội điều trị bệnh cao hơn. Một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tuyến giáp người bệnh cần chú ý:

1. Đờ đẫn

Tuyến giáp gửi một số hormone nhất định đến não của bạn, giúp não thực hiện tất cả các chức năng đảm trách. Suy giáp làm chậm dòng hormone này, dẫn đến tình trạng đờ đẫn, hay còn gọi là “não sương mù”. Bạn có thể cảm thấy khó tập trung, không thể ghi nhớ mọi thứ hoặc suy nghĩ rõ ràng khi mắc bệnh lý tuyến giáp.

2. Thay đổi tâm trạng

Điều trị trầm cảm sẽ trở thành một phần trong kế hoạch điều trị MS
Trầm cảm thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tuyến giáp

Bạn thường xuyên cảm thấy buồn và bất an? Trong rất nhiều lý do khiến bạn có tâm trạng như vậy thì vấn đề về tuyến giáp cũng nằm trong danh sách. Trầm cảm thường là dấu hiệu bệnh tuyến giáp đầu tiên. Lo lắng cũng có liên quan đến bệnh lý này. Thông thường, bạn sẽ cảm thấy chán nản khi bị suy giáp và lo lắng nếu bị cường giáp. Ngoài ra, không đáp ứng với thuốc chống trầm cảm cũng có thể cảnh báo tình trạng rối loạn tuyến giáp không được chẩn đoán.

3. Các vấn đề khi mang thai

Các nghiên cứu cho thấy nếu bị mắc bệnh lý tuyến giáp không được điều trị, bạn có nhiều nguy cơ gặp các biến chứng khi mang thai, chẳng hạn như tình trạng tiền sản giật. Bạn cũng có nhiều khả năng bị sảy thai hoặc thai chết lưu, cũng như sinh non hoặc sinh con nhẹ cân nếu bị rối loạn tuyến giáp hoặc ung thư giáp.

4. Rối loạn chu kỳ

Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý tuyến giáp. Các chu kỳ không đúng ngày, rất ít hoặc rất nhiều máu,... đều có thể là triệu chứng. Ngoài ra, không có kinh (vô kinh) cũng có thể là một dấu hiệu. Các bé gái bị rối loạn tuyến giáp có thể xuất hiện kinh nguyệt lần đầu tiên rất sớm hoặc rất muộn.

Video đề xuất:

5. Mặt sưng húp

Khi tuyến giáp không hoạt động bình thường, khuôn mặt của bạn sẽ trông giống như bị phù hay sưng tấy do chất lỏng dư thừa của cơ thể bị ứ đọng. Bạn thường sẽ nhận thấy dấu hiệu sưng nhiều nhất ở mí mắt, môi và lưỡi.

Xem thêm: Khó chịu ở cổ có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tuyến giáp?

6. Tầm nhìn mờ

Đôi khi tình trạng tuyến giáp khiến chất lỏng tích tụ thêm trong các mô xung quanh mắt của bạn. Điều này có thể làm cho các cơ kiểm soát mắt to ra, khiến bạn khó tập trung nhìn rõ. Người bệnh cũng có thể có tầm nhìn kép (song thị).

7. Hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay

Chất lỏng dư thừa do bệnh lý tuyến giáp cũng xuất hiện ở những nơi khác trong cơ thể bạn. Các dây thần kinh đi đến bàn tay thông qua một “đường hầm” mô mềm gần cổ tay. Khi mô sưng lên vì quá nhiều chất lỏng tích tụ, có thể gây áp lực lên các dây thần kinh ở đó. Cảm giác tê, ngứa ran và yếu các ngón tay được gọi là hội chứng ống cổ tay.

8. Thay đổi khẩu vị

Bạn nếm vị của thức ăn, nước uống bằng cả miệng và não. Khi tuyến giáp không hoạt động như bình thường, có thể gây rối loạn với một hoặc cả hai phần này của quá trình vị giác. Điều đó làm cho thức ăn bạn nếm có vị khác lạ.

9. Giảm ham muốn tình dục

Khi tuyến giáp của bạn hoạt động chậm lại (suy giáp), sự trao đổi chất cũng bị trì trệ. Sự trao đổi chất vốn có chức năng kiểm soát các cơ quan trong cơ thể để tạo ra các hormone giới tính. Khi sản xuất những hormone này ít đi, ham muốn tình dục của bạn sẽ bị ảnh hưởng.

10. Rụng tóc

Rụng tóc
Người bị suy giáp thường dễ gãy rụng tóc

Rụng tóc mỗi ngày có thể do sinh lý bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn bắt đầu bị lộ da đầu nhiều hơn hoặc thấy những thay đổi về độ dày tổng thể của tóc thì có thể là do tuyến giáp. Tóc và da rất dễ bị tổn thương khi tuyến giáp gặp vấn đề.

Tóc của người bị suy giáp thường trở nên giòn, thô ráp và dễ gãy rụng, kèm theo rụng rìa ngoài lông mày. Thông thường người bị cường giáp nặng trong một thời gian dài sẽ có biểu hiện rụng tóc rõ rệt, đồng thời da cũng nhạy cảm, mỏng đi rất nhanh.

11. Cao huyết áp

Tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp) có thể khiến các mạch máu của bạn trở nên kém linh hoạt hơn, khiến tim khó bơm máu đến tất cả các bộ phận của cơ thể. Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể làm tăng huyết áp và khiến tim bạn đập nhanh hơn.

12. Rắc rối khi đi vệ sinh

Sau sinh các mẹ rất hay gặp phải tình trạng táo bón
Táo bón kéo dài có thể liên quan đến suy giáp

Táo bón có thể là một dấu hiệu của suy giáp, khiến bạn không thể đi tiểu thường xuyên. Nếu gặp vấn đề về tuyến giáp, bạn cũng có thể bị tiêu chảy, phân lỏng. Nhìn chung, táo bón nặng hoặc kéo dài thường liên quan đến suy giáp, còn tiêu chảy hoặc hội chứng ruột kích thích có thể do cường giáp.

13. Thay đổi cân nặng

Dù đang kiên trì tuân thủ chế độ ăn ít béo, ít calo thấp và tập luyện nghiêm ngặt, nhưng trọng lượng cơ thể của bạn vẫn giữ nguyên? Khó giảm cân có thể là một trong những biểu hiện của suy giáp.

Trong khi đó, cường giáp khiến bạn sút cân dù vẫn ăn cùng một lượng như bình thường, hoặc thậm chí giảm rất nhiều dù tăng khẩu phần ăn. Thay đổi trọng lượng cơ thể không rõ nguyên nhân có thể là cảnh báo tuyến giáp của bạn đang gặp vấn đề.

14. Mệt mỏi

Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, dù ngủ 8 - 10 tiếng một đêm vẫn không đủ, không thể làm việc hiệu quả trong ngày,... đều có thể là dấu hiệu tuyến giáp hoạt động kém. Đối với cường giáp, người bệnh cũng có nguy cơ bị mất ngủ ban đêm, dẫn đến mệt mỏi trong ngày.

15. Cholesterol

Cường giáp
Nồng độ cholesterol thấp bất thường có thể là cảnh báo cường giáp

Cholesterol cao nhưng không liên quan đến chế độ ăn uống, tập thể dục hoặc dùng thuốc có thể là dấu hiệu suy giáp chưa được phát hiện. Ngược lại, nồng độ cholesterol thấp bất thường có thể là cảnh báo cường giáp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan