Dấu hiệu, chẩn đoán, phẫu thuật viêm sụn vành tai

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Thái - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Nếu bị sưng đau vành tai sau bấm khuyên tai, chấn thương tai hoặc các nguyên nhân khác thì đó có thể là dấu hiệu viêm sụn vành tai. Đây là căn bệnh khá nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời, phù hợp có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thẩm mỹ và chức năng của vành tai.

1. Viêm sụn vành tai là gì?

Vành tai còn gọi là loa tai, là một phần của tai ngoài. Vành tai có những chỗ lồi lõm cho phép con người có thể thu nhận âm thanh từ mọi phía mà không cần cử động tai hay xoay đầu. Vành tai gồm da, sụn, cơ và dây chằng. Sụn vành tai có độ dẻo, dai và đàn hồi, giúp tạo hình dáng của loa tai.

Viêm sụn vành tai là tình trạng nhiễm trùng ở vùng sụn, màng sụn vành tai.

Bệnh có thể xuất hiện sau quá trình điều trị không phù hợp ở bệnh nhân viêm mô tế bào tai ngoài, viêm ống tai ngoài cấp, viêm màng sụn tai, viêm tai giữa,, sau tai nạn tổn thương loa tai, sau phẫu thuật hoặc sau xỏ lỗ tai xuyên sụn,...

Bị viêm tai giữa kèm theo đau nửa đầu phải làm sao?
Bệnh viêm tai giữa có thể tiến triển thành viêm sụn vành tai

2. Các giai đoạn viêm sụn vành tai

Bệnh viêm sụn vành tai do xỏ lỗ tai thường trải qua 4 giai đoạn bệnh: Viêm tai thanh dịch - xung huyết - viêm tấy - hóa mủ và hoại tử sụn. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể để lại các di chứng ảnh hưởng tới thẩm mỹ (mất sụn tai, da tai nhăn nheo, biến dạng tai), chức năng của vành tai (nguy cơ viêm tai, suy giảm thính lực hoặc mất thính lực). Thậm chí, vi khuẩn từ màng sụn tai có thể đi vào máu, gây nhiễm trùng, dẫn tới tốn kém chi phí, quá trình điều trị kéo dài, thậm chí có nguy cơ tử vong.

3. Dấu hiệu viêm sụn vành tai

Biểu hiện của bệnh tùy thuộc vào khoảng thời gian kể từ khi bệnh nhân tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh. Tùy từng giai đoạn, người bệnh viêm sụn vành tai sẽ gặp phải các triệu chứng sau:

  • Ban đầu có dấu hiệu ngứa rát, hơi đau ở vị trí tổn thương. Sau đó bị nóng, sưng, đỏ vành tai.
  • Khi bị viêm tấy thành mủ, bệnh nhân bị đau sụn tai rõ hơn, sưng nhiều hơn, vành tai bị sưng nhiều, làm mất các nếp bình thường.
  • Nếu không điều trị, bệnh có thể dẫn đến viêm sụn hoại tử với các triệu chứng đau dữ dội, sưng tấy và căng mọng vành tai, mất các nếp vành tai.
  • Trường hợp không xử trí tốt, sụn vành tai bị hoại tử, dẫn tới sưng tấy hóa mủ và vỡ mủ, làm vành tai bị co rúm, gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ.
  • Triệu chứng khác: Sốt, mệt mỏi,...
đau tai
Đau rát vùng nhiễm trùng ở sụn vành tai là triệu chứng thường gặp

4. Chẩn đoán viêm sụn vành tai

Khi nhận thấy có những triệu chứng cảnh báo viêm sụn vành tai, bệnh nhân nên đi khám để được chẩn đoán, điều trị phù hợp. Điều này giúp người bệnh tránh khỏi nguy cơ gặp những biến chứng ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chức năng của vành tai.

Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán viêm sụn vành tai thông qua hỏi bệnh sử, thăm khám lâm sàng, xem xét các triệu chứng trên tai. Trường hợp vành tai có dịch hoặc mủ, bác sĩ sẽ nuôi cấy vi khuẩn để lựa chọn phương pháp xử trí và loại kháng sinh điều trị phù hợp nhất.

5. Điều trị viêm sụn vành tai

5.1 Chăm sóc tại nhà

Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm đau, hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả. Cụ thể:

  • Trường hợp bị mụn trứng cá trên vành tai: Bệnh nhân có thể dùng vải mềm đã thấm nước ấm đắp lên tai. Sau đó, dùng cây nặn mụn nhẹ nhàng loại bỏ mụn. Tiếp theo, vệ sinh cây nặn mụn thật sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
  • Trường hợp bị cháy nắng vành tai: Người bệnh có thể chườm đá lạnh lên vùng da cháy nắng hoặc thoa gel nha đam lên để giảm đau.
  • Giảm đau bằng cách chườm ấm hoặc chườm mát lên tai.
  • Che tai kín khi ra ngoài trong thời tiết lạnh.
  • Trường hợp bị viêm sụn vành tai do xỏ khuyên: Nên vệ sinh chỗ xỏ khuyên mỗi ngày bằng nước muối pha loãng, buộc tóc gọn gàng để tóc không cọ vào tai, không bôi các loại thuốc chưa được bác sĩ chỉ định, tránh để nước rơi vào tai, tránh chạm vào tai khi không cần thiết.
Xỏ khuyên
Xỏ khuyên có thể gây viêm sụn vành tai nên vệ sinh bằng nước muối pha loãng mỗi ngày

5.2 Sử dụng thuốc

Bệnh nhân viêm sụn vành tai thường được chỉ định sử dụng các loại thuốc sau:

  • Thuốc kháng sinh nhóm Ciprofloxacin, Fluoroquinolone,... thường theo Kháng sinh đồ
  • Thuốc chống viêm, chống phù nề steroid.
  • Thuốc giảm đau.
  • Trường hợp nặng: Bệnh nhân bị đau nhiều, vành tai sưng, đỏ nặng, cần nhập viện truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch, tiêm tĩnh mạch steroid và chăm sóc tại chỗ.

5.3 Phẫu thuật

  • Với bệnh nhân giai đoạn đầu, có triệu chứng sưng đau nhưng chưa xuất tiết thì người bệnh chỉ cần uống thuốc kháng sinh, giảm đau hoặc chống viêm.
  • Với bệnh nhân đã bị xuất tiết túi dịch ở vành tai, bác sĩ có thể chỉ định chọc hút dịch và băng ép. Bệnh nhân cũng được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm. Nếu túi dịch vành tai xuất tiết bội nhiễm thành áp xe, sụn vành tai bị viêm nặng và hoại tử thì người bệnh sẽ được điều trị ngay bằng cách chích rạch rộng ổ áp xe. Phương pháp này giúp dẫn lưu sạch túi mủ và nạo hết tổ chức sụn viêm vành tai. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được sử dụng thuốc kháng sinh và chống viêm.
Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân được điều trị bằng kháng sinh
Bệnh nhân viêm sụn vành tai cần uống thuốc kháng sinh để chống viêm

5.4 Chế độ ăn uống phù hợp

  • hực phẩm nên ăn: Quả mọng (dâu tây, việt quất), cá (cá thu, cá cơm, cá hồi), rau cải (cải xoăn, súp lơ), quả bơ, trà xanh, ớt chuông, nho, nấm, nghệ, chocolate đen, dầu oliu nguyên chất, cà chua, anh đào,...
  • Thực phẩm nên kiêng: Đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, đồ chiên rán, tinh bột tinh chế (bánh mì trắng, mì ống, bánh quy,...), đồ uống có đường, dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần, bơ thực vật,...

Viêm sụn vành tai có thể để lại nhiều di chứng khó lường cho bệnh nhân, đặc biệt về chức năng thẩm mỹ. Vì vậy, khi có dấu hiệu cảnh báo bệnh, người bệnh nên đi khám ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đồng thời, có nhiều biện pháp có thể áp dụng để giảm nguy cơ mắc phải bệnh lý này như: lựa chọn địa chỉ xỏ khuyên tai uy tín, không nên xỏ khuyên ở phần vành tai, không tỳ đè áp lực mạnh và lâu lên tai,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan