Điều gì sẽ xảy ra với phẫu thuật đục thủy tinh thể?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Chuyên khoa Mắt - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Khi nào cần phẫu thuật đục thủy tinh thể, có những phương pháp nào? Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể cần lưu ý gì? Đây là những vấn đề nhiều người bệnh quan tâm.

1. Đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể là hiện tượng giống như có đám mây trong thủy tinh thể của mắt. Hiện tượng này làm cho tầm nhìn, màu sắc có thể mờ đi. Đục thủy tinh thể cũng có thể khiến mắt nhạy cảm hơn với ánh sáng hoặc khó nhìn vào buổi tối.

Đục thủy tinh thể thường bắt đầu hình thành vào khoảng 40 tuổi khi các protein trong thủy tinh thể bắt đầu bị phá vỡ. Hầu hết mọi người không nhận thấy thay đổi này cho đến sau 60 tuổi, nhưng đôi khi đục thủy tinh thể có thể phát triển nhanh hơn và gây ra các vấn đề về mắt sớm hơn.

2. Khi nào cần phẫu thuật đục thủy tinh thể?

Nhiều người bị đục thủy tinh thể nhận thấy những ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể làm việc và lái xe an toàn không? Bạn có gặp vấn đề khi đọc, sử dụng điện thoại hoặc xem TV không? Nếu câu trả lời là có, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật đục thủy tinh thể. Nếu bạn cần phẫu thuật cả 2 mắt, cần phải đợi phẫu thuật cho mắt đầu tiên lành lại trước khi tiến hành phẫu thuật cho mắt thứ 2.

phẫu thuật đục thủy tinh thể
Phẫu thuật đục thủy tinh thể được chỉ định khi người bệnh được thăm khám

3. Các phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể

Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ thủy tinh thể đã bị đục của mắt và đặt một thủy tinh thể nhân tạo vào. Có 2 cách thực hiện.

  • Phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể (Phacoemulsification): Với phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt một lỗ nhỏ trong lớp bao phủ trong suốt trên mắt (giác mạc), và sử dụng một công cụ phát sóng âm thanh làm vỡ thấu kính đã bị đục thành các mảnh nhỏ. Sau đó, sử dụng máy hút chân không nhỏ hút các mảnh vỡ ra và đặt thấu kính mới vào. Với phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể, vết phẫu thuật nhỏ đến mức nó thường lành mà không cần khâu.
  • Phẫu thuật lấy thủy tinh thể ngoài bao: Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một vết cắt lớn hơn một chút để loại bỏ thủy tinh thể thành một mảnh. Loại này thường được sử dụng khi đục thủy tinh thể có nhiều đục, do hiện tượng này làm cho quá trình phẫu thuật phaco khó phá vỡ hơn. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật vẫn có thể sử dụng phẫu thuật phaco điều trị đục thủy tinh thể để loại bỏ bất kỳ phần nào còn lại của thấu kính.
  • Phẫu thuật laser: Bác sĩ có thể sử dụng tia laser thay vì dao mổ (dao nhỏ) để phẫu thuật, nhằm khắc phục một số vấn đề về thị lực (loạn thị), giúp người bệnh ít phụ thuộc vào kính hơn sau khi phẫu thuật. Ngoài việc tạo vết cắt trên giác mạc, tia laser cũng có thể giúp làm mềm thủy tinh thể bị đục để dễ lấy ra hơn. Tuy nhiên, phẫu thuật laser thường có chi phí cao hơn.

4. Các loại thấu kính dùng trong phẫu thuật đục thủy tinh thể

Trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, các loại thấu kính được sử dụng là:

  • Thấu kính cố định đơn tiêu cự: Các bác sĩ có thể sử dụng một số loại thấu kính thay thế. Hầu hết bệnh nhân cần thấu kính cố định cho cả hai mắt và sử dụng một cái kính khác để đọc sách hoặc nhìn gần. Loại thấu kính này cũng phù hợp với nhiều bệnh nhân vì có chi phí thấp, được bảo hiểm chi trả. Bác sĩ có thể cân nhắc cấy ghép một thấu kính đơn tiêu cự nhìn xa cho một mắt trong khi một thấu kính đơn tiêu cự khác để đọc ở mắt còn lại. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể sử dụng loại thấu kính này chỉ phù hợp với những người đã quen sử dụng và thích kính áp tròng.
  • Thấu kính lấy nét đơn tiêu cự: Các nhà khoa học đã thiết kế thấu kính đơn tiêu cự mới này để hoạt động giống với thấu kính mắt. Các cơ mắt nhỏ thay đổi hình dạng để có thể lấy nét ở các khoảng cách khác nhau. Với thấu kính này, người bệnh sẽ nhìn rõ ở khoảng cách trung bình và xa, nhưng có thể gặp khó khăn khi nhìn gần. Các bài tập đặc biệt về mắt có thể hữu ích với người bệnh nhưng họ có thể cần phải đeo kính đọc sách sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể.
  • Thấu kính nội nhãn đa tiêu cự: Thấu kính này chia ánh sáng thành hình ảnh ở khoảng cách xa và hình ảnh ở gần mà người bệnh nhìn thấy cùng một lúc. Với loại thấu kính này, người bệnh không cần đeo kính sau phẫu thuật. Tuy nhiên, loại này có thể gây chói hoặc hiệu ứng vầng hào quang, đôi khi có thể gây khó nhìn, đặc biệt là vào ban đêm.
  • Thấu kính toric: Nếu người bệnh bị loạn thị, tầm nhìn sẽ bị mờ vì giác mạc thay đổi hình dạng. Điều đó ảnh hưởng đến cách ánh sáng tập trung vào bên trong mắt. Các nhà khoa học đã thiết kế thấu kính toric để bù đắp cho hình dạng của mắt loạn thị và cung cấp tầm nhìn rõ ràng hơn, ngay cả khi không đeo kính.
phẫu thuật đục thủy tinh thể
Một số loại thấu kính sẽ được áp dụng trong phẫu thuật đục thủy tinh thể

5. Lưu ý trước, trong và sau phẫu thuật đục thủy tinh thể

Trước phẫu thuật:

  • Bác sĩ phẫu thuật mắt (bác sĩ nhãn khoa) sẽ đo kích thước và hình dạng của mắt và đường cong của giác mạc để đặt thấu kính mới lấy nét phù hợp. Bác sĩ cũng sẽ hỏi về bất kỳ loại thuốc nào người bệnh đang dùng, vì có thể bạn cần ngừng dùng những loại thuốc có thể ảnh hưởng đến phẫu thuật hoặc quá trình phục hồi. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh hoặc steroid để bạn sử dụng trước và sau khi làm phẫu thuật để ngăn ngừa nhiễm trùng và sưng tấy.

Trong phẫu thuật:

  • Nhân viên y tế sẽ rửa vùng xung quanh mắt và làm giãn (mở rộng) đồng tử bằng thuốc nhỏ. Người bệnh được gây tê ở mắt. Thông thường, phẫu thuật đục thủy tinh thể không đau và kéo dài chưa đến 1 giờ. Người bệnh có thể nhìn thấy một số ánh sáng hoặc chuyển động, nhưng sẽ không nhìn thấy điều gì đang xảy ra với mắt của mình. Bệnh nhân sẽ được theo dõi trong khoảng 30 phút sau đó để đảm bảo sức khỏe, sau đó có thể về nhà.

Sau phẫu thuật:

  • Bệnh nhân được sử dụng một miếng che mắt bảo vệ để đeo vào ban đêm và thuốc nhỏ mắt sử dụng trong vài tuần giúp vết phẫu thuật mau lành. Bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn cho bạn những việc nên hoặc không nên làm trong tuần tiếp theo hoặc hơn. Bệnh nhân cũng sẽ có lịch tái khám sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể để kiểm tra tình trạng. Sau phẫu thuật, thị lực có thể hơi mờ nhưng sẽ bạn sẽ nhìn tốt hơn trong vài ngày sau và mắt hoàn toàn lành lặn trong vòng 8 tuần.

6. Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, khi nào cần liên lạc với bác sĩ?

Sau phẫu thuật, mắt có thể hơi nhạy cảm, cộm và chảy lệ trong vài ngày, điều này hoàn toàn là bình thường. Mắt cũng có thể nhạy cảm hơn với ánh sáng hoặc người bệnh thấy mọi thứ có màu đỏ, hồng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề nghiêm trọng và cũng không phổ biến. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, bạn hãy liên lạc với bác sĩ:

  • Mất thị lực;
  • Cơn đau ở mắt không giảm dù đã dùng thuốc giảm đau;
  • Đỏ mắt nặng;
  • Nhìn thấy những tia sáng lóe lên hoặc những đám mây trôi.

=>>Lời khuyên từ Thạc sĩ, Bác sĩ Hoàng Thanh Nga - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long: Khi có biểu hiện bất thường sau phẫu thuật cần đi khám ngay để điều trị, tránh biến chứng ảnh hưởng đến thị lực và chức năng của mắt.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán đục thủy tinh thể

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

981 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan