Điều trị hội chứng thận hư cần lưu ý những điều gì

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận – Lọc máu – Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hội chứng thận hư là một bệnh lý phổ biến nhưng việc điều trị khá phức tạp. Điều trị hội chứng thận hư đòi hỏi phải kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh, điều trị được các nguyên nhân gây bệnh và tránh các biến chứng của thuốc.

1. Hội chứng thận hư là gì?

Thận là cơ quan thuộc hệ tiết niệu, chức năng chủ yếu của thận là lọc máu cho cơ thể, đào thải những chất độc hại có trong máu ra ngoài thông qua đường tiểu. Máu sau khi đã được lọc qua thận sẽ quay về các cơ quan khác trong cơ thể, tạo ra một vòng tuần hoàn.

Hội chứng thận hư là hội chứng xuất hiện khi có tổn thương viêm ở cầu thận. Đặc trưng của hội chứng thận hư là phù, mức protein niệu cao, mức protein máu giảm, rối loạn lipid máu và có thể tiểu ra mỡ.

Hội chứng thận hư đa phần không có nguyên nhân rõ ràng. Thuốc điều trị chính là thuốc ức chế miễn dịch, mức độ đáp ứng tùy từng loại sang thương cầu thận và tác dụng phụ tăng lên khi sử dụng kéo dài. Tuy nhiên, người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ và thông báo những tác dụng phụ không mong muốn để bác sĩ điều chỉnh toa nhằm đạt mục tiêu điều trị, không nên bỏ thuốc giữa chừng.

Hội chứng thận hư xuất hiện khi chức năng thận bị suy yếu
Hội chứng thận hư xuất hiện khi chức năng thận bị suy yếu

2. Mục tiêu chính khi điều trị hội chứng thận hư là gì?

2.1 Giảm phù

Phù trong hội chứng thận hư là dạng phù rất đặc trưng. Người bệnh có thể phù toàn thân, phù mềm, dùng tay ấn lõm. Thường thấy nhiều nhất là phù ở mặt, phù ở hốc mắt làm cho mắt khó mở, phù trước cẳng chân, phù ở các khoang trống của cơ thể như khoang màng bụng, khoang màng phổi.

2.2 Giảm hiện tượng mất protein qua nước tiểu

Sự mất protein qua nước tiểu có thể xem là nguyên nhân gây ra mọi rối loạn như: phù, dễ chảy máu, nhiễm trùng... Việc điều trị protein niệu là rất quan trọng để khống chế không protein đi qua nước tiểu, giữ lại được protein và hỗ trợ cho việc chống phù.

2.3 Giảm viêm ở cầu thận

Đây được xem là mục tiêu lớn nhất và là mục tiêu cuối cùng trong điều trị hội chứng thận hư. Khi viêm ở cầu thận được giải quyết, nó sẽ giải quyết được tất cả mọi rối loạn. Giảm viêm ở cầu thận không phải là dùng các thuốc chống viêm để điều trị mà phải sử dụng theo liệu pháp ức chế miễn dịch, còn gọi là liệu pháp corticoid.

Các thuốc điều trị khác chỉ giúp đáp ứng mục tiêu nhỏ và riêng rẽ ở từng trường hợp. Tuỳ thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh mà tiến hành điều trị cho hợp lý.

3. Lưu ý khi điều trị hội chứng thận hư

3.1 Lưu ý khi sử dụng liệu pháp corticoid

Người bệnh bị hội chứng thận hư nguyên phát thường được điều trị bằng corticoid. Liệu pháp corticoid thường dùng là prednisolon, duy trì 12-20 tuần, việc điều trị duy trì trong khoảng thời gian này thông thường đã giải quyết được bệnh.

Tuy nhiên, hội chứng thận hư là bệnh mà người bệnh phải gánh chịu những tác dụng phụ của corticoid nặng nề. Vì liều dùng corticoid thường khá cao, thời gian trị kéo dài nên dẫn đến hiện tượng giữ nước, phù, mặt tròn như mặt trăng, và hay ửng đỏ, đây là những tác dụng phụ dễ thấy nhất. Ngoài ra, loãng xương hay gãy xương, loét dạ dày, rối loạn điện giải là những là những đặc điểm cần lưu ý tiếp theo. Nữ giới điều trị hội chứng thận hư có thể bị nam hoá, thay đổi tính tình, làn da thô ráp...

Để sử dụng corticoid an toàn, trong thời gian trị bệnh, người bệnh nên ăn nhạt, ăn các thực phẩm lợi tiểu như rau cải để giảm bớt phù, tránh thực phẩm chua cay để hạn chế gây hại cho dạ dày, gợi ý nên uống nước râu ngô thay nước lọc hàng ngày để hỗ trợ điều trị bệnh. Người bệnh cần lưu ý nên uống corticoid lúc ăn hoặc sau ăn, không uống lúc bụng đói và nên uống sau 8 giờ sáng.

Corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng cho người bệnh
Corticoid gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng cho người bệnh

3.2 Lưu ý khi dùng thuốc ức chế miễn dịch

Các thuốc ức chế miễn dịch: cyclophosphamide, cyclosporine, mycophenolate, rituximab... được sử dụng khi người bệnh không đáp ứng với corticoid. Đây thường là những bệnh nhân tổn thương quá nặng hoặc là kháng trị với corticoid.

  • Cyclophosphamide: lưu ý có thể bị thiếu máu do suy tủy xương, dễ rụng tóc, dễ nhiễm ký sinh trùng, gây ung thư hoá, gây đột biến và có thể gây vô sinh.
  • Cyclosporine: Lưu ý những biến chứng điển hình của thuốc này là: mọc lông, rụng tóc, phì đại lợi quá mức (rất điển hình và dễ xuất hiện).
  • Rituximab là một thuốc hiệu quả trong một số trường hợp bệnh kháng lại với prednisolone. Đây là một kháng thể chống lại kháng nguyên CD20 của tế bào lympho B, có khả năng ức chế miễn dịch mạnh.

Khi dùng những thuốc ức chế miễn dịch là nên xây dựng một chế độ ăn giàu chất lợi tiểu, giúp nhanh chóng thải thuốc ra ngoài. Không nên uống các thuốc đông y đi kèm. Lưu ý, trong thời gian dùng thuốc, người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng, do đó cần tránh những tổn thương để tránh nhiễm trùng da, vì khả năng lành bệnh và chống nhiễm trùng của cơ thể người bệnh sau khi dùng thuốc rất kém.

3.3 Lưu ý khi sử dụng thuốc lợi tiểu

Hai thuốc lợi tiểu thường dùng là furosemid và spironolactone. Dù phù do bất cứ nguyên nhân nào thì thuốc lợi tiểu cũng đều cho tác dụng nhanh và tức thời. Tuy nhiên, lưu ý là không được dùng thuốc lợi tiểu quá gần nhau vì sẽ gây mất nước quá nhiều, rối loạn cân bằng nước điện giải. Cụ thể là không dùng 2 liều liên tục trong vòng 6-8 tiếng.

Khi dùng thuốc lợi tiểu, người bệnh phải ăn nhạt và không nên dùng thuốc vào buổi tối để tránh mất ngủ. Khi người bệnh bị dị ứng, chuột rút, mất nước và điện giải nhiều gây khô môi - miệng quá mức, khi đó cần giảm liều thuốc vì cơ thể đang thải nước quá mức. Vì vật, không nên tự ý dùng thuốc lợi tiểu liều cao vì có thể gây ra rối loạn nước và điện giải thứ phát.

3.3 Lưu ý khi dùng thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II

Các thuốc ức chế men chuyển như lisinopril, captopril... và chẹn thụ thể angiotensin II như valsartan, losartan... không chỉ được dùng với mục tiêu hạ huyết áp mà còn có khả năng làm giảm hiện tượng mất protein qua nước tiểu, đặc biệt nhất là lisinopril cho tác dụng rất rõ ràng.

Các thử nghiệm cho thấy rằng nếu dùng lisinopril và một số thuốc ức chế men chuyển có thể giúp làm giảm khá tốt nồng độ protein trong nước tiểu của người bệnh. Mức độ giảm còn phụ thuộc vào liều sử dụng, tuy nhiên thường giảm từ 30-80% lượng protein niệu.

Tác dụng phụ cần lưu ý của các thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho, đặc biệt là ở người cao tuổi. Nếu dùng thuốc gặp phải tác dụng phụ gây ho nặng thì phải ngừng sử dụng và thay bằng thuốc kháng chẹn thụ thể angiotensin II.

Một số tác dụng phụ khác cần lưu ý là đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, dị ứng thuốc, khó thở, đau ngực, rối loạn nhịp tim, viêm gan, nôn, buồn nôn, ngứa, sốt, khó thở, thắt bóp ở ngực thì phải ngừng thuốc và đi viện kiểm tra, rất có thể một phản ứng cấp tính nào đó đang xảy ra (tuy nhiên rất hiếm gặp).

Trong thời gian điều trị bằng các nhóm thuốc này, người bệnh không nên vận động nặng, không nên chạy nhảy hay tập thể dục thể thao vì những hoạt động mạnh sẽ làm thận phải hoạt động nhiều hơn, dẫn đến các chuyển động cơ học mạnh khiến thận tổn thương nhiều hơn, protein thoát ra trong nước tiểu sẽ càng nhiều. Người bệnh cần tiến hành kiểm tra protein niệu thường xuyên, 3 ngày 1 lần để được điều chỉnh giảm liều ngay khi có thể.

Các thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho ở người cao tuổi
Các thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho ở người cao tuổi

4. Lời khuyên của bác sĩ khi điều trị hội chứng thận hư

  • Bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ và tự xây dựng chế độ sinh hoạt khoa học.
  • Hạn chế chất béo, ăn ít mỡ như trứng, sữa, thịt nạc.
  • Tuyệt đối kiêng sử dụng muối, mì chính, nước mắm, nước tương... trong các bữa ăn.
  • Cần uống đủ 2 lít nước/ngày
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất từ hoa quả, rau xanh và thêm vào chế độ ăn các loại thực phẩm giàu canxi.
  • Các loại thuốc chữa bệnh (corticoid, thuốc lợi tiểu, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau...) phải được dùng đúng cách. Các thuốc nếu được sử dụng đúng liều lượng và chỉ định sẽ giúp bệnh cải thiện nhanh, giúp thời gian điều rút ngắn.
  • Không hút thuốc lá, uống rượu bia hoặc các chất kích thích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan