Điều trị viêm họng áp-tơ thế nào?

Viêm họng áp tơ gây ra nhiều đau đớn, khó chịu cho người bệnh ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Do vậy việc chẩn đoán và phối hợp nhiều phương pháp điều trị giúp bệnh nhanh khỏi và tránh tái phát.

1. Tìm hiểu về viêm họng áp tơ

Bệnh viêm họng áp-tơ là một trong những bệnh phổ biến về tổn niêm mạc miệng. Đặc trưng bởi vết loét nhỏ dưới 1cm, hình bầu dục hoặc tròn có bờ màu đỏ, phủ lên giả mạc vàng xám và có quầng đỏ xung quanh vết loét, xuất hiện tại vùng hầu họng kèm theo bệnh nhân đau xót nhiều.

Viêm họng áp-tơ là một bệnh chưa rõ nguyên nhân, có một số yếu tố được coi như nguyên nhân gây bệnh: thiếu vitamin B12, PP, B6, acid folic, sắt, do vi khuẩn hay siêu vi trùng, do dị ứng thuốc hay thức ăn, do rối loạn nội tiết, di truyền, rối loạn miễn dịch, stress, chấn thương vùng miệng họng,..

Triệu chứng của bệnh thường đau, khó chịu, ăn uống kém, thường không sốt và không nổi hạch.

Viêm họng hạt hốc mủ
Viêm họng áp tơ thường gây ra cảm giác đau đớn khó chịu cho người bệnh

2. Điều trị viêm họng áp-tơ

Nguyên tắc điều trị:

  • Không cần điều trị bằng thuốc trong trường hợp nhẹ ở người trẻ có sức đề kháng tốt. Bệnh có thể tự khỏi hoàn toàn trong vòng 2 tuần. Chỉ cần thiết dùng nước vệ sinh răng miệng và thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp tránh bệnh nặng thêm.
  • Trường hợp thấy đỏ đau nhiều hơn kèm sốt, mệt mỏi có thể nghi ngờ nhiễm khuẩn và dùng kháng sinh theo đúng chỉ định của thầy thuốc.
  • Nếu viêm họng áp tơ kéo dài trên 3 tuần mà không có dấu hiệu tự lành cần kiểm tra, tiến hành sinh thiết tại bệnh viện để loại trừ các bệnh lý ác tính khác.
  • Chế độ dinh dưỡng lành mạnh có thể giảm bớt khó chịu và tránh tái phát.
  • Dùng thuốc giảm đau như Acetaminophen nếu đau nhiều, kháng sinh trong trường hợp bội nhiễm vi khuẩn.
  • Điều trị bằng 1 số thuốc bôi, nước súc miệng hay biện pháp tại nhà giúp làm lành vết loét.

Điều trị cụ thể

  • Nước súc miệng có chứa Chlorhexidine: làm giảm đau, mau lành vết thương, ngăn ngừa bội nhiễm vết loét nhưng không làm giảm hình thành vết loét mới. Thường được dùng 2 lần một ngày. Ngoài ra có thể súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%, rửa miệng có chứa dexamethasone, steroid để giảm đau và viêm trong trường hợp nặng.
Nước súc miệng
Sử dụng nước súc miệng có chứa Chlorhexidine để giảm đau và mau lành vết thương
  • Thuốc bôi tại chỗ: có thể dùng thuốc kháng viêm có chứa triamcinolone hoặc acetonide và thuốc điều hòa miễn dịch cyclosporin, thuốc retinoid, nitrate bạc bôi lên tổn thương, giúp bớt đau ngay sau khi bôi và lành vết loét trong vòng 3 - 5 ngày.
  • Thuốc uống chống viêm steroid: giảm đau, làm vết thương mau lành. Một số thuốc chống ợ nóng cimetidine (Tagamet) và colchicine,thường được sử dụng để điều trị bệnh gút, có thể hữu ích cho các viêm loét đau miệng, prednisolon, thuốc kháng sinh nếu có bội nhiễm vi khuẩn. Tuy nhiên cần lưu ý các tác dụng không mong muốn của những thuốc này
  • Bổ sung dinh dưỡng, bác sĩ có thể quy định bổ sung dinh dưỡng nếu tiêu thụ lượng thấp các chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như (axit folic) folate, vitamin B-6, vitamin B-12 và kẽm, sắt,...

3. Phòng tái phát

  • Đánh răng nhẹ nhàng, bằng cách sử dụng bàn chải mềm và kem đánh răng tránh các chấn thương vùng miệng họng.
  • Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Thường xuyên ăn sữa chua có chứa các vi khuẩn có lợi hoặc cũng có thể giúp tránh viêm loét đau miệng.
Ăn trái cây cũng có thể khiến bạn tăng cân
Bổ sung nhiều rau và trái cây cũng giúp ngăn ngừa bệnh tái phát

  • Kem đánh răng và nước súc miệng có chứa sodium lauryl sulfate hoặc nước muối sinh lý hàng ngày.
  • Cố gắng tránh các loại thực phẩm có vẻ như gây kích ứng miệng họng như các loại hạt, khoai tây chiên, bánh quy, gia vị, thức ăn mặn, chiên rán, hải sản,...
  • Tránh ăn uống các loại thức ăn có tính chất kích thích tại chỗ như: các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay, caffeine, rượu bia.
  • Tránh thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc, lao động vừa sức, nghỉ ngơi hợp lý tránh mệt kéo dài dễ tái phát bệnh
  • Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm họng áp- tơ thường xuyên, cần súc miệng bằng dung dịch chlorhexidine 0,12% giúp phòng bệnh hiệu quả, ngăn ngừa bội nhiễm

Nếu có các biểu hiện vết loét phát triển nhiều, lớn hơn một cách bất thường so với các triệu chứng đã nêu ở trên; vết loét kéo dài trên 3 tuần; không giảm đau mặc dù đã dùng các thuốc giảm đau; sốt cao hoặc sốt vừa nhưng kéo dài nhiều ngày. Khách hàng nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn và thăm khám.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.6K

Dịch vụ từ Vinmec