Hạ oxy máu (oxy máu thấp): Mức độ nào là nguy hiểm?

Mức oxy trong máu chính là thước đo lượng oxy mà các tế bào hồng cầu mang theo trong cơ thể. Việc duy trì sự cân bằng độ bão hòa oxy trong máu là một điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe tổng thể của con người. Đặc biệt, những người có các căn bệnh mãn tính, bao gồm hen suyễn, tim mạch, hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cần phải theo dõi nồng độ oxy trong máu thường xuyên.

1. Hạ oxy máu là gì?

Hạ oxy máu là tình trạng lượng oxy có trong máu và các động mạch ở dưới mức bình thường. Đây là biểu hiện của một vấn đề có liên quan đến hô hấp hoặc tuần hoàn và có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, điển hình là khó thở.

Thông thường, hạ oxy máu sẽ được xác định thông qua việc đo nồng độ oxy trong mẫu máu lấy từ động mạch, hay còn gọi là khí máu động mạch. Ngoài ra, nó cũng có thể được ước lượng bằng cách đo độ bão hòa oxy có trong máu nhờ vào máy đo oxy xung- một thiết bị có kích thước nhỏ, được kẹp vào đầu ngón tay của bạn.

Mức oxy bình thường của một người khỏe mạnh là từ 75-100 milimet thủy ngân (mmHg). Nếu giá trị dưới 60 mmHg thì cơ thể cần phải nhanh chóng bổ sung lượng oxy cần thiết.

2. Mức oxy trong máu được đo như thế nào?

Phương pháp phổ biến nhất thường được sử dụng để theo dõi nồng độ oxy trong máu là thực hiện xét nghiệm khí máu động mạch, hoặc xét nghiệm ABG. Đối với các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu từ động mạch ở cổ tay của bệnh nhân, sau đó đem đến phòng thí nghiệm để phân tích. Đây là một phương pháp giúp xác định rất chính xác mức oxy trong máu, tuy nhiên bạn có thể cảm thấy hơi đau khi thực hiện xét nghiệm này.

Đối với xét nghiệm ABG thường khó có thể tự thực hiện tại nhà, do đó bạn có thể lựa chọn sử dụng một thiết bị thay thế, có tên là máy đo oxy xung. Chiếc máy này có kích cỡ vô cùng nhỏ gọn, được kẹp trên đầu ngón tay, đôi khi là tai hoặc ngón chân. Đây là một thiết bị không xâm lấn, có thể ước tính lượng oxy trong máu gián tiếp bằng cách gửi ánh sáng hồng ngoại vào các mao mạch ở ngón tay. Chỉ số SpO2 sẽ cho biết bao nhiêu phần trăm máu của bạn đã bão hòa. Tuy nhiên, chỉ số nhận được có thể cao hơn hoặc thấp hơn 2% so với mức oxy trong máu thực tế của bạn.

Mức oxy trong máu được đo
Mức oxy trong máu được đo bằng cách kẹp thiết bị đo vào đầu ngón tay người bệnh

Mặc dù việc sử dụng máy đo oxy xung đem đến sự tiện lợi, nhanh hơn, dễ dàng hơn và không gây đau đớn, tuy nhiên nó thường có độ chính xác kém hơn so với xét nghiệm ABG. Điều này có thể xuất phát từ các yếu tố như sơn móng tay, ngón tay bẩn, hoặc tứ chi lạnh. Vì vậy, trước khi tiến hành đo mức oxy trong máu bằng máy đo oxy xung, bạn cần phải loại bỏ bất kỳ chất đánh bóng nào ra khỏi móng tay để kết quả thu được có độ chính xác hơn.

3. Nồng độ oxy trong máu như thế nào là bình thường?

  • Mức bình thường

Đối với xét nghiệm ABG, mức oxy trong máu bình thường sẽ dao động từ 80-100 milimet thủy ngân (mmHg). Nếu bạn đo nồng độ oxy trong máu bằng máy oxy xung, chỉ số SpO2 bình thường sẽ nằm trong khoảng từ 95-100 %. Tuy nhiên, đối với những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) nặng thường phải duy trì nồng độ oxy xung (SpO2) từ 88-92%.

  • Dưới mức bình thường

Khi nồng độ oxy trong máu ở dưới mức bình thường sẽ được coi là hạ oxy máu (oxy máu thấp). Nồng độ oxy trong máu càng thấp sẽ chứng tỏ tình trạng thiếu oxy càng nghiêm trọng. Tình trạng này thường dẫn đến một số vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt là các biến chứng trong một số mô hay cơ quan của cơ thể.

Thông thường, chỉ số PaO2 (phân áp oxy máu động mạch) dưới 80mmHg hoặc SpO2 dưới 95% sẽ được xem là thấp. Đặc biệt, những người bị mắc bệnh phổi mãn tính cần tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để biết được phạm vi mức oxy trong máu bình thường của mình là bao nhiêu.

Khi nồng độ oxy trong máu quá thấp so với mức trung bình của một người khỏe mạnh, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng thiếu oxy máu. Điều này có thể làm cản trở và gây ra một số khó khăn nhất định khi cung cấp oxy cho tất cả các mô, tế bào và cơ quan của toàn bộ cơ thể.

  • Trên mức bình thường

Đa số các trường hợp có nồng độ oxy trong máu cao đều sử dụng oxy bổ sung. Sự bất thường này có thể phát hiện được thông qua xét nghiệm ABG.

SPO2 là chỉ số gì?
Chỉ số SpO2 được hiển thị trên màn hình thiết bị đo nồng độ oxy trong máu

4. Triệu chứng của hạ oxy máu

Khi mức oxy trong máu thấp dưới mức bình thường, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng sau:

Nếu tình trạng hạ oxy máu không được cải thiện, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng tím tái, điển hình là sự thay đổi màu sắc của móng tay, da và niêm mạc. Hội chứng xanh tím da (Cyanosis) được coi là một tình trạng y tế khẩn cấp, và bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức, bởi vì Cyanosis có thể dẫn đến suy hô hấp, gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

5. Nguyên nhân gây hạ oxy máu


Dưới đây là một số nhân tố có thể dẫn đến tình trạng hạ oxy máu, bao gồm:

  • Vấn đề về chức năng phổi: Phổi không có khả năng nhận và gửi oxy đến tất cả các tế bào và mô của cơ thể
  • Không có đủ lượng oxy trong không khí
  • Không có khả năng lưu thông máu đến phổi, thu thập oxy và vận chuyển nó đi khắp cơ thể
Những thăm dò quan trọng giúp phát hiện và hỗ trợ điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Bệnh nhân mắc bệnh lý về phổi có thể gây tình trạng hạ oxy máu

Ngoài ra, một số điều kiện y tế khác cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới mức oxy trong máu, bao gồm:

  • Viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng
  • Hen suyễn
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hoặc COPD
  • Bệnh phổi kẽ
  • Hội chứng suy hô hấp cấp tính hoặc ARDS
  • Bệnh tim, bao gồm cả bệnh tim bẩm sinh
  • Thiếu máu
  • Vỡ phổi
  • Tắc nghẽn động mạch trong phổi do cục máu đông
  • Chất lỏng dư thừa trong phổi
  • Thuyên tắc phổi
  • Xơ phổi, sẹo và tổn thương phổi
  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm thuốc giảm đau hoặc các chất gây nghiện

Bất kỳ một vấn đề về sức khỏe hay sự rối loạn nào cũng có thể khiến cho mức độ bão hòa oxy bị giảm xuống. Khi đó, cơ thể sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng thiếu oxy.

Ngoài ra, đối với những người thường xuyên hút thuốc lá thường khó xác định chính xác được chỉ số SpO2, bởi vì hút thuốc sẽ làm cho carbon monoxide tích tụ lại trong máu, và khiến cho máy đo oxy cũng không thể phân biệt được giữa các loại khí với nhau. Để biết được chính xác mức oxy trong máu, cách duy nhất là thực hiện xét nghiệm ABG.

Xét nghiệm
Người bệnh cần thực hiện xét nghiệm ABG để xác định chính xác nồng độ oxy trong máu

6. Cần đi khám bác sĩ khi nào?

Bạn cần phải đi khám bác sĩ nếu đang trong các tình trạng sau:

  • Bị khó thở đột ngột và nặng
  • Khó thở trầm trọng khi tập thể dục hoặc thực hiện các hoạt động thể chất
  • Cảm thấy khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi
  • Có cảm giác nghẹt thở sau khi thức dậy đột ngột
  • Ở độ cao trên 8.000 feet hoặc 2.400 mét, và bị khó thở nghiêm trọng, kèm theo nhịp tim nhanh, ho, hoặc cơ thể giữ nước.

7. Điều trị hạ oxy máu

Điều đầu tiên trong các bước điều trị hạ oxy máu là bổ xung oxy thông qua liệu pháp oxy tại nhà.

Bên cạnh đó, một số biện pháp tự chăm sóc cũng có thể được thực hiện nhằm làm giảm bớt các triệu chứng khó thở, đồng thời cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống nói chung cho người bệnh. Những biện pháp này, bao gồm:

  • Từ bỏ hút thuốc lá
  • Tránh tiếp xúc nhiều với môi trường có khói thuốc
  • Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, chẳng hạn như đi bộ, đạp xe,...
  • Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả tươi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: medicalnewstoday.com, healthline.com, mayoclinic.org

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

193.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan