Hình ảnh tràn khí màng phổi trên xquang

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đình Hùng - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Và Bác sĩ chuyên khoa I Võ Công Hiền - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tràn khí màng phổi là một tình trạng rối loạn hô hấp phổ biến, xảy ra trong nhiều bệnh lý khác nhau và có thể gặp ở bất kỳ tuổi nào. Chụp X quang tràn khí màng phổi là một phương pháp giúp chẩn đoán xác định tình trạng này.

1. Tìm hiểu về tràn khí màng phổi

1.1 Giải phẫu và sinh lý màng phổi

Về giải phẫu, màng phổi là 2 lớp thanh mạc bao quanh phổi, bao gồm:

  • Lá thành: Là bộ phận che phủ mặt trong lồng ngực, vị trí mặt trên cơ hoành, các cấu trúc trung thất;
  • Lá tạng: Dính chặt vào mặt ngoài nhu mô phổi, lách vào khe gian thùy phổi.

Ở rốn phổi, lá tạng quặt ngược ra để tạo sự liên kết với lá thành. Giữa 2 màng phổi là khoang màng phổi chứa dịch lỏng.

Về sinh lý, bình thường lá thành và lá tạng gần như áp sát nhau, chỉ cách nhau một lớp dịch mỏng giúp giảm ma sát khi chúng trượt lên nhau ở thời điểm phổi và lồng ngực co giãn. Bình thường sẽ không có khí hiện diện trong khoang màng phổi. Khi chúng ta hít vào, thể tích lồng ngực sẽ tăng lên, lá thành đi theo lồng ngực tách khỏi lá tạng, tạo nên một áp lực âm trong khoang màng phổi, có tác dụng kéo giãn phổi. Lá tạng cùng nhu mô phổi phải nở ra nhằm cân bằng áp lực trong khoang màng phổi.

1.2 Tràn khí màng phổi là gì?

Tràn khí màng phổi là tình trạng có không khí lọt vào giữa 2 lá màng phổi, làm xẹp phổi. Không khí có thể đi vào khoang màng phổi theo 1 trong 3 con đường:

  • Qua đường thở, phế nang vào màng phổi do nguyên nhân rách lá tạng;
  • Qua thành ngực, cơ hoành, trung thất hoặc thực quản ở trường hợp có vết thương xuyên thành ngực;
  • Do các vi sinh vật trong khoang màng phổi sản sinh không khí.

Tràn khí màng phổi được phân thành 2 loại:

Triệu chứng hay gặp ở bệnh nhân tràn khí màng phổi là khởi phát đột ngột, đau ngực dữ dội, khó thở, ngột ngạt, có thể ho khan. Bệnh nhân có thể bị sốt. Với trường hợp bị tràn khí màng phổi nhiều, người bệnh bị khó thở nặng, có biểu hiện suy hô hấp cấp (tím tái, mạch nhanh, tụt huyết áp, vật vã,...).

Các phương pháp chẩn đoán tràn khí màng phổi gồm: Khám lâm sàng, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, soi màng phổi,...

tràn khí màng phổi tự phát
Tràn khí màng khổi tự phát

2. Phương pháp chụp X-quang chẩn đoán tràn khí màng phổi

2.1 Chụp X-quang là gì?

X-quang là một loại tia bức xạ năng lượng cao. Máy chụp X-quang là thiết bị phát ra các chùm tia X có bức xạ cao. Các tia X này sẽ đi xuyên qua các mô mềm, các thành phần dịch trong cơ thể, thu được hình ảnh các bộ phận như tim, phổi, xương, mạch máu,... Thông qua hình ảnh được thu lại, các bác sĩ sẽ dựa vào đó để chẩn đoán các tình trạng bệnh cho bệnh nhân.

Về quy trình chụp X-quang: Các kỹ thuật viên sẽ yêu cầu bệnh nhân ngồi, nằm hoặc đứng tùy thuộc vào máy chụp. Phía sau bộ phận cần chụp được đặt phim X-quang. Máy chụp sẽ chiếu tia X đi xuyên qua cơ thể, khi tia X gặp phim X-quang sẽ tạo ra hình ảnh. Càng có nhiều tia X chiếu đến phim thì hình ghi lại sẽ càng đen. Theo đó, những bộ phận cơ thể đặc sẽ tạo thành vùng màu trắng, còn phần cơ thể rỗng hoặc đầy khí sẽ cho hình ảnh đen. Hình ảnh ghi lại các mô mềm như tạng đặc hoặc cơ trong cơ thể thường có màu xám. Từ hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ đọc phim X-quang và chẩn đoán.

Xquang phổi
Chụp X quang cho phép chẩn đoán bệnh tràn khí màng phổi

2.2 Hình ảnh tràn khí màng phổi trên X-quang

X-quang ngực là kỹ thuật được sử dụng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ tràn khí màng phổi. Hình ảnh tràn khí màng phổi X Quang là: Hình ảnh tăng sáng không có vân của phổi, phổi bị ép lại, nhìn thấy đường viền lá tạng rõ nét, đôi khi thu nhỏ lại thành một cục giống với khối u ở vùng rốn phổi, gian sườn bị giãn, vòm hoành hạ thấp, đẩy tim và trung thất.

Chụp X quang tràn khí màng phổi có thể bị hạn chế nếu người bệnh được chụp ở tư thế nằm, nửa nằm nửa ngồi hoặc tràn khí ít. Với trường hợp không nhìn rõ hình ảnh tràn khí màng phổi trên phim chụp X-quang mà vẫn nghi ngờ tràn khí hoặc tràn khí ít thì nên chỉ định chụp X-quang bệnh nhân ở tư thế ngực thẳng và thở ra tối đa sẽ phát hiện rõ ràng hình ảnh tràn khí màng phổi.

Khi chụp X-quang cần phân biệt tràn khí màng phổi với bóng khí phế thũng lớn bởi nếu dẫn lưu nhầm bóng khí phế thũng thì có thể gây rò phế quản - màng phổi. Trên phim chụp X-quang, tràn khí màng phổi có đặc điểm bờ lá tạng lồi về thành ngực. Ngược lại, trên phim chụp X-quang, bóng khí phế thũng có đặc điểm bờ lá tạng lõm về thành ngực.

Lưu ý: Nhiều trường hợp tràn khí màng phổi cần kết hợp chụp X-quang với chụp cắt lớp vi tính (CT scan) để xác định chẩn đoán.

Chụp X-quang là phương pháp chẩn đoán tràn khí màng phổi chính xác, đơn giản, dễ thực hiện. Khi được chỉ định chụp X-quang, bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn chi tiết của nhân viên y tế để thu được kết quả chẩn đoán chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan