Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS)

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Những năm gần đây, hồi sức nội khoa xuất hiện hội chứng bệnh lý ở phổi rất đặc biệt, có tên là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ARDS. Hội chứng được mô tả năm 1967 này đến nay đã thu hút rất nhiều công trình y học nghiên cứu.

1. Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển ARDS là gì?

Hội chứng suy hô hấp tiến triển ARDS lần đầu tiên được y học mô tả vào năm 1967 bởi Ashbaugh và cộng sự. ARDS là một hội chứng bệnh lý mà màng phế nang mao mạch phổi bị tổn thương cấp tính, dẫn tới suy hô hấp nặng, cơ thể không đáp ứng được với thở oxy liều cao.

Khi đó, phổi bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển ARDS chia thành 3 vùng rõ rệt gồm:

Vùng lành

Phổi tại đây vẫn bình thường, độ giãn nở và đàn hồi bình thường.

Vùng động viên được

Phổi bệnh nhân suy hô hấp ARDS có một vùng các phế nang ở bìa xép xuống, cùng các phế quản nhỏ. Vùng này có thể hoạt động bình thường nếu động viên bằng PEEP.

Vùng bệnh

Tùy theo tình trạng và tiến triển của nguy kịch hô hấp mà vùng phổi này có thể nặng, đỏ kiểu can hóa hoặc xám kiểu xơ hóa nhẹ hơn. Màng phế nang mao mạch tổn thương nhiều lớp, lớp thượng bì cũng bị phá hủy, lớp kẽ bị phù nề với albumin và fibroin. Nhiều mạch máu ở nội mạc mao mạch bị tắc do tích tụ fibroin.

Tổn thương này gây phù vách phế nang, độ đàn hồi giảm, đồng thời protein thoát ra ngoài tổ chức kẽ, làm màng phế nang dày lên và xơ hóa. Chức năng phổi bị suy giảm không thể phục hồi hoàn toàn.

hội chứng suy hô hấp
Hội chứng suy hô hấp gây tồn thương nghiêm trọng tới phổi

2. Triệu chứng của suy hô hấp ARDS

Theo từng giai đoạn, suy hô hấp tiến triển gây nhiều triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.

Triệu chứng lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng cấp tính diễn ra trong 4 – 48 giờ sau nguyên nhân tại phổi hoặc toàn thân. Chẩn đoán suy hô hấp cấp tiến triển thành 4 giai đoạn:

Giai đoạn 1

Phổi lúc này đã bị tổn thương nhưng phổi chưa có tiếng rên, X-quang phổi vẫn sáng. Có tăng thông khí gây kiềm hô hấp.

Giai đoạn 2

Bệnh nhân chỉ hơi khó thở, lồng ngực còn di động tốt, biểu hiện kéo dài từ 1 – 3 ngày.

Giai đoạn 3

Bệnh nhân khó thở, nhịp thở càng lúc càng nhanh, xanh tím và mồ hôi. Rối loạn ý thức có thể xảy ra. Khi khám phổi thấy lồng ngực bắt đầu di động kém.

Giai đoạn 4

Tăng PaCO2 và giảm PaO2 toan chuyển hóa cuối cùng, bệnh nhân rơi vào hôn mê và suy cơ tim do thiếu oxy.

Triệu chứng cận lâm sàng

Triệu chứng cận lâm sàng của ARDS:

  • PaCO2 bình thường, có thể hơi giảm, tăng cao khi tổn thương phổi lớn;
  • Áp lực keo huyết tương giảm;
  • SaO2 và PaO2 rất thấp;
  • Hình ảnh chụp phổi thấy: có tổn thương phối hợp hoặc có viêm phế quản, phế viêm, viêm phổi khối gây ARDS. Hai phổi mờ, kiểu phổi trắng, hình cánh bướm mờ rải rác;
  • Chụp X-quang ngực thấy thâm nhiễm lan tỏa 2 bên phế trường.

3. Tiến triển và tiên lượng

Suy hô hấp cấp tiến triển ARDS nếu không điều trị sớm và đúng cách chắc chắn sẽ khiến bệnh nhân tử vong chỉ trong vài giờ hoặc vài ngày. Biến chứng gây tử vong có thể là:

  • Rối loạn ý thức, thiếu oxy não dẫn tới hôn mê
  • Mạch nhanh, huyết áp hạ dẫn tới trụy mạch

Tỉ lệ tử vong khoảng 50 – 75%. Biến chứng nếu chữa khỏi bệnh có thể là xơ phổi, tâm phế mạn, suy hô hấp mạn.

hôn mê
ARDS nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng

4. Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp tiến triển

Chẩn đoán tìm nguyên nhân gây bệnh có thể do:

Nguyên nhân tại phổi

Viêm phổi nặng là nguyên nhân gây suy hô hấp ARDS thường gặp nhất, có thể do virus (cúm A H5N1, SARS,...) hoặc do vi khuẩn (liên cầu, phế cầu, hemophilus Influenzae,...)

Ngoài ra có thể do:

  • Ngạt nước: tổn thương màng Surfactant;
  • Tiêm, hít Heroin hay sử dụng các chất ma túy khác như cocain, amphetamine,...
  • Trào ngược dịch dạ dày ở bệnh nhân say rượu hoặc hôn mê, gây tổn thương phổi diện rộng kèm xẹp phổi;
  • Chấn thương lồng ngực nặng.

Nguyên nhân ngoài phổi

Có thể do:

  • Nhiễm khuẩn nặng hoặc sốc nhiễm khuẩn;
  • Viêm tụy cấp nặng;
  • Truyền máu số lượng lớn.

5. Điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển thế nào?

Nguyên tắc chung của việc điều trị này là cần thông khí nhân tạo bảo vệ phổi, đồng thời điều trị nguyên nhân. Bao gồm:

  • Thở máy;
  • An thần – giãn cơ;
  • Đảm bảo huyết động và cân bằng dịch vào ra.

Ngoài 3 phương pháp điều trị chính trên, có thể kết hợp một số biện pháp điều trị khác như:

  • Kiểm soát Glucose máu;
  • Sử dụng liệu pháp kháng sinh chống nhiễm khuẩn;
  • Dùng heparin liều dự phòng để dự phòng tắc mạch;
  • Sử dụng phác đồ điều trị viêm phổi do cúm A nếu có Virus cúm A;
  • Dùng thuốc ức chế bơm Proton để dự phòng loét đường tiêu hóa;
  • Đảm bảo đủ hemoglobin;
  • Huy động phế nang.

Có thể thấy, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển là phản ứng phức tạp của phổi, gây hậu quả nặng nề cho phổi, tiến triển nhanh. Tuy nhiên y học hiện nay đã tìm ra nhiều biện pháp điều trị mới, giúp tăng tỷ lệ sống cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan