Hướng dẫn sử dụng dụng cụ hít thuốc trong điều trị các bệnh hô hấp

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS.BS Nguyễn Huy Nhật - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thuốc hít trong điều trị các bệnh hô hấp có rất nhiều loại và mỗi loại đều có dụng cụ hít thuốc tương ứng với dạng bào chế. Về nguyên tắc, nếu biết cách sử dụng và thực hiện trong điều kiện lý tưởng, các loại thuốc đều cho tác dụng tối đa. Tuy nhiên, trên thực tế lại không thể như vậy. Do đó, người bệnh cần phải nắm rõ các hướng dẫn sử dụng dụng cụ hít thuốc trong điều trị các bệnh hô hấp để đạt hiệu quả điều trị bệnh cao nhất.

1.Cách sử dụng bình xịt định liều

Bình xịt định liều MDI (MDI - Metered Dose Asthma Inhalers) là một dụng cụ được sử dụng để cung cấp nhiều loại thuốc hít trên đường hô hấp theo một lượng định sẵn cho từng liều.

Một bình xịt định liều MDI có cấu trúc bao gồm một ống đựng có áp suất, một van đo áp suất, thân bình đựng lọ thuốc và một bộ truyền thuốc ra ngoài. Đây được xem là dụng cụ đơn giản nhất và tiện lợi nhất, có tính di động cao nhất trong các loại thuốc xịt hen suyễn.

Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả tối ưu, người bệnh cần biết cách và thực hiện tốt cách kỹ thuật xịt thuốc, giúp thuốc lan tỏa đều và sâu vào hệ thống đường dẫn khí.

Nguyên tắc chung sử dụng bình xịt định liều MDI cho lần đầu tiên là cần phải chuẩn bị ống hít:

  • Lắc đều lọ thuốc trong năm giây.
  • Đặt lọ thuốc vào trong bình xịt định liều MDI bằng cách ấn đáy lọ thuốc xuống bằng ngón trỏ. Giữ xa mặt để tránh thuốc vào mắt.
  • Nhấn lọ xuống ba lần nữa để sẵn sàng sử dụng.
  • Sau khi sử dụng ống hít lần đầu tiên, không cần phải mồi lại trừ khi không sử dụng lọ thuốc hay cả bình xịt định liều MDI này trong hai tuần trở lên.

Hướng dẫn sử dụng bình xịt định liều sau khi đã chuẩn bị ống hít cho toàn bộ các lần sau đó đều như nhau:

  • Tháo nắp ống ngậm và kiểm tra đảm bảo thông thoáng, không có vật lạ trong các vật rời trong bình xịt định liều MDI
  • Lắc mạnh bình xịt định liều MDI trong khoảng năm giây
  • Giữ bình xịt định liều MDI thẳng đứng bằng ngón tay trỏ đặt trên đáy của lọ thuốc và ngón tay cái hỗ trợ dưới cùng của bình xịt định liều MDI
  • Thở ra bình thường qua miệng
  • Đặt ống ngậm giữa hai hàm răng và ngậm chặt môi xung quanh ống ngậm. Vị trí đặt lưỡi trong miệng không chặn lối mở của ống ngậm của bình xịt định liều
  • Nhấn ngón trỏ xuống đáy của lọ thuốc để nhả thuốc và cùng lúc thực hiện một nhát hít thở sâu và chậm qua miệng cho đến khi phổi được lấp đầy hoàn toàn, có thể sẽ mất ba đến năm giây
  • Nín thở để giữ thuốc trong phổi trong khoảng 5 đến 10 giây trước khi thở ra.
  • Kết thúc bằng cách tháo bình xịt định liều ra khỏi miệng và đậy nắp ống ngậm
Hướng dẫn sử dụng bình xịt định liều Inhaler
Bình xịt định liều cần được sử dụng đúng cách

Nếu cần một nhát thứ hai, hãy đợi khoảng 15 đến 30 giây giữa các nhát. Lặp lại từ bước mạnh bình xịt định liều MDI một lần nữa trước khi phun nhát tiếp theo.

Nếu sử dụng bình xịt định liều với loại thuốc có chứa steroid, cần súc miệng lại với nước sạch sau khi hít thuốc để loại bỏ phần thuốc dư thừa lắng đọng trong miệng, họng. Sau đó, phải nhổ nước ra, không được nuốt.

Đối với trẻ em, cách sử dụng bình xịt định liều kèm buồng đệm hay còn gọi là bình xịt định liều qua ống hít (babyhaler) cũng tuân theo trình tự như trên và thêm bước gắn các loại bình xịt định liều với buồng đệm.

Đồng thời, nếu có sử dụng mặt nạ gắn vào buồng đệm thì đặt mặt nạ phải đảm bảo vừa khít và hoàn toàn ôm trọn lên mũi và miệng của trẻ. Một khoảng rò rỉ dù rất nhỏ cũng có thể làm giảm đáng kể lượng thuốc đến phổi và mặt nạ bơm hơi mềm sẽ giúp ôm khít mặt trẻ tốt hơn so với mặt nạ cứng hay bơm hơi quá căng. Có thể sử dụng một buồng đệm cho nhiều hơn một loại thuốc bằng cách tháo bỏ bình xịt định liều MDI đầu tiên và lắp vào một loại khác.

Tuy nhiên, không được tải cả hai nhát vào buồng và sau đó yêu cầu trẻ làm trống buồng đệm chỉ với một lần hít. Cuối cùng, cha mẹ cũng cần phải lưu ý về việc vệ sinh buồng đệm, mặt nạ sau khi cho trẻ hít thuốc.

2. Cách sử dụng bình hít bột khô

Bình hít bột khô là một dụng cụ hít thuốc dưới dạng bột và cũng được định liều sẵn tương tự như các loại bình xịt định liều. Tuy nhiên, điểm khác biệt là nằm ở lực tạo ra để giúp đẩy thuốc vào trong đường hô hấp là nhờ vào lực hít của phổi thay vì thao tác ấn lọ thuốc như các loại bình xịt định liều.

Chính vì thế, cách sử dụng bình hít bột khô có ưu điểm là không đòi hỏi sự phối hợp nhất quán giữa tay ấn và miệng hít. Dù vậy, người sử dụng bình hít bột khô phải đảm bảo khả năng hít tốt, đảm bảo thuốc đi sâu và đường thở. Do đó, bình hít bột khô sẽ không thích hợp sử dụng cho người già yếu, trẻ em dưới 8 tuổi hay đang trong cơn khó thở cấp tính do bệnh lý hô hấp.

Mặc dù vậy, tính hiệu quả của bình hít bột khô vẫn phụ thuộc rất lớn vào cách sử dụng. Trước khi sử dụng bình hít bột khô mới lần đầu tiên, cần chuẩn bị như sau:

  • Tháo nắp của bình hít bột khô ra.
  • Giữ bình thuốc trong lòng bàn tay và tay còn lại xoay chốt nạp liều thuốc theo 1 hướng và xoay thêm lần nữa theo hướng ngược lại.
  • Đóng nắp lại và bình hít bột khô đã sẵn sàng để sử dụng bất cứ lúc nào.

Cách hít bình hít bột khô sau khi đã chuẩn bị trong mỗi lần dùng cần tuân theo các bước hướng dẫn dưới đây:

  • Tháo nắp của bình hít bột khô ra.
  • Giữ bình thuốc trong lòng bàn tay và tay còn lại xoay chốt nạp liều thuốc theo 1 hướng và xoay thêm lần nữa theo hướng ngược lại.
  • Giữ bình hít bột khô ra xa khỏi miệng. Thở ra tối đa nhẹ nhàng và thoải mái.
  • Đặt ống ngậm của bình hít bột khô giữa hai hàm răng, khép môi lại.
  • Hít vào thật sâu và mạnh nhất có thể qua miệng. Không nhai hoặc cắn vào ống ngậm.
  • Lấy bình hít bột khô ra khỏi miệng rồi thở ra nhẹ nhàng.
  • Nếu cần phải hít lần thứ hai, lặp lại quy trình trên từ bước nạp liều.
  • Kết thúc bằng đậy nắp chặt sau khi sử dụng.

Nếu sử dụng bình hít bột khô với loại thuốc có chứa steroid, cần súc miệng lại với nước sạch sau khi hít thuốc để loại bỏ phần thuốc dư thừa lắng đọng trong miệng, họng. Sau đó, phải nhổ nước ra, không được nuốt.

Đừng cố tháo hoặc vặn bình hít bột khô, do phần đựng thuốc và dụng cụ hít được thiết kế liền một khối. Do đó, không sử dụng nếu dụng cụ này đã bị hỏng hoặc tách rời.

Một số loại bình hít bột khô có chỉ số báo liều, cho phép nhận biết số liều còn lại trong ống. Nếu vô tình nạp hơn một lần trước khi hít, lượng thuốc hít được chỉ tương ứng một liều nhưng chỉ số báo liều đã giảm.

3. Cách sử dụng bình hít hạt mịn

Bình hít hạt mịn cũng là một dụng cụ hít thuốc dưới dạng lỏng và cũng được định liều sẵn tương tự như các loại bình xịt định liều hay bình hít bột khô. Tuy nhiên, điểm khác biệt là bình hít hạt mịn vừa không cần có chất đẩy như các loại bình xịt định liều và vừa không cần lực hút để lấy thuốc như bình hít bột khô. Với dụng cụ này, một lượng thuốc nhất định theo liều được giải phóng từ dạng lỏng ra ngoài dưới dạng sương mù. Theo đó, người bệnh có thời gian hít thuốc kéo dài, tạo điều kiện cho thuốc đi sâu vào đường thở.

Ba cơ chế động học liên quan đến sự lắng đọng của hạt thuốc ở đường hô hấp
Ba cơ chế động học liên quan đến sự lắng đọng của hạt thuốc ở đường hô hấp

Dạng trình bày của các loại thuốc dùng với bình hít hạt mịn thường được tháo rời với dụng cụ. Do đó, tương tự như các loại bình xịt định liều, trước lần đầu tiên sử dụng là cần phải chuẩn bị ống hít:

  • Mở nắp phần đựng lọ thuốc của bình hít hạt mịn.
  • Đẩy đầu lọ thuốc vào trong phần đựng thuốc của bình hít càng xa càng tốt.
  • Đặt bình hít thẳng đứng trên một bề mặt cứng và ấn mạnh xuống đáy lọ thuốc để đảm bảo lọ đã đi hết chiều dài của bình hít.
  • Đóng lại nắp phần dựng lọ thuốc.
  • Giữ bình hít thẳng đứng với nắp đóng và xoay chân đế theo hướng mũi tên trên nhãn để nạp liều thuốc.
  • Mở nắp phần hít thuốc.
  • Hướng bình hít xuống và nhấn nút giải phóng liều.
  • Đóng nắp phần hít thuốc và lặp lại việc nạp thuốc, giải phóng liều thêm 2 lần nữa.
  • Đóng nắp phần hít thuốc và bình hít hạt mịn đã sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào.

Khi đã chuẩn bị bình hít hạt mịn, các lần hít thuốc sau đó được thực hiện theo các bước sau:

  • Giữ bình hít hạt mịn thẳng đứng với nắp phần hít thuốc vẫn đóng kín.
  • Xoay chân đế theo hướng mũi tên trên nhãn để nạp liều thuốc.
  • Mở nắp phần hít thuốc.
  • Thở ra chậm và tối đa.
  • Ngậm môi xung quanh ống ngậm mà không che lỗ giải phóng thuốc.
  • Hướng bình hít hạt mịn về phía sau cổ họng. Trong khi hít vào một hơi chậm và sâu, nhấn nút giải phóng liều và tiếp tục hít vào từ từ.
  • Lấy ống hít ra khỏi miệng và nín thở trong 5-10 giây rồi thở ra nhẹ nhàng.
  • Đóng nắp phần hít thuốc.
  • Nếu cần thêm một liều khác, lặp lại quy trình bày theo các bước như trên.

4. Cách sử dụng thuốc phun khí dung

Thuốc phun khí dung là các loại thuốc được bào chế dưới dạng lỏng nhưng được sử dụng dưới dạng sương mù. Khi hít vào, các hạt thuốc sương mù sẽ đi sâu vào đường hô hấp nhỏ nhất trong phổi. Lượng thuốc cần dùng trong một liều đã được đóng gói sẵn trong từng ống thuốc. Đồng thời, việc sử dụng thuốc phun khí dung còn đòi hỏi phải có máy phun khí dung và mặt nạ.

Máy thường chạy bằng điện và gặp hạn chế một cách đáng kể trong tính tiện dụng, khả năng di chuyển khi so sánh với ba dụng cụ hít thuốc kể trên. Tuy nhiên, đây lại là cách thức sử dụng thuốc đường tại chỗ trong điều trị các bệnh hô hấp phù hợp với tất cả các đối tượng và đặc biệt thích hợp trong bệnh cảnh cấp tính.

Khí dung
Máy khí dung và mặt lạ cần có khi sử dụng thuốc phun khí dung

Để sử dụng thuốc hít với máy phun khí dung, cần thực hiện theo các bước sau đây:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước để ngăn ngừa vi trùng xâm nhập vào phổi.
  • Đặt máy trên một bề mặt cứng và kiểm tra tính sạch sẽ của bộ lọc không khí. Nếu bẩn, cần rửa sạch bằng nước lạnh và để khô tự nhiên.
  • Cắm điện vào máy.
  • Tháo nắp ống thuốc bằng cách vặn xoắn và cho thuốc vào phần đựng thuốc của mặt nạ. Có thể thêm nước muối sinh lý hay nước cất nếu cần tăng thể tích nhưng không vượt quá khả năng chứa của phần đựng thuốc.
  • Luôn giữ thẳng đứng mặt nạ để tránh làm thuốc chảy ra ngoài.
  • Kết nối mặt nạ với máy phun khí dung bằng dây nối.
  • Đeo mặt nạ ôm kín mũi và miệng.
  • Bật máy và hít vào, thở ra sâu, chậm từ từ qua miệng cho đến khi sương mù tan hết. Toàn bộ một lần dùng thuốc phun khí dung có thể mất đến 20 phút.
  • Kết thúc bằng cách tắt máy, ngắt điện, tháo mặt nạ và dây nối.
  • Rửa mặt nạ lại bằng nước sạch và để khô tự nhiên trước lần dùng tiếp theo.

Nếu sử dụng máy phun khí dung loại thuốc có chứa steroid, cần súc miệng lại với nước sạch sau khi phun thuốc để loại bỏ phần thuốc dư thừa lắng đọng trong miệng, họng. Sau đó, phải nhổ nước ra, không được nuốt.

Nếu cần sử dụng nhiều hơn hay loại thuốc phun khí dung, có thể trộn lẫn hay sử dụng lần lượt mà không cần thay mặt nạ mới hay vệ sinh lại.

Tóm lại, thuốc sử dụng dưới dạng hít là khá phổ biến trong điều trị các bệnh hô hấp. Tùy vào từng bệnh cảnh, từng đối tượng bệnh nhân và mục tiêu điều trị, bác sĩ sẽ có chỉ định thuốc khác nhau. Tuy nhiên, nguyên tắc chung luôn là việc sử dụng dụng cụ hít thuốc đúng cách, đem lại hiệu quả điều trị tối đa và hạn chế lãng phí thuốc cũng như tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan