Lưu ý khi dùng thuốc viêm cầu thận

Viêm cầu thận là bệnh lý nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy thận mãn. Các thuốc chữa viêm cầu thận rất đa dạng. Vậy bệnh nhân viêm cầu thận uống thuốc gì và nên lưu ý những gì?

1. Viêm cầu thận là bệnh gì?

Theo các chuyên gia, viêm cầu thận được phân thành 2 thể là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn. Tình trạng viêm cầu thận nếu không được điều trị có thể diễn tiến đến suy chức năng thận.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân của bệnh viêm cầu thận cho đến nay vẫn không rõ ràng, có thể bao gồm:

  • Mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm họng do liên cầu khuẩn, viêm nội tâm mạc hoặc nhiễm virus;
  • Một số bệnh liên quan đến hệ miễn dịch, như Lupus hoặc bệnh thận IgA;
  • Viêm mạch thận;
  • Đái tháo đường hoặc tăng huyết áp dẫn đến biến chứng tổn thương cầu thận.

Trong đó, nguyên nhân được cho là phổ biến nhất dẫn đến viêm cầu thận là hậu nhiễm liên cầu khuẩn ở hầu họng hoặc da. Đặc biệt là các chủng Streptococcus pyogenes với đặc trưng gây ra tình trạng tán huyết khi nuôi cấy trong môi trường cách ly.

Khi cơ thể bị vi khuẩn tấn công, hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt để sản sinh ra kháng thể với mục đích tạo phức hợp với kháng nguyên và loại bỏ vi khuẩn. Tuy nhiên, ở bệnh nhân có chức năng miễn dịch kém hoặc bị rối loạn, khả năng tiêu diệt vi khuẩn không hiệu quả nên chúng có thể xâm nhập sâu gây tổn thương nội tạng. Vì thế ngoài viêm cầu thận ̧ bệnh nhân hậu nhiễm khuẩn còn có nguy cơ mắc phải những bệnh lý nguy hiểm khác.

Hầu hết các trường hợp viêm cầu thận giai đoạn sớm tiến triển khá âm thầm với các triệu chứng mờ nhạt nên rất khó chẩn đoán và dẫn đến chậm trễ trong việc tiếp cận với các thuốc viêm cầu thận.

Viêm cầu thận là bệnh lý không lây nhiễm. Vì vậy người thân và mọi người xung quanh có thể hoàn toàn yên tâm trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Để phòng ngừa viêm cầu thận tiến triển nặng hơn, bệnh nhân cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp sau:

  • Tuân thủ việc sử dụng các thuốc trị viêm cầu thận theo chỉ định và những hướng dẫn khác của bác sĩ;
  • Khi khám bệnh, người bệnh cần thông báo với bác sĩ về tiền sử cũng như tình trạng sức khỏe hiện tại để tránh trường hợp vô tình dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến chức năng thận;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, trong đó cần đo huyết áp thường xuyên;
  • Chế độ ăn uống hạn chế muối và chất đạm (protein);
  • Để tránh nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn, bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng và hầu họng sạch sẽ, đều đặn mỗi ngày;
  • Khi có dấu hiệu mắc bệnh viêm cầu thận, bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện để bác sĩ thăm khám và chỉ định thuốc chữa viêm cầu thận phù hợp.

2. Viêm cầu thận uống thuốc gì?

2.1. Thuốc ức chế miễn dịch

Đây là bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch nên bác sĩ sẽ chỉ định các thuốc viêm cầu thận có tác dụng ức chế miễn dịch để điều trị, đặc biệt là những trường hợp nghiêm trọng. Tác dụng chính của nhóm thuốc chữa viêm cầu thận này là hạn chế khả năng hoạt động của các tế bào thuộc hệ thống miễn dịch.

Tuy nhiên, một vấn đề mà bệnh nhân cần lưu ý là thuốc ức chế miễn dịch có thể mang lại hiệu quả điều trị bệnh viêm cầu thận, nhưng đồng thời cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, những bệnh nhân điều trị bằng phương pháp này sẽ được bác sĩ kiểm tra sức khỏe toàn diện một cách thường xuyên để điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp hơn.

Một số thuốc trị viêm cầu thận ức chế miễn dịch thường được bác sĩ sử dụng bao gồm:

  • Corticosteroid: Bệnh nhân viêm cầu thận thường được bác sĩ cho sử dụng một trong các loại thuốc nhóm corticosteroid, chẳng hạn như Prednisolone. Tác dụng của nhóm thuốc này là kháng viêm và ức chế hệ thống miễn dịch. Khi chức năng thận có xu hướng cải thiện, liều lượng thuốc corticosteroid sẽ được điều chỉnh giảm dần, sau đó bệnh nhân vẫn phải tiếp tục duy trì ở liều thấp trong một thời gian trước khi dừng hẳn;
  • Cyclophosphamide: Hoạt chất ức chế miễn dịch này được sử dụng với liều lượng cao để điều trị một số bệnh lý ung thư. Một số trường hợp viêm cầu thận cũng sẽ được bác sĩ chỉ định hoạt chất này ở liều thấp;
  • Một số loại thuốc ức chế miễn dịch khác: Ngoài Corticosteroid và Cyclophosphamide, bệnh nhân viêm cầu thận còn có thể tạm thời kiềm chế hoạt động của các tế bào bạch cầu bằng các loại thuốc khác như:
    • Mycophenolate mofetil;
    • Azathioprine;
    • Rituximab;
    • Cyclosporine;
    • Tacrolimus.

2.2. Một số thuốc viêm cầu thận khác

Nếu viêm cầu thận liên quan đến tình trạng nhiễm virus, các thuốc kháng virus theo chỉ định của bác sĩ có thể là một phần trong quá trình điều trị.

Ngoài ra, những triệu chứng khó chịu của người bệnh đôi khi cần được điều trị bằng thuốc kê toa phù hợp. Ví dụ như bác sĩ sẽ chỉ định thuốc lợi tiểu ở bệnh nhân phù nhiều kèm sưng mắt cá chân hoặc bàn chân với mục đích thải nước dư thừa ra ngoài.

2.3. Thuốc trị tăng huyết áp

Viêm cầu thận và tăng huyết áp thường kết hợp với nhau. Nếu chúng đồng thời xảy ra, chức năng thận có nguy cơ tổn thương nhiều hơn, đồng thời rủi ro phát sinh các biến chứng cũng tăng lên đáng kể.

Để kiểm soát huyết áp, vấn đề đầu tiên là bệnh nhân cần theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc hạ áp nhằm ổn định áp lực máu như:

  • Nhóm ức chế men chuyển Angiotensin (ACE);
  • Thuốc chẹn thụ thể AT1 của Angiotensin II (ARB).

2.4. Thuốc viêm cầu thận kiểm soát cholesterol máu

Tương tự tăng huyết áp, tình trạng tăng cholesterol máu cũng thường xuyên được ghi nhận ở bệnh nhân viêm cầu thận.

Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân dùng một số thuốc đặc trị, chẳng hạn như nhóm Statin để kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu theo mục tiêu. Ngoài ra, phương pháp điều trị này còn giúp bệnh nhân viêm cầu thận phòng tránh những biến chứng nguy hiểm hơn như các bệnh lý tim hoặc mạch máu.

3. Một số biện pháp khác điều trị viêm cầu thận

Bên cạnh các thuốc viêm cầu thận, bệnh nhân mắc bệnh lý cần lưu ý những vấn đề sau để kiểm soát bệnh hiệu quả hơn:

  • Thay huyết tương: Huyết tương là một phần của máu, thành phần gồm nhiều loại kháng thể (bản chất là Protein). Một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm cầu thận là do kháng thể kháng màng đáy cầu thận. Khi đó, bác sĩ có thể xem xét cho bệnh nhân thay huyết tương để điều trị;
  • Điều trị bệnh thận mãn hoặc suy thận: Những trường hợp viêm cầu thận nghiêm trọng, đặc biệt khi không đáp ứng với các thuốc chữa viêm cầu thận, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định các phương pháp sau:
    • Chạy thận nhân tạo: Các thiết bị hiện đại sẽ thay thế công việc của thận, qua đó giúp cơ thể loại bỏ độc tố cũng như các chất thải ra khỏi cơ thể;
    • Ghép thận: Thay thế thận đã tổn thương bằng quả thận khỏe mạnh từ người hiến tạng;
  • Tiêm chủng: Bao gồm tiêm ngừa cúm hoặc phế cầu. Một người mắc bệnh viêm cầu thận có nguy cơ cao mắc các bệnh lý nhiễm trùng hơn người người bình thường, đặc biệt khi:
    • Viêm cầu thận kèm theo hội chứng thận hư;
    • Tiền sử đã mắc bệnh lý thận mãn tính.
  • Bỏ thuốc lá: Thuốc lá là yếu tố thúc đẩy tốc độ diễn tiến của bệnh viêm cầu thận. Thêm vào đó, thói quen hút thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ phát sinh các biến chứng như đột quỵ, vốn phổ biến ở những người bị viêm cầu thận. Chính vì vậy, nếu bệnh nhân có thói xấu này, bác sĩ chắc chắn sẽ yêu cầu họ bỏ nó. Đồng thời, những trường hợp khó bỏ thuốc lá sẽ được bác sĩ chỉ định các phương pháp cai thuốc hiệu quả;
  • Xây dựng chế độ ăn uống phù hợp: Đối với trường hợp bệnh viêm cầu thận không quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ bắt đầu liệu trình điều trị bằng việc tập trung vào chế độ dinh dưỡng. Trước hết, bệnh nhân cần giảm các nhóm thực phẩm chứa nhiều muối (thức ăn chế biến sẵn hoặc thực phẩm đóng hộp) và giàu kali (chuối, dưa lưới, khoai lang...). Ngoài ra, bệnh nhân cần chú ý đến lượng nước mình uống mỗi ngày

Những lưu ý về thuốc viêm cầu thận trên sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát tốt diễn tiến bệnh, hạn chế các biến chứng xảy ra, giúp huyết áp ổn định và đồng thời đảm bảo cân bằng dịch trong cơ thể. Hãy tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

170 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan