Lý do khiến người mệt mỏi buồn ngủ

Cảm thấy người mệt mỏi buồn ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về sức khỏe mà bạn đang gặp phải nhưng lại không chú ý đến. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý đến bạn đọc các nguyên nhân gây mệt mỏi buồn ngủ cần lưu ý.

1. Thiếu ngủ

Đây được xem là nguyên nhân hàng đầu làm cho người mệt mỏi buồn ngủ thường xuyên. Trình trạng ngủ không đủ giấc không chỉ gây ra các vấn đề về sức khỏe mà còn làm giảm đi sự tập trung trong học tập hoặc công việc. Do đó, đối với người lớn nên sắp xếp thời gian đi ngủ mỗi ngày khoảng từ 7-8 giờ để đảm bảo được thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi và não bộ phục hồi sau một ngày dài mệt mỏi.

Để khắc phục nguyên nhân này, điều đầu tiên là bạn cần phải sắp xếp công việc và cố gắng hoàn thành tất cả để đi ngủ sớm. Trong vòng 30 phút trước khi đi ngủ thì nên tránh xa các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, tivi...

2. Chứng ngưng thở khi ngủ

Đây là một dạng rối loạn đặc trưng bởi những cơn ngưng thở trong giấc ngủ ban đêm. Hầu hết các bệnh nhân đều không biết mình đang mắc phải hội chứng này. Do đó, mặc dù hằng đêm họ vẫn ngủ từ 7-8 giờ nhưng vẫn cảm thấy mệt mỏi và đặc biệt là cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày.

Bạn nên thay đổi lối sống của mình bằng cách cố gắng giảm cân nếu đang là người béo phì hoặc từ bỏ việc hút thuốc lá. Ngoài ra, hằng ngày có thể thực hiện các bài tập hít thở để đảm bảo không khí được lưu thông tốt.

3. Không cung cấp đủ năng lượng

Ăn quá ít do lạm dụng chế độ ăn kiêng là một nguyên nhân dẫn đến cơ thể bị thiếu hụt năng lượng. Ngoài ra, sử dụng các thực phẩm không lành mạnh cũng là một vấn đề. Do đó, cần thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng để đảm bảo cho lượng đường trong máu được giữ ở mức bình thường và hạn chế tình trạng mệt mỏi, uể oải do hạ đường huyết.

Hãy luôn duy trì thói quen ăn sáng mỗi ngày và cố gắng chuẩn bị bữa ăn đầy đủ protein và carbohydrate phức hợp. Bạn có thể thưởng thức bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt với trứng ốp la và có thể sử dụng thêm các món ăn vặt nhẹ trong ngày để giữ cho năng lượng luôn cân bằng.

hạ đường huyết
Lạm dụng chế độ ăn kiêng dẫn tới hạ đường huyết gây ra tình trạng mệt mỏi buồn ngủ

4. Thiếu máu

Đây là một nguyên nhân hàng đầu gây ra mệt mỏi uể oải cho phụ nữ. Trong chu kỳ kinh nguyệt, việc mất một lượng máu có thể dẫn đến thiếu sắt và nhiều ảnh hưởng về sức khỏe lẫn cuộc sống hằng ngày. Các tế bào máu có tác dụng chuyên chở oxy đến mô và cơ quan nên khi mất một lượng máu sẽ dẫn đến mệt mỏi hoặc thậm chí ngất nếu lượng máu mất đi quá nhiều.

Do đó, cần bổ sung các thực phẩm giàu sắt như thịt nạc, đậu, gan, sò,... hoặc thông qua các loại thuốc bổ.

5. Trầm cảm

Đây là một rối loạn về tinh thần và cảm xúc nhưng cũng có nhiều ảnh hưởng xấu đến thể chất. Những triệu chứng phổ biến của trầm cảm có thể thấy bao gồm chán ăn, đau đầu và mệt mỏi. Do đó, nếu nhận thấy cơ thể đang có những dấu hiệu này, bạn cần đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý để được điều trị kịp thời.

bệnh trầm cảm tái phát
Trầm cảm cũng là một nguyên nhân khiến người mệt mỏi buồn ngủ

6. Lạm dụng caffeine

Caffeine là chất giúp làm tăng sự tỉnh táo và tập trung nếu được sử dụng ở liều vừa phải. Việc lạm dụng hoạt chất này có thể gây tăng nhịp tim, huyết áp và dẫn đến mệt mỏi uể oải trong người.

Để khắc phục vấn đề này, bạn nên cắt giảm các thực phẩm có chứa nhiều caffeine như trà, cà phê, sô cô la, nước ngọt. Cần chú ý không nên dừng sử dụng đột ngột vì khả năng gây ra mệt mỏi.

7. Viêm đường tiết niệu

Các bệnh viêm đường tiết niệu thường làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu và có cảm giác muốn đi tiểu bất cứ lúc nào, đặc biệt là vào buổi đêm khi cơ thể đang chìm vào giấc ngủ. Điều này dẫn đến tình trạng ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc làm cơ thể mệt mỏi buồn ngủ.

Do đó, khi cơ thể có những triệu chứng bất thường ở đường tiết niệu, bạn nên đến gặp bác sĩ để khám và tuân thủ theo phác đồ điều trị đã đưa ra.

8. Mắc bệnh tiểu đường

Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường sẽ có lượng đường huyết cao bất thường thay vì chuyển lượng đường đó đến các tế bào để tạo ra năng lượng cho cơ thể. Hậu quả là người bệnh sẽ luôn thấy mệt mỏi, buồn ngủ mặc dù đã ăn uống đầy đủ. Vì thế, khi thấy triệu chứng mệt mỏi kéo dài mặc dù vẫn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, bạn nên đi khám và thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Để điều trị tiểu đường, bệnh nhân cần thay đổi lối sống hằng ngày, sử dụng insulin và các loại thuốc khác để cơ thể ổn định lại lượng đường.

9. Đau nửa đầu

Người bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi xung quanh thời gian xuất hiện cơn đau nửa đầu với các biểu hiện như uể oải, cáu gắt hoặc trầm cảm kéo dài. Tình trạng trên sẽ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Khi bệnh nhân đau nửa đầu sẽ thấy mệt mỏi do tình trạng thiếu máu não, các gốc tự do được xem là nguyên nhân chính dẫn đến các tổn thương mạch máu, dẫn đến hình thành các mảng xơ vữahuyết khối bên trong thành mạch gây giảm lượng máu lên não.

10. Bệnh lý tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan đảm nhận nhiệm vụ sản xuất ra các hormone ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các sản phẩm dinh dưỡng trong cơ thể. Do đó, khi tuyến giáp có bất thường do bệnh lý như hormone tiết ra quá nhiều hay quá ít sẽ làm cho quá trình chuyển hóa trở nên rối loạn. Điều này dẫn đến cơ thể không được cung cấp đủ năng lượng nên làm cho bệnh nhân luôn trong trạng thái mệt mỏi.

11. Bệnh lao

Lao là một loại bệnh do tác nhân vi khuẩn. Chúng tấn công và phá hủy các mô cơ thể làm cho bệnh nhân gầy ốm và sụt cân không rõ nguyên nhân. Đây cũng là bệnh cảnh điển hình của người mắc lao phổi. Ngoài ra, những tác động tâm lý khác như căng thẳng hoặc ức chế cũng làm bạn thấy mệt mỏi, thiếu ngủ.

12. Suy nhược thần kinh

Mệt mỏi buồn ngủ là dấu hiệu thường gặp nhất của suy nhược thần kinh. Mặc dù bệnh nhân đã thực hiện chế độ nghỉ ngơi hợp lý và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng nhưng tình trạng thể lực vẫn không hề cải thiện, thậm chí suy yếu hơn. Đi kèm với triệu chứng trên là tình trạng khó chịu, bực bội trong người có thể làm khó đi vào giấc ngủ.

Bị suy nhược thần kinh có tự khỏi?
Bạn bị mệt mỏi buồn ngủ có thể do suy nhược thần kinh

13. Bệnh lý về huyết áp

Người mắc phải các vấn đề về huyết áp như huyết áp cao hay thấp cũng đều dẫn đến mệt mỏi. Mệt mỏi cũng là triệu chứng chỉ điểm cho vấn đề bệnh lý về thận, dẫn đến chức năng thanh lọc và đào thải gặp khó khăn làm cho huyết áp thay đổi bất thường làm người mệt mỏi uể oải. Mặc khác, huyết áp thấp có thể làm cho bệnh nhân cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi.

14. Bệnh lý nhiễm trùng và truyền nhiễm

Đa phần các bệnh nhiễm trùng đều làm bạn cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, đặc biệt là có kèm theo triệu chứng sốt. Nếu bệnh nhiễm trùng xuất hiện ở các tạng như phổi, tủy xương hay cơ tim thì dấu hiệu mệt mỏi sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

15. Bệnh lý tai mũi họng

Các bệnh lý tai mũi họng như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm amidan hoặc chứng ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến rối loạn giấc ngủ và làm cho cơ thể mệt mỏi, buồn bực.

16. Bệnh tim

Mệt mỏi có thể là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề nào đó ở tim như loạn nhịp, bệnh mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim. Các nhà khoa học nghiên cứu ở Đại học Harvard đã thống kê rằng có 71% phụ nữ bị nhồi máu cơ tim có dấu hiệu mệt mỏi trong vòng một tháng trước đó và 43% có cơn nhồi máu cơ tim nhẹ.

Tình trạng mệt mỏi và buồn ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng bạn đang rơi vào một sự xáo trộn hoặc mắc phải một bệnh lý nào đó. Do đó, cần tự điều chỉnh lối sống hoặc đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

218.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan