Mổ lasik: Ai không nên?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Bích Nhĩ - Bác sĩ Chuyên khoa Mắt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Lasik là phương pháp phẫu thuật điều trị tật khúc xạ bằng tia laser, mức độ an toàn cao và đạt hiệu quả sớm sau khi mổ. Tuy vậy phương pháp này chỉ phù hợp với một số đối tượng nhất định. Còn lại một số đối tượng không nên mổ vì không đem lại hiệu quả và tăng nguy cơ tai biến sau mổ. Vậy ai không nên phẫu thuật lasik.

Một số người bị bệnh lý về tật khúc xạ, thường xuyên phải sử dụng kính để duy trì tầm nhìn của mình. Nhưng việc đeo kính thường xuyên có thể dẫn tới những bất tiện nhất định hoặc có một số người có ngành nghề không phù hợp với việc thường xuyên phải sử dụng kính, thì việc tìm kiếm một phương pháp phẫu thuật nhanh, hiệu quả và an toàn là điều mà bệnh nhân mong muốn.

Phẫu thuật điều trị tật khúc xạ lasik có rất nhiều ưu điểm phù hợp với mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc của mắt với các loại kính, nhưng lại không phải dành cho mọi đối tượng. Một số đối tượng dưới đây không nên phẫu thuật lasik bao gồm:

1. Người đang trong giai đoạn tăng độ nhanh

Người đang trong giai đoạn tăng độ cận không phù hợp để tiến hành phẫu thuật vì làm tăng nguy cơ tái cận và một số tai biến. Người muốn thực hiện phẫu thuật phải có độ cận ổn định tức là trong vòng 1 năm độ cận không tăng quá 0.75 diop.

Vì vậy để biết mình có độ cận ổn định hay không cần theo dõi định kỳ 6 tháng một lần trong vòng 1 năm trước khi quyết định phẫu thuật.

Khám mắt
Theo dõi mắt định kỳ trước khi phẫu thuật

2. Độ cận trên 10 diop

Phẫu thuật lasik là dùng tia laser để thay đổi độ cong của giác mạc, nếu mắt bạn càng cận nặng thì giác mạc càng phải bóc nhiều dẫn tới giác mạc mỏng, có thể để lại hậu quả về sau và khả năng nhìn rõ không đảm bảo sau phẫu thuật.

Tuy vậy thì hầu hết các chuyên gia vẫn có thể phẫu thuật cho trường hợp cận thị trên 10 độ. Nhưng bạn nên chủ động trao đổi để đưa ra lựa chọn vì khi độ cận cao thì đồng nghĩa với rủi ro sẽ cao hơn.

3. Bị khô mắt nặng

Một tác dụng phụ của mổ Lasik là sẽ khiến mắt bị khô, mắt khô sẽ gây tăng nguy cơ viêm nhiễm ở mắt, ảnh hưởng tới giác mạc. Vì thế, nếu hiện tại bị khô mắt thì có lẽ việc mổ Lasik là không nên và những loại thuốc dùng cho mắt khô cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Thường thì bác sĩ sẽ tiến hành điều trị tình trạng khô mắt ổn định trước khi quyết định phẫu thuật lasik.

Khô mắt
Mổ lasik khiến mắt bị khô - tăng khả năng viêm nhiễm

4. Giác mạc mỏng

Do việc phẫu thuật sẽ làm mỏng bớt nhu mô của giác mạc, vì vậy độ dày giác mạc là một yếu tố quyết định bệnh nhân có phù hợp để phẫu thuật lasik không, bệnh nhân phải có giác mạc không quá mỏng, độ dày giác mạc ít nhất là 0,5mm, dưới 0,5mm là giác mạc mỏng. Nhất là những người có độ cận cao thì việc nhu mô giác mạc phải đủ dày là điều rất cần thiết.

Để biết có độ dày giác mạc phù hợp không thì bác sĩ cần khám mắt tổng quát, đo độ dày giác mạc...

5. Có bất thường cấu trúc giải phẫu của mắt

Những người có cấu trúc giải phẫu mắt không bình thường như mắt sâu, cấu trúc giác mạc không ổn định...Không phù hợp để phẫu thuật lasik vì làm tăng nguy cơ tái cận và tăng rủi ro sau phẫu thuật.

6. Mắc các bệnh mạn tính ảnh hưởng tới mắt

Bệnh nhân mắc các bệnh ảnh hưởng tới hệ thống miễn dịch như: Viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, các bệnh gây suy giảm miễn dịch, phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh lý mạn tình như đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, tăng nguy cơ rủi ro gây ảnh hưởng tới kết quả mổ LASIK.

Các bệnh lý tại mắt như bệnh giác mạc hình chóp, viêm giác mạc, viêm màng bồ đào, glôcôm, đục thủy tinh thể, chấn thương mắt, có sẹo giác mạc...cũng ảnh hưởng tới quá trình phẫu thuật, không nên mổ lasik.

Suy giảm hệ miễn dịch
Bệnh nhân mắc các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch sẽ ảnh hưởng tới kết quả mổ

7. Đang trong thời gian mang thai hoặc thời kỳ cho con bú

Không nên tiến hành Lasik ngay khi đang mang thai và vẫn còn đang cho con bú bởi vì khi phẫu thuật cần phải thuốc uống và thuốc nhỏ mắt, các loại thuốc này không hề tốt cho thai nhi và trẻ sơ sinh. Ngoài ra sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai cũng khiến mắt bị khô hơn.

Có thể phẫu thuật lasik trước khi mang thai 1 tháng hoặc là tốt nhất bạn nên chờ 3 - 6 tháng sau sinh (trong trường hợp nuôi con sữa ngoài) hoặc khi đã ngừng cho con bú.

8. Độ tuổi không phù hợp

Chỉ định mổ lasik cho những người trên 18 tuổi, bởi vì dưới 18 tuổi mặt cận đang phát triển, độ cận chưa ổn định.

Trên 40 tuổi, nên cân nhắc trước khi mổ bởi vì sau 40 tuổi mắt bắt đầu giảm khả năng điều tiết, nhanh chóng dẫn tới tình trạng đục thủy tinh thể việc này tùy thuộc vào sức khỏe và tình trạng mắt của mỗi cá nhân. Nếu lúc này mổ thì sẽ tăng nguy cơ tai biến do độ chính xác không cao.

Để biết mình có nằm trong đối tượng được phẫu thuật lasik hay không cần phải thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng trước khi quyết định phẫu thuật. Vì vậy nên tới các cơ sở y tế để được khám và từ vấn cụ thể.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

BS CKI Nguyễn Thị Bích Nhĩ có gần 10 năm kinh nghiệm về chuyên ngành mắt. Điều trị các bệnh lý nội khoa về mắt cũng như các phẫu thuật mắt như : Mộng thịt, Quặm mi mắt, u mi, Glocom và phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco. Bên cạnh đó còn điều trị bệnh lý võng mạc Đái tháo đường bằng phương pháp tiêm thuốc Anti-VEGF nội nhãn và phẫu thuật tạo hình mắt. Hiện bác sĩ đang là Bác sĩ Mắt thuộc khoa Khám bệnh - Nội khoa bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan