Mối liên hệ giữa rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn giấc ngủ

Khi bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) ảnh hưởng đến rối loạn giấc ngủ không? Thực tế, không phải ai bị ADHD đều có vấn đề về giấc ngủ, nhưng nó có thể xảy ra. Trong một nghiên cứu, khoảng một nửa cha mẹ cho biết con họ bị ADHD khó ngủ, gặp ác mộng hoặc gặp các vấn đề về giấc ngủ khác như ngưng thở khi ngủ.

1. Rối loạn tăng động giảm chú ý

1.1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?

Rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) là một loại rối loạn sức khỏe tâm thần có thể gây ra các hành vi hiếu động và bốc đồng trên mức bình thường. Rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn hay rối loạn tăng động, giảm chú ý ở trẻ em có những triệu chứng cũng như biểu hiện khác nhau nhưng đều có thể gặp khó khăn trong việc tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất hoặc ngồi yên trong thời gian dài.

1.2. Triệu chứng và phân loại rối loạn tăng động giảm chú ý

Về triệu chứng của ADHD, một loạt các hành vi hay biểu hiện của người bệnh có liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Một trong số đó bao gồm:

  • Gặp khó khăn trong việc tập trung vào một vấn đề hay nhiệm vụ nào đó được giao
  • Thường xuyên quên nhiệm vụ
  • Dễ bị phân tâm
  • Khó chịu khi phải ngồi yên một chỗ
  • Thường xuyên ngắt lời người khác khi họ đang nói chuyện

Để thuận tiện cho việc chẩn đoán hội chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý, các nhà khoa học đã chia ADHD thành 3 loại chính bao gồm: Không tập trung, tăng động và kết hợp cả không tập trung lẫn tăng động:

  • Không tập trung: Đúng như tên của nó, những người mắc chứng rối loạn tăng động loại này thường khó tập trung trong mọi công việc cũng như nhiệm vụ được giao. Các chuyên gia cũng cho biết không tập trung khó phát hiện ra ở đối tượng là trẻ em do chúng thường không thể hiện sự thiếu tập trung ra bên ngoài.
  • Tăng động: Những người mắc ADHD loại tăng động chủ yếu thể hiện những hành vi hiếu động và bốc đồng. Ngoài ra họ cũng thường xuyên lo lắng quá mức, hay ngắt lời mọi người cũng như thường xuyên thể hiện sự hấp tấp. Mặc dù không liên quan đến ADHD không tập trung nhưng những người mắc ADHD loại tăng động cũng khó tập trung vào việc hoàn thành các công việc.
  • Kết hợp giữa không tập trung và tăng động: Đây là loại ADHD phổ biến nhất. Những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý loại này thường biểu hiện cả những triệu chứng của 2 loại rối loạn kể trên.

Việc xác định đúng loại ADHD mắc phải sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình lựa chọn ra phương pháp điều trị phù hợp.

ADHD
Việc xác định đúng loại ADHD mắc phải sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình lựa chọn ra phương pháp điều trị phù hợp

1.3. Nguyên nhân rối loạn tăng động giảm chú ý

Mặc dù rối loạn tăng động giảm chú ý tương đối phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các bác sĩ và chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân gây ra tình trạng này. Họ tin rằng ADHD có nguồn gốc từ hệ thống thần kinh trung ương. Ngoài ra di truyền cũng có thể đóng một vai trò nhất định.

Một số nghiên cứu cho rằng việc giảm hormone dopamine là một trong số nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Dopamine là một chất hóa học trong não giúp truyền tín hiệu từ dây thần kinh này sang dây thần kinh khác. Nó đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt một số phản ứng của não bộ và các thay đổi về mặt cảm xúc.

Một số nhà khoa học khác lại tin rằng, những người có khối lượng chất xám ít hơn có nguy cơ mắc ADHD cao hơn. Chất xám bao gồm các vùng não kiểm soát hoạt động như:

  • Khả năng phát biểu ý kiến
  • Khả năng tự kiểm soát và đưa ra quyết định
  • Kiểm soát hoạt động các cơ bắp

Bên cạnh các nguyên nhân được cho là chủ yếu dẫn đến ADHD nêu trên các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý như hút thuốc trong khi mang thai hoặc việc sử dụng quá nhiều chất kích thích....

ADHD
Các bác sĩ và chuyên gia vẫn chưa chắc chắn về nguyên nhân gây ra ADHD

2. Rối loạn giấc ngủ

2.1. Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng một người không thể đi vào giấc ngủ một cách bình thường. Hiện các nhà khoa học đã tìm ra hơn 80 loại rối loạn giấc ngủ khác nhau. Một số loại chính trong đó bao gồm:

  • Mất ngủ: Là loại rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất
  • Ngưng thở khi ngủ: Là một loại rối loạn hô hấp đặc trưng bởi các cơn ngừng thở khi ngủ
  • Hội chứng chân không yên: Cảm giác ngứa ran ở chân cùng với sự thôi thúc vận động
  • Không thể tỉnh táo vào ban ngày: Bao gồm chứng ngủ rũ và buồn ngủ cực độ vào ban ngày.
  • Rối loạn nhịp sinh học: Xảy ra khi chu kỳ thức – ngủ rối loạn khiến cơ thể không thể ngủ và thức dậy đúng lúc.
  • Mộng du: Có những hành động bất thường trong lúc ngủ thậm chí đứng lên, đi lại và nói chuyện như bình thường.

2.2. Nguyên nhân chứng rối loạn giấc ngủ

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến những rối loạn giấc ngủ, bao gồm:

  • Tình trạng sức khỏe hiện tại của cơ thể như tình trạng bệnh tim, phổi, rối loạn thần kinh...
  • Bệnh tâm thần bao gồm cả trầm cảm và lo lắng
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc đang sử dụng
  • Các yếu tố di truyền
  • Sử dụng nhiều caffeine và các chất kích thích khác
  • Ca làm việc kéo dài hoặc phải làm việc ca đêm
  • Sự lão hóa: Khi già đi, mọi người thường có xu hướng ngủ ít hơn, họ cũng thường xuyên tỉnh giấc vào ban đêm và không thể nào ngủ lại được

2.3. Triệu chứng của rối loạn giấc ngủ

Các triệu chứng của rối loạn giấc ngủ phụ thuộc và loại rối loạn cụ thể mắc phải. Một số dấu hiệu điển hình của chứng rối loạn giấc ngủ có thể kể đến là:

  • Thường xuyên mất ít nhất 30 phút mỗi đêm mới có thể đi vào giấc ngủ.
  • Thường xuyên tỉnh giấc trong đêm và sau đó khó ngủ trở lại hoặc thức dậy quá sớm vào buổi sáng
  • Thường cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, ngủ trưa nhiều và không ngủ đúng giờ
  • Xuất hiện tình trạng ngủ ngáy, khò khè, khịt mũi, thở hổn hển hoặc xuất hiện các cơn ngừng thở khi ngủ.
  • Cảm giác ngứa ngáy ở chân hoặc cánh tay và chỉ có thể xoa dịu bằng các cử động hoặc xoa bóp.
  • Thường xuyên ngủ gật hoặc mơ thấy những giấc mơ đáng sợ.
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi mỗi khi thức dậy vào buổi sáng.
Hay đau đầu, ngủ mơ, thức dậy khó chịu
Thường xuyên ngủ gật hoặc mơ thấy những giấc mơ đáng sợ là dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ

3. Mối liên hệ giữa rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn giấc ngủ

Không phải mọi người bị mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý đều bị rối loạn giấc ngủ tuy nhiên vẫn có một sự liên quan nhất định giữa 2 hội chứng này. Trong một nghiên cứu, hơn một nửa số cha mẹ có con mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cho biết con họ gặp phải tình trạng rối loạn giấc ngủ. Chúng thường gặp ác mộng, mệt mỏi khi thức dậy hoặc gặp một số vấn đề khác như ngừng thở khi ngủ hay hội chứng chân không yên.

Ngoài ra trẻ mắc ADHD có chất lượng giấc ngủ kém hơn cũng như khó thức dậy và luôn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Một số loại rối loạn giấc ngủ có liên quan đến rối loạn tăng động giảm trí nhớ bao gồm:

Ngủ ngáy

Amidan lớn có thể chặn một phần đường hô hấp khi ngủ dẫn đến ngáy và giảm chất lượng giấc ngủ và gây ra tình trạng mệt mỏi, thiếu tập trung vào ngày hôm sau. Trong một nghiên cứu ở trẻ em từ 5 đến 7 tuổi, những trẻ ngủ ngáy có khả năng mắc ADHD cao hơn gần gấp đôi so với các bạn cùng lứa. Tuy nhiên điều đó không chứng minh ngáy ngủ là nguyên nhân gây ra ADHD.

Trẻ ngáy ngủ thường mất tập trung, kém trong khả năng ngôn ngữ cũng như trí thông minh tổng thể. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cắt amidan có thể giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ và cải thiện sự mất tập trung mà không cần dùng thuốc.

Chứng ngưng thở khi ngủ

Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ được đặc trưng bởi những cơn ngừng thở ngắn xảy ra lúc ngủ. Amidan lớn là nguyên nhân phổ biến gây ngưng thở khi ngủ tuy nhiên béo phì và tình trạng dị ứng mạn tính cũng có thể dẫn đến hội chứng này.

Ngưng thở khi ngủ khiến chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng qua đó khiến cơ thể trở lên mệt mỏi và ban ngày, dẫn đến thiếu tập trung trong các công việc và nhiệm vụ được giao.

Hội chứng chân không yên

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa hội chứng chân không yên với chứng rối loạn tăng động giảm trí nhớ. Hội chứng chân không yên tạo cảm giác râm ran khó chịu ở chân hoặc đôi khi là cánh tay. Cảm giác này tạo ra sự thôi thúc vận động gây gián đoạn giấc ngủ cũng như ảnh hưởng đến công việc ban ngày.

Chân
Hội chứng chân không yên tạo cảm giác râm ran khó chịu ở chân hoặc đôi khi là cánh tay

Những người mắc hội chứng chân không yên có thể cảm thấy mất tập trung, ủ rũ hoặc hiếu động – đều là những triệu chứng của ADHD. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, những người mắc hội chứng chân không yên và ADHD đều xuất phát từ nguyên nhân thiếu dopamine trong não. Tuy nhiên giả thuyết này hiện vẫn đang được nghiên cứu và không phải ai mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cũng mắc hội chứng chân không yên.

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một loại rối loạn liên quan đến tâm thần thường gặp. Những người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thường khó tập trung cũng như hoàn thành tốt mọi công việc.

Rối loạn giấc ngủ được đặc trưng bằng tình trạng khó đi vào giấc ngủ. Người mắc chứng rối loạn giấc ngủ thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải và thiếu tập trung vào ban ngày. Các nhà khoa học cũng đã chứng minh được mối liên quan giữa rối loạn giấc ngủ với ADHD khi những người mắc chứng rối loạn giấc ngủ thường có nguy cơ mắc rối loạn tăng động giảm chú ý cao hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com, medlineplus.gov, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan