Nang tuyến giáp và cách điều trị

U nang tuyến giáp thường gặp ở nữ giới với tỷ lệ mắc bệnh cao gấp 15-20 lần so với nam giới. Chính vì chiếm tỷ lệ cao như vậy nên rất nhiều bệnh nhận đặt ra những câu hỏi như: “Nang tuyến giáp có nguy hiểm không?”, “Điều trị u nang tuyến giáp là gì ?”, “Khi nào cần phẫu thuật tuyến giáp?”. Nếu bạn đang bối rối vì chưa chưa biết về bệnh lý này thì hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về tình trạng u nang tuyến giáp và những thông tin liên quan dưới đây.

1. Nang tuyến giáp là gì?

Nang tuyến giáp hay u nang tuyến giáp là một khối u phát triển từ tuyến giáp khi một vùng nào đó thuộc mô tuyến giáp tăng sinh bất thường. Khối u này bên trong chứa dịch lỏng có kích thước từ vài mm cho đến vài cm tùy trường hợp. Hầu hết các u nang nhỏ đều là u nang lành tính. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp ít phổ biến hơn đó có thể là tế bào ác tính.

Nang tuyến giáp phổ biến hơn ở người lớn trong độ tuổi từ 40-60, phổ biến nhất là ở phụ nữ.

2. Nang tuyến giáp có nguy hiểm không?

Thông thường các nang tuyến giáp kích thước nhỏ thì không gây triệu chứng. Tuy nhiên, với những nang kích thước lớn bạnn có thể thấy xuất hiện các triệu chứng sau: khó nuốt, nuốt nghẹn, hoặc khi dùng tay sờ vào cổ bạn có thể cảm nhận được có khối u ngay dưới da.

Về hình thái, u nang tuyến giáp có hai loại là loại là nang đơn thuần và nang hỗn hợp. Nếu là nang đơn thuần chỉ chứa thành phần dịch thì tỷ lệ ung thư rất thấp chỉ chiếm 0.3% trường hợp. Nếu là nang hỗn hợp bao gồm thành phần đặc trong nang, tỷ lệ ung thư khoảng 1.5%. Một số ít các trường hợp, nang phát triển nhanh bất thường, có thể kèm theo chảy máu trong nang, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, triệu chứng thường gặp: đau vùng trước cổ, nuốt khó,...

Mặc dù tỷ lệ lành tính ở các nang giáp cao, nhưng người bệnh không nên chủ quan, cần theo dõi sự phát triển của nhân giáp thông qua siêu âm với các lần khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời xử lý và kiểm soát tốt tình trạng bệnh.

3. Triệu chứng của nang tuyến giáp

nang tuyến giáp và cách điều trị
Người bệnh cần quan tâm đến tình trạng nang tuyến giáp và cách điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, những người bị u nang tuyến giáp không gặp bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên bạn có thể gặp triệu chứng với các nang tuyến giáp kích thước lớn. Những triệu chứng này có thể bao gồm:

  • Khó nuốt, nuốt nghẹn
  • Bị khàn tiếng, đau họng, đau vùng cổ
  • Khi sờ có cảm giác có khối u dưới da vùng cổ gây mất thẩm mỹ

4. Chẩn đoán nang tuyến giáp

a. Siêu âm: Siêu âm là phương pháp dùng để chẩn đoán nang tuyến giáp phổ biến nhất hiện nay. Siêu âm có giá trị chẩn đoán cao. Thông qua hình ảnh ghi nhận trên máy siêu âm bác sĩ sẽ biết được thành phần của nang tuyến giáp: chỉ bao gồm dịch đơn thuần hay nang hỗn hợp gồm cả phần dịch và phần đặc, đánh giá kích thước, vị trí của nang tuyến giáp từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp với từng người bệnh.

b. Chọc hút tế bào kim nhỏ: Nếu bác sĩ quan sát thấy dấu hiệu đáng lo ngại trên siêu âm thì chỉ định chọc hút kim nhỏ có thể được đưa ra. Một cây kim rất nhỏ được đưa qua da ở vùng cổ của bạn vào u nang tuyến giáp, sử dụng hình ảnh siêu âm để hướng dẫn kim.

Các tế bào từ mẫu đó sau đó được phân tích dưới kính hiển vi để xác định xem có tế bào nào bất thường hay không. Chọc hút bằng kim nhỏ thường được sử dụng nhất cho u nang: Trên 1,5 cm, nang hỗn hợp với thành phần đặc trong nang có các dấu hiệu nghi ngờ của tổn thương ung thư như: giảm âm, có nốt vi vôi hóa bên trong.

5. U nang tuyến giáp có cần điều trị không?

Sau khi có kết quả cụ thể của siêu âm tuyến giáp, bác sĩ sẽ căn cứ vào kích thước, tính chất của nang, thể trạng của người bệnh mà sẽ có phương pháp điều trị hiệu quả và phù hợp với từng bệnh nhân.

a. Đối với nang tuyến giáp đơn thuần kích thước nhỏ, không gây triệu chứng vùng cổ như nuốt nghẹn, nuốt vướng, không sờ thấy, không gây đau thì người bệnh chưa cần điều trị theo bất kỳ phương pháp nào, mà chỉ cần theo dõi định kỳ bằng siêu âm.

b. Đối với nang tuyến giáp kích thước lớn, gây chèn ép các cơ quan lận cận: ngoài phương pháp phẫu thuật thì người bệnh có thể điều trị bằng phương pháp tiêm cồn nang giáp hoặc phối hợp tiêm cồn nang giáp với đốt sóng cao tần. Hai phương pháp can thiệp ít xâm lấn này đem lại nhiều ưu điểm hơn phương pháp phẫu thuật truyền thống. Nên hiện nay được sử dụng nhiều hơn để điều trị nang giáp.

  • Phương pháp tiêm cồn nang giáp: Phương pháp này được sử dụng trong trường hợp nang giáp đơn thuần, hoặc có chứa rất ít tổ chức đặc trong nang. Bác sĩ dùng cồn tuyệt đối tiêm vào nang giáp sau khi được hút dịch, với tác dụng của cồn tuyệt đối là làm hoại tử do đông máu và huyết khối tĩnh mạch nhỏ, gây mất nước tế bào và đông vón protein dẫn đến hoại tử tế bào. Hậu quả gây nhồi máu, xơ hóa mô tiếp xúc ethanol, phần nhân giáp sẽ được thay thế bằng mô hạt, sau đó là sư xơ hóa, co rút lại của tổn thương.
  • Phương pháp đốt sóng cao tần nang giáp: Đốt sóng cao tần tuyến giáp là phương pháo dùng dòng điện xoay chiều có tần số cao để tạo nhiệt giúp tiêu hủy khối mô. Kỹ thuật này thường áp dụng cho các nang giáp hỗn hợp hoặc phối hợp điều trị sau khi tiêm cồn nang giáp
  • Ưu điểm của phương pháp tiêm cồn nang giáp và đốt sóng cao tần nang hỗn hợp tuyến giáp là:
    • Thời gian thực hiện nhanh chỉ khoảng 10-20 phút
    • Hạn chế tỷ lệ tổn thương đến dây thần kinh thanh quản. Do đó nguy cơ khàn tiếng so với phẫu thuật cũng thấp hơn
    • Phương pháp mang tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo trên cổ bệnh nhân
    • Không gây suy giáp sau khi điều trị, giúp hạn chế nhu cầu sử dụng thuốc hormone tuyến giáp hàng ngày

Để đạt hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao nhất, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trang bị hệ thống trang thiết bị chẩn đoán hình ảnh hiện đại nhất hiện nay, điển hình là máy siêu âm GE Healthcare S9 có đầu dò phẳng, tần số cao, độ phân giải HD cho hình ảnh rõ nét. Kỹ thuật tiêm cồn nang giáp và đốt sóng cao tần điều trị u nang tuyến giáp dưới hướng dẫn siêu âm cho phép bác sĩ kiểm soát được toàn bộ quá trình thủ thuật, tránh tối đa các tổn thương mạch máu, thần kinh, khí quản, thực quản nên rất an toàn, đồng thời đốt được hoàn toàn khối u.

Định kỳ sau 1 - 3 - 6 - 12 tháng, người bệnh sẽ được tái khám cùng bác sĩ chuyên khoa nội tiết và chẩn đoán hình ảnh trước đó đã trực tiếp làm thủ thuật để kết quả đánh giá chính xác và khách quan nhất. Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các bệnh viện Vinmec trên cả nước, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

123.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan