Nguyên nhân gây hạ Phospho máu

Phospho thường tồn tại trong cơ thể dưới dạng phosphat. Đây là một khoáng chất rất quan trọng, giúp cấu thành của hệ xương và là yếu tố cơ bản trong vận chuyển, chuyển hóa năng lượng của tế bào. Việc giảm phospho trong máu quá mức sẽ gây hạ phospho máu, khiến người bệnh bị yếu, nhược cơ, thậm chí tiêu cơ vân.

1.Chuyển hóa phospho trong cơ thể

Phosphat (dạng tồn tại của phospho trong cơ thể) chiếm 1% trên tổng thể trọng. Có hơn 80% lượng phosphat nằm trong xương và răng, khoảng 10% phosphat tham gia vào các phức hợp hữu cơ và 10% lượng phosphat còn lại sẽ gắn với protein, lipid, các hợp chất carbonat và các phức hợp khác của cơ và máu.

Phosphat chủ yếu tồn tại ở dạng vô cơ trong huyết thương và chỉ chiếm một phần rất nhỏ (< 0,2% tổng lượng phosphat có trong cơ thể) còn lại là phosphat hữu cơ (ion tích điện âm) tồn tại trong nội bào là chủ yếu.

Toàn bộ quá trình chuyển hóa phospho trong cơ thể được điều hòa chủ yếu nhờ vào phosphat vô cơ. Lượng phosphat vô cơ này sẽ quyết định mức độ hấp thu của phospho ở ruột, mức độ đào thải phospho qua thận và sự vận chuyển qua lại của phospho qua các khoang trong và ngoài tế bào.

2.Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu phospho

hormon tuyến cận giáp
Hormon tuyến cận giáp

  • Vitamin D dạng hoạt hóa có tác dụng làm tăng quá trình hấp thu phospho ở ruột.
  • Tăng tiết hormon tuyến cận giáp (PTH) sẽ làm tăng phóng thích phosphat từ xương và ức chế quá trình tái hấp thu phosphat ở ống lượn gần của thận, làm hạ phospho máu và làm giảm dự trữ phosphat ở xương.
  • Hormon tăng trưởng (GH) cho tác dụng trái ngược hoàn toàn với hormon cận giáp (PTH).
  • Hiện tượng tăng khối lượng dịch trong cơ thể, sử dụng thuốc corticoid, bệnh nhân mắc các rối loạn chức năng ở ống lượn gần (Hội chứng Fanconi hay nhiều bệnh lý khác) sẽ làm giảm quá trình tái hấp thu phosphat ở ống lượn gần.
  • Việc bắt giữ phosphat của các tế bào trong cơ thể được kích thích bởi nhiều yếu tố như: sự kiềm hóa máu, hormon insulin, epinephrine, chế độ nuôi dưỡng, hội chứng xương hóa và sự tăng sản tế bào diễn ra mạnh mẽ.
  • Quá trình chuyển hóa và cân bằng phospho trong cơ thể người còn liên quan chặt chẽ với quá trình chuyển hóa calci.

3.Nguyên nhân gây hạ phospho máu

  • Ngộ độc rượu mạn tính
  • Nhịn đói, giảm cung cấp phospho.
  • Hội chứng kém hấp thu hoặc nối tắt ruột non.
  • Cường cận giáp tiên phát hoặc thứ phát
  • Cường giáp trạng.
  • Nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch không đủ phospho
  • Sử dụng các thuốc chống toan dịch vị gắn phospho
  • Kiềm chuyển hoá hoặc kiềm hô hấp
  • Đái tháo đường không được điều trị
  • Toan hóa máu do đái tháo đường
  • Ức chế hấp thu phosphat do uống bicarbonat hoặc hydroxyd nhôm
Bệnh đái tháo đường: bệnh sinh và phân loại theo WHO 2019
Bệnh nhân đái tháo đường không điều trị được có thể làm hạ phospho máu

  • Sử dụng các thuốc tăng thải phosphat niệu: lợi tiểu, theophylin, thuốc giãn phế quản, corticoid
  • Bệnh lý ở ống thận làm tăng thải phosphat niệu
  • Bệnh thận giảm kali máu.
  • Bệnh nhân bị bỏng nặng
  • Loãng xương do các bệnh lý ác tính
  • Ngộ độc salicylate
  • Tăng calci máu, hạ magie máu

Trong hồi sức cấp cứu, thường nghĩ đến tình trạng hạ phospho máu trong các trường hợp: dinh dưỡng cho một bệnh nặng kéo dài, bệnh nhân có bệnh tiêu hoá mãn tính, bệnh nhân sử dụng các thuốc chống toan dịch vị.

4.Biểu hiện và tác hại của hạ phospho máu

Phosphat trong máu giảm (<10 mg/L), ái lực của hồng cầu với oxy tăng do giảm men 2,3-diphospho-glycerate, dẫn tới tình trạng giảm cung cấp oxy cho các tổ chức, giảm chuyển hóa tại tế bào, dẫn đến các tác hại của hạ phospho máu như: yếu, nhược cơ, tiêu cơ vân.

Khi hạ phosphat máu nặng, cấp (1- 2 mg/L) có thể dẫn đến tan máu cấp tính do hồng cầu dễ vỡ, nhiễm khuẩn do giảm hoá hướng động bạch cầu, xuất huyết do rối loạn tiểu cầu. Tiêu cơ vân (gây tăng hoạt độ men creatine kinase huyết thanh), bệnh về não (bệnh nhân bị kích thích, lú lẫn, rối loạn lời nói, co giật, hôn mê) và suy tim là những biểu hiện ít gặp nhưng rất nặng.

Bệnh nhân bị hạ phosphat trong máu mạn tính có thể có biểu hiện chán ăn, đau cơ, đau xương, gãy xương, nhiều trường hợp có thể gặp hemoglobin niệu

5.Điều trị hạ phospho máu

phosphat
Hãy bổ sung phosphat và duy trì lượng dịch để phòng ngừa hạ phospho máu

Phương pháp xử trí tốt nhất là phòng ngừa bằng cách bổ sung phosphat và duy trì lượng dịch. Nếu tiêm truyền nhanh phosphat sẽ làm hạ calci máu, do đó nên bổ sung bằng đường uống khi bệnh nhân được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

  • Lượng phospho cần bổ sung là 620mg (20mmol) phospho nguyên tố cho mỗi 1000kcal để duy trì tình trạng cân bằng phosphat và đảm bảo các chức năng.
  • Liều phosphat cần bổ sung hàng ngày khi bệnh nhân truyền dịch kéo dài là 620-1240 mg (20-40mmol).
  • Khi hạ phospho máu không triệu chứng (7-10 mg/L) thì cần truyền 279-310mg (9-10 mmol) mỗi 12 giờ đến khi lượng phosphat máu lên trên > 10 mg/L.

Cần theo dõi sát lượng phosphat máu và phosphat niệu. Nếu xảy ra tình trạng hạ magie máu kèm theo thì cần điều trị. Theo dõi sát nồng độ creatinin máu và calci máu để đề phòng hạ calci.

Khi điều trị bằng đường uống có thể dùng sữa gầy chứa phosphat (33 mmol hay 1g/lít sữa). Sử dụng viên bọc hoặc viên nang có chứa thêm ion natri và kali để bổ sung 0.5-1g (18-32 mmol) hàng ngày.

Chống chỉ định sử dụng muối phosphat trong trường hợp suy cận giáp, suy thận, tổn thương hoặc hoại tử mô, tăng kali máu. Khi điều trị tăng đường máu, hiện tượng phosphat đi cùng các phân tử đường vào trong tế bào có thể dẫn đến hạ phosphat máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan