Nguyên tắc điều trị hội chứng thận hư

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Thắng - Phó khoa khám bệnh & Nội khoa kiêm trưởng Đơn nguyên Nội trú Nội bệnh - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Hội chứng thận hư là một bệnh lý phổ biến nhưng việc điều trị khá phức tạp. Điều trị hội chứng thận hư cần phải tuân thủ theo nguyên tắc điều trị để kiểm soát các triệu chứng, điều trị theo nguyên nhân và tránh các biến chứng nguy hiểm cho người bệnh.

1.Hội chứng thận hư là bệnh lý như thế nào?

Hội chứng thận hư (HCTH) là hội chứng lâm sàng và sinh hoá đặc trưng bởi: protein niệu nhiều (> 3,5g/24giờ), protein máu giảm (< 60g/l), albumin máu giảm (<30g/l), lipid máu tăng và phù.

Đối với trẻ em dưới 16 tuổi, tần suất mới mắc hội chứng thận hư là 20-50/1000000 trẻ em mỗi năm. Ở người trưởng thành, tần suất mới mắc hội chứng thận hư hàng năm tại Mỹ là khoảng 3/1000000 người. Tần suất mắc bệnh chung khó xác định chính xác vì bệnh có thể do một số bệnh lý khác gây ra.

2.Sinh lý bệnh

Bệnh sinh của HCTH chưa được hiểu biết đầy đủ. Nhưng người ta cho rằng cơ chế sinh bệnh học của HCTH là sự rối loạn về đáp ứng miễn dịch, gây tăng tính thấm của màng đáy cầu thận. Khi màng đáy bị tổn thương, thay đổi kích thước lỗ lọc và thay đổi điện thế màng làm protein thoát qua được. Tình trạng thoát protein ra nước tiểu làm giảm albumin máu sẽ gây giảm áp lực keo huyết tương, dẫn đến giảm thể tích tuần hoàn trong lòng mạch và nước thoát khỏi lòng mạch gây phù.

Định lượng Albumin
Tình trạng thoát protein ra nước tiểu làm giảm albumin máu sẽ gây giảm áp lực keo huyết tương

3.Phân loại hội chứng thận hư

HCTH được chia làm hai nhóm theo nguyên nhân gây bệnh, đó là HCTH nguyên phát có nguyên nhân là các bệnh lý cầu thận nguyên phát và HCTH thứ phát có nguyên nhân là các bệnh lý khác như bệnh chuyển hóa (đái tháo đường), bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch..), bệnh lý ác tính, các nguyên nhân gây nhiễm trùng, ký sinh trùng hoặc sau dùng một số thuốc hay hóa chất độc.

Ở người lớn, khoảng 80% viêm cầu thận chưa rõ nguyên nhân, còn lại kết hợp với bệnh hệ thống, đặc biệt lupus ban đỏ, đái tháo đường và bệnh thận thoái hóa dạng bột.

4.Triệu chứng lâm sàng hội chứng thận hư

Các triệu chứng lâm sàng hội chứng bao gồm:

  • Phù: Phù tăng nhanh trong vài ngày hoặc vài tuần. Bệnh nhân có thể bị phù mặt, đặc biệt là mi mắt rồi xuống chi dưới, bụng và bộ phận sinh dục. Phù thường biểu hiện rõ ở vùng thấp của cơ thể, ấn vào vùng phù có cảm giác mềm, lõm và không đau, đối xứng hai bên. Cần đánh giá mức độ phù bằng cách theo dõi cân nặng mỗi ngày. Có thể có tràn dịch trong ổ bụng, màng phổi một bên hoặc hai bên. Trường hợp phù nhiều có thể có cả dịch ở màng ngoài tim.
  • Tiểu ít: Nước tiểu có thể giảm còn ít hơn 500ml/ngày và có thể xuất hiện tình trạng tiểu máu.

Ngoài ra, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, kém ăn hoặc có tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp kèm theo.

phù mặt do  mắc hội chứng thận hư
Bệnh nhân có thể bị phù mặt do mắc hội chứng thận hư

5.Xét nghiệm chẩn đoán hội chứng thận hư

Xét nghiệm chẩn đoán hội chứng thận hư thấy đạm trong nước tiểu tăng cao ≥ 3,5 g/24 giờ. Trong nước tiểu có thể có mỡ lưỡng chiết, trụ mỡ, trụ hạt, hồng cầu niệu và bạch cầu. Ngoài ra, xét nghiệm chẩn đoán còn thấy:

  • Đạm trong máu giảm: Do mất qua đường nước tiểu
  • Mỡ máu tăng nhiều
  • Một số trường hợp cô đặc máu, hồng cầu, hemoglobin và hematocrit tăng.
  • Mức lọc cầu thận có thể bình thường hoặc giảm khi có suy thận. Thể tích nước trong lòng mạch giảm có thể dẫn đến tình trạng suy thận cấp.

Chẩn đoán xác định hội chứng thận hư dự vào các thông số:

  • Phù
  • Lượng protein trong nước tiểu cao > 3,5g/24giờ.
  • Nồng độ protein máu giảm thấp < 60g/l; albumin máu giảm < 30g/l.
  • Lipid máu tăng.

Trong các yếu tố trên thì 2 yếu tố có giá trị quyết định là lượng protein trong nước tiểu > 3,5g/24giờ và nồng độ protein máu giảm thấp < 60g/l, albumin máu giảm < 30g/l. Một số trường hợp ở giai đoạn sớm chỉ thấy lượng protein trong nước tiểu cao > 3,5g/24 giờ, trong khi đó nồng độ protein máu chưa giảm xuống < 60g/l.

Xét nghiệm nước tiểu bạch cầu cao
Xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán hội chứng thận hư

6.Biến chứng hội chứng thận hư

Biến chứng của hội chứng thận hư là hậu quả của các rối loạn sinh hoá do mất nhiều protein qua nước tiểu. Cụ thể:

  • Suy dinh dưỡng: thường gặp ở trẻ em và cả ở người lớn nếu không cung cấp đủ protein để bù vào lượng protein bị mất qua nước tiểu.
  • Suy giảm chức năng thận do rối loạn nước và điện giải, giảm thể tích máu do phù có thể dẫn đến suy thận chức năng.
  • Nhiễm khuẩn: nguy cơ nhiễm khuẩn tăng do giảm IgM, IgG, giảm bổ thể trong huyết tương do mất qua nước tiểu.
  • Giảm canxi máu: canxi máu giảm do giảm protein máu và do giảm hấp thu canxi từ ruột có thể gây ra cơn tetani.
  • Nghẽn tắc mạch
  • Tăng ngưng tập tiểu cầu.

7.Tiến triển và tiên lượng hội chứng thận hư

Triệu chứng của suy thận mạn thường âm thầm, không rõ ràng
Hội chứng thận hư có thể tiến triển dần dần đi đến suy thận mạn trong 5-10 năm sau khi được chẩn đoán

Tiến triển và tiên lượng của hội chứng thận hư liên quan đến thể tổn thương giải phẫu bệnh. Cụ thể:

  • Bệnh cầu thận sang thương tối thiểu (minimal change disease) Khoảng 80% bệnh nhân là người lớn đáp ứng với điều trị bằng uống prednisolon với liều 1mg/kg/ngày.
  • Xơ hóa cầu thận khu trú (focal segmantal glomerulosclerosis). Hội chứng thận hư thường đi kèm với tăng huyết áp và suy thận, bệnh tiến triển dần dần đi đến suy thận mạn trong 5-10 năm sau khi được chẩn đoán.
  • Bệnh cầu thận màng (membranous nephropathy) Khoảng 20% số bệnh nhân này tiến triển đến suy thận mạn giai đoạn cuối, số còn lại lui bệnh ở nhiều mức độ khác nhau.
  • Viêm cầu thận màng tăng sinh (mesangial proliferative glomerulonephritis) tiến triển từ từ đến suy thận
  • Viêm cầu thận tăng sinh gian mạch
  • Viêm cầu thận tăng sinh nội mao mạch (viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn)

8.Điều trị hội chứng thận hư như thế nào?

8. 1. Điều trị triệu chứng

Mục tiêu điều trị hội chứng thận hư là bù lại khối lượng tuần hoàn bằng cách tăng protein máu. Trường hợp nặng có thể truyền plasma, các dung dịch keo và albumin. Theo đó, người bệnh phải hạn chế muối và nước khi có phù nhiều.

Trường hợp nặng có thể truyền plasma để điều trị hội chứng thận hư
Trường hợp nặng có thể truyền plasma cho bệnh nhân để điều trị hội chứng thận hư

8.2. Điều trị đặc hiệu

Điều trị đặc hiệu hội chứng thận hư nguyên phát:

  • Corticoid (prednisolon, prednisone, methyprednisolone).
  • Thuốc giảm miễn dịch khác: Trong trường hợp đáp ứng kém với corticoid, kháng corticoid hoặc chống chỉ định dùng corticoid thì dùng các loại thuốc ức chế miễn dịch khác như cyclophosphamid, chlorambucil, azathiprin, cycloporine A hoặc mycoophenolate mofetil và theo dõi các tác dụng phụ của thuốc.

Điều trị đặc hiệu hội chứng thận hư thứ phát theo nguyên nhân gây bệnh.

8.3. Điều trị và dự phòng các biến chứng

  • Điều trị và dự phòng nhiễm khuẩn: Tỉ lệ biến chứng nghẽn tắc tĩnh mạch
  • Hiện tượng tăng đông máu
  • Biến chứng do sử dụng corticoid

9.Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc hội chứng thận hư

Protein rất tốt cho sức khỏe của bà mẹ sau sinh
Bệnh nhân chưa có suy thận nên có chế độ ăn tăng protein

9.1. Đối với bệnh nhân chưa có suy thận

Chế độ ăn tăng protein: Lượng protein cung cấp hàng ngày phải bằng lượng protein theo nhu cầu cơ thể (1g/kg/24giờ) cộng với lượng protein mất qua nước tiểu trong 24 giờ.

9.2. Đối với bệnh nhân đã suy thận

Lượng protein cung cấp hàng ngày phải giảm tùy theo giai đoạn suy thận (tham khảo thêm chế độ ăn đối với người suy thận).
Cung cấp đủ năng lượng, nhất là với trẻ em để hạn chế suy dinh dưỡng do hội chứng thận hư. Cung cấp đủ vitamin; chất khoáng, nhất là canxi.
Lượng natri: nếu phù cần phải cho bệnh nhân ăn nhạt, lượng natri ăn hàng ngày không quá 3g (lượng natri này đã có sẵn trong thực phẩm). Nếu không có phù, không cần ăn nhạt tuyệt đối.
Đối với kali: nếu bệnh nhân có thiểu niệu hoặc vô niệu thì cần hạn chế lượng kali trong thức ăn vì có nguy cơ tăng kali máu. Nếu bệnh nhân có tiểu nhiều do dùng thuốc lợi tiểu gây mất kali, làm giảm kali máu thì cần phải bù kali bằng chế độ ăn hoặc sử dụng thuốc như: panagin, kaleorit (viên 0,6 hoặc 1,0 cho 1g/24giờ), hoặc dung dịch kaliclorua 15% (cho 10-20 ml/ngày).

Hội chứng thận hư không khó để chẩn đoán, nhưng có tính chất mạn tính và có thể tái phát. Do đó, nếu đã mắc bệnh, bệnh nhân cần tích cực phối hợp với bác sĩ để theo dõi và điều trị lâu dài theo đúng phác đồ, nguyên tắc. Để đề phòng hội chứng thận hư thì không nên sử dụng thuốc và các loại chất không rõ nguồn gốc sẽ gây độc cho thận.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là bệnh viện đa khoa có chức năng thăm khám và điều trị các bệnh lý thận tiết niệu như suy thận, hội chứng thận hư và nhiều các căn bệnh khác. Tại Vinmec Cũng đã thực hiện chẩn đoán, điều trị nội soi bằng các phương pháp y học hiện đại với các bệnh lý không chỉ đem lại hiệu quả cao mà còn hạn chế tối đa biến chứng bệnh tái phát. Có được thành công lớn là bởi Vinmec luôn trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan