Nhiễm siêu vi viêm gan B nguy cơ dẫn đến xơ gan và ung thư gan

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trong quá trình phát triển và gây bệnh của siêu vi viêm gan B, nó sẽ tấn công và hủy hoại tế bào gan. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì bệnh có thể dẫn tới xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

1. Viêm gan B là gì?

Viêm gan siêu vi B hay còn gọi là viêm gan B do một loại siêu vi nhỏ mang DNA thuộc họ Hepadnaviridae. Siêu vi này xâm nhập vào cơ thể con người dưới dạng hạt tử Dance, các hạt tử này sẽ di chuyển từ máu vào gan để xâm nhập vào nhân các tế bào gan. Tại nhân tế bào gan, các hạt tử này sẽ mượn nguyên liệu của tế bào để mã hóa và sao chép ra hàng loạt những siêu vi mới được phóng thích ra ngoài, và tiếp tục gây nhiễm cho các tế bào gan khác.

Bản thân siêu vi viêm gan B không trực tiếp làm tổn thương các tế bào gan, mà do hệ thống miễn dịch của cơ thể con người nhận diện các tế bào gan đã bị nhiễm siêu vi, và tấn công phá hủy các tế bào này gây tổn thương gan. Khi quá trình này được tiếp diễn trong một thời gian dài trong nhiều năm, mô gan bị tổn thương sẽ thành những mô sẹo và có thể dẫn đến xơ gan, suy gan, thậm chí có một tỉ lệ diễn tiến ung thư gan.

Viêm gan B
Virus gây viêm gan B thuộc họ Hepadnaviridae

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bị nhiễm siêu vi viêm gan B cũng sẽ bị nhiễm siêu vi hoạt động suốt đời. Một số trường hợp, hệ miễn dịch khỏe mạnh có thể sạch siêu vi trước khi chuyển thành viêm gan B mạn tính. Tình huống này được gọi là viêm gan cấp, xảy ra trong vòng 6 tháng đầu tiên của nhiễm trùng đôi khi gây ra triệu chứng viêm gan nặng như mệt mỏi, vàng da, sốt,... nhưng đa phần không có triệu chứng trong giai đoạn này.

Những người có hệ miễn dịch lành mạnh, khỏe sẽ phục hồi sau đợt nhiễm siêu vi cấp tính chiếm khoảng 90%. Trong khi đó chỉ có 10% chuyển thành siêu vi viêm gan B mạn tính. Tuy nhiên, nếu bị lây nếu bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con lúc sinh thì khả năng 90% sẽ trở thành người mang siêu vi mạn tính.

2. Đường lây truyền siêu vi viêm gan B

Siêu vi viêm gan B lưu hành trong máu và có thể lây nhiễm qua những con đường sau:

  • Mẹ lây truyền cho con: Lây trong quá trình chuyển dạ, đây là đường lây truyền quan trọng nhất.
  • Đường tình dục: Siêu vi viêm gan B có thể lây thông qua hoạt động tình dục khác giới hoặc đồng giới.
  • Đường máu: Siêu vi viêm gan B lây nhiễm thông qua truyền máu hay chế phẩm của máu có nhiễm siêu vi. Hoặc khi tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B, dùng chung bơm kim tiêm có nhiễm siêu vi, xỏ lỗ tai, xăm mình châm cứu nếu dụng cụ sử dụng không được khử trùng đúng cách.
Quan hệ tình dục
Viêm gan B lây truyền qua đường tình dục không an toàn

3. Vì sao nhiễm siêu vi B có nguy cơ dẫn tới xơ gan và ung thư gan?

Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị tấn công tiêu diệt bởi siêu vi ồ ạt, sẽ dẫn tới viêm gan siêu vi B. Nếu kéo dài thời gian, tế bào gan sẽ bị hư hại nhiều dẫn tới men gan tăng cao. Nếu tế bào gan bị tổn thương quá lớn sẽ dẫn đến suy tế bào gan nặng, hay còn gọi là viêm gan tối cấp. Người bệnh sẽ có triệu chứng như bị cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mửa, ăn kém ngon, sụt cân, và ngứa khắp người. Triệu chứng nặng hơn như: sốt, vàng mắt, vàng da, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm, và nếu rơi vào viêm gan tối cấp có thể bị tử vong...

Vàng da và tròng trắng mắt (vàng da)
Người bệnh xuất hiện vàng mắt vàng da

Viêm gan siêu vi B mạn dường như không có dấu hiệu gì, người bệnh luôn cảm thấy sức khoẻ bình thường hoặc đôi khi có mệt mỏi, và chán ăn thoáng qua. Nhưng có thể dẫn tới xa gan và biến chứng kèm theo là xơ gan cổ chướng, chảy máu đường tiêu hoá, thậm chí là ung thư gan. Khi bệnh đã tiến triển đến mức xơ gan thì thường khó hồi phục mặc dù tình trạng viêm gan được cải thiện. Vì vậy người bệnh cần được điều trị sớm nhằm ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình xơ gan.

Để chẩn đoán nhiễm siêu vi viêm gan B cần xét nghiệm máu tầm soát siêu vi viêm gan B tại các cơ sở y tế với xét nghiệm HBsAg. Nếu xét nghiệm HBsAg dương tính, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh thực hiện HBV DNA định lượng (cho biết số lượng virus), HBeAg (cho thấy sự nhân lên của virus) và các chỉ số đánh giá về chức năng gan như AST, ALT để có cơ sở chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus. Nếu xét nghiệm HBsAg âm tính có nghĩa là người bệnh không nhiễm siêu vi viêm gan B, và cần được xét nghiệm thêm HBsAb định lượng để biết cơ thể đã có đủ kháng thể với virus viêm gan B hay chưa, nếu chỉ số này âm tính hoặc có kháng thể yếu thì cần được tiêm chủng phòng ngừa viêm gan B.

Tóm lại, khi bị siêu vi viêm gan B cần được thăm khám và điều trị kết hợp với thay đổi lối sống thì có thể giảm nguy cơ dẫn tới xơ gan và ung thư gan. Do đó, việc tầm soát viêm gan B trong khám sức khỏe định kỳ, thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm và khi bị viêm gan B cần thay đổi lối sống và có biện pháp can thiệp điều trị phù hợp để ngăn ngừa biến chứng xảy ra.

Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai gói sàng lọc gan mật bao gồm đầy đủ tất cả các xét nghiệm trên, mang đến sự yên tâm và kết quả chính xác cho khách hàng. Khi có những dấu hiệu rối loạn gan hoặc ngay cả khi không hề có triệu chứng nào thì việc chủ động xét nghiệm chức năng gan là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình. Ngoài ra, Vimec cũng có trung tâm Vắc-xin trong bệnh viện sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêm Vắc-xin phòng ngừa virus viêm gan B.

Khám bệnh, khám gan mật
Khám sàng lọc gan mật tại Vinmec với chuyên gia

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan