Nhổ răng bằng Piezotome là gì?

Hiện nay, có nhiều phương pháp nhổ răng với mục đích rút ngắn thời gian thực hiện, hạn chế đau đớn mà vẫn đảm bảo hiệu quả chữa bệnh, một trong số đó là phương pháp nhổ răng bằng máy siêu âm Piezotome. Vậy nhổ răng Piezotome là gì và ưu nhược điểm của phương pháp này như thế nào?

1. Nhổ răng Piezotome là gì?

Phương pháp nhổ răng bằng máy Piezotome là công nghệ nha khoa hiện đại dùng sóng âm để mở nướu, cắt và sau đó nâng xoang hàm và tạo hình khung xương mà không xâm lấn đến mô mềm xung quanh răng. Sự ra đời của công nghệ siêu âm Piezotome đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực điều trị nha khoa.

Piezotome với hệ thống tự động sử dụng bước sóng âm tần với tần số từ 28 – 36 KHz để hỗ trợ điều trị các tình huống phẫu thuật trong nha khoa như nhổ răng khôn, nâng xoang hàm trên, tạo hình xương... Các đầu mũi khoan của máy được sử dụng có cấu tạo rất mỏng nhẹ và nhỏ gọn khoảng 0.2 - 0.5 mm, nên rất dễ dàng len lỏi vào sâu bên các ngách lợi khi nhổ răng.

Khi bắt đầu, bác sĩ sẽ đưa các đầu mũi khoan đang rung nhẹ với sóng siêu âm có biên độ và tần số khác nhau để tách các mô mềm quanh chân răng cần nhổ. Sau đó, hệ thống bơm nhu của máy sẽ được kích hoạt để làm giảm nhiệt độ mũi khoan để các mô mềm và răng bị khoan chạm vào không bị tổn thương và giảm đau.

2. Ứng dụng của máy siêu âm Piezotome

Máy siêu âm Piezotome đã được nghiên cứu và sáng tạo để sử dụng trong các mục đích y khoa như:

Nha khoa tổng quát:

  • Hỗ trợ chia cắt chân răng trong quá trình nhổ răng
  • Hỗ trợ mài chỉnh xương trong thủ thuật làm dài thân răng
  • Hỗ trợ chia đôi thân răng và cắt chân răng viêm
  • Sử dụng trong các phẫu thuật nha chu
  • Dùng để cắt chóp trong điều trị nội nha.

Cấy ghép nha khoa:

  • Giảm nguy cơ tổn thương mô mềm liền kề và hoại tử xương
  • Giúp tạo hình mào xương ổ răng.
  • Chuẩn bị vị trí xương để cắm Implant
  • Hỗ trợ tách và mở rộng xương ổ răng.
  • Hỗ trợ cắt xương chọn lọc trong thủ thuật tái định vị dây thần kinh.

Phẫu thuật ghép xương xoang hàm trên:

  • Giúp giảm nguy cơ thủng xoang hàm
  • Chuẩn bị cửa sổ xương tốt nhất với phương pháp tiếp cận bên
  • Làm bóc tách niêm mạc xoang tổn thương
  • Giúp nâng nền xoang hàm trên.

Phẫu thuật xương hàm mặt:

  • Hỗ trợ cắt lấy xương ghép tự nhiên gọn gàng và chính xác.

Phẫu thuật chỉnh hình:

  • Giúp giảm lượng máu mất trong quá trình phẫu thuật so với phẫu thuật truyền thống.

Loại bỏ tổn thương dạng u và nang:

  • Loại bỏ cẩn thận màng xương bao phủ nang, xử lý nang và hạn chế rách thành biểu mô.
  • Bảo vệ cấu trúc thần kinh quan trọng khi có các khối u gần với chúng.

3. Ưu điểm và nhược điểm của việc nhổ răng bằng máy siêu âm Piezotome

Ưu điểm:

  • Giảm cảm giác đau do sóng siêu âm của máy Piezotome có thể giúp bóc tách mô và nướu khỏi chân răng rất nhẹ nhàng.
  • Cắt xương có chọn lọc, ở vị trí chính xác, tránh các tổn thương gây ra do nhiệt độ cao, đồng thời ít làm tổn thương cấu trúc mô xung quanh và giảm chảy máu trong phẫu thuật.
  • Giúp xác vị trí răng cần nhổ, định hình được cấu trúc xương hàm để giúp việc nhổ răng được an toàn hơn,
  • Sóng siêu âm không tác động vào mạch máu và dây thần kinh quanh vùng chân răng.
  • Phẫu thuật răng và cắt xương bằng máy siêu âm Piezotome làm giảm tối đa nguy cơ tổn thương mạch máu và thần kinh, từ đó giảm tê bì môi má sau khi nhổ. Tuy nhiên, chỉ giúp làm giảm một phần chứ không hoàn toàn biến mất do việc tổn thương thần kinh còn do nhiều nguyên nhân khác trong quá trình phẫu thuật.
  • Ít làm tổn thương các mô xương nên ít gây ra biến chứng trong và sau phẫu thuật.
  • Nhanh lành thương, làm giảm lượng sưng nề, khít hàm sau 24 giờ phẫu thuật.
  • Kiểm soát viêm tốt hơn và giúp quá trình liền vết thương diễn ra nhanh hơn.
  • Giảm căng thẳng, ám ảnh và sợ hãi cho bệnh nhân vì sự rung động của đầu cắt ít tạo ra tiếng ồn, ít gây tổn thương hơn so với sử dụng tay khoan siêu tốc hoặc bẩy răng.
  • Giảm độ há miệng so với phương pháp nhổ răng khôn truyền thống.
  • Có thể nhổ răng khôn bằng máy siêu âm Piezotome mà không hề thấy đau và thời gian hồi phục nhanh.

Nhược điểm

  • Nhổ răng không đau bằng máy siêu âm Piezotome thường có giá thành thực hiện khá cao so với phương pháp truyền thống.
  • Hiện nay vẫn chưa phổ biến tại những phòng khám nha khoa quy mô nhỏ.
  • Không sử dụng được trên những bệnh nhân có gắn máy tạo nhịp tim.

4. Quy trình nhổ răng không đau bằng máy siêu âm Piezotome

Dưới đây là quy trình nhổ răng bằng máy Piezotome:

Bước 1: Thăm khám và chụp X-quang răng

Trước khi bệnh nhân quyết định nhổ răng, nha sĩ sẽ tiến hành quá trình thăm khám và kiểm tra tình trạng những chiếc răng cần nhổ cùng các tổ chức xung quanh răng. Bên cạnh đó, muốn xác định được vị trí, thế răng, độ dài, chiều cao... nhằm đưa ra phương án điều trị phù hợp, bác sĩ nha khoa sẽ cũng có thể chụp X-quang răng.

Nếu trong quá trình thăm khám này, nha sĩ phát hiện khoang miệng của bạn đang mắc các bệnh lý nha chu thì bạn sẽ được điều trị cho bệnh khỏi hoàn toàn rồi mới tiến hành nhổ răng. Việc này nhằm mục đích đảm bảo tính vô trùng, ngăn không cho vi khuẩn lan sang vùng nhổ răng, hạn chế các biến chứng trong và sau nhổ răng.

Bước 2: Vệ sinh khoang miệng và tiến hành gây tê tại chỗ

Việc vệ sinh khoang miệng là việc cần thiết trước khi tiến hành nhổ răng, vì nó giúp loại bỏ các nguy cơ áp xe và nhiễm trùng ổ răng xảy ra sau răng được nhổ ra ngoài. Sau đó, nha sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê tại chỗ có tác dụng giúp bệnh nhân mất đi cảm giác đau đớn, gián tiếp làm giảm sự sợ hãi và để yên tâm nhổ răng.

Bước 3: Làm lung lay chân răng

Sau khi thuốc tê được tiêm, nha sĩ sẽ sử dụng một loại dụng cụ nha khoa chuyên dụng để giúp cho chân răng của bệnh nhân trở nên yếu và lung lay. Riêng các trường hợp phức tạp khác như răng khôn mọc lệch hay mọc ngầm... thì trước khi thực hiện động tác này nha sĩ sẽ cân nhắc về việc gây mê cho bệnh nhân, vì có thể tạo ra các cơn đau rất khủng khiếp cho bệnh nhân.

Bước 4: Thực hiện nhổ răng

Nha sĩ tiến hành nhổ răng bằng máy Piezotome. Nha sĩ sẽ đưa các đầu mũi khoan đang rung nhẹ với sóng siêu âm có biên độ và tần số khác nhau để tách các mô mềm quanh chân răng cần nhổ. Sau đó, hệ thống bơm nhu của máy sẽ được kích hoạt để làm giảm nhiệt độ mũi khoan để các mô mềm và răng bị khoan chạm vào không bị tổn thương và giảm đau. Sau khi răng đã lấy ra khỏi ổ răng, bệnh nhân sẽ được cầm máu, khâu đóng vết thương.

Bước 5: Sử dụng thuốc điều trị theo đơn và hẹn lịch tái khám.

Nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách tự chăm sóc răng miệng tại nhà sau khi nhổ răng và kê cho một số thuốc sau nhổ răng như kháng sinh, giảm đau giảm viêm và hẹn bạn tái khám để kiểm tra tình trạng răng sau thủ thuật.

5. Sau khi nhổ răng bằng Piezotome cần lưu ý những gì ?

Để quá trình hồi phục sức khỏe răng miệng sau nhổ răng diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và ngăn ngừa được biến chứng, Bệnh nhân cần lưu ý:

  • Không đánh răng và súc miệng ở vùng mới được nhổ răng.
  • Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng, đúng cách và thường xuyên.
  • Không sử dụng các loại bàn chải cứng.
  • Thay thế tăm bằng chỉ nha khoa.
  • Không sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, thực phẩm nhuộm màu.
  • Không ăn uống các loại thực phẩm quá nóng, quá lạnh, đồ ăn khó nhai, đồ cứng...
  • Hạn chế tối đa việc nhai ở vùng răng mới nhổ.
  • Tái khám đúng lịch mà nha sĩ đã hẹn trước đó, thước là sau khoảng 2 - 3 tuần.

Nhổ răng bằng máy siêu âm Piezotome là một phương pháp nha khoa hiện đại được sáng tạo để rút ngắn thời gian phẫu thuật và quan trọng nhất vẫn là giảm cảm giác đau cho bệnh nhân. Những thông tin khái quát về phương pháp này sẽ giúp cho bệnh nhân và người thân có thể tự tin và lựa chọn nó trong việc điều trị các vấn đề răng miệng của mình. Hãy lựa chọn những cơ sở khám chữa bệnh nha khoa uy tín cùng với bác sĩ có kinh nghiệm để quá trình điều trị được an toàn và thu về kết quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan