Những điều cần biết về viêm họng xung huyết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Viêm họng xung huyết là tên gọi khác của viêm họng cấp, đây là một bệnh rất thường gặp, xuất hiện nhiều vào mùa đông khi thời tiết thay đổi. Điều trị viêm họng xung huyết nếu không kịp thời và triệt để sẽ gây nhiều biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

1. Viêm họng xung huyết là gì?

Viêm họng xung huyết là tên gọi khác của bệnh viêm họng cấp, xảy ra khi niêm mạc họng bị virus hoặc vi khuẩn tấn công gây xung huyết, sưng tấy, đau rát, phù nề. Đây là một bệnh rất phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng từ người lớn đến trẻ em, nhất là vào mùa đông khi thời tiết thay đổi, Bệnh có thể xuất hiện riêng biệt hoặc xuất hiện đồng thời với viêm mũi xoang, viêm VA, viêm mũi, viêm amidan,...

2. Nguyên nhân gây viêm họng xung huyết

Nguyên nhân chủ yếu gây viêm họng xung huyết là do vi khuẩn, virus xâm nhập, tấn công niêm mạc họng. Các vi khuẩn, virus này có nguồn gốc từ không khí, thức ăn hoặc có thể liên quan đến các bệnh thủy đậu, cảm lạnh, cúm, bạch hầu, quai bị,...

● Các virus gây bệnh thường gặp là: Adenovirus, Virus cúm, Virus para- influenzae, Virus Coxsakie,...

● Các vi khuẩn gây bệnh thường gặp là: Liên cầu bêta tan huyết nhóm A, B, C, G; Haemophilus influenzae, tụ cầu vàng, Moraxella catarrhalis, các vi khuẩn kị khí,..

vi khuẩn
Viêm họng xung huyết là do niêm mạc họng bị vi khuẩn, virus tấn công

Các yếu tố thuận lợi gây bệnh viêm họng xung huyết:

● Bệnh nhân mắc bệnh trào ngược acid dạ dày, dịch dạ dày trào ngược tấn công vòng họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm.

● Hệ miễn dịch bệnh nhân suy yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus tấn công.

● Môi trường sống, làm việc bị ô nhiễm, thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, các hóa chất độc hại, khói thuốc lá.

● Cơ thể thích ứng không kịp với sự thay đổi thất thường của thời tiết, sức đề kháng suy giảm, đường hô hấp dễ bị thương tổn.

● Sử dụng các thức ăn cay nóng, uống nhiều nước lạnh làm tổn thương niêm mạc họng.

● Những người có nghề nghiệp đòi hỏi phải nói thường xuyên, nói to, nói nhiều như giáo viên, ca sĩ, người dẫn chương trình,...dễ có nguy cơ tổn thương niêm mạc vùng họng.

3. Triệu chứng viêm họng xung huyết

Nếu nguyên nhân gây bệnh là do virus, bệnh thường tự khỏi sau 3-5 ngày, các triệu chứng sẽ giảm dần. Nếu nguyên nhân bệnh do vi khuẩn, các triệu chứng bệnh sẽ kéo dài ngày hơn. Nhưng nhìn chung dù do nguyên nhân gì, các triệu chứng viêm họng xung huyết thường gặp là sau đây:

● Bệnh thường xảy ra đột ngột, bệnh nhân sốt vừa từ 38-39 độ hoặc sốt cao, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức toàn thân, chán ăn.

● Đau họng đặc biệt khi nuốt, nuốt chất lỏng cũng đau. Cảm giác đau nhói lên tai khi nuốt, ho, nói.

● Bệnh nhân ho từng cơn, ho khan hoặc ho có đờm

● Ngạt mũi, khó thở, có thể có chảy máu mũi

● Khi khám bác sĩ sẽ thấy toàn bộ niêm mạc họng đỏ, xuất tiết. Các tổ chức bạch huyết ở thành sau họng đỏ mọng, mao mạch nổi rõ. Hạch góc hàm sưng nhẹ, hơi đau.

Nếu không được điều trị, viêm họng xung huyết có thể tiến triển và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:

● Biến chứng tại chỗ thường gặp là viêm tấy hoặc áp xe các khoảng bên họng, áp xe thành sau họng. Viêm tấy hoại thư vùng cổ là một biến chứng hiếm gặp nhưng khó điều trị, tiên lượng rất nặng, bệnh nhân có thể tử vong.

● Biến chứng ở các cơ quan lân cận gồm viêm phổi, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, viêm mũi xoang cấp.

● Biến chứng xa: nếu nguyên nhân gây bệnh là do liên cầu tan huyết, người bệnh có thể gặp các biến chứng như viêm khớp, viêm tim, viêm thận, choáng nhiễm độc liên cầu hoặc nhiễm trùng huyết.

4. Điều trị viêm họng xung huyết

Về nguyên tắc điều trị, nếu không có xét nghiệm định loại virus hoặc vi khuẩn, viêm họng xung huyết ở bệnh nhân trên 3 tuổi cần được điều trị như viêm họng cấp do liên cầu. Việc điều trị là sự kết hợp giữa sử dụng kháng sinh, các thuốc điều trị triệu chứng giúp hạ sốt, giảm đau, kháng viêm và các thuốc điều trị tại chỗ.

kháng sinh
Điều trị viêm họng xung huyết bằng cách sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc

Về điều trị cụ thể, các thuốc thường được sử dụng là:

Kháng sinh:

● Penicillin V, Penicillin G, Cephalosporin thế hệ 1 (như Cefalexin, Cefadroxil,...) hoặc Penicillin A (Amoxicillin)

● Nếu bệnh nhân dị ứng với nhóm beta lactam có thể chuyển qua nhóm Macrolid với các thuốc Erythromycin, Clarithromycin, Azithromycin,...

● Khi có kết quả xét nghiệm kháng sinh đồ, thay đổi thuốc cho phù hợp với kháng sinh đồ.

Điều trị triệu chứng:

● Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol, Ibuprofen, Aspirin,...

● Thuốc chống viêm: Prednisolon, Methylprednisolon, Alphachymotrypsin,..

Điều trị tại chỗ: súc họng bằng nước muối sinh lý, sử dụng kẹo ngậm chứa các tinh dầu bạc hà, trà, gừng, mật ong... giúp sát khuẩn, giảm ho, dịu vùng họng.

Trong thời gian mắc bệnh, bệnh nhân cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, giúp rút ngắn thời gian bệnh. Các thực phẩm nên ăn là thực phẩm giàu kẽm như ngũ cốc, hải sản, củ cải, chuối,..; thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi; thực phẩm giàu protein như trứng, thịt, cá, sữa; uống nhiều nước, trà gừng, mật ong,...

Các thực phẩm nên hạn chế ăn trong thời gian viêm họng xung huyết là thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, các đồ uống lạnh có gas, rượu, bia và thực phẩm ngọt, nhiều đường.

5. Phòng ngừa bệnh viêm họng xung huyết

Bệnh viêm họng xung huyết gây ra nhiều triệu chứng làm người bệnh khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến công việc, sinh hoạt. Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, mọi người nên vệ sinh tai mũi họng thường xuyên, đeo khẩu trang để tránh tiếp xúc với bụi, hóa chất, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Tránh tiếp xúc với những người đang bị cúm, viêm đường hô hấp trên. Chế độ dinh dưỡng tốt cùng với luyện tập thể lực thường xuyên để tăng sức đề kháng của cơ thể.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

BSCK II Nguyễn Văn Thái nguyên là Bác sĩ Tai Mũi Họng và Phẫu thuật Đầu cổ tại Khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện Trung Ương Huế với hơn 17 năm kinh nghiệm điều trị, đặc biệt trong lĩnh vực Phẫu thuật Đầu cổ. Hiện là Bác sĩ Tai Mũi Họng tại Phòng khám Liên Chuyên khoa thuộc Khoa Khám bệnh và Nội Khoa Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Video đề xuất:

Nội soi tai mũi họng, điều trị viêm họng

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan