Nhuộm đờm tìm vi khuẩn Mycobacteria

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Huy Nhật - Bác sĩ Hô hấp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Do có cấu trúc vách tế bào giàu lipid nên vi khuẩn Mycobacteria không thể phát hiện bằng cách nhuộm gram thông thường. Chẩn đoán nhiễm trùng Mycobacteria có thể được thực hiện thông qua kỹ thuật nhuộm đờm “axit-fast bacillus” (AFB) để tìm vi khuẩn.

1. Đặc điểm của vi khuẩn Mycobacteria

Các vi khuẩn Mycobacteria là một nhóm có thành tế bào giàu lipid và acid béo. Trong đó có acid béo mycolic acid chiếm khoảng 60% khối lượng màng tế bào của vi khuẩn. Mặc dù các vi khuẩn Mycobacteria có cấu trúc màng tế bào của vi khuẩn Gram dương, nhưng lượng lipid cao trong màng tế bào lại ngăn ngừa sự xâm nhập của thuốc nhuộm Gram, do đó kỹ thuật nhuộm Gram thông thường không cho phép quan sát được hình thái của vi khuẩn Mycobacteria dưới kính hiển vi. Chẩn đoán thường được thực hiện thông qua kỹ thuật nhuộm “axit-fast bacillus” (AFB) để tìm vi khuẩn mycobacteria.

Chủng loại phổ biến nhất trong nhóm này chính là vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn lao hay còn gọi là trực khuẩn lao có kích thước khoảng 0,4 x 3-5mm. Chúng không có lông, vỏ và nha bào. Đây là loại vi khuẩn hiếu khí, không nuôi được ở môi trường thông thường mà cần nuôi trong môi trường giàu dinh dưỡng, phát triển chậm với thời gian phân chia khoảng 18 giờ/lần phân chia. Bệnh lao chủ yếu tác động đến phổi nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như phổi, xương, hạch, màng bụng,... Nhờ khả năng đề kháng cao với các yếu tố lý hóa nên hóa chất dùng để diệt vi khuẩn lao cần phải có nồng độ cao và thời gian tiếp xúc đủ lâu thì mới phát huy hiệu quả.

2. Nhuộm đờm tìm vi khuẩn Mycobacteria được chỉ định khi nào?

Nhuộm đờm là một xét nghiệm được thực hiện trên mẫu đờm nhằm phát hiện vi khuẩn gây bệnh thuộc nhóm Mycobacteria. Bác sĩ thường chỉ định xét nghiệm này để xác định xem một người có bị bệnh lao hoặc nhiễm trùng Mycobacteria khác hay không. Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm để đánh giá hiệu quả ở những bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị lao hoặc một bệnh nhiễm trùng Mycobacteria khác.

nhuộm đờm
Nhuộm đờm là một xét nghiệm được thực hiện trên mẫu đờm nhằm phát hiện vi khuẩn gây bệnh

3. Lấy mẫu đờm để tìm vi khuẩn Mycobacteria tiến hành như thế nào?

Để chuẩn bị lấy mẫu đờm trong ngày hôm sau, vào đêm trước khi xét nghiệm, bạn hãy uống nhiều chất lỏng như nước lọc hay trà, để giúp cơ thể tạo ra nhiều đờm. Lấy mẫu đờm buổi sáng sẽ giúp xét nghiệm chính xác hơn do nhiều vi khuẩn xuất hiện vào thời gian này.

Về bệnh phẩm đờm, theo quy định của Chương trình chống lao quốc gia thì cần lấy 2 mẫu tại chỗ: Mẫu 1 lấy ngay sau khi khám bệnh, mẫu 2 sau mẫu 1 khoảng 2 giờ. Nếu điều kiện cho phép thì nên lấy mẫu đờm vào buổi sáng để xét nghiệm là tốt nhất, lấy 2 mẫu vào 2 sáng sớm sau khi ngủ dậy. Cần lấy khoảng 2 - 3 ml đờm ở những vị trí bất thường như có nhầy mủ, lẫn máu và không lẫn thức ăn.

Để lấy mẫu đờm thuận lợi và cho kết quả chính xác, bạn nên thực hiện như sau:

  • Đánh răng và súc miệng mà không sử dụng nước sát khuẩn.
  • Hít thở sâu và dài vài lần.
  • Hít thở sâu trở lại và ho mạnh cho đến khi có đờm.
  • Khạc đờm vào cốc đựng mẫu.
  • Tiếp tục ho khạc đờm cho đến khi cốc đầy đến vạch, khoảng 1 thìa cà phê.
  • Vặn nắp cốc, rửa và lau khô bên ngoài của cốc.

Nếu bạn không thể khạc ra đờm, bác sĩ sẽ nội soi phế quản lấy đờm trực tiếp từ phổi. Nội soi phế quản là một thủ thuật đơn giản, mất khoảng 30 đến 60 phút. Nó thường được thực hiện tại phòng khám và không cần phải gây mê. Có một số rủi ro khi nội soi phế quản như chảy máu, phản ứng với thuốc gây tê hay an thần, nhiễm khuẩn, co thắt phế quản,...

4. Ưu và nhược điểm của kỹ thuật nhuộm đờm tìm vi khuẩn Mycobacteria

4.1. AFB trực tiếp nhuộm Ziehl- Neelsen

Ưu điểm:

  • Kỹ thuật chẩn đoán này tương đối đơn giản và có thể tiến hành ở các phòng xét nghiệm vi sinh.
  • Chi phí khá thấp, do đó có thể áp dụng phương pháp này để chẩn đoán sàng lọc vi khuẩn Mycobacteria, đặc biệt là vi khuẩn lao trong cộng đồng.

Nhược điểm:

  • Chỉ có thể đánh giá được vi khuẩn trong bệnh phẩm có phải là dạng trực khuẩn kháng cồn kháng axit hay không; không khẳng định được chính xác đó là vi khuẩn lao hay các vi khuẩn Mycobacteria cụ thể khác.
  • Độ nhạy của kỹ thuật này khá thấp, chỉ phát hiện được vi khuẩn nếu nồng độ vi khuẩn > 10^5 vi khuẩn/ mL đờm khi soi ít nhất 10 vi trường.
nhuộm đờm
Để chuẩn bị lấy mẫu đờm trong ngày hôm sau, vào đêm trước khi xét nghiệm, bạn hãy uống nhiều chất lỏng

4.2. AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang

Ưu điểm:

  • Kính hiển vi huỳnh quang có khả năng soi nhanh hơn kính hiển vi quang học.
  • Có độ nhạy cao hơn, đặc biệt ở những mẫu bệnh phẩm ít vi khuẩn do diện tích các vi trường quan sát nhiều hơn.

Nhược điểm:

  • Kỹ thuật này có giá thành tương đối cao.
  • Dễ xảy ra dương tính giả nếu nhầm lẫn giữa các chất phát quang khác và vi khuẩn.

Các vi khuẩn Mycobacteria là những tác nhân gây bệnh thường gặp. Kỹ thuật nhuộm đờm tìm vi khuẩn Mycobacteria sẽ giúp bác sĩ nhanh chóng phát hiện bệnh để đưa ra liệu pháp điều trị phù hợp.

Mời các bạn tham khảo thêm bài “ Xét nghiệm Xpert MTB/RIF, tiến bộ mới trong chẩn đoán sớm bệnh Lao” .

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan