Phẫu thuật mở túi nội dịch làm giảm áp lực nội dịch tai trong

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Minh Tuấn - Bác sĩ Tai mũi họng - Phẫu thuật đầu cổ - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Bệnh Menière là bệnh gây ra tình trạng chóng mặt, buồn nôn do sự tăng lượng dịch ở tai trong bất thường mà không tìm được nguyên nhân. Bệnh được điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh, đôi khi trong một số trường hợp nặng thì can thiệp ngoại khoa được chỉ định.

1. Phẫu thuật mở túi nội dịch là gì?

Đây là phẫu thuật dẫn lưu làm giảm áp lực nội dịch ở tai trong do tai sũng nước trong bệnh Menière bằng cách mở vào túi nội dịch, ngăn chặn cơn tăng áp lực nội dịch.

Bệnh Menière là một rối loạn xảy ra ở tai trong do tăng bất thường dịch và ion nội môi tại tai trong. Bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, đặc biệt ở lứa tuổi từ 20 đến 40. Bệnh gây ra biểu hiện chủ yếu là chóng mặt, ù tai, mất thính lực và cảm giác căng tức nặng ở tai.

Việc điều trị bệnh Menière chủ yếu là điều trị triệu chứng bệnh, hiện nay chưa có biện pháp điều trị bệnh một cách triệt để. Tuy nhiên bệnh được cải thiện khá tốt khi áp dụng các biện pháp điều trị, phục hồi chức năng tiền đình và thay đổi chế độ ăn uống, lối sống.

Phẫu thuật mở túi dịch trong trường hợp tai sũng nước do bệnh Menière gây ra được chỉ định khi các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả, áp lực nội dịch tăng cao gây các triệu chứng nặng nề.

Phương pháp này không có chống chỉ định tuyệt đối. Nhưng cần phải cân nhắc trên những người bệnh lớn tuổi, có bệnh nội khoa nặng có nguy cơ nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng trong khi tiến hành vô cảm trong phẫu thuật

2. Quy trình phẫu thuật mở túi nội dịch

2.1 Chuẩn bị trước phẫu thuật

  • Trước khi tiến hành phẫu thuật người bệnh hay người thân cần được giải thích rõ về phẫu thuật, những lợi ích và nguy cơ tai biến có thể xảy ra trong và sau khi phẫu.
  • Người bệnh cần làm các xét nghiệm cần thiết đảm bảo việc phẫu thuật diễn ra an toàn, xét nghiệm cần thiết để theo dõi bệnh và chẩn đoán như đo thính lực đồ...
  • Người bệnh được cạo sạch tóc ở phía sau và trên vành tai.
  • Nhịn ăn và uống trước khi thực hiện phẫu thuật.

2.2 Các bước tiến hành

  • Bệnh nhân được kiểm tra chỉ số sinh tồn, những bước chuẩn bị trước đó đã thực hiện hay chưa. Người bệnh nằm quay đầu nghiêng về bên không phẫu thuật.
  • Vô cảm: Gây mê toàn thân, tùy chọn phương pháp phù hợp với từng trường hợp.
  • Tiến hành rạch da vị trí sau tai, cách rãnh sau tai khoảng 0,5cm, từ đường thái dương mỏm tiếp xuống đến mỏm xương chũm.
  • Bóc tách các tổ chức cân cơ để bộc lộ mặt ngoài của xương chũm và thành sau ống tai ngoài đủ rộng để quan sát một số thành phần bên trong.
  • Dùng khoan để khoan xương chũm và tiến hành phẫu thuật tiệt căn xương chũm nhưng không chặt cầu xương và không hạ thấp tường dây thần kinh VII.
  • Khoan xương và làm mỏng thành tĩnh mạch bên.
  • Khoan lấy hết phần xương xung quanh ống bán khuyên sau.
  • Dùng khoan kim cương mài mỏng phần xương che màng não cứng giữa tĩnh mạch bên và ống bán khuyên sau. Bước này hết sức cẩn trọng.
  • Khoan mài tiếp phần xương xuống phía dưới, đến sau cực dưới của ống bán khuyên sau. Thông thường vị trí cực này nằm không quá về phía dưới so với xương đe.
  • Khi đã mài mỏng xương, thì lấy bỏ xương che phủ bộc lộ màng cứng, sẽ quan sát được túi nội dịch, đó là một vùng màng não dày hơn, trắng hơn so với xung quanh. Nằm ngay bên dưới mặt phẳng của ống bán khuyên ngang.
  • Dùng dao nhỏ nhọn rạch mở túi nội dịch vào tận lớp nội mô, bộc lộ rõ lòng túi nội dịch.
  • Đặt 1 dẫn lưu vào trong lòng túi nội dịch để dẫn nội dịch vào khoang dưới nhện.
  • Thực hiện dẫn lưu xong thì khâu đóng tổ chức phần mềm và da.
Tư vấn trước phẫu thuật mở túi nội dịch
Bác sĩ cần giải thích quy trình, những nguy cơ của phẫu thuật mở túi nội dịch cho người bệnh

2.3 Những lưu ý theo dõi sau phẫu thuật

Theo dõi toàn trạng trong suốt phẫu thuật và sau phẫu thuật. Theo dõi vị trí vết thương để quan sát dịch chảy ra bất thường.

Theo dõi các biến chứng có thể xảy ra như:

  • Các biến chứng do thuốc gây mê như suy hô hấp, hạ huyết áp...Tùy vào từng biến chứng và nguyên nhân gây ra biến chứng đó để có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Chảy máu do tổn thương tĩnh mạch bên: Cần phải cầm máu bằng gelaspon.
  • Mở vào mê nhĩ, đặc biệt là vào ống bán khuyên sau sẽ gây ra chóng mặt, điếc: Tai biến này cần được phòng ngừa bằng cách chú ý hết sức khi phẫu thuật. Khi đã mở vào cần điều trị thuốc để giảm bớt chóng mặt, dùng máy trợ thính.
  • Mở vào màng não, rò dịch não tủy: Xử trí bằng cách khâu đóng chỗ rò bằng chỉ hoặc vá bằng mảnh cân cơ thái dương của chính người bệnh.
  • Nhiễm khuẩn sau phẫu thuật: Bệnh nhân biểu hiện đau vết mổ nhiều, sốt, bạch cầu tăng. Cần điều trị kháng sinh sớm.

Người bệnh cần được chăm sóc vết mổ thường xuyên, dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Phẫu thuật mở túi nội dịch nhằm dẫn lưu dịch ở tai trong ra ngoài làm giảm áp lực tai trong. Tai trong chứa nhiều thành phần quan trọng liên quan tới khả năng nghe và thăng bằng nên khi lượng dịch tai trong lớn sẽ làm ảnh hưởng tới các chức năng này. Phương pháp can thiệp này dùng khi các biện pháp nội khoa không cải thiện, bệnh nhân nên được thực hiện tại các cơ sở uy tín để giảm thiểu tối đa tai biến.

Lưu ý sau khi phẫu thuật mở túi nội dịch
Sau phẫu thuật mở túi nội dịch, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định để sớm phục hồi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

687 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan