Phẫu thuật sọ não thức tỉnh - Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Phẫu thuật sọ não thức tỉnh được tiến hành để phẫu thuật phần não bị ảnh hưởng bởi một tổn thương hoặc u liên quan đến hoặc nằm gần các vùng kiểm soát các chức năng cơ thể quan trọng hoặc khả năng cảm nhận và khả năng ngôn ngữ của bệnh nhân.

1. Phẫu thuật sọ não thức tỉnh là gì?

Phẫu thuật sọ não thức tỉnh là một kỹ thuật được thực hiện trên não khi người bệnh vẫn trong trạng thái tỉnh táo và có nhận thức. Kỹ thuật này được sử dụng để điều trị một số bệnh về não (thần kinh), như: U não hoặc động kinh.

Điều quan trọng nhất trong phẫu thuật sọ não là bệnh nhân phải duy trì sự tỉnh táo trong toàn bộ quá trình thực hiện phẫu thuật để bác sĩ có thể theo dõi các chức năng quan trọng trong khi phẫu thuật.

Mặc dù tỉnh táo, nhưng bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau hay bất kỳ khó chịu nào. Vì bệnh nhân được gây tê để giảm đau hoàn toàn vùng phẫu thuật, giảm đau tĩnh mạch cùng mê tĩnh mạch kiểm soát nồng độ đích ( TCI ).

Phẫu thuật não
Phẫu thuật sọ não thức tỉnh là một kỹ thuật được thực hiện trên não khi người bệnh vẫn trong trạng thái tỉnh táo và có nhận thức

2. Khi nào người bệnh cần thực hiện phẫu thuật não thức tỉnh?

Nếu khối u cần bóc tách hoặc vùng não gây động kinh ở gần các phần não kiểm soát khả năng vận động, ngôn ngữ và tầm nhìn thì người bệnh có thể tham khảo về kỹ thuật phẫu thuật não thức tỉnh.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ định vị chính xác các vùng quan trọng trong não của bệnh nhân để giảm thiểu nguy cơ tổn thương các vùng quan trọng này. Sau đó, kíp mổ sẽ tách rời một phần hộp sọ của bệnh nhân để tiếp cận tổ chức não. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện theo một loạt các hướng dẫn hoặc trả lời các câu hỏi.

Việc giao tiếp với các bác sĩ trong quá trình phẫu thuật là rất quan trọng để kíp mổ đánh giá hiệu quả của phẫu thuật khi đang tiến hành phẫu thuật và để đảm bảo rằng các chức năng quan trọng không bị tổn hại.

Bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ đặt câu hỏi cho người bệnh trả lời, qua đó theo dõi hoạt động trong não. Kỹ thuật này giúp bác sĩ phẫu thuật thao tác chuẩn xác hơn, tránh gây ảnh hưởng các khu vực não khác, từ đó không để lại di chứng hậu phẫu như bị câm hay liệt cho người bệnh.

Phẫu thuật này đặc biệt có lợi trong các trường hợp như: Bệnh Parkinson hoặc động kinh, trong những trường hợp này kíp phẫu thuật có thể kiểm tra sự cải thiện chức năng vận động hoặc kiểm soát các cơn động kinh ngay trong quá trình phẫu thuật.

Phẫu thuật sọ não thức tỉnh cũng có thể được sử dụng để chẩn đoán chính xác loại u não mà bệnh nhân đang mắc, và cắt bỏ hoặc điều trị các u nằm trong các vùng não bộ quan trọng mà có thể được coi là không thể phẫu thuật do nguy cơ tổn thương não.

Phẫu thuật não thức tỉnh có thể giảm kích thước của khối u não đang phát triển xuống một cách an toàn, kéo dài cuộc sống cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Những người bệnh từng được chẩn đoán không có khả năng phẫu thuật não thông thường thì giờ đây cũng đã có thêm một sự lựa chọn để quan tâm.

Hội chứng Parkinson
Phẫu thuật sọ não thức tỉnh đặc biệt có lợi trong các trường hợp như bệnh Parkinson hoặc động kinh

3. Quy trình thực hiện phẫu thuật não thức tỉnh?

3.1 Trước khi phẫu thuật

Ngoài cân nhắc xem kỹ thuật phẫu thuật não thức tỉnh có phải là lựa chọn phù hợp với người bệnh không, bác sĩ cũng sẽ giải thích kết quả có thể mong đợi cũng như các rủi ro. Bác sĩ hoặc nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ có thể yêu cầu người bệnh xác định hình ảnh và từ ngữ trên các tấm thẻ hoặc trên máy tính để có thể so sánh câu trả lời của người bệnh trong khi phẫu thuật.

Điều quan trọng là người bệnh cần can đảm và có thể giữ bình tĩnh trong suốt quá trình cũng như có đáp ứng với bác sĩ. Do phẫu thuật không gây mê hoàn toàn thì việc nghe tiếng máy khoan cũng ít nhiều khiến người bệnh khó chịu. Việc hoảng hốt và không hợp tác sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác phẫu thuật.

3.2 Trong khi phẫu thuật

Bác sĩ phẫu thuật thần kinh và bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ làm việc chặt chẽ cùng nhau để xác định loại gây mê thích hợp nhất cho mỗi người bệnh. Đó có thể là:

  • Tỉnh táo trong suốt quá trình phẫu thuật: Người bệnh sẽ được dùng thuốc giảm đau kiểm soát nồng độ đích ( Sufentanil-TCI ) và gây tê cục bộ trên da đầu và an thần để đảm bảo sự thoải mái trong giai đoạn rạch da ( Propofol TCI ).
  • Gây mê giai đoạn đầu và cuối, tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật: Người bệnh được tiêm một chút thuốc an thần khi bắt đầu thủ thuật. Bác sĩ gây mê sẽ ngưng gây mê khi bác sĩ phẫu thuật sẵn sàng bắt đầu loại bỏ khối u não. Sau khi bác sĩ phẫu thuật hoàn tất, bác sĩ gây mê cho bệnh nhân an thần sâu hơn.

Trong suốt quá trình, các bác sĩ giữ yên đầu của người bệnh ở một vị trí cố định để đảm bảo độ chính xác của phẫu thuật. Người bệnh sẽ được cạo bớt tóc. Sau đó bác sĩ phẫu thuật tiến hành khoan một phần hộp sọ để tiếp cận vùng não của người bệnh. Bác sĩ cũng sẽ kích thích khu vực xung quanh khối u bằng các điện cực nhỏ.

Nếu khối u ở gần với các khu vực não chi phối tầm nhìn, ngôn ngữ hoặc vận động, bác sĩ phẫu thuật sẽ sử dụng hình ảnh CT của não được chụp trước và trong khi làm phẫu thuật, cùng các phản hồi của người bệnh để tạo ra một bản đồ về các khu vực chức năng của não. Bác sĩ sẽ sử dụng bản đồ não này cùng hình ảnh 3 chiều từ máy tính để tránh tác động đúng các khu vực đó, tập trung loại bỏ triệt để khối u não và giảm nguy cơ làm hỏng các chức năng quan trọng của cơ thể. Bác sĩ phẫu thuật thần kinh sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các nhiệm vụ như nói chuyện, đếm số, nhận biết hình ảnh hoặc giơ ngón tay. Trả lời của người bệnh giúp bác sĩ phẫu thuật xác định đúng khu vực đang điều trị cũng như tránh tiếp xúc vùng não chức năng.

Bác sĩ gây mê sẽ đảm bảo người bệnh không cảm thấy đau trong quá trình phẫu thuật bên cạnh việc theo dõi các dấu hiệu sinh tồn (nhịp tim, nhịp thở và huyết áp). Bác sĩ này cũng sẽ trò chuyện với người bệnh để giúp người bệnh giữ bình tĩnh.

3.3 Sau khi phẫu thuật

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) để đảm bảo đã loại bỏ triệt để khối u. Người bệnh sẽ được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt và ở lại theo dõi khoảng 2-3 ngày. Người bệnh thường có thể trở lại làm việc và hoạt động bình thường trong 6 tuần đến 3 tháng sau phẫu thuật. Sau ba tháng, người bệnh cần tái khám.

chup-ct-mri-trong-chan-doan-viem-ruot-thua-3
Bác sĩ có thể yêu cầu chụp cộng hưởng từ (MRI) sau phẫu thuật để đảm bảo đã loại bỏ triệt để khối u

4. Phẫu thuật não thức tỉnh có nguy hiểm không?

Vì phẫu thuật não thức tỉnh là đại phẫu thuật liên quan đến thần kinh sọ não, nên vẫn tồn tại một số rủi ro như sau:

  • Thay đổi tầm nhìn
  • Động kinh
  • Khó khăn trong việc nói hoặc học
  • Mất trí nhớ
  • Khả năng phối hợp và thăng bằng kém
  • Đột quỵ
  • Phù não hoặc tích tụ dịch não
  • Viêm màng não
  • Rò rỉ dịch não tủy
  • Yếu cơ bắp.

5. Kết quả của phẫu thuật não thức tỉnh

Nếu người bệnh đã phẫu thuật não thức tỉnh để kiểm soát chứng động kinh thì thường xác nhận có những cải thiện đáng kể. Một số người không còn bị động kinh, trong khi những người khác ít lên cơn động kinh hơn thời điểm trước phẫu thuật.

Nếu người bệnh dùng kỹ thuật này trong u não, bác sĩ phẫu thuật sẽ cố gắng loại bỏ tất cả các khối u. Người bệnh vẫn có thể phải cần thêm các phương pháp điều trị khác như xạ trị hoặc hóa trị, để phá hủy các phần còn lại của khối u mà phẫu thuật không tiếp cận được.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan