Quy trình xét nghiệm dịch não tủy

Xét nghiệm dịch não tủy là một trong những xét nghiệm thường được ứng dụng trên lâm sàng để chẩn đoán và điều trị bệnh thường thấy nhất trong bệnh viêm màng não. Tuy nhiên, đây là một thủ thuật xâm lấn, tồn tại nhiều nguy cơ, ngoài nhân viên y tế, người bệnh cũng nên nắm được các đặc điểm cơ bản, trong đó bao gồm quy trình xét nghiệm dịch não tủy.

1. Dịch não tủy là gì?

Cơ thể người tồn tại một loại chất lỏng trong hệ thần kinh trung ương, giữa các não thất, bể não và khoang dưới nhện được gọi là dịch não tủy.

Dịch não tủy được tiết ra từ các đám rối mạch mạc trong hệ thống các bể não thất, chủ yếu từ não thất bên qua não thất III, xuống não thất IV và xuống các khoang dưới nhện. Thể tích dịch não tủy trung bình ở mỗi người khoảng 150 đến 180 ml, và luôn được thay mới mỗi ngày với tần suất khoảng 3 lần/ngày. Tuy được tiết ra liên tục từ các đám rối mạch mạc nhưng thể tích dịch não tủy được giữ cân bằng là nhờ vào sự tái hấp thu của các hạt Pacchioni ở màng nhện với tốc độ tương đương với tốc độ tiết dịch não tủy, khoảng 20ml dịch mỗi giờ.

Dịch não tủy có chức năng quan trọng không thể thay thế trong cơ thể người, trong đó chính yếu nhất là bảo vệ não bộ và tủy sống khỏi những sang chấn từ bên ngoài, cùng lúc đóng góp vào việc nuôi dưỡng và chuyển hóa chất trong hệ thần kinh trung ương.

Hệ thống dịch não tủy
Hệ thống dịch não tủy

2. Xét nghiệm dịch não tủy

Xét nghiệm dịch não tủy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện trên lâm sàng để chẩn đoán và loại trừ một vài bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Xét nghiệm được tiến hành bằng cách lấy dịch não tủy từ não thất, bể lớn hay khoang dưới nhện ở các vị trí tương ứng và phân tích các đặc điểm lý tính, sinh hóa, tế bào của nó. Dịch não tủy lấy từ các vị trí khác nhau sẽ có các thành phần sinh hóa khác nhau, phương pháp lấy dịch não tủy từ khoang dưới nhện ở ống sống vùng thắt lưng là phương pháp được sử dụng phổ biến nhất. Bên cạnh đó, việc xâm nhập vào các khoang chứa dịch não tủy còn được ứng dụng trong việc đưa thuốc vào điều trị tại khoang dưới nhện hoặc đưa thuốc tê vào để gây tê ngoài màng cứng...

2.1 Chỉ định thực hiện xét nghiệm dịch não tủy

Chỉ định thực hiện xét nghiệm dịch não tủy khá đa dạng, bao gồm:

  • Chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh như viêm màng não, lao màng não, xuất huyết dưới nhện
  • Đánh giá sự lưu thông của dịch não tủy
  • Đưa thuốc cản quang vào ống tủy trong việc hỗ trợ các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp tủy có thuốc cản quang
  • Áp dụng trong việc điều trị các bệnh lý thuộc hệ thần kinh bằng việc đưa thuốc trực tiếp vào dịch não tủy bao gồm thuốc kháng sinh, độc tế bào trong điều trị ung thư, corticoid
  • Gây tê cục bộ trong phẫu thuật cũng là một ứng dụng của thủ thuật chọc dịch não tủy.
Chọc dịch tủy sống chẩn đoán viêm màng não
Bệnh viêm màng não cần chỉ định xét nghiệm dịch não tủy

Tuy nhiên, đây là một thủ thuật can thiệp nên luôn tồn tại nhiều nguy cơ như tụt kẹt hành não, chảy máu ở khoang dưới nhện hoặc khoang ngoài màng cứng, đau đầu, nhiễm khuẩn tại vị trí chọc kim, viêm màng não,... Vì vậy, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định chọc dịch não tủy.

2.2 Chống chỉ định

Tăng áp lực nội sọ do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả u não hay phù não nặng:

  • Có tổn thương tủy sống đoạn cổ
  • Tình trạng viêm nhiễm cấp tính tại vùng da tiến hành thủ thuật chọc hút dịch não tủy.
  • Bệnh nhân có các rối loạn đông cầm máu hoặc các bệnh lý về máu khác.
Cần điều trị sớm, chớ để thoát vị đĩa đệm cổ chèn ép gây đau cổ vai gáy
Người có tổn thương tủy sống đoạn cổ

3. Quy trình xét nghiệm dịch não tủy

Xét nghiệm dịch não tủy nên được thực hiện tuần tự theo các bước sau:

3.1 Chuẩn bị dụng cụ

Bao gồm: Gạc, bông khô, găng tay vô khuẩn, kim chọc chuyên dụng, ống nghiệm để đựng các mẫu dịch não tủy, thuốc gây tê, cồn sát khuẩn và các loại thuốc cấp cứu. Các dụng cụ thực hiện xét nghiệm dịch não tủy nhìn chung cần được đảm bảo vô khuẩn để tránh gây biến chứng nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương, là một tai biến nặng nề.

3.2 Chuẩn bị người bệnh

Trước khi thực hiện xét nghiệm dịch não tủy, người bệnh cần được đánh giá tổng quan bằng việc lấy các dấu hiệu sống, soi đáy mắt, đo điện tim, xét nghiệm chức năng đông cầm máu cơ bản và thử phản ứng với thuốc tê. Giải thích rõ trình tự thực hiện với bệnh nhân là bước quan trọng không được bỏ qua. Đây là bước giúp người bệnh cảm thấy an tâm và được động viên, khiến họ dễ hợp tác hơn với nhân viên y tế.

Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm đầu gấp vào ngực, gối gập sát vào ngực với hai tay ôm gối. Nếu bệnh nhân là các đối tượng khó tiếp cận như người lớn tuổi, trẻ em, cần một người phụ giữ bệnh nhân đúng tư thế. Vùng tiến hành chọc cần được bộc lộ và sát trùng rộng, thường là vùng thắt lưng ngang mức L4-L5.

Chọc dịch tủy sống chẩn đoán viêm màng não
Quy trình xét nghiệm dịch não tủy

3.2 Tiến hành chọc dịch não tủy

Tiến hành chọc dịch não tủy theo các bước:

  • Nhân viên y tế đội mũ, mang găng tay vô trùng và đeo khẩu trang y tế
  • Xác định vị trí chọc: Thường là khoảng gian giữa hai đốt sống thắt lưng L3-L4 hoặc L4-L5, L5-S1. Lựa chọn những vị trí này để tránh làm tổn thương tủy sống
  • Gây tê từng lớp tại vị trí tiến hành chọc kim
  • Sử dụng kim chọc chuyên dụng đâm qua da tại vị trí tạo với bề mặt da một góc 45 độ, mũi kim chếch hướng về phía đầu bệnh nhân. Sau đó tiếp tục đưa kim tiến vào khoang dưới nhện bằng cách chọc thủng nhiều lớp dây chằng và màng cứng. Những người kinh nghiệm thường chia sẻ dấu hiệu nhận biết đốc kim đã nằm trong khoang dưới nhện là khi cảm giác nhẹ tay sau khi đi qua được nhiều lớp dây chằng và màng cứng.
  • Rút nòng kim ra một cách từ từ sẽ thấy dịch não tủy chảy ra thành từng giọt.
  • Cho dịch não tủy chảy vào các ống nghiệm đã chuẩn bị sẵn từ trước. Trong lúc đó, cần chú ý quan sát màu sắc, độ đục và tốc độ chảy của dịch não tủy.
  • Sau khi lấy được dịch não tủy, cần băng ép vùng chọc, cho bệnh nhân nằm tư thế sấp hoặc đầu thấp trong vòng từ 2 đến 4 tiếng. Trong những giờ đầu sau khi thực hiện thủ thuật, nhân viên y tế cần khuyên bệnh nhân uống nhiều nước, trung bình khoảng 1,5 lít/ giờ trong giờ đầu tiên. Bệnh nhân cũng cần được trấn an bằng cách giải thích các khó chịu có thể xuất hiện sau chọc dịch não tủy như đau đầu, đau tại vùng chọc, mỏi gáy.
Nước
Sau chọc dịch não tủy, người bệnh cần bổ sung 1,5 lít nước/ giờ

Xét nghiệm dịch não tủy cho kết quả dựa trên những thông số về tỷ trọng, thành phần trong dịch não tủy. Tùy từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả xét nghiệm để tư vấn, đưa ra phương pháp điều trị cụ thể và tiên lượng bệnh chính xác hơn.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: