Rối loạn tai trong là gì?

Rối loạn tai trong là hiện tượng thiếu máu hoặc mạch máu bị tắc nghẽn, từ đó dẫn tới việc lưu lượng máu tới tai trong không ổn định. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu máu hoặc tắc mạch máu có thể là do sự thay đổi áp lực và thể tích của nội dịch mê nhĩ và sự tích tụ nội dịch này thường không rõ. Thay vào đó, có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến sự tích tụ nội dịch này như tiền sử gia đình mắc bệnh Meniere, rối loạn tự miễn, dị ứng,...

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Rối loạn tai trong là gì?

Tai trong là bộ phận nằm trong khu vực xương đá của xương thái dương. Bên trong xương dồm có mê nhĩ xương, nó bao quanh mê đạo màng. Mê nhĩ xương bao gồm hệ thống tiền đình và ốc tai. Cụ thể:

  • Hệ thống tiền đình: Đây là bộ phận có chức năng cân bằng và tư thế, bao gồm các ống bán khuyên, cầu nang, soan nan. Soan nang và cầu nang có chứa những tế bào cảm nhận được sự chuyển động của đầu theo hướng lên xuống hoặc thẳng đứng. Còn ống hình bán khuyên cảm nhận được góc quay của đầu.
  • Ốc tai: Đây là bộ phận chịu trách nhiệm về thính giác, bên trong ốc tai chứa các ngoại dịch và tế bào lông. Sợi thần kinh từ các tế bào lông sẽ đi vào trong ngoại dịch và được nhúng vào trong màng gelatin. Sự rung động âm thanh cũng được truyền từ ống tai, qua tai giữa và cửa sổ vào bên tai trong, tại vị trí rung động này sẽ khiến cho ngoại dịch dịch chuyển và lông rung, sau đó chuyển thành một tín hiệu điện và gửi tới bộ não.

Rối loạn tai trong hay còn gọi rối loạn tuần hoàn tai trong hoặc rối loạn vận mạch tai trong, đây chính là một hiện tượng thiếu máu hoặc mạch máu bị tắc nghẽn, từ đó dẫn tới việc lưu lượng máu tới tai trong không ổn định. Bởi mạch máu có nhiệm vụ cung cấp oxy, chất lỏng cũng như năng lượng tới các bộ phận khác nhau trong cơ thể con người để cơ thể hoạt động bình thường. Tuy nhiên, các mạch máu ở tai trong cũng tương tự như bất kỳ các mạch máu khác ở trong cơ thể. Tai trong thường xuyên sử dụng năng lượng, vì vậy việc cung cấp máu đến tai là rất quan trọng nhưng do một nguyên nhân nào đó khiến cho lưu lượng máu ở tai trong bất ổn, từ đó khiến con người bị chứng rối loạn tai trong.

Chứng rối loạn tai trong khiến cho các mạch máu không cung cấp năng lượng đến được cho những tế bào lông ở tai trong. Những tế bào lông này có nhiệm vụ gửi tín hiệu âm thanh đến não, do đó rối loạn tai trong sẽ khiến cho tế bào lông không hoạt động được hiệu quả, từ đó gây ra hiện tượng ù tai, nghe kém, tổn thương dao động của màng nhĩ, lâu dần có thể gây điếc hoàn toàn cho người bệnh.

2. Nguyên nhân gây rối loạn tai trong

Như đã phân tích, rối loạn tai trong là hiện tượng thiếu máu hoặc mạch máu bị tắc nghẽn, từ đó dẫn tới việc lưu lượng máu tới tai trong không ổn định. Nguyên nhân dẫn đến việc thiếu máu hoặc tắc mạch máu có thể là do sự thay đổi áp lực và thể tích của nội dịch mê nhĩ và sự tích tụ nội dịch này thường không rõ. Thay vào đó có một số yếu tố nguy cơ dẫn đến sự tích tụ nội dịch này là:

  • Có tiền sử gia đình mắc bệnh Meniere, rối loạn tự miễn;
  • Người bệnh bị dị ứng, chấn thương ở đầu hay tai;
  • Một số trường hợp rất hiếm nếu người bệnh bị giang mai có thể là yếu tố dẫn đến hội chứng rối loạn tai trong;
  • Ngoài ra, rối loạn tuần hoàn tai trong còn có thể do một số yếu tố khác như tai trong chứa dị vật, tai bị viêm hoặc nhiễm trùng, viêm mê đạo, viêm dây thần kinh thính giác và viêm tắc mạch máu,...
Rối loạn tai trong
Rối loạn tai trong hay còn gọi rối loạn tuần hoàn tai trong hoặc rối loạn vận mạch tai trong

3. Dấu hiệu triệu chứng rối loạn tai trong

Khi bị rối loạn vận mạch tai trong, người bệnh thường có các cơn chóng mặt kéo dài từ 1 - 6 giờ, một số ít trường hợp cơn chóng mặt có thể kéo dài đến 24 giờ kèm theo buồn nôn và nôn, vã mồ hôi, tiêu chảy và đi loạng choạng. Ngoài ra người bị rối loạn tuần hoàn tai trong còn có thể xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Ù tai: Triệu chứng ù tai thường xuất hiện ở bên tai bị bệnh, triệu chứng này có thể liên tục hoặc kéo dài. Người bệnh cảm giác có tiếng vo ve như côn trùng hoặc tiếng ầm ầm.
  • Thính giác suy giảm: Triệu chứng này thường ảnh hưởng đến tần số thấp. Hầu hết người bệnh thường cảm thấy đầy và áp lực bên tai bị ảnh hưởng.

Trong giai đoạn đầu của rối loạn tai trong, các triệu chứng chuyển giữa các đợt và thời gian giữa các cơn thường gây ra triệu chứng kéo dài trên 1 năm. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn tiến nặng hơn thì dấu hiệu nghe kém vẫn tồn tại và dần dần tồi tệ hơn, còn chứng ù tai không thay đổi.

4. Chẩn đoán hội chứng rối loạn tai trong

Thông thường, việc chẩn đoán bệnh rối loạn tuần hoàn tai trong thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Khi một người có dấu hiệu nghe kém, chóng mặt từng cơn, cảm giác đầy và ù tai là triệu chứng điển hình của bệnh. Các triệu chứng của rối loạn tai trong cũng thường tương tự như hội chứng migraine tiền đình, viêm mê nhĩ virus hoặc viêm dây thần kinh tiền đình, đột quỵ. Do đó, để chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thêm các phương pháp xét nghiệm khác như:

  • Do thính lực đồ và chụp MRI có tiêm thuốc đối quang từ của nội sọ. Phương pháp thính lực đồ sẽ cho thấy kết quả nghe kém tiếp nhận tần số thấp ở tai bệnh.
  • Nghiệm pháp Fukuda dậm chân tại chỗ kèm nhắm mắt lại: Nghiệm pháp này thường được chỉ định để phân biệt với cơn meniere. Tuy nhiên nếu là trường hợp lâu dài hoặc dai dẳng kèm theo giảm chức năng mê nhĩ thì nó sẽ làm cho bệnh nhân quay về phía tai bị bệnh.
  • Nghiệm pháp Halmagyi hoặc test đẩy đầu: Đây được xem là một kỹ thuật sử dụng để hiển thị các rối loạn mê nhĩ 1 bên. Với nghiệm pháp này người bệnh sẽ nhìn thẳng vào một mục tiêu thẳng phía trước, sau đó y tá sẽ nhanh chóng xoay đầu của bệnh nhân từ 15 đến 30 độ sang một bên rồi quan sát mắt của người bệnh.
rối loạn tuần hoàn tai trong
Việc chẩn đoán bệnh rối loạn tuần hoàn tai trong thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng

5. Điều trị hội chứng rối loạn tai trong

Bệnh Meniere thường có xu hướng tự giới hạn và nếu người bệnh đang trong cơn rối loạn cấp tính thì việc điều trị chủ yếu là giảm nhẹ triệu chứng. Các phương pháp đó bao gồm:

  • Sử dụng thuốc chống nôn kháng cholinergic để làm giảm thiểu các triệu chứng đối với đường tiêu hóa. Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc kháng histamin như meclizine, cyclizine 50mg uống mỗi 6 giờ hoặc các loại thuốc benzodiazepine với mục đích làm dịu hệ thống tiền đình. Tuy nhiên, thuốc kháng histamin và benzodiazepine lại không có hiệu quả như điều trị dự phòng.
  • Sử dụng một đợt corticosteroid uống hoặc tiêm qua màng nhĩ dexamethasone trong trường hợp bị rối loạn tai trong cấp tính hoặc dùng thuốc lợi tiểu như hydrochlorothiazide 25mg để có thể ngăn ngừa và giảm triệu chứng chóng mặt.
  • Thực hiện một chế độ ăn ít muối (dưới 1,5g/ngày), tránh uống rượu bia, cà phê.

Bên cạnh đó, khi các phương pháp điều trị bảo tồn chức năng bị thất bại thì phương pháp phẫu thuật hủy diệt sẽ được xem xét để chỉ định điều trị. Gentamicin được tiêm qua màng nhĩ nhưng cần phải theo dõi với thính lực đồ nhằm giám sát đối với những người bệnh nghe kém, tiêm Gentamicin có thể được lặp lại trong 4 tuần nếu người bệnh vẫn có triệu chứng chóng mặt nhưng không có nghe kém.

Lưu ý thêm, phương pháp phẫu thuật hủy diệt chỉ được chỉ định điều trị dành riêng đối với bệnh nhân có các cơn cấp nghiêm trọng và không đáp ứng với các phương thức xâm lấn ít. Ngoài việc phải phẫu thuật cắt dây thần kinh tiền đình để làm giảm chóng mặt cũng như bảo quản thính giác thì việc phẫu thuật hủy diệt mê nhĩ chỉ nên thực hiện nếu người bệnh bị điếc sâu.

Tuy nhiên, với hội chứng rối loạn tai trong thường sẽ không có cách nào để ngăn chặn sự tiến triển tự nhiên của việc nghe kém. Do đó hầu hết các bệnh nhân đều nghe kém ở mức độ trung bình đến nặng đối với tai bị ảnh hưởng trong vòng 10 - 15 năm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan