Rối loạn ăn tóc

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ Đặng Thị Thanh Tùng - Kỹ thuật viên Tâm lý - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục

Theo các chuyên gia tâm lý - tâm thần, chứng nhổ tóc (trichotillomania) hay rối loạn nhổ tóc (hair-pulling disorder) được coi là một bệnh lý tâm thần. Từ chứng nhổ tóc nhiều bệnh nhân chuyển sang ăn tóc, tóc kết dính thành một búi trong dạ dày được gọi là hội chứng: Búi tóc Rapunzel

1. Tìm hiểu chứng rối loạn ăn tóc

Theo báo cáo, cô gái trẻ bị nôn rất nhiều sau mỗi bữa ăn và cơ thể yếu đi thấy rõ trong một thời gian dài. Sau khi tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, các bác sĩ đã phát hiện ra một loại bezoar, một khối vật chất khó tiêu, tích tụ trong dạ dày cô gái. Bezoar đã lấp đầy gần như toàn bộ dạ dày của cô, gây ra đau đớn và loét ruột. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ một quả bóng tóc khổng lồ có kích thước 50 x 10 x 10 cm và nặng khoảng 1,8kg.

Bác sĩ Bator Dondokov, trưởng nhóm phẫu thuật cho cô gái, nghi ngờ rằng cô gái này bị mắc một chứng rối loạn tâm thần gọi là trichophagia - Rối loạn bóng tóc, dẫn đến thói quen nhai tóc. Số tóc này tích tụ trong dạ dày ngày qua ngày và quấn thành một khối lớn.

Rất may, sau khi phẫu thuật thành công, sức khỏe cô gái đã trở lại bình thường.

Một trường hợp khác: Lisa, sống ở Anh, mẹ của Millie kể lại rằng từ khi cô bé ba tuổi, thỉnh thoảng đã thấy cô bé nuốt những lọn tóc mềm mại của mình. Nhưng cô nghĩ đó chỉ là thói quen xấu của trẻ con giống như cắn móng tay, hay ngoáy mũi. Một thời gian sau, cô phát hiện đầu cô con gái bé nhỏ bị hói mà không hiểu nguyên nhân do đâu?

Khi cô bé bắt đầu có biểu hiện đau bụng kéo dài, vợ chồng cô đã đưa bé đi điều trị nhưng bác sĩ không phát hiện được nguyên nhân bệnh mà chỉ điều trị táo bón cho cô bé, nhưng căn bệnh vẫn không thuyên giảm. Hai vợ chồng Lisa đã từng nghĩ rằng Millie bị ung thư do tóc của cô bé vẫn tiếp tục ít đi.

Cho đến mùa hè khi cô bé tròn năm tuổi, Millie đau bụng gần như mỗi ngày. Lisa khổ sở, bất lực nhìn con quằn quại trong cơn đau mà không một bác sĩ nào tìm hiểu được nguyên do trong giai đoạn Millie đang trở nên yếu nhất thì Lisa nhận được thư giới thiệu bệnh viện Alder Hey Liverpool. Đó như là tia sáng cuối đường hầm đối với cô.

Milie được nội soi và chẩn đoán có một khối đen khá lớn nằm trong dạ dày, và cô bé cần được phẫu thuật. Lisa và chồng tin rằng đó là một khối u ung thư, họ gần như mất hết hy vọng cho đến khi bác sĩ phẩu thuật quay ra với khuôn mặt bình thản hơn.

Cô bé đã nuốt một khối tóc khổng lồ, nó quấn chặt lấy dạ dày cô bé và tràn vào ruột. Đây là hội chứng nuốt tóc hiếm thấy được đặt tên theo nhân vật cổ tích Rapunzel.

Trở về nhà một tuần sau đó, việc đầu tiên là Lisa cắt đi mái tóc dài của cô con gái, để tránh cho cô gái tiếp tục nuốt tóc của mình.

Rối loạn ăn tóc
Hình ảnh khối tóc được đưa ra ngoài trên bệnh nhân mắc rối loạn ăn tóc

Ở Việt Nam cũng đã từng có bệnh nhân là cháu P.T.T đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 phát hiện bé bị mất tóc do tự nhổ ở hai bên thái dương, ăn tóc và có một búi tóc trong dạ dày đã được bác sĩ phẫu thuật lấy ra. Tuy nhiên, các bác sĩ cũng yêu cầu trẻ cần được điều trị về mặt tâm lý sau khi phẫu thuật. Nguồn cơn của căn bệnh có thể do sự mất mát người mẹ ruột vài năm trước, dẫn đến sang chấn tâm lý. Để loại bỏ thói quen nhổ tóc, trẻ nhỏ như cháu T. cần được phụ huynh quan tâm, giúp tinh thần bé ổn định hơn, đồng thời kiểm tra và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực TP. HCM, chứng nhổ tóc bệnh lý được DSM-5 (Hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần của Hội Tâm thần học Mỹ) xếp vào nhóm “Ám ảnh cưỡng chế và các rối loạn liên quan”. Bệnh gặp ở trẻ em nhiều gấp 7 lần so với người lớn, tỉ lệ mắc cao nhất ở lứa tuổi 4 đến 17. Bệnh làm cho trẻ cảm thấy lo buồn và có thể gây suy giảm ở mức độ trung bình các hoạt động ngoài xã hội, trong nhà trường cũng như mối quan hệ gia đình của trẻ.

Trong một bài viết về hội chứng Rapunzel trên tờ The Conversation, bà Imogen Rehm, nhà tâm lý học thuộc Đại học Swinburne, cho rằng hội chứng này có thể phát triển trên người mắc chứng nhổ tóc (trichotillomania) hoặc nhóm người bị thiểu năng trí tuệ. Búi tóc Rapunzel gây những triệu chứng dạ dày - ruột khá nặng, thậm chí 4% người mắc đã tử vong.

Hiện tại chỉ có 27 trường hợp mắc bệnh trên thế giới. Trên đây là ví dụ ba trong số những ca được biết đến với những hậu quả rõ rệt của rối loạn ăn tóc.

Trong hơn chục năm làm trị liệu tâm lý tôi có được làm việc với một ca giai đoạn đầu của rối loạn ăn tóc. Cô bé 7 tuổi học lớp hai. Dáng người cao lớn phổng phao hơn so với bạn cùng tuổi. Cô bé bằng tuổi con tôi. Tuy nhiên, thể chất cao lớn hơn nhiều. Mẹ cháu đưa đến thăm khám với lý do cháu rất hay nhổ tóc và cho vào miệng ăn. Nhiều khi gia đình cháu không phát hiện được thì cháu ăn và nuốt vào người. Còn một số lần gia đình phát hiện được là do khi cháu ăn vào, bị hóc do vướng tóc và cháu cố tình để nhổ tóc ra thì bị nôn. Khi cho ăn uống cháu thường xuyên bị vướng và cảm thấy khó chịu mỗi khi nuốt đồ ăn. Vì thế, trẻ kén ăn, ăn gì cũng phải xay nhuyễn và rất lười ăn. Hơn nữa, theo mẹ cháu kể: Cháu rất hay lo lắng, lo sợ khi đi học. Ở nhà chỉ thích được bố mẹ cưng chiều, chỉ nói hơi to tiếng hoặc ít chú ý là cháu lại tủi thân khóc lóc hoặc chạy ra chỗ kín để rứt và ăn tóc. Khi đi học cháu khó kết bạn, không chơi với ai.

Khi đến trẻ mất rất nhiều thời gian làm quen và tách mẹ. Có những buổi trẻ ngồi làm việc cùng cô nhưng vẫn phải có mẹ ngồi sát bên cạnh. Sau buổi thứ 5 trẻ mới dần tách mẹ và làm việc với nhà trị liệu.

Trẻ đã thay đổi hẳn khi được giúp đỡ. Bởi triệu chứng của trẻ xuất phát nhiều từ việc trẻ kém tự tin, hay lo âu và sợ hãi. Khi biết được cội nguồn của các khó khăn mà trẻ gặp phải chúng tôi đã từng bước tháo gỡ. Và sau 3 tháng (mỗi tuần 2 buổi trị liệu) trẻ đã dần lấy lại được sự tự tin, có thêm kỹ năng kết bạn, dám nói ra các suy nghĩ của mình và đã giảm hẳn lo âu sợ dệt. Nhờ đó mà trẻ cũng giảm và sau đó mất hẳn hành vi nhổ tóc và ăn tóc.

Rất may con chưa đến mức bị phẫu thuật vì bóng tóc đã nuốt vào trong bụng. Cả nhà trị liệu và gia đình và cả trẻ đều cảm thấy nhẹ nhõm khi đã giúp cháu thay đổi và thành người mạnh mẽ như hiện tại.

Vì thế, mà các phụ huynh không thể chủ quan dù là một dấu hiệu nhỏ từ con mình như: Lười ăn, mệt mỏi, hay nôn, hay khó chịu, hoặc thấy con hay than vãn, bực tức mỗi khi đi học về. Ngoài ra, các dấu hiệu như: Lo lắng sợ đến trường, đau bụng trước mỗi buổi đến lớp, không thích ra ngoài chơi cùng bạn bè, gia đình...Những dấu hiệu bất thường đó đều là các chỉ báo để chúng ta phải quan tâm đến con trẻ mỗi ngày để trẻ được sống trong niềm vui và hạnh phúc.

Rối loạn ăn tóc
Bệnh lý rối loạn ăn tóc cần được phát hiện sớm và điều trị

Chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng trẻ là một quá trình dài, vì thế cha mẹ hãy là người bạn đồng hành giúp trẻ phát huy tốt khả năng về thể chất cũng như tinh thần của mình. Nếu nhận thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường như ăn tóc hay gặp khó khăn trong việc chăm sóc và dạy dỗ trẻ, bạn có thể đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được sự giúp đỡ từ các bác sĩ và các chuyên gia tâm lý.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài có sử dụng tư liệu của trang web:

  1. https://plo.vn/quoc-te/muon-mat/phat-hien-khoi-toc-nang-18-kg-ben-trong-da-day-benh-nhan-862923.html
  2. https://plo.vn/quoc-te/muon-mat/co-be-5-tuoi-nuot-toc-cua-minh-trong-hai-nam-troi-494693.html
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan