Sơ cấp cứu chấn thương đầu và tủy sống

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trịnh Ngọc Duy - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

Chấn thương đầu, cổ và tủy sống là những chấn thương nghiêm trọng và có thể để lại những biến chứng nguy hiểm gây tổn thương thần kinh và khó thở. Vì thế việc sơ cấp cứu chấn thương đầu, tủy sống kịp thời vô cùng quan trọng.

1. Tổng quan

Chấn thương đầu, cổ, tủy sống rất nguy hiểm vì có thể gây mất vận động (liệt), hôn mê và tử vong. Chấn thương tủy sống là nguyên nhân tổn thương thần kinh và gây ra khó thở.

sơ cấp cứu chấn thương đầu
Sơ cấp cứu chấn thương đầu và tủy sống

Người bệnh bị chấn thương đầu, cổ, tủy sống cần được vận chuyển hết sức thận trọng. Bởi bất cứ vận động nào không phù hợp cũng có thể làm chấn thương nặng thêm như liệt tay hoặc chân. Nếu người bệnh không tỉnh, cần thực hiện hỗ trợ sự sống cơ bản.

2. Dấu hiệu và triệu chứng chấn thương đầu, cổ và tủy sống

Dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ của chấn thương đầu như sau:

  • Đau đầu
  • Không tỉnh táo
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn và nôn

Dấu hiệu và triệu chứng nghi ngờ của chấn thương tủy sống:

  • Đau lưng
  • Tê bì

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác của chấn thương đầu, cổ và tủy sống:

  • Lơ mơ hoặc không tỉnh
  • Mất trí nhớ
  • Mất hoặc rối loạn chức năng vận động của ruột và bàng quang (bí tiểu tiện, bí đại tiện)
  • Co giật
  • Đau ở vùng đầu, cổ và cột sống

3. Sơ cấp cứu chấn thương đầu, cổ và tủy sống

Sơ cấp cứu chấn thương đầu, cổ và tủy sống với các bước như sau:

3.1. Nhận định

Đầu tiên cần đánh giá xem hiện trường có an toàn không, sau đó đánh giá tình trạng người bệnh.

3.2. Kế hoạch

  • Nếu bạn chỉ có một mình, hãy gọi thêm người trợ giúp từ người xung quanh và gọi cấp cứu
  • Sắp xếp để vận chuyển người bệnh tới bệnh viện
  • Thông báo cho bệnh viện về tình hình người bệnh

3.3. Thực hiện

Hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân: nếu nạn nhân tỉnh táo, hãy nói chuyện và giải thích những gì đang xảy ra. Trong trường hợp nạn nhân bị chấn thương đầu và đang chảy máu, hãy làm theo các bước sơ cứu cầm máu. Nếu bệnh nhân không chảy máu, hãy cẩn thận di chuyển cơ thể nạn nhân để nạn nhân nằm ngửa. Khi đã nằm ngửa, giữ cho nạn nhân bất động.

Cố định đầu và cột sống bằng cách làm theo các bước sau:

Bước 1: Cố định đầu

Người cứu hộ chính quỳ xuống phía đầu nạn nhân, để đầu nạn nhân nằm giữa hai đầu gối. Hai tay giữ cố định hai bên đầu.

sơ cấp cứu chấn thương đầu

LUÔN CỐ ĐỊNH ĐẦU. Nếu bạn cần thay đổi vị trí, hãy nhờ người trợ giúp quỳ xuống cạnh vai của bệnh nhân để họ có thể cố định đầu bằng cách làm theo các bước sau:

  • Đặt một bàn tay dưới cổ của nạn nhân
  • Đặt cẳng tay dọc theo ngực của nạn nhân ở giữa xương ức và bàn tay ở cằm. Giữ cằm bệnh nhân bằng bàn tay.
  • Khi người trợ giúp đã đã thực hiện các động tác trên thì bạn có thể thả tay đang giữ đầu ra.
Cấp cứu

Bước 2: Gọi 3 người trợ giúp

Yêu cầu 3 người trợ giúp quỳ xuống thành một hàng dọc theo cơ thể nạn nhân: một người quỳ gần ngực, một người quỳ gần thắt lưng và một người quỳ gần đầu gối. Họ sẽ giúp di chuyển bệnh nhân lên cáng cứu hộ.

Bước 3: Lấy cáng cứu hộ và các vật dụng khác

Yêu cầu người trợ giúp thứ 4 lấy một cáng cứu hộ hoặc tấm ván gỗ; dây, băng hoặc dải vải để cố định nạn nhân lên cáng và 2 túi cát hoặc vải để giữ cố định đầu.

Cấp cứu

Bước 4: Phối hợp cùng nhau RẤT CẨN THẬN để chuyển nạn nhân vào cáng cứu hộ

Người sơ cứu chính

  • Luôn giữ cho đầu cố định.
  • Hướng dẫn từng bước rõ ràng cho người trợ giúp
  • Người trợ giúp sẽ đặt tay qua cơ thể nạn nhân để bàn tay bám dọc theo phía đối diện với nơi họ đang quỳ. Bàn tay người trợ giúp chéo nhau.
Cấp cứu

Người trợ giúp số 1: Đặt một tay lên dưới vai nạn nhân và tay kia dưới thắt lưng.

Người trợ giúp số 2: Đặt một tay dưới xương sườn nạn nhân và tay kia ở gối

Người trợ giúp số 3: Đặt một tay dưới đùi nạn nhân và tay kia ở mắt cá chân.

Người sơ cứu chính:

  • Giữ đầu ổn định.
  • Đếm một, hai, ba và yêu cầu mọi người kéo nạn nhân nhẹ nhàng về phía họ để nạn nhân nghiêng về 1 bên.
Cấp cứu

Người trợ giúp số 2: Kiểm tra phần phía sau của nạn nhân bằng cách sờ dọc từ đầu xuống cột sống xem có bất thường hay không.

Người trợ giúp số 4: Cẩn thận đẩy cáng cứu hộ về phía nạn nhân sao cho sát vào mặt bên nạn nhân.

Người sơ cứu chính:

  • Giữ đầu ổn định.
  • Đếm một, hai, ba và để mọi người lật nạn nhân nằm ngửa trên cáng.
  • Cùng nhau đẩy nhẹ nhàng nạn nhân lên cáng
Cấp cứu

Những người trợ giúp: Đặt cẳng tay dọc theo cơ thể nạn nhân

Người sơ cứu chính:

  • Đếm một, hai, ba và yêu cầu mọi người sử dụng 1 bên cẳng tay của họ để nhẹ nhàng đẩy nạn nhân vào giữa cáng.
  • Giữ cho đầu nạn nhân ổn định và nhẹ nhàng di chuyển đầu khi người trợ giúp đang đẩy phần thân nạn nhân.
Cấp cứu

Bước 5: Cố định nạn nhân vào cáng

Cố định đầu nạn nhân

Người sơ cứu chính: Yêu cầu người trợ giúp số 4 đặt túi cát hoặc túi vải ở 2 bên đầu nạn nhân. Giữ các túi ở vị trí cho đến khi cố định bằng các dây vải – một dây ở trán và một trên cằm.

Cấp cứu

Cố định cơ thể nạn nhân

Sử dụng dây vải để cố định nạn nhân vào cáng (buộc dây): một dây ở ngực, một dây ở hông, một dây ở đầu gối và một dây ở mắt cá chân. Nếu có thể, tìm một chiếc khăn hoặc vật khác chèn vào giữa 2 chân để ổn định hơn. Phối hợp cùng nhau nâng nạn nhân và cáng cẩn thận. Khai thông đường thở nếu nạn nhân bị sặc. Nếu nạn nhân không tỉnh, theo các bước hỗ trợ sự sống cơ bản.

Cấp cứu
Cấp cứu

3.4. Đánh giá

Theo dõi sát tình trạng nạn nhân, thực hiện sơ cứu ban đầu và động viên tinh thần khi cần thiết.

Sơ cấp cứu chấn thương đầu hay sơ cứu chấn thương sọ não đều cần phải cẩn thận và làm theo đúng các bước. Sau khi thực hiện các bước sơ cấp cứu chấn thương đầu, cột sống người sơ cứu cần nhanh chóng liên hệ đến các cơ sở y tế gần nhất và có chuyên môn tốt để cứu sống người bệnh một cách an toàn.

Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hoạt động 24/24 vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả thứ 7 và Chủ nhật cũng như các ngày lễ trong năm. Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu tại Khoa được đào tạo chuyên sâu, bài bản, có thể tiếp nhận và xử lý khẩn cấp các trường hợp bệnh nhân, đồng thời luôn có sự phối hợp với tất cả các chuyên khoa một cách nhanh chóng.

Với trang thiết bị hiện đại cùng với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, khoa Cấp cứu đã tiến hành cấp cứu và cứu sống những bệnh nhân nặng, phức tạp. Đồng thời, người bệnh tại Khoa Cấp cứu luôn được chăm sóc phối hợp bởi nhiều chuyên khoa chuyên sâu khác (chăm sóc theo nhóm chuyên khoa - Team Base Care). Chính vì vậy, tại Khoa Cấp cứu, người bệnh sẽ được khám, chẩn đoán, chính xác, nhanh chóng mức độ tin cậy cao và được điều trị chuyên sâu ngay từ giai đoạn cấp cứu giúp người bệnh nhanh chóng qua khỏi giai đoạn nguy kịch và ổn định.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan