Tai biến thường gặp khi truyền máu và cách xử trí

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Huỳnh Kim Long - Bác sĩ hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ Huỳnh Kim Long có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu và Đột quỵ não cấp ở người lớn.

Truyền máu là tình trạng người bệnh nhận máu hoặc các chế phẩm máu (hồng cầu lắng, tiểu cầu, huyết tương) từ người khác. Đây là biện pháp khá phổ biến nhằm bồi hoàn lượng máu đã mất hoặc điều chỉnh những bất thường trong máu mà không có biện pháp khác để thay thế. Truyền máu không gây đau, có thể hơi khó chịu vì kim tiêm gắn vào tĩnh mạch cánh tay nhưng vẫn có trường hợp gặp các tai biến nguy hiểm cần phải xử trí kịp thời.

1. Các tai biến truyền máu thường gặp

Tai biến truyền máu được phân loại thành các dạng khác nhau, do nguyên nhân gây ra tiêu biểu có các nhóm sau:

1.1 Các tai biến truyền máu do miễn dịch

Phản ứng tan máu cấp do truyền máu:

  • Thường do truyền máu toàn phần hoặc không tương đồng hệ nhóm máu ABO, khiến kháng thể kháng A hoặc B có trong huyết tương bệnh nhân gây ngưng kết hồng cầu có kháng nguyên tương ứng truyền vào, dẫn tới tan máu nội mạch cấp tính.
  • Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, rét run hoặc đau lưng (do thiếu máu và co cứng cơ), khó thở, suy hô hấp, vô niệu, hạ huyết áp và sốc, đái huyết sắc tố.
  • Những biểu hiện lâm sàng này thường diễn ra theo 3 giai đoạn là: giai đoạn sốc, giai đoạn vô niệu và giai đoạn hồi phục.

Phản ứng tan máu muộn sau truyền máu:

  • Nguyên nhân là do có hiện tượng miễn dịch thứ phát chống lại các đồng nguyên kháng hồng cầu được tạo ra khoảng 1-2 tuần sau khi người nhận máu tiếp xúc với kháng nguyên lạ.
  • Bệnh nhân thường không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu cho tan máu, nếu có cơn tan máu nặng thì có thể có các biểu hiện như sốt rét run, vàng da, thiếu máu,...

Phản ứng sốt sau truyền máu không do tan máu:

  • Nguyên nhân do không phù hợp nhóm bạch cầutiểu cầu giữa người cho và người nhận dẫn tới , tương tác giải phóng các chất gây sốt.
  • Sốt có thể kèm rét run xảy ra trong hoặc sau khi truyền máu.

Các phản ứng dị ứng do truyền máu:

  • Nổi mề đay (sẩn ngứa): do các dị nguyên trong huyết tương và các chế phẩm khác có chứa huyết tương dẫn tới giải phóng histamin, thường gặp ở người có tiền sử dị ứng.
  • Phản ứng phản vệ: bệnh nhân có các biểu hiện như sốc phản vệ, khó thở, tụt huyết áp, co thắt phế quản, nôn, đau bụng, vã mồ hôi...
Nổi mề đay do dị ứng thời tiết
Nổi mề đay (sẩn ngứa) khi truyền máu

Phản ứng do đồng miễn dịch:

  • Nguyên nhân do cơ thể bệnh nhân có phản ứng miễn dịch với các đồng kháng nguyên trong chế phẩm truyền vào, thường xảy ra sau khi truyền máu hoặc mang thai.
  • Bệnh nhân thường có các biểu hiện tan máu cấp hoặc tan máu muộn sau truyền máu hoặc có tình trạng không đáp ứng với truyền máu.
  • Ở trẻ sơ sinh, giảm tiểu cầu miễn dịch được biểu hiện bằng hội chứng xuất huyết đốm sau sinh, với các biểu hiện xuất huyết nặng như xuất huyết não- màng não, xuất huyết tiêu hóa.

1.2 Các tai biến truyền máu do nhiễm trùng

  • Viêm gan do truyền máu:
    • Hay gặp nhất là viêm gan do HCV.
    • Bệnh nhân viêm gan thường không có hoặc ít biểu hiện vàng da, có thể có mệt mỏi, kém ăn, rối loạn tiêu hóa, đau khớp hoặc sốt nhẹ.
  • Nhiễm HIV và HTLV-1: Nhờ có sàng lọc HIV thường quy nên nhiễm HIV sau truyền máu có tỷ lệ thấp.
  • Nhiễm ký sinh trùng sốt rét, nhiễm khuẩn xoắn giang mai, máu nhiễm khuẩn cũng là những tác nhân có nguy cơ mắc phải sau truyền máu.

1.3 Tai biến do truyền máu khối lượng lớn

  • Quá tải tuần hoàn: do khi truyền một lượng máu quá lớn với tốc độ nhanh gây quá tải tuần hoàn trên các bệnh nhân có bệnh tim hoặc phổi, gây suy tim phải, phù phổi cấp, xanh tím, khó thở,...
  • Nhiễm độc citrat: do tác dụng phụ của citrat dùng để chống đông máu truyền vào, gây rối loạn chức năng tim do giảm calci máu.
  • Tăng Kali máu: do kali chứa trong máu truyền vào sau quá trình bảo quản.
Truyền máu
Truyền máu với khối lượng lớn có thể gây tai biến cho người bệnh

2. Xử trí tai biến truyền máu như thế nào?

Xử trí tai biến khi truyền máu tùy thuộc vào mức độ của tai biến mà có những biện pháp thích hợp.

2.1 Xử trí ban đầu

  • Khóa ngay bộ dây truyền máu để ngăn lượng máu tai biến tiếp tục vào cơ thể người nhận.
  • Đánh giá các dấu hiệu sinh tồn của người bệnh.
  • Xác định hoặc loại trừ nguy cơ truyền máu không hòa hợp nhóm hồng cầu, thông qua: kiểm tra, đối chiếu hồ sơ người bệnh, định nhóm máu ABO.
  • Xác định mức độ tai biến.

2.2 Đối với các phản ứng nhẹ

  • Cần cho máu truyền chậm lại và dùng các thuốc chống dị ứng.
  • Theo dõi sát tình trạng lâm sàng, nếu không cải thiện hoặc tiến triển xấu cần xử lý như các phản ứng trung bình.

2.3 Đối với các phản ứng trung bình

  • Lập tức ngưng truyền máu.
  • Duy trì đường truyền tĩnh mạch bằng dung dịch muối sinh lý NaCl 0,9%.
  • Điều trị các triệu chứng phù hợp như ủ ấm khi rét run hoặc chống dị ứng, hạ sốt.
  • Theo dõi màu sắc nước tiểu và lưu lượng.
Truyền dịch
Dung dịch muối sinh lý NaCl 0,9%

2.4 Đối với các phản ứng nặng

  • Lập tức ngưng truyền máu.
  • Nếu có dấu hiệu sốc phản vệ phải điều trị ngay theo phác đồ Bộ Y Tế với: Adrenalin, kháng histamin, corticoid...
  • Cần duy trì đường truyền tĩnh mạch bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% để duy trì huyết áp.
  • Duy trì hô hấp và hỗ trợ bằng oxy.
  • Nếu bệnh nhân có dấu hiệu co thắt phế quản cần sử dụng corticoid tĩnh mạch và thuốc giãn phế quản.
  • Nếu có dấu hiệu quá tải tuần hoàn có thể sử dụng thuốc lợi tiểu đường tĩnh mạch với furosemid.
  • Điều trị các rối loạn đông máu rải rác nội mạch.
  • Dùng kháng sinh chống nhiễm khuẩn phổ rộng nếu có nhiễm trùng máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

71.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan