Tại sao phía sau đầu của bạn bị đau?

Khi bị đau đầu ở phía sau gáy, nhiều người thường dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Nhưng để khắc phục lâu dài, bạn cần tìm ra căn nguyên của vấn đề. Phần sau đầu có thể bị đau do sinh hoạt sai tư thế hoặc mắc một số tình trạng đau đầu cụ thể.

1. Đau đầu căng thẳng

Đau đầu căng thẳng là loại đau đầu phổ biến nhất, xảy ra khi các cơ ở da đầu và cổ căng lên. Tình trạng này gây ra đau ở hai bên và phía sau đầu. Thông thường là một cơn đau âm ỉ và không nhói.

Đau đầu do căng thẳng không phải là dấu hiệu của một vấn đề y tế khác. Tuy nhiên, người bệnh có thể bị đau đớn và có cảm giác như bị ai đó bóp siết chặt đầu mình. Có hai loại đau đầu do căng thẳng:

  • Từng cơn: Xảy ra khi bạn căng thẳng, lo lắng, đói, tức giận, chán nản hoặc mệt mỏi.
  • Kinh niên: Loại đau đầu này xảy ra hơn 15 lần / tháng và kéo dài ít nhất 3 tháng. Cơn đau hầu như không bao giờ biến mất mà chỉ có thể thay đổi mức độ trong suốt một ngày. Bạn cũng có thể cảm thấy hơi buồn nôn kèm theo.

Hầu hết các trường hợp cơn đau đầu do căng thẳng đều có thể điều trị bằng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen, ibuprofen hoặc aspirin. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm, thuốc này cũng có thể hoạt động như một loại thuốc giảm đau.

2. Sai tư thế

Nếu bạn có thói quen chùng người xuống khi ngồi hoặc đứng thay vì thẳng lưng cổ. Tư thế này khiến các cơ ở phía sau đầu, lưng trên, cổ và hàm sẽ bị căng, cũng như gây áp lực lên các dây thần kinh ở những khu vực này. Chính vì vậy, sai tư thế có thể gây đau đầu ở phía sau gáy.

Đứng hoặc ngồi thẳng có thể giúp giảm đau đầu do sai tư thế. Thuốc giảm đau không kê đơn cũng có thể hữu ích. Trong một số trường hợp, bạn có thể cần chữa bằng vật lý trị liệu.

3. Đau đầu do viêm khớp

Triệu chứng chính của đau đầu do viêm khớp là cơn đau ở phía sau đầu trở nên nặng hơn khi bạn di chuyển. Đây có thể là hậu quả của chứng viêm khớp ở đốt sống thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba của cột sống. Những thay đổi trong cấu trúc xương ở cổ hoặc các mạch máu trong đầu bị viêm cũng có thể là nguyên nhân.

Tham khảo ý kiến bác sĩ về các phương pháp điều trị. Thông thường, bạn có thể điều trị những cơn đau đầu do viêm khớp bằng thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ hoặc cả hai.

Đau nửa đầu sau và vai gáy là tình trạng phổ biến dễ gặp ở nhiều người
Đau nửa đầu sau và vai gáy là tình trạng phổ biến dễ gặp ở nhiều người

4. Đau đầu do huyết áp thấp

Hạ huyết áp nội sọ tự phát (SIH) thường được gọi là đau đầu do huyết áp thấp. Tình trạng này xảy ra khi có dịch tủy sống bị rò rỉ ở cổ hoặc lưng. Sự rò rỉ này khiến lớp đệm của chất lỏng tủy sống xung quanh não giảm xuống.

Các triệu chứng của SIH bao gồm:

  • Đau dữ dội ở phía sau đầu và cổ
  • Cơn đau tăng lên khi đứng hoặc ngồi
  • Cơn đau thuyên giảm sau khi bạn nằm xuống nghỉ ngơi trong nửa giờ.
  • Một số người bị SIH thức dậy với cơn đau đầu nhẹ và nặng dần trong ngày.

Nếu bạn nghĩ rằng mình mắc phải tình trạng này, nên đi khám bác sĩ để có thể được thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán bệnh.

Hầu hết bệnh nhân bị đau đầu do huyết áp thấp nhận thấy rằng các phương pháp điều trị đau đầu thông thường không hiệu quả. Thay vào đó, họ sẽ áp dụng phương pháp kết hợp caffeine, bổ sung nước và nằm nghỉ ngơi.

Có một thủ thuật ngoại trú, trong đó bác sĩ sẽ lấy máu từ cánh tay bạn và tiêm vào cột sống dưới. Cơn đau đầu biến mất gần như ngay lập tức, tuy nhiên bạn có thể bị đau thắt lưng trong tối đa một tuần hoặc thậm chí lâu hơn (trường hợp hiếm).

5. Đau dây thần kinh chẩm

Loại đau đầu này khá hiếm gặp, có liên quan đến cơn đau ở các dây thần kinh chẩm chạy từ tủy sống đến da đầu. Khi những dây thần kinh này bị tổn thương hoặc viêm, bạn có thể cảm thấy đau ở phía sau đầu hoặc sau tai.

Một số người mô tả cơn đau này như dao đâm và rất dữ dội, giống như một cú sốc. Cơn đau có thể kéo dài trong vài giây đến vài phút. Sau đó, bạn có thể cảm thấy đau âm ỉ.

Các bác sĩ không rõ nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm. Cơn đau đầu có thể xuất hiện khi bạn thực hiện các hoạt động bình thường, chẳng hạn như chải tóc hoặc nằm lên gối. Những người bị chấn thương cổ hoặc có khối u có thể mắc phải dạng đau đầu này như một tác dụng phụ.

Điều trị thường bao gồm chườm ấm và xoa bóp nhẹ nhàng. Thuốc chống viêm và thuốc giãn cơ cũng có thể hữu ích. Nếu bạn thường xuyên gặp những cơn đau đầu này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống động kinh để giảm bớt các cơn đau.

6. Thoát vị đĩa đệm

Các đĩa đệm bị thoát vị ở cột sống cổ có thể gây đau và căng cổ. Cơn đau thường bắt nguồn ở phía sau đầu, cũng như ở thái dương hoặc sau mắt. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau nửa đầu sau và vai gáy, hoặc khó chịu ở cánh tay trên.

Đau đầu do thoát vị đĩa đệm có thể tăng lên khi bạn đang nằm. Một số bệnh nhân còn bị thức giấc giữa đêm vì cơn đau làm gián đoạn giấc ngủ. Khi nằm xuống, bạn cũng có thể cảm thấy một áp lực đè lên đỉnh đầu giống như một quả nặng.

Cần làm gì khi đau nửa đầu sau và vai gáy?
Cần làm gì khi đau nửa đầu sau và vai gáy?

7. Chứng đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào, nhưng nhiều người bệnh thường bị nhức đầu sau gáy bên phải hoặc trái cũng như ở phía sau đầu. Chứng đau nửa đầu có thể gây ra:

  • Đau dữ dội, đau nhói
  • Chói mắt, lóa mắt
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Chảy nước mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng hoặc âm thanh

Đau nửa đầu sau và vai gáy có thể bắt đầu ở bên trái của đầu, sau đó di chuyển từ thái dương đến phía sau đầu.

Tóm lại có rất nhiều nguyên nhân gây nên đau nửa đầu sau và vai gáy, tuy nhiên để có thể xác định được tình trạng cơn đau và hướng điều trị, khách hàng cần được thăm khám tại những cơ sở y tế có chất lượng chuyên môn tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com - healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan