Tế bào lympho T: Những điều cần biết

Tế bào lympho B, lympho T được tạo ra ở tủy xương và lưu hành trong máu, mô bạch huyết. Các tế bào này phối hợp với nhau để bảo vệ cơ thể chống lại các sinh vật lạ như vi khuẩn, virus và tế bào ung thư. Trong bài viết này sẽ cung cấp thông tin về tế bào lympho T, chỉ số bình thường trong máu và điều gì xảy ra nếu tế bào này quá thấp hoặc quá cao.

1. Tế bào T là gì và tế bào lympho T trưởng thành ở đâu?

Tế bào T phát triển từ tế bào gốc gan hoặc tủy xương trưởng thành trong tuyến ức và được biệt hóa thành một số loại khác nhau, bao gồm:

  • Các tế bào T độc (Cytotoxic T cells) tìm và tấn công trực tiếp vào vi sinh vật gây hại cho cơ thể như vi khuẩn, virus và tế bào ung thư;
  • Các tế bào T hỗ trợ (Helper T cells) phối hợp với tế bào miễn dịch khác và tổ chức phản ứng miễn dịch;
  • Các tế bào T điều hoà (regulatory T cells) giúp ức chế hệ thống miễn dịch để không phản ứng thái quá (như trong các bệnh tự miễn), tuy nhiên các khía cạnh sinh học của các tế bào này vẫn đang là bí ẩn và vẫn đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu;
  • Các tế bào tiêu diệt tự nhiên T (natural killer T cells - NKT) không giống với các tế bào diệt tự nhiên (natural killer cells- NK), nhưng chúng có một vài điểm tương đồng. Các tế bào NKT là tế bào T độc (Cytotoxic T cells) cần phải được kích hoạt và biệt hóa trước để thực hiện nhiệm vụ miễn dịch. Cả tế bào NK, NKT đều là tế bào gây độc tế bào, có thể đáp ứng nhanh chóng bằng cách tiêu diệt các tế bào khối u và tham gia vào các phản ứng miễn dịch chống khối u.
Tế bào T là gì
Các tế bào tiêu diệt tự nhiên T đều là tế bào gây độc

.

  • Các tế bào nhớ (memory T cells) ghi lại dấu hiệu trên bề mặt vi khuẩn, virus hoặc tế bào ung thư đã tiêu diệt trước đó.

Số lượng tế bào T cũng có thể được gọi là số lượng tế bào lympho có nguồn gốc từ tuyến ức hoặc số lượng tế bào lympho T. Nếu bạn đang điều trị HIV, xét nghiệm này có thể được gọi là số lượng tế bào CD4. Một số tế bào lympho T có thụ thể CD4, đây là nơi HIV gắn vào tế bào này.

2. Khi nào cần xét nghiệm tế bào lympho T?

Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm đếm số lượng tế bào lympho T nếu bạn có triệu chứng rối loạn suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như nhiễm virus HIV. Các triệu chứng liên quan đến các bệnh khác, như bệnh bạch cầu hoặc ung thư cũng có thể khiến số lượng tế bào T tăng lên.

Các triệu chứng của rối loạn suy giảm miễn dịch bao gồm:

  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Nhiễm trùng từ vi khuẩn hoặc các sinh vật khác nhưng không gây ra nhiễm trùng nặng
  • Có vấn đề về khó hồi phục bệnh
  • Nhiễm trùng không đáp ứng với điều trị
  • Nhiễm nấm, như nhiễm trùng nấm men (yeast infections)
  • Nhiễm ký sinh trùng
Suy giảm miễn dịch
Xét nghiệm tế bào lympho T khi xuất hiện triệu chứng rối loạn suy giảm miễn dịch

3. Cần chuẩn bị gì trước khi xét nghiệm tế bào lympho T?

Để thực hiện xét nghiệm này, bác sĩ hoặc điều dưỡng chỉ cần một mẫu máu nhỏ từ tĩnh mạch cánh tay của người bệnh.

Trước khi xét nghiệm, người bệnh nên kể với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc không kê đơn (OTC) và thuốc có kê đơn hoặc thực phẩm chức năng.

Do một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào lympho T nên làm thay đổi kết quả xét nghiệm. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngừng dùng thuốc trong một thời gian hoặc thay đổi liều trước khi xét nghiệm.

Các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào lympho T bao gồm:

  • Thuốc hóa trị;
  • Xạ trị;
  • Corticosteroid;
  • Thuốc ức chế miễn dịch, như thuốc ức chế phản ứng thải ghép.

Phẫu thuật gần đây hoặc căng thẳng cường độ cao cũng có thể ảnh hưởng đến số lượng tế bào lympho T.

4. Kết quả xét nghiệm tế bào lympho T

Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi bằng máy laser
Kết quả xét nghiệm tế bào lympho T cho biết tình trạng các tế bào bạch cầu

Bình thường, số lượng tế bào lympho T nằm trong khoảng từ 500 đến 1.600 tế bào lympho T trên một milimét máu (tế bào/mm3).

4.1. Số lượng tế bào lympho T thấp

Số lượng tế bào T thấp phổ biến hơn số lượng tế bào lympho T cao. Số lượng tế bào lympho T thấp thường chỉ ra vấn đề với hệ thống miễn dịch hoặc các hạch bạch huyết như:

  • Nhiễm virus, như cúm
  • Lão hóa
  • Rối loạn suy giảm miễn dịch
  • Tiếp xúc với bức xạ
  • HIV và AIDS
  • Bệnh ung thư ảnh hưởng đến máu hoặc các hạch bạch huyết, chẳng hạn như bệnh Waldenström (Waldenstrom's macroglobulinemia - bệnh tăng globulin đại phân tử), bệnh bạch cầu và bệnh Hodgkin.
  • Thiếu tế bào lympho T bẩm sinh, trong một số trường hợp hiếm gặp

4.2. Số lượng tế bào lympho T cao

Trường hợp này ít xảy ra hơn, nhưng nếu có, thì có thể trong các trường hợp sau:

  • Bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (infectious mononucleosis)
  • Bệnh ung thư máu/bạch cầu cấp thể lympho (Acute Lymphocytic Leukemia – ALL)
  • Đa u tủy xương, một loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào plasma trong tủy xương
  • Rối loạn di truyền, ví dụ hội chứng tăng bạch cầu tự miễn dịch (autoimmune lymphoproliferative syndrome)

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

9.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan