Thế nào là hồng cầu lắng?

Hồng cầu lắng là chế phẩm máu thường dùng nhất trong thực hành lâm sàng hằng ngày. Đây là phương pháp nhanh nhất để nâng nồng độ hemoglobin trong máu, đảm bảo thể tích tuần hoàn ổn định, chức năng hô hấp cho các cơ quan, đặc biệt là trong các trường hợp mất máu cấp tính.

1. Hồng cầu lắng là gì?

Hồng cầu lắng hay còn gọi là khối hồng cầu đậm đặc, là phần còn lại của máu toàn phần sau khi đã tách lấy huyết tương sau quá trình quay ly tâm hoặc để lắng mà không cần thực hiện thêm bất kỳ công đoạn xử lý nào khác.

Lúc này, vì đã tách lấy phần huyết tương, chế phẩm máu “hồng cầu lắng” thực chất là bao gồm toàn bộ các tế bào máu, gồm cả bạch cầu và tiểu cầu. Tuy nhiên, thể tích một đơn vị khối hồng cầu thực tế chỉ còn vào khoảng 60% (sai số 15%) của thể tích máu toàn phần cùng một đơn vị ban đầu.

Trong đó, lượng hemoglobin tối thiểu là 10g từ mỗi 100ml máu toàn phần được điều chế và tỷ lệ hematocrit từ 65 đến 75%.

Hồng cầu máu
Hồng cầu lắng gồm các tế bào máu, bạch cầu và tiểu cầu

2. Các chỉ định sử dụng hồng cầu lắng là gì?

Chỉ định dùng hồng cầu lắng là rộng rãi nhất trong các loại chế phẩm máu. Theo đó, hồng cầu lắng được sử dụng khi:

  • Thay thế hồng cầu cho bệnh nhân bị thiếu máu nặng với Hb dưới 6 đến 8 g/dL; có thể dùng cùng với dung dịch keo trong trường hợp mất máu cấp. Các trường hợp mất máu cấp cần truyền hồng cầu lắng có thể là chấn thương sau tai nạn giao thông, xuất huyết tiêu hóa hay vỡ phình động mạch chủ bụng.
  • Bệnh nhân đang được can thiệp ngoại khoa với tình trạng cuộc mổ bị mất máu nhiều đến khi Hb dưới 7 g/dL.
  • Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu cấp nên duy trì Hb trên 8 g/dL cho bệnh nhân vào giai đoạn lui bệnh, bệnh nhân ổn định hay bệnh nhân đã được điều trị tạm ổn nếu không có sự bất thường nào về lâm sàng. Nên duy trì Hb trên 9 g/dL khi bệnh nhân cần hóa trị liệu, giai đoạn suy tủy do hóa trị hay có bệnh tim phổi phối hợp.
  • Bệnh nhân Thalassemia cần được duy trì Hb trên 9,5 g/dL trong những năm đầu đời để đảm bảo cho sự phát triển của cơ thể.
  • Bệnh nhân bị thiếu máu mạn tính cần truyền hồng cầu lắng nếu Hb dưới 7 g/dL hay khi bệnh nhân có triệu chứng thiếu máu, có các bệnh lý tim phổi đi kèm.

3. Cách bảo quản và sử dụng hồng cầu lắng như thế nào?

Những nhóm máu quan trọng trong truyền máu
Truyền hồng cầu lắng phải hoàn tất trong thời gian là 40 phút

Sau khi điều chế từ máu toàn phần, hồng cầu lắng cần được bảo quản trong môi trường phù hợp. Điều kiện yêu cầu là nhiệt độ từ 2 độ C đến 6 độ C. Chỉ khi được như vậy, hạn sử dụng của hồng cầu lắng là không quá 21 ngày với dung dịch chống đông Citrat-Phosphat-Dextrose và không quá 35 ngày với dung dịch Citrat-Phosphat-Dextrose-Adenin.

Trước khi truyền hồng cầu lắng hay các chế phẩm máu nói chung, cần thực hiện xét nghiệm phù hợp hệ ABO và Rhésus. Hồng cầu lắng lấy ra khỏi tủ lạnh cần phải đem đi rã đông và truyền nhanh trong vòng 30 phút, phải hoàn tất trong vòng 4 giờ.

Ở người lớn, mỗi đơn vị máu trung bình sẽ nâng Hb lên 1 g/dL hay Hct lên 3%. Tuy nhiên, vì thể tính máu lý tưởng trong cơ thể người thay đổi tùy theo tuổi, thể tích hồng cầu lắng trung bình cần truyền vào khoảng 10 đến 20 ml/kg cân nặng. Nếu bệnh nhân đã có tình trạng thiếu máu mạn từ trước, lượng hồng cầu lắng cần truyền nên dưới 5ml/kg cân nặng đồng thời với truyền kéo dài trên 4 giờ.

Nếu có khả năng truyền nhanh hồng cầu lắng do trình trạng nguy kịch, cần có thêm một đường truyền natriclorua 0,9% chạy song song với đường truyền máu. Thể tích NaCl 0,9% cần dùng là tương đương với thể tích máu.

Theo dõi sát tình trạng tri giác và sinh hiệu của bệnh nhân theo quy định trong toàn bộ thời gian truyền máu. Nếu xảy ra các dấu hiệu nghi ngờ tai biến khi truyền máu, cần ngưng ngay đơn vị hồng cầu lắng đang truyền và hủy bỏ, tuyệt đối không được truyền lại cho bệnh nhân. Đồng thời, xử trí các tai biến truyền máu phù hợp với từng mức độ.

Nếu bệnh nhân đã có một lần tai biến do truyền máu, cần lưu trữ thông tin trong hồ sơ bệnh án nhằm cảnh báo cho lần truyền máu sau (nếu cần) cũng như lựa chọn chế phẩm hồng cầu thích hợp hơn như hồng cầu nghèo bạch cầu hay hồng cầu rửa. Lúc này, nguy cơ xảy ra tai biến sẽ giảm thiểu được một cách đáng kể.

Tóm lại, hồng cầu lắng là chế phẩm máu quen thuộc và sử dụng phổ biến. Đây là chỉ định khi bệnh nhân có mất máu cấp tính, nhằm nâng cao nồng độ hemoglobin lên một cách nhanh chóng và giữ tính mạng cho người bệnh. Tuy nhiên, luôn cần nắm rõ các điều cần nhớ trên đây sẽ sử dụng hồng cầu lắng một cách an toàn và hiệu quả cho người bệnh.

Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, điều trị bệnh tại Vinmec có thể trực tiếp đến các cơ sở thuộc Hệ thống Y tế Vinmec hoặc liên hệ đặt hẹn TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan