Thuốc chống muỗi dùng thế nào cho an toàn?

Muỗi đốt không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn là nguồn truyền nhiễm một số bệnh nguy hiểm cho sức khỏe như sốt xuất huyết, sốt rét,... Do đó, việc dùng thuốc hay kem chống muỗi rất cần thiết khi tham gia các hoạt động dã ngoại hay tham quan. Tuy nhiên, khi sử dụng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn với cơ thể. Việc nắm được những nguyên tắc dùng kem chống muỗi an toàn đóng vai trò quan trọng.

1. Những thành phần hóa học thường có trong thuốc chống muỗi

Khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào vào cơ thể, mọi người cũng cần nắm được thành phần của loại thuốc. Với các những loại thuốc chống muỗi, ở bất kỳ dạng bào chế nào: kem, gel, dung dịch bôi cho đến các loại thuốc nước, thuốc xịt,... của bất kỳ nhà sản xuất nào cũng đều có chung một số thành phần hóa học chính như sau:

1.1. DEET

DEET là thành phần hóa học được xem như là một loại thuốc chống côn trùng rất tốt, với tỷ lệ thấp nhất trong thành phần thuốc là khoảng 15% cùng với một số thành phần khác. Tuy nhiên, dù có tỷ lệ thấp thì hóa chất DEET cũng có thể gây ra những tổn hại cho da.

1.2. Picaridin

Với những thuốc chống muỗi ở dạng xịt, kem dưỡng da hay khăn lau, picaridin là một thành phần khác được EPA chấp thuận, hoạt động tốt như một hàng rào bảo vệ da đối với muỗi. Đó là một hợp chất hóa học có nguồn gốc thực vật mà bạn có thể tìm thấy trong các sản phẩm chống muỗi như Cutter Advanced và Skin So Soft Bug Guard Plus. Thành phần kem chống muỗi an toàn cho tất cả mọi người trong đó có trẻ em và phụ nữ mang thai.

Thuốc xịt chống muỗi
Nên cẩn trọng đọc kỹ hướng dẫn khi sử dụng thuốc xịt chống muỗi

1.3. IR3535

IR3535 là hợp chất chống muỗi nhân tạo, xuất hiện trong nhiều sản phẩm chống muỗi. Hợp chất này được EPA chấp thuận dùng an toàn với cả trẻ em và phụ nữ đang mang thai với tác dụng đuổi muỗi khỏi da trong vài giờ.

1.4. Dầu bạch đàn chanh

Dầu bạch đàn chanh với tên hóa học là OLE được EPA phê duyệt và có hiệu quả để xua đuổi muỗi. Bạn có thể thấy thành phần này trong các phiên bản tổng hợp của nó như Repel và Off

Tuy nhiên, việc sử dụng OLE "nguyên chất" (dầu đơn thuần, chưa qua chế biến) là nguy hiểm cho da. Nó chưa được thử nghiệm về độ an toàn và không được EPA khuyến nghị.

1.5. 2-undecanone

Hóa chất 2-undecanone còn có tên gọi khác là BioUD, có nguồn gốc từ quả cà chua. Nó có sẵn trong thành phần của Bite Blocker và theo như một số nghiên cứu cho biết nó hoạt động tốt như các sản phẩm có 30% DEET.

2. Phản ứng không mong muốn khi dùng thuốc chống muỗi

2.1. Nguy cơ gây tổn thương đường hô hấp

Khi dùng những loại bình xịt thuốc chống muỗi vào vị trí vùng mặt và cổ, thuốc xịt có thể lẫn vào không khí và dễ dàng xâm nhập cơ thể qua đường hô hấp và gây hại cho sức khỏe người dùng.

2.2. Nguy cơ phơi nhiễm hóa chất

Khi những vùng da hở như vết muỗi cắn mới trên da, nốt muỗi đốt cũ đã gãi trầy xước,... tiếp xúc với các loại thuốc chống muỗi, cơ thể có nguy cơ phơi nhiễm hóa chất với các vùng da hở này. Các báo cáo gần đây chỉ ra những triệu chứng phổ biến của việc nhiễm độc DEET ở trẻ em là đau đầu, run, mất kiểm soát, động kinh và co giật. Hầu hết các trường hợp nhiễm độc do tiếp xúc với DEET được báo cáo đều liên quan nhóm trẻ em dưới 8 tuổi.

2.3. Thuốc bôi chống muỗi có thể gây nguy hại đến da

Dùng thuốc chống muỗi đốt chỉ có tác dụng trong khoảng thời gian nhất định, khi thuốc bay hết lại phải bôi tiếp. Khi liên tục bôi thuốc trong thời gian dài và bôi nhiều cũng có thể gây hại cho da. Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp như phản ứng kích ứng (da đỏ lên, rát, bong vảy) hoặc gây dị ứng da (làn da sưng nề, đỏ lên, ngứa, mọc những nốt mụn nước li ti hoặc có mủ...). Những trường hợp viêm da cơ địa (cả trẻ em và người lớn) có làm bề mặt da trở nên nhạy cảm hơn.

Trường hợp bị tác dụng phụ trên da còn có thể gây ra cảm giác rất ngứa và khi có mủ thì bị đau. Khi các sẩn ngứa lặn đi thường để lại các vết mất sắc tố hoặc tăng sắc tố sau viêm nhưng thường là tăng sắc tố. Một số người khác có thể bị những vết thương mới trắng lẫn vết thâm cũ. Các vết thâm thường tồn tại rất dai dẳng và nếu cứ bị muỗi đốt liên tục thì các vết thâm lại xuất hiện ngày càng nhiều. Nếu gãi hoặc chà xát nhiều thì các vết thâm còn bị dày lên, trở nên sần sùi trông rất mất thẩm mỹ. Khi tình trạng này tái lại thường xuyên có thể dẫn đến những vấn đề về da nghiêm trọng như viêm da dị ứng, nhiễm trùng, sưng tấy... Vậy nên, bạn cần cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm thuốc chống muỗi.

Dị ứng nước hoa có thể gây tình trạng viêm da tiếp xúc
Sử dụng thuốc bôi chống muỗi trong thời gian dài có thể gây dị ứng da

3. Lưu ý khi dùng thuốc chống muỗi cho trẻ em

Trẻ em là đối tượng có làn da mỏng và cơ địa tương đối nhạy cảm, đặc biệt là với các loại thuốc bôi trên da. Một số loại hóa chất hóa học tổng hợp có trong thành phần thuốc chống muỗi có thể nguy hiểm cho cơ thể bé khi chúng xâm nhập vào trong da của trẻ. Để việc sử dụng kem chống muỗi an toàn cần một số lưu ý sau:

  • Với những trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi, không được sử dụng bất kỳ sản phẩm chứa DEET cho bé.
  • Với bé trên 6 tháng tuổi, nên tránh dùng thuốc chống muỗi bôi trực tiếp lên da.
  • Không dùng thuốc chống muỗi lên bàn tay của trẻ, vì nhiều trẻ thường xuyên cho tay vào miệng.
  • Một số loại thuốc, kem chống muỗi có hương liệu với nồng độ rất mạnh, dễ gây dị ứng cho làn da nhạy cảm của bé. Bạn nên sử dụng thuốc dạng nước hoặc kem thay vì thuốc phun xịt.
  • Khi muốn dùng thuốc chống muỗi cho quần áo, hãy xịt thuốc khi không có trẻ và trước khi trẻ mặc chừng 30 phút.
  • Khi không cần thiết phải bôi thuốc cho trẻ nữa cần phải tắm rửa cho trẻ, làm sạch sẽ phần da đã bôi thuốc để loại bỏ hóa chất có hại.
chăm trẻ sơ sinh
Tránh dùng thuốc chống muỗi lên bàn tay của trẻ

4. Cách dùng kem chống muỗi an toàn

  • Trước khi sử dụng cho toàn thân, nên thử dùng trước cho một vùng da nhỏ vị trí mặt trong cánh tay. Nếu không thấy xuất hiện kích ứng, mẩn ngứa thì từ đó mới sử dụng thuốc xịt cho toàn bộ cơ thể.
  • Tuyệt đối không xịt trực tiếp thuốc lên người, mà nên xịt trước ra tay và xoa đều lên các vùng có nguy cơ bị muỗi đốt.
  • Khi bôi thuốc chống muỗi cần tránh vùng vị trí mắt, mũi, miệng, vết thương hở.
  • Có thể bôi thuốc chống muỗi lên các vật dụng khác như quần áo, chăn, chiếu, màn... cũng cho tác dụng chống muỗi đốt.
  • Chỉ sử dụng thuốc khi thực sự cần thiết như đi đến nơi xa lạ, vùng dịch tễ hay đi du lịch....
  • Hạn chế dùng thuốc chống muỗi, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết như đi đến nơi xa lạ, du lịch, sống trong vùng có dịch sốt xuất huyết...
  • Khi dùng thuốc chống muỗi thì mọi người cần dùng thuốc đúng phương pháp để thuốc phát huy hết hiệu quả, người dùng được an toàn.

Ngoài các biện pháp kể trên, bạn có thể tham khảo thêm cách dùng một số sản phẩm từ thực vật cũng có tác dụng xua muỗi như thuốc xua muỗi từ dầu đậu nành, kéo dài trong khoảng thời gian 1,5- 2 giờ. Các loại tinh dầu khác như tinh dầu sả, bạc hà, cỏ chanh, tuyết tùng, phong lữ hay dầu khuynh diệp cũng có tác dụng này trong thời gian ngắn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan