Tổng quan về Ung Thư Kaposi (Sacorma Kaposi)

Ung thư Kaposi là một bệnh lý ác tính toàn thân liên quan đến bất thường biểu mô mạch máu trong cơ thể. Bệnh tuy không thường gặp trên lâm sàng nhưng gây nhiều biến chứng cho người bệnh. Phương pháp điều trị ung thư Kaposi chủ yếu phối hợp giữa phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và việc theo dõi sát bệnh nhân.

1. Ung thư Kaposi là gì?

Ung thư Kaposi (tên tiếng anh là Sacorma Kaposi) là bệnh lý ác tính toàn thân liên quan đến tổn thương tại biểu mô mạch máu có tiến triển chậm. Đây là bệnh lý đặc trưng với tình trạng phát triển bất thường của các khối u ác tính xuất hiện dưới da và trong lớp niêm mạc các vùng mũi, họng, miệng hoặc niêm mạc những vùng khác trên cơ thể. Bệnh biểu hiện chủ yếu ở da và niêm mạc với những khối u ác tính màu đỏ hoặc tím và đau, xuất hiện trong khoảng 30% các trường hợp. Trong những trường hợp di căn đến những cơ quan khác, bệnh ung thư Kaposi có thể gây ra nhiều biến chứng khác như khó thở, suy hô hấp cấp nếu di căn đến phổi hoặc chảy máu nếu cơ quan ảnh hưởng là dạ dày.

Tần suất mắc bệnh trong cộng đồng không cao và có nhiều cách phân loại bệnh ung thư Kaposi trên lâm sàng. Thông thường bệnh được chia làm 4 nhóm chính: ung thư Kaposi cổ điển, ung thư Kaposi châu phi, ung thư Kaposi có suy giảm miễn dịch và ung thư Kaposi ức chế miễn dịch. Trong nhiều trường hợp, ung thư Kaposi là biểu hiện lâm sàng đầu tiên có tính chất chỉ điểm ở những bệnh nhân bị AIDS.

Tổng quan về Ung Thư Kaposi (Sacorma Kaposi)
Bệnh lý gây tổn thương biểu mô mạch máu

2. Nguyên nhân gây bệnh ung thư Kaposi

Virus human herpes 8 (HHV8) đã được xác định là nguyên nhân gây bệnh ung thư Kaposi. Đây là loại vi rút có thể lây truyền qua đường quan hệ tình dục và đường từ mẹ sang con.

3. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh ung thư Kaposi

Một số yếu tố đã được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư Kaposi trong cộng đồng, được liệt kê như sau:

  • Giới: nam giới có nguy cơ mắc bệnh ung thư Kaposi cao hơn.
  • Tình trạng nhiễm virus herpes 8 (human herpesvirus 8 - HHV8): những trường hợp có nhiễm HHV8 dù không có biểu hiện gì trên lâm sàng vẫn có khả năng cao mắc bệnh ung thư Kaposi. Tuy nhiên, hầu hết những người khỏe mạnh có nhiễm HHv8 không tiến triển thành ung thư Kaposi. Bệnh chỉ xuất hiện ở những cá thể có hệ miễn dịch suy giảm.
  • Suy giảm hoạt động của hệ miễn dịch: bất kỳ nguyên nhân nào gây suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể như hội chứng AIDS, sử dụng nhóm thuốc corticoid kéo dài hoặc các thuốc điều trị ung thư, thuốc ức chế thải mảnh ghép khi có cấy ghép các cơ quan nội tạng, cũng đều có thể là yếu tố làm dễ cho việc hình thành bệnh ung thư Kaposi.
  • Có nhiều bạn tình hoặc có quan hệ tình dục đồng giới nam nam, quan hệ tình dục không an toàn với những người nhiễm HIV hoặc nhiễm HHV-8.
Nhiễm virus herpes 8
Nhiễm virus herpes 8 gây ung thư Kaposi

4. Triệu chứng ung thư Kaposi

Bệnh ung thư Kaposi là bệnh lý ác tính có biểu hiện chính ở da và niêm mạc dưới dạng những thương tổn tăng sinh dạng u đơn độc có cuống hoặc tập trung thành từng đám. Chúng thường có kích thước nhỏ, màu tím hoặc đỏ, thường xuất hiện trên da vùng cẳng chân. Một số vị trí khác trên cơ thể có thể bắt gặp những tổn thương tương tự là da vùng mặt, niêm mạc mũi, họng, miệng. Bệnh ung thư Kaposi có quá trình diễn tiến chậm nhưng vẫn có thể có di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể, thường thấy nhất là hạch bạch huyết, hệ tiêu hóa, phổi. Khi ung thư Kaposi di căn đến đường tiêu hóa kéo dài từ hầu đến hậu môn, bệnh nhân có thể gặp phải các biểu hiện khác trên lâm sàng như đau bụng, nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen do xuất huyết niêm mạc dạ dày. Khi bệnh ung thư Kaposi lan đến hai phổi, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng khó thở, suy hô hấp cấp tính.

Bất cứ khi nào nhận thấy sự xuất hiện một hoặc nhiều tổn thương thay đổi sắc tố trên da, người bệnh cần chủ động đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa để kịp thời được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh ung thư Kaposi
Bệnh ung thư Kaposi với biểu hiện đặc trưng

5. Phương tiện chẩn đoán bệnh ung thư Kaposi

Thiết lập chẩn đoán bệnh ung thư Kaposi cần dựa trên các biểu hiện lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng khác. Bệnh có biểu hiện đặc trưng trên lâm sàng, nhất là ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm, bao gồm:

  • Các u nhỏ đơn độc hoặc các mảng thay đổi sắc tố màu đỏ, tím
  • Vị trí xuất hiện các tổn thương thường ở các nếp căng da
  • Có sự thay đổi màu sắc từ đỏ hoặc tím sang xanh, vàng xung quanh các khối u, phù hợp với tổn thương dạng xuất huyết.
  • Tổn thương ở da lan rộng, có thể vào đến các vùng niêm mạc mũi, hầu họng, có thể có tình trạng phù bao quanh.

Các phương tiện cận lâm sàng cơ bản có thể được chỉ định ở những bệnh nhân mắc ung thư Kaposi. XQ phổi được chỉ định ở những trường hợp nghi ngờ có di căn đến phổi. Nội soi đường tiêu hóa hoặc siêu âm bụng nên được chỉ định ở những trường hợp nghi ngờ có lan đến hệ tiêu hóa. Để chẩn đoán xác định một trường hợp bệnh ung thư Kaposi với những dấu hiệu trên lâm sàng không điển hình, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện sinh thiết tổn thương da để quan sát đặc điểm mô bệnh học.

Bệnh ung thư Kaposi
Bệnh ung thư Kaposi qua hình ảnh nội soi tiêu hóa

6. Các phương pháp điều trị ung thư Kaposi

Phương pháp điều trị ung thư Kaposi muốn đạt được hiệu quả cần có sự kết hợp giữa quá trình theo dõi, điều trị nâng đỡ và phối hợp các biện pháp điều trị. Phác đồ điều trị cụ thể có sự khác nhau giữa từng người bệnh, phụ thuộc vào độ nặng của bệnh.

Nhóm bệnh ung thư Kaposi cổ điển, bệnh ung thư Kaposi châu Phi, bệnh ung thư Kaposi có ức chế miễn dịch thường chỉ cần được theo dõi phối hợp với các phẫu thuật lấy bỏ các tổn thương trên da. Phương pháp xạ trị cũng được áp dụng để điều trị các u cục bất thường trên da niêm mạc nhưng có nhiều tác dụng phụ như khô da, đỏ da và ngứa sau xạ trị. Phương pháp hóa trị được lựa chọn khi bệnh có biểu hiện di căn qua các cơ quan khác. Hóa chất được đến các cơ quan bị tổn thương một cách trực tiếp hoặc theo đường tĩnh mạch toàn thân. Tương tự như xạ trị, hóa trị cũng có thể gây ra nhiều tác dụng không mong muốn như rụng tóc, nhiễm trùng, rối loạn đông cầm máu, buồn nôn và nôn mửa.

Rụng tóc khi hóa trị
Điều trị ung thư Kaposi có thể gây rụng tóc

Bên cạnh những phương pháp điều trị ung thư Kaposi kể trên, người bệnh nên phối hợp với nhân viên y tế để tăng hiệu quả điều trị bệnh bằng các cách sau:

  • Thường xuyên tái khám theo hẹn để theo dõi kịp thời diễn biến của bệnh.
  • Tuân thủ theo đơn thuốc và phác đồ điều trị mà bác sĩ đã đưa ra.
  • Không được ngưng thuốc hoặc thay đổi liều lượng thuốc theo ý của mình.
  • Bảo vệ bản thân và bạn tình bằng cách quan hệ tình dục an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan