U nang phổi có nguy hiểm?

U nang phổi là dạng u lành tính ở phổi, thường không quá nguy hiểm đối với sức khỏe bệnh nhân. Dù vậy, việc phát hiện bệnh sớm cũng có ý nghĩa quan trọng để có biện pháp theo dõi, can thiệp điều trị kịp thời, hiệu quả.

1. U nang phổi là gì?

Khi các tế bào ở một vị trí nào đó trong phổi bị loạn sản (nhưng không dị sản) thì có thể hình thành các khối u lành tính ở phổi. Các khối u này có thể xuất hiện trong nhu mô phổi hoặc trong lòng phế quản.

Các loại u phổi lành tính thường gặp là:

  • Hamartomas: Là loại u phổi lành tính phổ biến nhất, chiếm khoảng 55% trong số các khối u lành ở phổi. Hamartomas được tạo thành từ các mô sụn, mô liên kết, chất béo và cơ. Chúng thường có đường kính không quá 4cm, thường khu trú trong 1 khu vực giới hạn, không chèn ép các mô lân cận. Hamartomas thường gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 50 - 70;
  • U tuyến phế quản: Là loại u phổi phát triển trong tuyến nhầy hoặc phế quản phổi;
  • Papillomas (u nhú): Là loại u phổi lành tính phát triển trong các ống phế quản, nhô ra khỏi bề mặt ở vị trí chúng bám vào. Papillomas có 3 dạng là: U nhú dạng vảy, u nhú tuyến và u nhú dạng vảy + tuyến hỗn hợp;
  • Các khối u lành tính khác ở phổi: Là các khối u được tạo thành từ mô mỡ hoặc mô liên kết, bao gồm u fibromas, chondromas, neurofibromas và lipomas

2. Nguyên nhân gây u nang phổi

Đến nay, nguyên nhân hình thành khối u phổi vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các nhà khoa học đánh giá rằng khối u phổi có thể là hệ quả của những yếu tố sau tác động lên cơ thể:

  • Người bệnh nhiễm phải virus gây u nhú ở người;
  • Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn (vi khuẩn lao), nhiễm nấm (bệnh cầu trùng, bệnh nấm histoplasmosis) hình thành nên u hạt (tập hợp chùm nhỏ các tế bào bị viêm);
  • Người hút thuốc lá nhiều năm;
  • Người có sẹo hoặc dị dạng phổi, u nang phổi do những dị tật bẩm sinh;
  • Người có tình trạng viêm do mắc một số bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, u hạt Wegener.

3. Triệu chứng u nang phổi

U nang phổi lành tính hiếm khi có biểu hiện rõ ràng. Khối u thường chỉ được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân chụp X-quang phổi hoặc chụp CT. Đôi khi trong một số trường hợp bệnh nhân sẽ có những triệu chứng bất thường như:

  • Khó thở, thở khò khè;
  • Khàn tiếng;
  • Ho lâu ngày không khỏi, có thể ho ra máu;
  • Mệt mỏi, sụt cân;
  • Sốt, có thể kèm theo viêm phổi.

Nếu khối u tăng kích thước và chèn vào khu vực xung quanh thì người bệnh có thể bị đau ngực dữ dội, sau đó lan sang bả vai và sau lưng. Cơn đau tăng nặng khi người bệnh ho hoặc khi vận động mạnh.

4. Bệnh u nang phổi có nguy hiểm không?

So với bệnh ung thư phổi thì u ở phổi lành tính thường phát triển chậm, không xâm lấn sang những tổ chức bên ngoài phổi. Nó cũng có khả năng tái phát sau khi cắt bỏ nhưng chỉ mọc lại ở vị trí cũ thay vì xuất hiện ở vị trí khác.

Thông thường, các khối u lành tính nói chung, u nang phổi nói riêng không gây nguy hiểm nhiều tới sức khỏe bệnh nhân. Các khối u này ít khi gây ra những biến chứng đe dọa tới tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, khối u vẫn cần được chẩn đoán, theo dõi và điều trị theo phác đồ của bác sĩ vì đôi khi bệnh cũng chuyển biến theo chiều hướng phức tạp hơn.

U nang phổi chỉ thực sự nguy hiểm nếu phát triển gần những mạch máu lớn như động mạch chủ ở ngực. Ngoài ra, khối u lành tính có thể chèn ép vào các phế quản lớn, gây những rối loạn nghiêm trọng đối với chức năng phổi, dẫn tới xẹp phổi, viêm phổi dưới chít hẹp,...

5. Các kỹ thuật chẩn đoán u nang phổi

Bên cạnh các hoạt động thăm khám lâm sàng như khai thác tiền sử bệnh lý và các thông tin về triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện chụp X-quang nhiều lần nhằm theo dõi sự thay đổi của khối u. Trong trường hợp khối u không thay đổi nhiều về kích thước trong vòng 2 năm thì được xem là lành tính. Tuy nhiên, sau 2 năm bệnh nhân vẫn cần được kiểm tra sức khỏe định kỳ (tối đa trong 5 năm tiếp theo) để chắc chắn rằng đó thực sự là khối u phổi lành tính.

Nếu khối u nang phổi bắt đầu thay đổi về hình dáng, kích thước thì người bệnh cần làm thêm các xét nghiệm khác để loại trừ nguy cơ ung thư hoặc tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến những bất thường này. Các kỹ thuật chẩn đoán u phổi bao gồm:

  • Xét nghiệm lao;
  • Xét nghiệm máu;
  • Chụp CT phát xạ ảnh đơn (SPECT);
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET);
  • Nội soi phế quản kiểm tra đường thở;
  • Sinh thiết tế bào để xác định xem khối u ở phổi là u lành hay u ác.

6. Điều trị u phổi lành tính như thế nào?

Với các trường hợp khối u được chẩn đoán là lành tính, bác sĩ có thể cho người bệnh uống thuốc để thu nhỏ kích thước khối u hoặc kìm hãm sự phát triển của nó. Đồng thời, bác sĩ cũng đề nghị người bệnh nên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ (6 tháng/lần) để theo dõi bất kỳ thay đổi nào về kích thước, hình dạng khối u.

Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ khối u nếu:

  • Người bệnh có thói quen hút thuốc lá hoặc có nguy cơ mắc ung thư cao;
  • Bệnh nhân bị khó thở, gặp các triệu chứng đường hô hấp khác;
  • Các xét nghiệm cho thấy khối u có khả năng sẽ tiến triển thành ung thư;
  • Khối u phổi tiếp tục phát triển, không có dấu hiệu ngừng lại.

Lựa chọn phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vị trí và loại khối u. Bác sĩ có thể cắt bỏ một phần nhỏ khối u, một hoặc nhiều phần của 1 thùy phổi, một hoặc nhiều thùy phổi, thậm chí là toàn bộ lá phổi. Trong mọi trường hợp bác sĩ đều sẽ cố gắng loại bỏ càng ít mô phổi càng tốt.

7. Biện pháp phòng ngừa u nang phổi

Để hạn chế tối đa nguy cơ mắc u nang phổi, mỗi người nên:

  • Tránh xa khói thuốc lá: Thuốc lá là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tới 90% bệnh lý ở phổi, bao gồm cả các khối u phổi lành tính. Do đó, nếu bạn đang hút thuốc lá thì nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt;
  • Dinh dưỡng lành mạnh: Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa những bệnh lý mãn tính. Do đó, mỗi người nên tuân thủ 1 thực đơn ăn uống lành mạnh, ít chất béo xấu, giàu chất xơ, ít thịt đỏ và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều muối,...;
  • Tập thể dục thường xuyên: Lười vận động khiến chúng ta dễ mắc các bệnh lý ở phổi, tim mạch, tiểu đường và ung thư. Mỗi ngày bạn nên dành ra tối thiểu 30 phút, mỗi tuần 5 ngày tập thể dục để giúp cơ thể thêm khỏe khoắn và dẻo dai;
  • Sử dụng khẩu trang: Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người gặp phải các vấn đề về hô hấp là do làm việc, sinh sống trong môi trường không khí bị ô nhiễm. Nếu không thay đổi được nơi ở và nơi làm việc thì bạn nên giữ thói quen đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài và ở những nơi công cộng để phòng ngừa các bệnh đường hô hấp;
  • Mang đồ bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất độc hại: Những chất có liên quan trực tiếp tới sức khỏe đường hô hấp là silic, niken, thạch tín, crom,... Chính vì vậy, nếu phải tiếp xúc với những chất này trong môi trường làm việc hay nghiên cứu thì bạn cần mang đầy đủ đồ bảo hộ lao động.

U nang phổi hoàn toàn có thể điều trị dứt điểm nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm. Do đó, việc khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần là rất cần thiết đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Đặc biệt, nếu được chẩn đoán có khối u trong phổi, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ về phương án điều trị phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan