Uống rượu bia đúng cách mùa lễ Tết, những điều cần lưu ý

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ cao cấp, Bác sĩ chuyên khoa II Đoàn Dư Đạt - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Vào các dịp lễ Tết, lượng rượu bia được tiêu thụ tăng lên đáng kể bởi đây là những loại thức uống không thể thiếu trong những dịp lễ tết hội hè. Tuy nhiên, khi uống rượu bia ngày tết, ai cũng biết đây là loại đồ uống rất có hại cho sức khoẻ nếu lạm dụng quá mức. Vì vậy việc uống rượu bia ngày Tết nên được lưu ý chừng mực để đảm bảo sức khỏe cho bản thân.

1. Cách uống rượu bia an toàn ngày tết

Khi đề cập đến các tác hại của việc uống nhiều rượu bia, mọi người thường nghĩ ngay đến tai nạn giao thông và rối loạn nhân cách hành vi, tuy nhiên thực tế việc uống rượu bia còn mang đến nhiều tác hại đa dạng và phức tạp hơn.

Việc lạm dụng uống rượu bia ngày tết hoặc bất kỳ ngày nào trong năm rất dễ khiến người uống mắc các bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, tổn thương gan, viêm dạ dày cấp, viêm tuỵ cấp... Rượu bia ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ dạ dày, nếu chúng ta uống rượu bia khi đói, rượu sẽ đi thẳng vào máu. Theo thống kê, những người thường xuyên uống rượu bia khi đói có thể dẫn đến tình trạng viêm loét, chảy máu dạ dày. Thực tế có 20% lượng cồn được hấp thu vào máu thông qua dạ dày và 80% lượng còn lại sẽ hấp thụ thông qua ruột non. Ngoài ra, một số trường hợp uống nhiều rượu bia, đặc biệt rượu có xuất xứ không đảm bảo an toàn có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc methanol, rối loạn thị lực, hôn mê và thậm chí là suy đa tạng.

90 - 95% rượu sau khi uống vào cơ thể sẽ được vận chuyển đến gan để “xử lý”. Ở gan, cồn trong rượu bia sẽ được oxy hóa thành nước và carbon dioxide. Tuy nhiên gan không thể chuyển hóa cồn một cách vô hạn, gan chỉ có thể đảm bảo việc chuyển hóa hoàn toàn khoảng 2 đơn vị cồn mỗi ngày, vì vậy nếu chúng ta uống nhiều rượu bia hơn so với khả năng của gan, gan sẽ bị quá tải và không thể chuyển hoá được hết.

Rượu tác động rất lớn đến hệ thần kinh và khả năng kiểm soát hành vi. Sự tác động đó phụ thuộc nhiều vào mức độ tăng của nồng độ cồn trong máu, dẫn đến hưng phấn, kích động, mất kiểm soát hành vi...

Mỗi người đều có ngưỡng rượu bia nhất định, nếu vượt quá 50g cồn trong ngày là không tốt cho sức khỏe, khi đó các cơ quan trong cơ thể đều phải làm việc nhiều hơn bình thường, dẫn đến triệu chứng của các bệnh nền cũng tăng lên rất nhiều. Do đó, uống rượu bia ngày tết cũng nên hạn chế, không vì quá vui vẻ mà uống liên tục trong nhiều ngày, tạo điều kiện cho cơ thể có đủ thời gian đào thải độc tố ra ngoài.

Bên cạnh đó, đối với rượu có thành phần Acetaldehyde - đây là thành phần bay hơi trước rượu tuy nhiên một số loại rượu, đặc biệt là rượu nấu thủ công thì Acetaldehyde không thể bay hơi hết được, vẫn còn một lượng nhỏ Acetaldehyde tồn đọng gây rối loạn tiêu hóa, rối loạn chuyển hóa mỡ ở gan, gây tình trạng gan nhiễm mỡ, viêm gan, thậm chí ung thư gan... Do đó cách uống rượu bia an toàn ngày tết là không quá 50g cồn mỗi ngày (đối với rượu) và phải có quãng thời gian để nghỉ, đối với bia thì không uống quá 1 lon.

Trước đây có quan niệm cho rằng uống rượu vang bớt độc hơn, tuy nhiên nếu nếu lượng rượu vang uống vào quá nhiều thì lượng cồn đi vào cơ thể vẫn sẽ tỉ lệ thuận, dù rượu vang chỉ khoảng 10 - 12 độ cồn nhưng uống nhiều vẫn gây độc. Vì vậy, cách uống rượu bia an toàn đối với tất cả các đồ uống có cồn đó là quy ra độ cồn và lưu ý liều lượng.

Hạn chế uống rượu bia có lẽ là một trong những thông điệp được nhắc đi nhắc lại trong hầu hết các hoạt động xã hội. Nên nhớ khi đã sử dụng rượu thì không có ngưỡng nào là an toàn. Trường hợp phải uống rượu bia thì không sử dụng quá 2 đơn vị cồn mỗi ngày với nam giới, 1 đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Theo đó, 1 đơn vị cồn tương đương khoảng 10g cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy, 1 đơn vị cồn tương đương với khoảng 3⁄4 chai hay lon bia có dung tích 330ml (5%), 1 cốc bia hơi 330ml ( Bia tùy loại mà có chứa 1 - 12% cồn, thường ở vào khoảng 5%. Các loại bia ít cồn (hay bia không cồn) thường độ cồn cũng ở mức 0.05 - 1.2%).1 ly rượu vang 100ml (13,5%) hoặc 1 chén rượu mạnh 30ml (40%). Uống rượu bia không gây hại cho sức khỏe cũng tùy vào khả năng dung nạp của từng người, có người uống nhiều mới say, có người uống rất ít cũng đã say. Không nên uống quá ngưỡng quy định cho sức khỏe. Theo một nghiên cứu gần đây do Trung tâm Y tế Đại học Rochester tiến hành và đăng trên tạp chí Scientific Reports, "bất kỳ loại rượu" nào, nghĩa là mọi thứ từ bia, rượu vang đến rượu mạnh – miễn là chỉ 2 đơn vị cồn mỗi ngày (tương đương khoảng 350ml bia, 150ml rượu vang, 44ml rượu mạnh) thì không gây hại sức khỏe.

Uống rượu bia ngày tết
Uống rượu bia ngày tết cần lưu ý chừng mực để đảm bảo sức khỏe

2. Làm thế nào để bảo vệ sức khỏe khi uống nhiều rượu bia trong dịp này?

Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn, các bằng chứng cho thấy dù chỉ uống một lượng rất nhỏ rượu bia cũng có thể gây ra những nguy cơ và hậu quả nhất định cho sức khỏe. Việc uống rượu bia ngày tết là điều không thể thiếu, tuy nhiên để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, chúng ta cần có ý thức khi sử dụng rượu bia:

  • Kiểm soát lượng rượu bia uống vào ở mức nguy cơ thấp nhất có thể trong một lần uống;
  • Chọn loại rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng;
  • Sau khi uống, không nên tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc các hoạt động ở nơi nguy hiểm, không an toàn do nguy cơ té ngã, va chạm, chấn thương..., không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu bia dù uống rất ít;
  • Không uống rượu lúc đói sẽ kích ứng dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Vì thế, trước khi uống rượu bia nên uống nước lọc, nước hoa quả, nước súp, nước canh, đặc biệt nên ăn rau xanh có tác dụng giảm nồng độ cồn có trong rượu;
  • Không uống nhiều rượu bia trong một ngày, kể cả uống mỗi nơi một ít, uống rải rác trong ngày. Khi uống rượu bia xong nên uống cốc nước lọc, ăn chút tinh bột, chất đạm sẽ làm quá trình hấp thu của rượu chậm lại. Người uống rượu bia sẽ đỡ say hơn, có thể ăn thêm hoa quả như bưởi, cam giúp kìm hãm quá trình hấp thu rượu bia vào cơ thể;
  • Không uống rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ mang thai, cho con bú, người có tình trạng bệnh lý mà rượu bia có thể làm cho bệnh tình nặng lên;
  • Khi đã uống rượu bia thì không tham gia các hoạt động bên ngoài hoặc ở những khu vực nguy hiểm, không đảm bảo an toàn vì các nguy cơ té ngã, va chạm, chấn thương... Trong đó, người uống rượu bia tuyệt đối không tham gia giao thông dưới bất kỳ hình thức nào;
  • Chỉ sử dụng rượu bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và phải đảm bảo chất lượng.
  • Uống rượu bia không gây hại cho sức khỏe cũng tùy vào khả năng dung nạp của từng ngườu, có người uống nhiều mới say, có người uống rất ít cũng đã say. Không nên uống quá ngưỡng quy định cho sức khỏe.

>> Xem thêm: Thực phẩm tăng cường và bảo vệ chức năng gan Kanzou Ukon: Thành phần, công dụng và hướng dẫn sử dụng - Bài viết của Dược sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

3. Những điều cần lưu ý khi uống rượu bia dịp Tết

Để tránh gây hại cho sức khỏe, khi sử dụng rượu bia, bạn cần chú ý:

  • Không uống rượu bia chứa cồn công nghiệp hay những loại rượu có hàm lượng Methanol hơn 0.1% vì những nguy hiểm cho sức khỏe (có thể gây mù mắt), thậm chí tử vong. Do vậy cần uống rượu bia phải biết rõ nguồn gốc
  • Không uống rượu bia nồng độ cồn từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày;
  • Không uống rượu bia ngâm với các loại lá cây, rễ cây, nội tạng động vật nhưng không được xác định rõ độc tính, không uống những loại rượu được ngâm theo kinh nghiệm cá nhân;
  • Không uống rượu bia khi không rõ loại rượu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng của rượu bia, không uống khi đói, khi mệt hoặc khi đang uống thuốc điều trị;
  • Trẻ em dưới có độ tuổi nhỏ hơn 16 tuổi không được uống rượu bia.
Uống nhiều rượu bia
Uống nhiều rượu bia có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc methanol

4. Cần biết cách tính đơn vị cồn trong rượu, bia

Đơn vị cồn = Dung tích(ml) x nồng độ (%) x 0.79( hệ số quy đổi)

Ví dụ: chai bia 330ml và nồng độ cồn 5% sẽ có số gam cồn là:

330 x 0,05 x 0,79 = 13g; tương đương 1,3 đơn vị cồn.

Như vậy, một đơn vị cồn tương đương với:

- 3/4 chai hoặc 3/4 lon bia 330 ml (5%);

- Một cốc bia hơi 330 ml (4%);

- Một ly rượu vang 100 ml (13,5%);

Từ đó ta có thể biết được liều lượng uống rượu bia sao cho hợp lý, tránh ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng cũng phải tùy theo tình trạng sức khỏe của mỗi người, nhất là những người có bệnh lý nền, như tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường....cần nên hạn chế rượu bia một cách tối đa. Những người không uống được rượu bia, cũng không nên quá vui, nể bạn mà cố uống. Những người đang thi hành nhiệm vụ của Nhà nước, lái xe... không nên uống rượu bia. Cần có văn hóa trong uống rượu bia, không nên ép nhau uống quá chén gây tổn hại đến sức khỏe và ảnh hưởng đến xã hội.

Rượu, bia là đồ uống không thể thiếu trong các dịp Lễ Tết. Tuy nhiên, để giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, bạn chỉ nên uống với một lượng vừa phải, chọn loại rượu bia rõ nguồn gốc và xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan