Uống thuốc viêm gan B có tác dụng phụ không?

Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm có thể gây tử vong nếu không được điều trị. Đặc biệt, những bệnh nhân mạn tính mà virus đang hoạt động cần sử dụng thuốc điều trị viêm gan B để hạn chế nguy cơ ung thư, xơ gan. Vậy uống thuốc viêm gan B có tác dụng phụ không?

1. Mục tiêu điều trị viêm gan B là gì?

Hiện chưa có thuốc giúp điều trị dứt điểm bệnh viêm gan B. Việc sử dụng thuốc giúp ngăn chặn sự nhân lên của virus, tái tạo một phần, giảm thiểu sự phá hoại của virus, cải thiện các triệu chứng bệnh lý ở gan. Cho tới thời điểm hiện tại, bệnh viêm gan B mạn tính vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã cho ra đời nhiều loại thuốc và phương pháp trị bệnh có hiệu quả cao.

  • Mục tiêu điều trị ngắn hạn viêm gan B mạn tính: Bình thường hóa men gan (ALT), chuyển đổi huyết thanh HbsAg, HBeAg, ức chế sự sao chép của HBV (HBV-DNA dưới ngưỡng), giảm tình trạng viêm gan và xơ hóa tại gan;
  • Mục tiêu điều trị dài hạn viêm gan B mạn tính: Cải thiện tình trạng xơ hóa và xơ gan, ngăn ngừa bệnh ung thư gan để tiến tới ngưng dùng thuốc điều trị. Mục tiêu lý tưởng là tiêu trừ HBV (mất HBsAg). Đây là cách tốt để ngăn ngừa xơ gan và ung thư gan.

2. Các thuốc điều trị viêm gan B phổ biến hiện nay

Nếu người bệnh cho rằng mình đã tiếp xúc với virus HBV thì nên đi khám càng sớm càng tốt. Vì việc điều trị sớm sẽ làm tăng cơ hội khỏi bệnh và giảm tổn thương cho gan. Nếu không nhiễm virus viêm gan B, người bệnh sẽ được tiêm vắc-xin và globulin miễn dịch viêm gan B. Protein này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, chống lại nhiễm trùng.

Nếu đã mắc bệnh viêm gan B thì người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ như không uống rượu bia hay chất kích thích, nghỉ ngơi đầy đủ, ăn uống lành mạnh,... Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thuốc điều trị viêm gan B hoặc bất kỳ loại thuốc, dược thảo nào khác.

Nếu nhiễm trùng biến mất, bác sĩ sẽ kết luật bệnh nhân là người mang mầm bệnh không hoạt động - tức là không còn virus trong cơ thể nhưng xét nghiệm kháng thể cho thấy từng bị viêm gan B trước đây. Nếu nhiễm trùng hoạt động trên 6 tháng tức là bệnh nhân bị viêm gan B mạn tính. Sau đây là một số loại thuốc điều trị viêm gan B mạn tính:

  • Tenofovir (Viread): Có dạng viên hoặc bột, được dùng trong điều trị bệnh viêm gan B. Nếu uống thuốc này trong thời gian dài, người bệnh nên thường xuyên kiểm tra chức năng thận để đảm bảo chức năng thận không bị tổn thương do dùng thuốc;
  • Lamivudine (3TC, Epivir A/F, Epivir HBV, Heptovir): Bệnh nhân nên uống 1 viên/lần/ngày. Hầu hết người bệnh đều không gặp tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc này trong thời gian dài thì virus có thể ngừng đáp ứng với thuốc;
  • Entecavir (Baraclude): Bệnh nhân nên uống thuốc đều đặn 1 viên/ngày hoặc dùng thuốc dạng dung dịch uống theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc này ít gây tác dụng phụ;
  • Adefovir dipivoxil (Hepsera): Bệnh nhân dùng thuốc dưới dạng viên, có tác dụng tốt đối với những người bệnh không đáp ứng với lamivudine. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc với liều cao thì có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến chức năng thận;
  • Interferon alfa (Intron A, Roferon A, Sylatron): Là loại thuốc giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Người bệnh có thể coi thuốc này như 1 mũi tiêm trong ít nhất 6 tháng. Tùy từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cho phù hợp. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc.

3. Giải đáp: Uống thuốc viêm gan B có tác dụng phụ không?

Một số loại thuốc điều trị viêm gan B có thể gây ra các tác dụng phụ. Vậy tác hại khi uống thuốc viêm gan B là gì? Một số tác dụng phụ thường gặp là:

  • Triệu chứng giả cúm: Là tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc loại peg-interferon hoặc interferon. Người bệnh thường có cảm giác ớn lạnh kèm sốt, đau cơ, nhức mỏi khắp người, đau khớp giống bị cảm cúm kéo dài khoảng 3 ngày sau tiêm;
  • Rối loạn chức năng tuyến giáp: Sử dụng thuốc tiêm peg-interferon/interferon có thể gây suy giáp hoặc cường giáp. Người bệnh thường có biểu hiện thiếu máu, nhanh mệt khi gắng sức (đi thang lầu, làm việc nặng, leo dốc,...);
  • Ngứa da: Thuốc Interferon có thể gây khô da, ngứa da, phát ban da,... Ở vị trí tiêm, da có thể bị chai cứng và đỏ kéo dài từ nhiều ngày tới nhiều tuần;
  • Ảnh hưởng chức năng thận: Trong quá trình điều trị với thuốc Tenofovir, người bệnh có thể bị suy thận nếu dùng thuốc liều cao kéo dài. Cùng với đó là một số tác dụng phụ khác như mất nước nhiều do nôn ói hoặc đổ mồ hôi, tiêu chảy cấp,... càng khiến suy thận dễ xảy ra với chiều hướng nặng dần lên;
  • Rụng tóc: Là tác dụng phụ hay gặp sau vài tháng đầu dùng thuốc, có thể kéo dài vài tuần sau khi ngừng thuốc;
  • Rối loạn tâm thần: Các tác dụng phụ về tâm thần có thể biểu hiện với nhiều mức độ, từ cảm giác mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ tới trạng thái lo âu, trầm cảm nặng hoặc ý định tự sát,... Đây là các tác dụng phụ nguy hiểm, cần được chuyên gia theo dõi, cân nhắc để nên tiếp tục hoặc ngưng dùng thuốc.

4. Biện pháp giảm nhẹ tác dụng phụ khi uống thuốc viêm gan B

Khi gặp phải những tác dụng phụ kể trên, người bệnh cần trao đổi thêm với các chuyên gia để được chỉ định một số biện pháp khắc phục để tránh phải ngưng thuốc sớm do không chịu được phản ứng phụ. Bên cạnh đó, việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt cũng góp phần làm giảm nhẹ tác dụng phụ của thuốc. Những lưu ý bạn cần nhớ gồm:

  • Uống nhiều nước (2 - 3 lít/ngày) để tránh cảm giác khô miệng và mất nước do sốt;
  • Nên thường xuyên thay đổi vị trí tiêm, tránh chà xát, xoa nắn hoặc thoa đắp tại chỗ để tránh gây tổn thương trùng lặp ở cùng vị trí tiêm;
  • Nên tiêm thuốc vào chiều tối để khi xuất hiện triệu chứng giả cúm cũng là lúc bệnh nhân đã nằm ngủ, giảm bớt cảm giác khó chịu hơn. Nên chọn tiêm thuốc vào ngày cuối tuần để người bệnh có thời gian nghỉ ngơi tại nhà, tránh gây ảnh hưởng tới công việc;
  • Bệnh nhân không nên gội đầu quá thường xuyên. Người bệnh nên dùng loại dầu gội dịu nhẹ, có thể dùng dầu xả cho đỡ rối tóc, kết hợp với dùng lược thưa. Bệnh nhân không nên nhuộm, sấy hay uốn tóc vì sẽ làm tóc dễ bị rụng hơn;
  • Nếu gặp vấn đề về dạ dày và buồn nôn, bệnh nhân nên chia nhỏ bữa ăn, hạn chế các loại gia vị cay nóng hay thực phẩm có tính axit. Đồng thời, người bệnh có thể hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc có thể làm giảm triệu chứng buồn nôn hoặc tiêu chảy;
  • Sử dụng xà phòng dưỡng ẩm và kem dưỡng da để giúp da bớt khô. Không tắm quá lâu bằng nước nóng hoặc tắm bồn;
  • Nếu cảm thấy chán nản, mất ngủ, buồn phiền, lo âu,... thì người bệnh hãy trao đổi với bác sĩ để được kê toa sử dụng thuốc chống trầm cảm. Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp cải thiện tâm trạng;
  • Bệnh nhân có chỉ định uống thuốc viêm gan B cần tuân thủ lịch tái khám với bác sĩ. Mục đích của việc này là để bác sĩ theo dõi, phát hiện sớm, tích cực điều trị biến chứng (do nguy cơ mắc bệnh xơ gan, suy gan, ung thư gan rất cao). Nếu thực hiện tốt các biện pháp này, đi kèm với khả năng đáp ứng thuốc hiệu quả thì người bệnh sẽ có cuộc sống khỏe mạnh gần như người bình thường;
  • Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường sử dụng trái cây tươi và thực phẩm giàu dinh dưỡng, tránh đồ chiên xào nhiều dầu mỡ hoặc thức ăn chế biến sẵn.

Đáp án cho câu hỏi uống thuốc viêm gan B có tác dụng phụ không là: Có. Do vậy, bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình dùng thuốc để làm giảm nhẹ các tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan