Vai trò và chức năng của men gan - Nguyên nhân khiến men gan tăng cao (Kỳ I)

Bài viết được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Xuân Trường - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Men gan cao là khái niệm dân gian thường sử dụng trong trường hợp xét nghiệm về gan, có một số enzyme nồng độ trong máu tăng cao hơn mức bình thường. Đồng thời, nhiều người trong chúng ta thường nhầm lẫn, xét nghiệm men gan có nghĩa là xét nghiệm chức năng gan. Vậy men gan là gì? Chỉ số men gan có ý nghĩa như thế nào trong lý gan? Ngoài bệnh lý gan, men gan cao có thể gặp trong các bệnh lý nào khác? Bài viết dưới đây sẽ giải thích và làm rõ những vấn đề trên.

1. Vai trò và chức năng của men gan

Hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong cơ thể được chi phối bởi hai hệ thống cơ chế cơ bản: Cơ chế thần kinh và cơ chế thể dịch. Dòng máu từ tim đi nuôi cơ thể chứa nhiều chất khác nhau, đặc biệt là các chất dinh dưỡng, các yếu tố vi lượng và ô-xy. Hệ tiêu hóa giữ vai trò chủ đạo quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng, các yếu tố vi lượng từ thức ăn, sự hấp thu diễn ra chủ yếu ở ruột non. Các chất sau khi được hấp thu ở ruột, sẽ theo hệ thống tĩnh mạch cửa đi về gan.

Gan là tạng đặc lớn nhất trong cơ thể và đảm nhận nhiều chức năng khác nhau. Các chất dinh dưỡng từ thức ăn sau khi được hấp thu đưa về gan sẽ được gan tinh lọc, chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng phù hợp cho cơ thể, đồng thời gan sẽ khử bỏ các chất độc có hại để đào thải ra khỏi cơ thể,... Có rất nhiều yếu tố có thể gây tổn thương gan, nhưng gan có khả năng bù trừ về chức năng khá tốt. Xét nghiệm về gan có rất nhiều loại với các đơn vị tính khác nhau.

Trong thực hành lâm sàng hàng ngày, xét nghiệm thường quy về gan được chia làm ba nhóm lớn:

  1. Nhóm xét nghiệm về chức năng tổng hợp sinh học của gan: Protein, albumin, prothrombin, alpha feto-protein, ceruloplasmin, pro-collagen III peptide,...
  2. Nhóm xét nghiệm chức năng khử độc và vận chuyển ion của gan: Bilirubin máu, bilirubin niệu, uro-bilirubinogen niệu,...
  3. Nhóm xét nghiệm đánh giá tổn thương viêm, hủy hoại nhu mô gan: ALT, AST, phosphatase kiềm, γ-GT (gamma-GT),...

Vậy xét nghiệm men gan như dân gian thường hiểu là xét nghiệm thuộc nhóm đánh giá tổn thương viêm, hủy hoại nhu mô gan, không phải là xét nghiệm chức năng gan. Hay nói cách khác, men gan cao là dấu hiệu chỉ điểm của tổn thương viêm, hoại tử gan.

Vai trò và chức năng của men gan
Xét nghiệm men gan là xét nghiệm thuộc nhóm đánh giá tổn thương viêm

  • Alanine Aminotransferase (ALT), tên gọi khác serum glutamic-pyruvic transaminase (SGPT); và Aspartate Aminotransferase (AST), tên gọi khác serum-glutamic oxaloacetic transaminase (SGOT), thuộc nhóm enzyme transaminase (tên gọi khác amino-transferase). Transaminase là enzyme (men) nội bào có chức năng xúc tác và chuyển hóa nhóm amin (-NH2) của amino acid thành chất có phức hợp carbonyl (>C=O), thường gặp nhất là dạng keto-acid (RCOCOOH). Transaminase có trong tế bào của nhiều cơ quan tổ chức khác nhau, trong đó ALT có ở tế bào gan là chính, ngoài ra có thể gặp ở thận và tế bào cơ vân. AST có ở tế bào gan, tế bào cơ vân, cơ tim, hồng cầu, tụy, phổi và não.

Chính vì vậy, ngoài bệnh lý gan, ALT và AST có thể tăng cao trong một số bệnh lý khác ngoài gan, so với AST thì ALT đặc hiệu hơn trong bệnh lý gan. Do ALT và AST là các enzyme trong tế bào, vì vậy khi tế bào gan hay các tế bào của các cơ quan có chứa enzyme này bị viêm, bị hủy hoại thì nồng độ ALT và AST trong máu sẽ tăng cao. ALT có thời gian bán hủy khoảng 47h, AST có thời gian bán hủy ngắn hơn, khoảng 17h.

Chú ý:

Chỉ số nồng độ bình thường ALT, AST trong máu hiện nay đang áp dụng chỉ đại diện cho 95% quần thể cộng đồng. Điều này có nghĩa có 5% người trong cộng đồng không có tổn thương bệnh lý nhưng nồng độ ALT và AST có thể cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường. Đồng thời ngưỡng giá trị bình thường của ALT, AST còn phụ thuộc vào lứa tuổi, giới tính, chủng tộc và chỉ số khối cơ thể BMI (Body Mass Index).

  • Phosphatase kiềm (AP: Alkaline Phosphatase) thuộc nhóm enzyme tham gia chuyển hóa kẽm, được đánh giá là chất chỉ điểm của tình trạng tổn thương gan có ứ mật (trong gan, ngoài gan). Tại gan, phosphatase kiềm được tìm thấy ở các vi-ti mật quản và xoang mạch gan trong đơn vị cấu trúc cơ bản gan. Ngoài ra, phosphatase kiềm còn có ở xương, thận, ruột và rau thai. Thời gian bán hủy của phosphatase kiềm khoảng 7 ngày. Tuy nhiên người già trên 60 tuổi, đặc biệt nữ giới, nồng phosphatase kiềm thường cao hơn mức bình thường. Những người có nhóm máu O hoặc B, sau bữa ăn có nhiều chất béo nồng độ phosphatase kiềm cũng tăng cao hơn mức bình thường do lượng enzyme từ ruột thấm vào trong máu.
  • γ-GT (GGT: Gamma Glutamin Transpeptidase, Gamma GT) thuộc nhóm phức hợp cấu trúc glyco-protein màng, có chức năng xúc tác và chuyển hóa nhóm Gamma Glutamyl thành các chuỗi peptide, amino acid và nước. Chính vì vậy, so với nhiều enzyme khác, γ-GT có độ nhạy rất cao, ngay cả khi tế bào mới bị tổn thương nhưng chưa bị hủy hoại thì nồng độ γ-GT trong máu đã có sự biến đổi. Điều này giúp lý giải trong thực hành lâm sàng, rất nhiều trường hợp ALT và AST bình thường nhưng nồng độ γ-GT trong máu tăng cao và khoảng dao động nồng độ γ-GT rất lớn. γ-GT có thời gian bán hủy khoảng 20 ngày. γ-GT có ở gan bao gồm cả ở mạng lưới nội bào của tế bào nội mô đường mật, thận, tụy, ruột và tuyến tiền liệt. γ-GT cũng có giá trị đánh giá tổn thương ứ mật, nhưng không đặc hiệu bằng phosphatase kiềm.

Gan là cơ quan đảm nhận nhiều nhiệm vụ quan trọng trong cơ thể, trong đó có nhiệm vụ chuyển hóa các chất. Chính vì vậy, gan có rất nhiều các loại men (enzym) khác nhau để xúc tác các phản ứng sinh hóa trong cơ thể. Tăng men gan xảy ra khi tế bào gan bị tổn thương, đặc biệt là tăng các men transaminase trong máu là hiện tượng gián tiếp cho biết đang có quá trình viêm và hoại tử tế bào gan. Ngoài ra, các loại men khác như γ-glutamyl transferase (γGT) và phosphatase kiềm lại liên quan đến tình trạng bất thường về bài tiết ở gan.

  • Các transaminase là các enzym nội bào, thường tăng khi có thương tổn tế bào gan, bao gồm: alanin aminotransferase (ALT hoặc GPT) và aspartate aminotransferase (AST hay GOT). Các enzym này có nhiều trong gan và cơ. ALT có chủ yếu trong gan. Tăng nồng độ ALAT trong huyết tương là dấu hiệu của tổn thương tế bào gan. Vì vậy, sự tăng ALT đặc hiệu hơn cho tổn thương ở gan. AST không chỉ có trong gan mà còn có cả trong cơ tim, cơ vân, thận, não, tụy, phổi, bạch cầu và hồng cầu. Do vậy, sự tăng của AST không đặc hiệu cho gan vì còn có thể do bất thường ở các nơi khác.
  • γ-GT là enzym được tổng hợp bởi tế bào gan và tế bào biểu mô ống mật. γ-GT là chất chỉ thị cho tình trạng gan ứ mật nhưng kém đặc hiệu và có thể tăng cao trong các trường hợp như đái tháo đường, ứ mật, bệnh lý tuỵ, nghiện rượu, nhồi máu cơ tim, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và do dùng một số loại thuốc.
  • Phosphatase kiềm là enzym có trong gan, ruột, xương, thận, nhau thai. Tương tự γGT, đây là một dấu hiệu của tình trạng ứ mật.

2. Các nguyên nhân khiến men gan cao

  • Virus viêm gan A, B, C, D và E, trong đó virus viêm gan B và C vừa có khả năng gây viêm gan cấp tính và mạn tính. Đặc biệt, Việt Nam thuộc khu vực đại dịch nhiễm virus viêm gan B mạn tính của thế giới (tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính ≥8% dân số), với đường lây truyền chủ yếu là từ mẹ sang con, virus viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan và ung thư gan tại Việt Nam.

Virus viêm gan B, C và HIV là những virus có đường lây truyền tương tự nhau là qua đường máu và dịch cơ thể: Truyền máu và chế phẩm máu không được sàng lọc, tình dục không an toàn, dùng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ gây chảy máu như: Xăm mình, dao cạo râu,... tai nạn nghề nghiệp trong y tế.

  • Bệnh lý gan do rượu, đặc biệt rượu nấu truyền thống thường không có hệ thống lọc đủ tiêu chuẩn khử tạp chất và chất độc, ngoài bệnh lý gây tổn thương gan rượu còn làm tổn thương các cơ quan khác: Dạ dày, tim mạch, thần kinh, đái tháo đường, hô hấp,... Tổn thương gan do rượu có nồng độ γ-GT, AST, ALT trong máu tăng cao và tỷ lệ AST/ALT thường ≥2,0.
Tổn thương gan do rượu có nồng độ γ-GT, AST, ALT trong máu tăng cao và tỷ lệ AST/ALT thường ≥2,0
Rượu bia là nguyên nhân chính khiến men gan cao

Virus viêm gan B, C và rượu là 3 nguyên nhân hàng đầu gây viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan trên phạm vi toàn thế giới

  • Tổn thương gan thoái hóa mỡ không do rượu (NAFLD: Non-Alcoholic Fatty Liver Disease, NASH: Non-Alcoholic Steato-Hepatitis) hiện nay được coi là bệnh lý, về mặt cơ chế bệnh sinh hiện nay còn nhiều điểm chưa giải thích được hết. Cùng với cuộc sống hiện đại, bệnh ngày càng có xu hướng gia tăng. Hạn chế vận động, béo phì, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, đái tháo đường, bệnh lý hô hấp mạn tính,... được coi là các yếu tố thuận lợi của bệnh.
  • Viêm gan nhiễm độc, viêm gan do thuốc: Có rất nhiều chất, thuốc, kể cả nhiều thuốc y học cổ truyền cũng có khả năng gây viêm gan. Thời gian gần đây, nhiều nghiên cứu y học và nhiều nhà y học đưa ra cảnh báo viêm gan do thực phẩm chức năng có xu hướng gia tăng cùng với sự gia tăng sử dụng thực phẩm chức năng trong xã hội. Bệnh lý viêm gan do thuốc, song hành cùng với điều trị gan, việc cần làm trước tiên là ngừng không sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng.
  • Bệnh lý đường mật: Sỏi đường mật, nhiễm trùng đường mật, nang đường mật, bệnh lý khối u đường mật.
  • Bệnh lý tim mạch, hô hấp, cơ vân: Suy tim phải, suy tim toàn bộ, bệnh lý cơ tim, nhồi máu cơ tim, tâm phế mạn, bệnh lý tắc nghẽn hô hấp mạn tính (COPD), hội chứng Budd-Chiari. Các bệnh lý gây tổn thương cơ vân hoặc do hoạt động thể lực quá sức cũng có thể gây tăng men gan.
  • Bệnh lý nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng và virus khác: Sán lá gan, a míp (thường gây áp-xe gan, và có tăng γ-GT, phosphatase kiềm), giang mai, virus gây suy giảm miễn dịch HIV, Herpes virus, Esptein-Barr virus, Cytomegalo virus, Dengue virus (sốt xuất huyết).
  • Bệnh lý tự miễn: Viêm gan tự miễn, xơ gan ứ mật tiên phát (PBC: Primary Biliary Cirrhosis), viêm xơ chít đường mật (PSC: Primary Sclerosing Cholangitis).
  • Bệnh lý rối loạn chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa đồng (bệnh Wilson), rối loạn chuyển hóa sắt, thiếu hụt alpha 1- antitrypsin, rối loạn chuyển hóa glycogen, rối loạn chuyển hóa tyrosine, rối loạn chuyển hóa porphyrin, rối loạn chuyển hóa đường (fructose, galactose),... Nhìn chung các bệnh rối loạn chuyển hóa ngoài tổn thương gan, tùy theo nguyên nhân cụ thể còn có tổn thương ở nhiều cơ quan khác: Não, tim, da, xương khớp, thận,... và nhiều bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến yếu tố di truyền.
  • Bệnh lý khác: Tan máu, thiếu máu kéo dài, sarcoidosis, suy dinh dưỡng,...
  • Bệnh gan do rượu: Thường dựa vào tiền căn nghiện rượu mạn, xét nghiệm men AST/ALT >2, thường kèm tăng γ-GT. Phân tích tế bào máu thường phát hiện thể tích hồng cầu (MCV) tăng do thiếu acid folic.
  • Viêm gan virus B và C là 2 loại viêm gan thường gặp nhất: Tiền căn có sử dụng ma túy, xăm mình, tiêm chích, quan hệ nhiều bạn tình, truyền máu.
  • Bệnh gan thoái hóa mỡ (NASH): Thường gặp ở bệnh nhân có thể trạng béo phì, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
  • Viêm gan do thuốc: Bệnh sử có sử dụng một số thuốc nghi ngờ độc cho gan, ngay cả các thảo dược, đông y, thực phẩm chức năng. Cần ngưng thuốc và điều trị nâng đỡ để chờ đợi sự hồi phục.
  • Bệnh Wilson là bệnh di truyền do ứ đọng chất đồng trong cơ thể, biểu hiện tổn thương ở gan (xơ gan), não (rối loạn kiểu ngoại tháp), thận, hồng cầu (tán huyết) và xuất hiện vòng Kayser-Fleischer ở mắt.
  • Bệnh gan tự miễn: Thường gặp ở nữ, kèm theo các tổn thương ở da niêm, khớp, thận.
  • Bệnh lý cơ: Thường do vận động nặng, sưng đau, yếu cơ, hoặc sử dụng một số thuốc gây ly giải cơ vân.
  • Tán huyết: Bệnh cảnh thiếu máu với AST>ALT, Hb giảm, hồng cầu lưới tăng, haptoglobin (+), test Coomb (+).
  • Bệnh thiếu α1-antitrypsin: Bệnh nhi bị vàng da tắc mật kéo dài, tiền căn gia đình hoặc bản thân bị khí phế thủng ở người trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

13.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan