Vi phẫu là gì? Khi nào cần sử dụng?

Vi phẫu là một kỹ thuật phẫu thuật rất nhỏ và tinh vi đối với các cấu trúc phức tạp trong cơ thể. Bằng cách sử dụng kính hiển vi, dụng cụ chuyên dùng và đôi mắt tinh tường, đôi bàn tay khéo léo, vi phẫu đã giúp tái tạo lại không chỉ một bộ phận, cơ quan mà còn là một cuộc đời đầy ý nghĩa của rất nhiều bệnh nhân.

1. Vi phẫu là gì?

Vi phẫu là một từ ngữ chuyên ngành phẫu thuật, trong đó có sử dụng kính hiển vi chuyên dụng và các dụng cụ với mức độ chính xác tinh vi để sửa chữa các cấu trúc nhỏ và phức tạp như mạch máu, dây thần kinh có đường kính chỉ vài milimet. Lĩnh vực ngoại khoa này có một vai trò rất lớn để khôi phục lại các bộ phận cơ thể bị tổn thương do chấn thương, sang chấn, ung thư và dị tật bẩm sinh.

Lịch sử của vi phẫu được bắt đầu khi kính hiển vi lần đầu tiên được giới thiệu và sử dụng để khảo sát các tổn thương trên mạch máu. Đến thập niên 1960, các kỹ thuật vi phẫu đã trở nên phổ biến hơn và vào năm 1964, một chiếc tai thỏ đã được thay thế trên một con thỏ sống bằng kỹ thuật vi phẫu. Đây là một bước ngoặt tạo nên tiếng vang rất lớn khi các mạch máu tham gia vào quy trình này chỉ nhỏ khoảng 0,1 cm. Sau hai năm, một con khỉ đã được phẫu thuật gắn ngón chân vào bàn tay của nó, chứng minh một lần nữa giá trị của vi phẫu đối với nền y học hiện đại. Ngày nay, những thành công của vi phẫu được củng cố hơn nữa bởi những thành tựu trong lắp ghép mô tự thân cũng như trở thành một quy trình rất quan trọng trong phẫu thuật thẩm mỹ.

kính hiển vi
Kính hiển vi được sử dụng trong vi phẫu

2. Khi nào cần sử dụng vi phẫu?

Vi phẫu đã được ứng dụng trong các trường hợp sau:

  • Tái tạo vùng đầu - mặt - cổ bằng cách sử dụng chuyển mô tự thân
  • Tái tạo nhu mô vú bằng cách sử dụng chuyển mô tự thân
  • Chuyển cơ tự thân cho một số loại liệt cơ
  • Chuyển mạch nắp xương
  • Tái tạo vết thương phức tạp
  • Ghép ngón tay, chân
  • Sửa chữa hay ghép dây thần kinh, mạch máu
  • Tái tạo hệ thống bạch huyết

3. Những nguy cơ có thể xảy ra của vi phẫu là gì?

Trước khi tiến hành, các bác sĩ phẫu thuật sẽ luôn giải thích chi tiết về những rủi ro liên quan đến phẫu thuật. Theo đó, chỉ khi bệnh nhân và thân nhân của họ thấu hiểu và đồng ý, cuộc mổ mới được tiến hành.

Tương tự như các can thiệp ngoại khoa khác, dù can thiệp ở mức độ rất nhỏ, kỹ thuật vi phẫu vẫn có thể ẩn chứa các rủi ro sau đây:

  • Chảy máu vết mổ
  • Máu tụ bên trong vết thương
  • Nhiễm trùng
  • Vết mổ lành sẹo lồi hay sẹo co kéo
  • Biến chứng của gây mê
  • Phù
  • Mất da hoặc hoại tử mô
  • Tê bì hoặc thay đổi cảm giác da
  • Da đổi màu
  • Sưng đau vết thương kéo dài
  • Da phồng rộp
  • Hoại tử mỡ
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu, biến chứng tim và phổi
  • Mất cân xứng
  • Hiệu quả thẩm mỹ hạn chế
  • Mất khả năng phẫu thuật chỉnh sửa
  • Đau dai dẳng

Tất cả những rủi ro này và những rủi ro hiếm gặp khác luôn được thảo luận đầy đủ, thẳng thắn trước khi người bệnh đồng ý phẫu thuật. Điều quan trọng là bệnh nhân và thân nhân cần mạnh dạn đưa ra các câu hỏi trực tiếp với bác sĩ phẫu thuật để hiểu rõ mọi vấn đề trước khi quyết định.

4. Làm thế nào để chuẩn bị cho vi phẫu?

Các bước chuẩn bị cho vi phẫu cũng tương tự như các trường hợp phẫu thuật thông thường. Trong đó, người bệnh luôn được yêu cầu tuân thủ lần lượt các bước như sau:

  • Thăm khám tổng quát và đánh giá khả năng chịu đựng cuộc phẫu thuật
  • Làm các xét nghiệm tổng quát và xét nghiệm tiền phẫu
  • Làm các xét nghiệm đánh giá chức năng và cấu trúc cơ quan chuẩn bị can thiệp
  • Xem xét hoặc điều chỉnh các loại thuốc hiện tại đang dùng
  • Bỏ thuốc lá
  • Tránh dùng aspirin, thuốc chống viêm và các chất bổ sung thảo dược vì chúng có thể làm tăng chảy máu
Thuốc lá
Hãy từ bỏ thuốc lá khi thực hiện vi phẫu

5. Quy trình vi phẫu như thế nào?

Bước 1:Gây mê:

Do đòi hỏi tính tỉ mỉ, chính xác và thời gian cuộc mổ thường rất dài, tất cả các bệnh nhân đều được gây mê đường toàn thân và thở máy qua nội khí quản trong suốt quá trình phẫu thuật.

Bước 2: Rạch da

Việc chuyển mô tự thân hay từ người hiến vào cơ thể người bệnh cần được lập kế hoạch chi tiết từng bước trước đó. Sau khi người bệnh được gây mê hoàn toàn, vùng mô cần thay thế sẽ được loại bỏ, cắt lọc phần nhiễm trùng, hoại tử hay dập nát. Các bó mạch máu và thần kinh, kể cả gân cơ cũng được chuẩn bị để kết nối với phần mô ghép mới. Đối với phần mô ghép được chọn, bác sĩ sẽ sát trùng kỹ lưỡng toàn bộ phẫu trường và cắt lấy mô ghép một cách cẩn trọng, tối thiểu số lượng đường rạch. Các mạch máu nhỏ và dây thần kinh cũng được mổ xẻ cẩn thận để chuyển đến địa điểm ghép. Tại đây, phần mạch máu cần nhanh chóng nối liền và tháo kẹp, tái lập lại sự tưới máu mô. Lần lượt đến các phần kế tiếp. Toàn bộ quá trình này đều diễn ra dưới kính hiển vi và dùng kim, chỉ có kích thước cực nhỏ, đồng thời cũng đòi hỏi các thao tác tinh vi, chính xác của các phẫu thuật viên.

Bước 3: Đóng vết mổ

Tùy thuộc vào tình trạng của mảng ghép và chức năng hoạt động, vết mổ sẽ được lựa chọn đóng bằng chỉ khâu cần cắt chỉ, chỉ khâu hòa tan hay vật liệu kết dính sinh học.

Bước 4: Đánh giá kết quả

Kết quả của vi phẫu sẽ cải thiện theo thời gian khi hiện tượng sưng nề trên vết thương giảm dần. Kết quả của vi phẫu sẽ đạt được tối đa đôi khi cần một khoảng thời gian rất dài, có thể lên đến vài tháng.

6. Cách chăm sóc như thế nào trong quá trình phục hồi vi phẫu?

Sau khi kết thúc phẫu thuật vi phẫu, vết thương sẽ được che đậy bởi băng gạc cho đến khi vết mổ lành hẳn. Đôi khi băng thun hoặc quần áo nén áp lực có thể hỗ trợ giúp giảm thiểu sưng nề cũng như hỗ trợ hồi phục chức năng của bộ phận, cơ quan.

Giám sát chặt chẽ lưu lượng máu sau vi phẫu, trong môi trường bệnh viện với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm. Phát hiện sớm các trường hợp giảm tưới máu hay tắc mạch thông qua các dấu hiệu bên ngoài.

Các ống nhỏ, mỏng có thể được đặt tạm thời dưới da để dẫn lưu hết máu tụ hoặc dịch viêm. Chăm sóc các ống dẫn lưu này hằng ngày với dung dịch sát khuẩn nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng.

Hạn chế một số hoạt động tại vùng phẫu thuật để giúp vết thương chóng lành. Tuy nhiên, khi vết mổ cải thiện, cần sớm tập luyện để hồi phục chức năng.

Tóm lại, nhờ vào kỹ thuật vi phẫu, chuyên ngành ngoại khoa đã có những bước tiến vượt bậc trong việc tái tạo lại cấu trúc và chức năng của các bộ phận trên cơ thể. Không những thế, vi phẫu còn đóng góp tính thẩm mỹ cho những tổn thương phức tạp.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Nguồn tham khảo: plasticsurgery.org, emedicine.medscape.com, docdoc.com.sg

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan