Vì sao bị tăng sắc tố sau viêm?

Tăng sắc tố sau viêm là tình trạng tăng quá mức hoặc phân bố không đều của melanin ở da sau phản ứng viêm. Nguyên nhân gây tăng sắc tố da chủ yếu là do các kích thích ngoại sinh, sau các thủ thuật da như lột da, mài mòn da hoặc laser trị liệu và hậu quả của các bệnh da khác nhau. Những vùng tăng sắc tố da sau viêm sẽ có màu xám, nâu đậm, hơi xanh hoặc sạm đen.

1. Tăng sắc tố sau viêm là gì?

Tăng sắc tố sau viêm (Post inflammatory hyperpigmentation – PIH) là tình trạng tăng quá mức hoặc phân bố không đều của melanin ở da sau phản ứng viêm. Bất kỳ tác nhân nào khiến da bị tổn thương hoặc bị kích ứng đều có thể gây ra tăng sắc tố sau viêm.

Cơ chế bệnh sinh của tình trạng tăng sắc tố sau phản ứng viêm diễn ra như sau:

  • Quá trình viêm sẽ kích thích sản xuất và oxy hóa acid arachidonic. Điều này dẫn đến tăng sản xuất các chất gây viêm như leukotrienes, cytokines, chemokines, prostaglandins và các hóa chất trung gian gây viêm khác (đây cũng chính là cơ chế mà việc dự phòng tăng sắc tố sau viêm bằng corticoid bôi tại chỗ muốn nhắm tới)
  • Các hoá chất trung gian gây viêm kích thích tế bào melanocyte làm tăng sản xuất sắc tố melanin dưới da và tăng vận chuyển melanin lan ra xung quanh.
  • Đối với tăng sắc tố sau viêm ở lớp trung bì có 2 cơ chế. Cơ chế thứ nhất là quá trình viêm làm vỡ lớp tế bào đáy ở thượng bì, dẫn tới phóng thích sắc tố melanin vào nhú ở trung bì. Đại thực bào ở lớp nhú trung bì sẽ thực bào và giải phóng ra melanin. Cơ chế thứ hai là do đại thực bào có thể đi vào lớp thượng bì để thực bào melanosome tại đó rồi quay lại trung bì. Sắc tố melanin có thể tồn tại trong đại thực bào ở lớp trung bì trong nhiều năm.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng tăng sắc tố sau viêm

Khi da bị tổn thương hoặc bị kích ứng đều có thể dẫn đến sạm da, tăng sắc tố sau viêm. Đây là tình trạng do sự phân bố không đồng đều hoặc do sự sản xuất quá mức sắc tố da melanin sau quá trình viêm. Tăng sắc tố da sau phản ứng viêm thường do tổn thương lớp thượng bì và/ hoặc lớp bì với sự lắng đọng của hắc tố trong tế bào ở lớp sừng và/ hoặc ở lớp bì. Phản ứng viêm ở thượng bì sẽ kích thích sự tổng hợp và di chuyển của hắc sắc tố. Nếu tổn thương sâu xuống lớp màng đáy tới lớp bì, hắc sắc tố sẽ bị bắt giữ lại tại đó.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng sắc tố da sau phản ứng viêm được chia thành 2 nhóm chính:

  • Nguyên nhân nội sinh: mụn trứng cá thông thường, côn trùng cắn, nhiễm trùng da, viêm da tiếp xúc – dị ứng, viêm da cơ địa, vảy nến, lichen phẳng....
  • Nguyên nhân ngoại sinh: bỏng, chấn thương, điều trị tia xạ không ion hóa, lăn kim, peeling, laser (xâm lấn và không xâm lấn), nhiễm độc do ánh sáng, một số thuốc như kháng sinh nhóm Cyclin (tetracycline), kháng sốt rét, clofazimine, thuốc kháng ung thư như Bleomycin, 5-fluorouracil, doxorubicin và busulfan...

Các thủ thuật thẩm mỹ gây ra các tác động nhiệt học và cơ học lên da. Từ đó tạo nên phản ứng viêm tại chỗ, hình thành nên những quầng tăng sắc tố lan rộng ra xung quanh. Những yếu tố liên quan đến độ nặng của tình trạng tăng sắc tố sau viêm do các thủ thuật thẩm mỹ bao gồm: mức độ sâu của thủ thuật xâm lấn, độ rộng xung dài của các loại laser, độ nóng tác động lên vùng da can thiệp, khoảng cách giữa những lần can thiệp quá gần nhau khiến da chưa kịp tái tạo và hồi phục, người làm thẩm mỹ chưa hiểu rõ cơ chế tác dụng cũng như các thông số kỹ thuật cần cài đặt riêng cho mỗi bệnh nhân.

Ngoài ra, người có yếu tố sau đây cũng tăng nguy cơ bị tăng sắc tố da sau viêm:

  • Ánh nắng: dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời sẽ kích thích hắc tố bào melanocyte tăng sản xuất sắc tố melanin. Do đó tránh nắng và thoa kem chống nắng là một trong những yếu tố quan trọng để dự phòng PIH.
  • Da tối màu: mặc dù tất cả các loại da đều có thể bị tăng sắc tố sau viêm nhưng thường gặp hơn ở người có da tối màu, nhất là khi viêm da gây tổn thương sâu xuống lớp bên dưới, qua màng đáy của thượng bì (ví dụ như phát ban do dị ứng thuốc), da có thể bị đen sạm kéo dài rất lâu. Nhiều nghiên cứu cho thấy ở những người da tối màu, lượng hắc sắc tố melanin nhiều nên dễ xuất hiện tình trạng tăng sắc tố da sau viêm hơn so với những người da sáng màu. Do vậy, làn da người Châu Á thuộc loại da tối màu nên PIH xảy ra phổ biến hơn, chiếm tới 50% trường hợp và thường nghiêm trọng hơn so với người da trắng. Điều này gây ảnh hưởng đáng kể đến thẩm mỹ và cả chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
  • Tình trạng viêm da dai dẳng và tái phát sẽ làm tăng nguy cơ và mức độ nặng của tăng sắc tố sau viêm do tổn thương hàng rào thượng bì – trung bì.
  • Vùng da tổn thương liên tục bị tỳ đè hay cọ xát, ẩm ướt hoặc tróc mài sớm sẽ dễ bị tăng sắc tố sau viêm, thậm chí tăng sắc tố có thể nặng và kéo dài hơn.
tăng sắc tố sau viêm
Tăng sắc tố sau viêm thường gặp hơn ở người có da tối màu

3. Biểu hiện của tăng sắc tố sau viêm

Tăng sắc tố sau viêm thường có các biểu hiện sau:

  • Xuất hiện dát tăng sắc tố ở vùng da đã lành sau khi bị tổn thương trước đó.
  • Các dát có màu xám, nâu hoặc đen và sậm màu hơn so với các vùng da khác.
  • Tăng sắc tố da nông (ở lớp thượng bì): dát màu nâu, nâu đen hoặc đen, nhìn rõ dưới ánh sáng đèn Wood, có thể tự hết mà không cần điều trị gì sau vài tháng đến vài năm.
  • Tăng sắc tố da sâu (dưới lớp thượng bì): dát màu xám xanh, không nhìn thấy rõ dưới ánh sáng đèn Wood, nếu không điều trị gì có thể tồn tại vĩnh viễn hoặc tự mất đi sau 1 thời gian rất dài.

4. Điều trị tăng sắc tố sau viêm

Tăng sắc tố sau viêm tuy không để lại sẹo và có thể cải thiện theo thời gian nhưng phải cần đến một khoảng thời gian dài ( từ 3 – 24 tháng) để sắc tố da mờ đi. Thời gian hồi phục dài hay ngắn tuỳ thuộc vào đặc điểm tổn thương, loại màu da và mức độ nghiêm trọng mà ánh nắng mặt trời tác động vào. Cụ thể, tăng sắc tố sau viêm ở người trẻ tiên lượng tốt hơn người cao tuổi, tổn thương lớp thượng bì tiên lượng tốt hơn lớp trung bì.

4.1. Điều trị tăng sắc tố da

Tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào da và thoa kem chống nắng là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị tăng sắc tố sau viêm. Thoa kem chống nắng phổ rộng với SPF 50+ mỗi ngày hay uống viên chống nắng hay phối hợp cả 2 cách để đạt hiệu quả cao nhất, bảo vệ da khỏi tác hại của tia cực tím. Tránh nắng bằng cách không ra ngoài trời vào lúc nắng gắt, đội nón rộng vành, mặc áo quần dài tay, đeo khẩu trang tối màu sẽ giúp tăng cường bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời.

Tăng sắc tố sau viêm có thể cải thiện được bằng các thuốc thoa tại chỗ, thông qua tác dụng ức chế hắc sắc tố hình thành. Tuy nhiên, thoa thuốc tại chỗ cần kết hợp với chống nắng hiệu quả. Hiện nay, có nhiều loại thuốc thoa có thể làm sáng da, mờ sạm do các thương tổn tăng sắc tố da ở vùng thượng bì. Mức độ cải thiện thay đổi tuỳ người, tuy nhiên khi kết hợp với nhau có thể cho cải thiện rõ rệt: Hydroquinone, Azelaic acid, Retinoid, Corticosteroid, Kem cysteamin, Vitamin C, Glycolic acid. Ngoài ra còn có Kojic acid, licorice, arbutin, niacinamide, mequinol, N-acetyl glucosamine. Những thuốc này cần thoa ít nhất 2 tuần trước khi can thiệp thủ thuật laser.

Các thủ thuật thẩm mỹ xâm lấn điều trị tăng sắc tố sau viêm bao gồm: lột da bằng hoá chất, điều trị laser xâm lấn, lăn kim, bào mòn da,...hữu ích cho trường hợp tăng sắc tố do tổn thương lớp thượng bì. Cơ chế điều trị thông qua việc kích thích tái tạo lại lớp thượng bì, tạo đường thoát cho các hắc sắc tố ở sâu dưới da, giúp làn da trở nên căng mịn và tươi trẻ. Tuy nhiên các phương pháp này kém hiệu quả với PIH ở lớp bì và đôi khi có thể làm nặng hơn tăng sắc tố sau viêm nếu gây tổn thương lớp thượng bì.

Các thủ thuật thẩm mỹ không xâm lấn để điều trị tăng sắc tố sau viêm như ánh sáng trị liệu, laser xung dài, laser xung ngắn,...xuyên sâu xuống lớp trung bì, phá nát và loại bỏ các hắc tố ở sâu mà không gây tổn hại bề mặt da. Không những vậy, những phương pháp điều trị này còn tái tạo làn da từ bên trong, kích thích tăng sinh collagen, giúp da căng bóng và đàn hồi tốt hơn.

tăng sắc tố sau viêm
Thoa kem chống nắng là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị tăng sắc tố sau viêm

4.2. Điều trị các bệnh lý da

Điều trị các bệnh da đi kèm giúp cải thiện hiệu quả và rút ngắn thời gian hồi phục của tăng sắc tố sau viêm.

  • Điều trị tốt bệnh lý da nền như mụn trứng cá, vảy nến, viêm da tiếp xúc, viêm da dầu, viêm da cơ địa, ... giảm tình trạng viêm.
  • Tránh gây thêm tác động vào vùng da đang tổn thương.
  • Không ngâm nước, gỡ mài và kéo căng da.
  • Hạn chế sử dụng thuốc làm tăng sắc tố da như Tetracyclin, Bleomycin,...
  • Chăm sóc da nhẹ nhàng với những sản phẩm làm sạch ko gây kích ứng, kem dưỡng ẩm.
  • Không lạm dụng mỹ phẩm, đặc biệt là loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Vì chúng thường chứa kim loại nặng hoặc hàm lượng cao corticoid sẽ gây tổn thương da nặng nề, làm da bị đổi màu và khó hồi phục.

Tăng sắc tố sau viêm là tình trạng tăng quá mức hoặc phân bố không đều của melanin ở da sau phản ứng viêm. Nguyên nhân gây sắc tố sau viêm có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Tăng sắc tố sau viêm tuy không để lại sẹo nhưng cần thời gian để hồi phục và điều trị.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan