Viêm giác mạc do ong đốt và những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Ong đốt vào mắt không phải là một tai nạn thường gặp nhưng cũng gây nhiều khó chịu, thậm chí nguy hiểm cho người bệnh. Ong có thể đốt vào mí mắt, vào kết mạc hoặc vào giác mạc gây viêm giác mạc. Trong đó, bị ong đốt vào giác mạc là tổn thương nặng nhất, có thể gây viêm giác mạc hoặc nặng có thể dẫn đến mù mắt nếu không được điều trị kịp thời.

1. Viêm giác mạc do ong đốt

Ong là một loại động vật không xương sống, có cánh, thuộc ngành chân đốt. Ong có nhiều loại khác nhau với hình dáng và kích thước cũng như các đặc điểm cơ thể đều khác nhau.

Tuy nhiên, chúng đều có điểm chung là trên cơ thể chúng có ngòi với một túi chứa nọc độc. Sau khi đốt người, các ngòi ong bị đứt ra, lưu lại trên tổ chức rồi túi nọc tiết ra nọc độc thẩm thấu vào tổ chức gây nên các phản ứng tại vết đốt như đau, ngứa, đỏ, sưng nề, nhiễm trùng...

Nọc độc của ong thường có chứa:

  • Melitine: là một loại peptide gồm có 70 acid amin khác nhau, có tác dụng là tan máu, biến đổi điện thế màng thần kinh cảm giác gây đau, mặt khác có khả năng dung giải hồng cầu.
  • Hyaluronidase và histamin gây giãn mạch, tăng thoát dịch dẫn tới hiện tượng ngứa, đỏ, phù nề.
  • Dopamine: khiến tim đập nhanh.
  • Apamin: làm bất hoạt bơm canxi ở màng tế bào, do đó làm tê liệt hoạt động thần kinh cơ.
  • Ngoài ra, nọc ong còn chứa các chất làm vỡ dưỡng bào.
nọc ong
Nọc ong được chứa trong 2 tuyến nọc dẫn vào một kim chích sau đít ong

Sự lưu lại ngòi ong và túi nọc độc với các chất tiết vào trong tổ chức chính là nguyên nhân gây nên tình trạng viêm tấy đỏ, sưng đau, ngứa tại vết đốt, đồng thời có thể gây phản ứng miễn dịch với độc tố, gây tình trạng nhiễm trùng.

Tại mắt, viêm giác mạc do ong đốt là một trong những tổn thương nặng nhất do các nọc độc tiết ra trực tiếp thẩm thấu vào giác mạc.

Biểu hiện của bệnh nhân bị viêm giác mạc do ong đốt:

  • Mắt đỏ và đau.
  • Chảy nước mắt nhiều hơn bình thường mà không phải khóc.
  • Mí mắt có thể sưng phù dẫn đến khó mở mắt, đau, có hiện tượng kích ứng do chất tiết trong túi nọc độc của ong tiết ra.
  • Mắt nhìn mờ hơn, tầm nhìn bị giảm, mức độ tùy thuộc vào tổn thương và thời gian bị tổn thương.
  • Mắt bị nhạy cảm hơn với ánh sáng, cảm giác cộm vướng trong mắt.

2. Điều trị viêm giác mạc do ong đốt

Trong bệnh viêm giác mạc do ong đốt, các triệu chứng lâm sàng gây ra chủ yếu do nọc độc được tiết ra ở ngòi ong. Bởi vậy, trong điều trị ở những bệnh nhân này, điều quan trọng nhất là phải khám và phát hiện ra ngòi ong trong nhu mô giác mạc để có thể lấy được ngòi ong ra ngoài. Nếu phát hiện được ngòi ong thì cần cho bệnh nhân đi phẫu thuật ngay để lấy ngòi ong ra ngoài.

Đau đầu hốc mắt
Cần đưa ngay bệnh nhân đến viện để tiến hành phẫu thuật gắp ngòi ong

Khi phẫu thuật cần phải lưu ý tránh làm vỡ túi nọc độc trong quá trình phẫu thuật vì sẽ khiến các chất độc bên trong túi nọc độc tràn ra ngoài, thẩm thấu vào tổ chức và gây tổn thương thêm cho giác mạc.

Ngay sau khi bị ong đốt, trước khi đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để phẫu thuật, cần lưu ý một số điều sau:

  • Ngay lập tức đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực có ong.
  • Đặt bệnh nhân nằm nghỉ, tránh cử động nhiều. Nếu nhìn thấy ngòi có thể rút ngòi ra luôn, lưu ý nhẹ nhàng để tránh tổn thương giác mạc. Không dùng tay nặn vì có thể sẽ làm vỡ túi nọc độc.
  • Rửa vệ sinh sạch vùng bị ong đốt bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý
  • Đắp khăn lạnh hoặc chườm đá lên vết đốt để đỡ bị nề, giảm đau giảm sưng.
  • Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời.

Sau phẫu thuật lấy túi nọc cần lưu ý cho bệnh nhân dùng thuốc để nhanh phục hồi đồng thời hạn chế những biến chứng về sau:

Việc kê đơn thuốc điều trị sau phẫu thuật cho bệnh nhân phụ thuộc vào tình trạng mắt của từng bệnh nhân và mức độ tổn thương của giác mạc và phải do bác sỹ nhãn khoa chỉ định

Kê đơn, bác sĩ chỉ định uống thuốc
Bác sĩ kê đơn thuốc để hỗ trợ bệnh nhân nhanh phục hồi sau phẫu thuật

Tiên lượng đối với những bệnh nhân bị viêm giác mạc do ong đốt phụ thuộc vào số lượng vết đốt, thời gian từ khi bị đốt cho đến khi được điều trị, mức độ tổn thương giác mạc và phương pháp điều trị. Nếu bệnh nhân đến sớm và kịp thời, được sử dụng phương pháp điều trị tốt, tổn thương sẽ tiến triển phục hồi nhanh, giác mạc hết phù, thị lực phục hồi.

Ngược lại, nếu bệnh nhân đến muộn, giác mạc bị tổn thương nặng nề, dù có thể phẫu thuật lấy ngòitúi nọc độc ra nhưng tổn thương tại giác mạc và thị lực sẽ phục hồi kém , có thể dẫn đến mất thị lực một phần hoặc hoàn toàn

Viêm giác mạc do ong đốt không phải là một tai nạn thường gặp trên lâm sàng. Các chất tiết từ túi nọc độc ở ngòi ong có thể gây tổn thương giác mạc ở nhiều mức độ khác nhau. Đối với các bệnh nhân bị tổn thương giác mạc do ong đốt, điều quan trọng nhất là phát hiện ngòi ong và lấy ngòi ong ra ngoài càng sớm càng tốt kết hợp với dùng thuốc để phục hồi tổn thương và hạn chế biến chứng về sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan