Vòi nhĩ dài bao nhiêu? Vì sao hay viêm tắc?

Vòi nhĩ có thể bị tắc hoặc cản trở do nhiều lý do. Nếu như viêm tắc vòi nhĩ không được điều trị thì sẽ tiến sâu hơn, dẫn đến viêm tai giữa và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi các bác sĩ Tai Mũi Họng - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

1. Vòi nhĩ dài bao nhiêu?

Vòi nhĩ là cơ quan trong cơ thể con người, có chức năng sinh lý là đảm bảo sự cân bằng khí áp giữa trong và ngoài màng nhĩ. Đồng thời, cơ quan này cũng có nhiệm vụ dẫn lưu dịch tiết ở tai giữa ra ngoài cũng như duy trì hoạt động của hệ thống truyền âm, ngăn chặn việc nhiễm khuẩn ngược dòng từ họng mũi lên tai giữa.

Vòi nhĩ là bộ phận được bắt đầu từ phía sau của mũi, giáp với vòm miệng, đi một chút lên phía trên và kết thúc tại tai giữa. Khoảng ở phần tai giữa chính là một phần rỗng của xương sọ chứa bộ máy thính giác, nó thường xuyên được bao phủ bởi một mặt của màng nhĩ.

Ở người lớn, vòi nhĩ thường có độ dài trung bình 3,6cm; miệng lỗ vòi rộng 5mm, cao 8mm và thường trong tình trạng đóng để ngăn chặn sự nhiễm khuẩn và tăng cường dẫn lưu dịch. Vòi nhĩ ở người lớn sẽ mở ra khi ho, hắt hơi hoặc khi nuốt. Những hoạt động này khiến cho không khí từ bên ngoài vào tai giữa hoặc từ tai giữa ra phía bên ngoài với mục đích cân bằng áp suất môi trường bên ngoài với áp suất phía bên trong hòm nhĩ.

Còn ở trẻ em, vòi nhĩ thường thẳng, nằm ngang, ngắn và vòi nhĩ hơi mở. Do đó đây là nguyên nhân khiến cho vi khuẩn có thể dễ dàng di chuyển từ mũi hầu vào tai giữa thông qua vòi nhĩ, từ đó dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn. Trong khi đó, do vòi nhĩ nằm ngang nên chất dịch đi vào trong thường rất khó thoát ra khỏi tai giữa nên ứ đọng bên trong, khiến cho tình trạng viêm nhiễm nặng thêm. Còn đối với những trẻ còn bú mẹ thì vòi nhĩ gần như nằm ngang, không có eo nên thường rất thông thoáng.

Vòi nhĩ
Vòi nhĩ có thể bị tắc hoặc cản trở do nhiều lý do

2. Vì sao vòi nhĩ hay viêm tắc?

Vòi nhĩ có thể bị tắc hoặc cản trở do nhiều lý do. Một trong những nguyên nhân khiến vòi nhĩ hay bị tắc đó là do viêm mũi họng, bởi khi viêm mũi họng, niêm mạc vùng mũi họng gần cửa vào vòi nhĩ cũng sưng lên, từ đó dẫn đến tình trạng tắc vòi nhĩ.

Trong một số trường hợp nặng hơn, vi khuẩn từ mũi họng vào vòi nhĩ khiến cho vòi nhĩ bị viêm ở cửa, chiều dài của vòi nhĩ. Nếu như viêm tắc vòi nhĩ không được điều trị thì bệnh sẽ tiến sâu hơn, dẫn đến viêm tai giữa. Ngoài nguyên nhân viêm mũi họng do nhiễm khuẩn thì một số nguyên nhân sau đây cũng gây nên tình trạng viêm tắc vòi nhĩ:

  • Người bị bệnh viêm xoang và bệnh dị ứng khiến cho mô niêm mạc của vòi nhĩ bị sưng lên. Triệu chứng nghẹt mũi có thể dẫn đến nghẹt tai.
  • Các mô amidan ở phía sau mũi thường rất gần với vòi nhĩ đóng vai trò như một ổ chứa vi khuẩn, từ đó góp phần làm tái phát các bệnh nhiễm khuẩn tai. Ngoài ra những người bị Amidan to cũng có nguy cơ làm cản trở đầu của vòi nhĩ, do đó những người bị nhiễm khuẩn tai mãn tính thường được khuyến nghị cắt amidan.
  • Trong một số ít trường hợp, người bệnh có khối lượng, khối u ở nền sọ hoặc mũi họng có thể dẫn đến cản trở vòi nhĩ, từ đó tình trạng viêm tắc vòi nhĩ thường xuyên xảy ra.
  • Thay đổi thời tiết cũng là yếu tố môi trường vô cùng thuận lợi cho các loại vi khuẩn và virus gây bệnh hoạt động mạnh trong khi sức đề kháng của trẻ lại yếu.
  • Một số trường hợp những trẻ còn bú mẹ thường bị viêm tắc vòi nhĩ, nguyên nhân là do tư thế nằm ngửa khiến cho dịch chảy vào tai giữa.
  • Ngoài ra những lúc xì mũi, khóc, lặn hoặc khi đi máy bay lên xuống có thể tạo nên áp lực dương cao tại vòm mũi họng, từ đó dịch từ vòm mũi họng chảy ngược vào trong tai giữa gây viêm tắc vòi nhĩ.

Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân gây ra viêm tắc vòi nhĩ, các nguyên nhân khác gây ra bệnh cũng có thể là do vòi nhĩ quá nhỏ (thường gặp ở những trẻ em bị hội chứng Down). Tuy nhiên, những người bệnh này thường thấy tai bị tắc nhưng lại không liên tục.

vòi nhĩ hay bị tắc
Một trong những nguyên nhân khiến vòi nhĩ hay bị tắc đó là do viêm mũi họng

3. Điều trị tắc vòi nhĩ như thế nào?

Viêm tắc vòi nhĩ thường dẫn đến biến chứng viêm tai giữa. Các triệu chứng chính của bệnh đó là ù tai kèm theo tiếng nổ hoặc vỡ trong tai, mất thính giác dạng vừa, có cảm giác vướng và tức ở trong tai. Khi khám tai thấy màng tai lõm vào, cán búa nằm ngang ra sau và nổi rõ hơn cũng như mất tam giác sáng. Do đó, khi nhận thấy các dấu hiệu triệu chứng này, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Thông thường, việc điều trị viêm tắc vòi nhĩ thường dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể, nếu nguyên nhân viêm tắc vòi nhĩ là do viêm xoang hoặc viêm amidan thì phải điều trị viêm amidan và viêm xoang triệt để. Một số thủ thuật khác cũng có thể được thực hiện để cải thiện chức năng vòi nhĩ và trợ giúp cân bằng áp suất không khí như sau:

  • Nuốt có thể làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu cho người bệnh bởi hành động nuốt sẽ giúp kích hoạt cơ đằng sau họng để mở vòi nhĩ. Do đó bất kì một hoạt động nào thúc đẩy hành động nuốt thì có thể sẽ giúp mở vòi nhĩ, ví dụ như cho người bệnh nhai kẹo cao su, uống hoặc ăn. Một số trường hợp ngáp càng có hiệu quả vì hành động này dùng đến cơ nhiều hơn.
  • Hít hơi thật sâu và thổi ra: Trong trường hợp nếu tai vẫn cảm thấy bị đầy thì người bệnh có thể thử mở vòi nhĩ cưỡng chế bằng cách hít một hơi thật sâu và thổi ra, đồng thời kết hợp với việc bóp các lỗ mũi và đóng miệng. Khi cảm thấy có tiếng “pop”thì đồng nghĩa với việc bạn đã thành công.

Nếu các vấn đề liên quan đến viêm tắc vòi nhĩ vẫn xảy ra dai dẳng mặc dù bạn đã dùng phương pháp trên thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ. Đặc biệt để phòng ngừa bệnh lý này, tốt nhất bạn nên:

  • Trì hoãn việc đi máy bay hoặc đi các phương tiện thay thế nếu như bạn đang bị cảm, viêm xoang, viêm tai hoặc bị dị ứng.
  • Bên cạnh đó những người bị các vấn đề về vòi nhĩ không nên thực hiện các hoạt động như lặn biển bởi nó có thể gây ra đau đớn và một số trường hợp có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • Trẻ em không thể tự mở vòi nhĩ, do đó khi cho trẻ đi máy bay, phụ huynh có thể cho bé bú bình hoặc ngậm ti giả để giúp cân bằng áp suất không khí dễ hơn.
  • Đặc biệt chỉ hỉ mũi khi mũi thông, bởi nếu mũi đang nghẹt mà cố sức hỉ thì sẽ khiến cho dịch bẩn ngược lên vòi, từ đó mang theo vi khuẩn vào hòm nhĩ gây ra hiện tượng viêm tai giữa.

Ngoài việc sử dụng thuốc theo đúng đơn kê của bác sĩ thì người bị viêm tắc vòi nhĩ cần tái khám đúng lịch hẹn và làm theo lời bác sĩ dặn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cũng như sinh hoạt hàng ngày... để bệnh nhanh khỏi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan