Xét nghiệm nuôi cấy đờm định kỳ

Khi bạn có dấu hiệu nhiễm trùng hô hấp hoặc các rối loạn liên quan đến phổi, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện nuôi cấy đờm để chẩn đoán bệnh. Kết quả xét nghiệm nuôi cấy đờm có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán, điều trị và theo dõi đáp ứng của người bệnh.

1. Xét nghiệm nuôi cấy đờm định kỳ có công dụng gì?

Đờm là chất tiết của đường hô hấp gồm có chất nhầy, hồng cầu, bạch cầu,... tích tụ ở các phần dưới của phổi và phế quản. Đây là chất chúng ta khạc sâu từ phổi chứ không phải là chất hít từ mũi, miệng hay nước bọt. Xét nghiệm nuôi cấy đờm sẽ giúp hỗ trợ chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm nuôi cấy đờm khi bạn có các các triệu chứng bao gồm ho, sốt hoặc ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, khó thở, tức ngực. Kết quả xét nghiệm có thể tiết lộ nguyên nhân gây ra các triệu chứng kể trên như viêm phế quản, áp xe phổi, viêm phổi, bệnh lao, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,...

Kết quả xét nghiệm cũng giúp định danh các vi khuẩn hoặc vi nấm gây ra bệnh lý hô hấp. Nhờ đó, bác sĩ có thể chọn được liệu pháp điều trị phù hợp nhất để chữa khỏi nhiễm trùng. Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm công thức máu toàn phần nhằm xác định xem tế bào bạch cầu có tăng cao hay không để củng cố chẩn đoán. Sự gia tăng các tế bào bạch cầu có thể cho thấy cơ thể đang có tình trạng nhiễm trùng.

2. Cách thực hiện xét nghiệm nuôi cấy đờm như thế nào?

Xét nghiệm nuôi cấy đờm tương đối nhanh, không gây đau và giúp các kỹ thuật viên phòng thí nghiệm nghiên cứu vi khuẩn hoặc nấm đang phát triển trong phổi của bạn và gây ra sản xuất đờm. Thông thường, phần khó nhất của kỹ thuật này là lấy đủ mẫu đờm và lấy đúng kỹ thuật để xét nghiệm. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu khạc mạnh để tống đờm ra. Xét nghiệm nuôi cấy đờm nhìn chung gồm các bước sau:

  • Để việc lấy đờm trở nên dễ dàng, bạn có thể uống nhiều nước để giúp làm lỏng dịch tiết và giúp khạc ra đờm dễ dàng hơn. Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân súc miệng bằng nước lọc để giúp loại bỏ bất kỳ vi khuẩn nào khác và nước bọt thừa.
  • Bệnh nhân sẽ ngồi trên giường hoặc ghế, hai chân thả lỏng tự nhiên chạm đất, người hơi ngả về phía trước, tư thế thoải mái và thư giãn 2 vai.
  • Bệnh nhân sẽ được yêu cầu khạc đờm vào một cái cốc nhỏ. Để khạc được đờm, bạn có thể cần hít thở sâu ba lần trước khi khạc.
  • Đặt cốc đàm vào sát miệng, khạc mạnh đàm vào đáy cốc, vặn chặt nắp và đưa lại cho nhân viên y tế. Nếu bạn gặp khó khăn khi khạc đờm, bác sĩ có thể vỗ vào lưng để giúp bạn dễ dàng khạc hơn. Lượng đờm tối thiểu để xét nghiệm là 2ml, do đó nếu lượng đàm lấy quá ít (<2ml) và không có chất nhầy mủ, bạn sẽ phải thực hiện lại các bước trên để có mẫu đàm đạt chất lượng. Ngoài ra trong trường hợp bệnh nhân không khạc đờm được, bác sĩ có thể dùng các phương pháp để giúp lấy mẫu đờm:
  • Nội soi phế quản. Ống nội soi phế quản được đưa qua miệng hoặc mũi theo đường dẫn khí đến phổi. Bệnh nhân thường được dùng thuốc gây tê không cảm thấy đau đớn và khó chịu, nhưng một số trường hợp có thể được chỉ định dùng cả thuốc gây mê.
  • Hút dịch: Một ống thông mũi họng được đưa qua mũi và xuống cổ họng. Kỹ thuật này thường được tiến hành trong khoảng 15 giây để thu thập mẫu đờm. Kỹ thuật này cũng thường được sử dụng cho những bệnh nhân khó khạc đờm như trẻ em, bệnh nhân đang bất tỉnh hoặc người bị bệnh nặng.
  • Khi đã được thu thập đủ mẫu đờm để phân tích, mẫu sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm trong vòng một đến hai giờ. Phòng thí nghiệm sẽ đặt mẫu trên một đĩa thạch có chất dinh dưỡng giúp vi khuẩn hoặc các mầm bệnh khác có trong đờm phát triển.
  • Các kỹ thuật viên sẽ quan sát các dấu hiệu cho thấy vi khuẩn hoặc nấm phát triển dưới kính hiển vi hoặc bằng các xét nghiệm hóa học. Thử nghiệm độ nhạy của kháng sinh (kháng sinh đồ) sẽ được tiến hành sau khi xác định được tác nhân gây bệnh nhằm tìm ra loại kháng sinh tốt nhất.
Nuôi cấy đờm
Nuôi cấy đờm cần được thực hiện theo đúng kỹ thuật

3. Màu sắc của mẫu đờm nói lên điều gì?

Mẫu đờm không chỉ giúp xác định tác nhân gây bệnh mà màu sắc của đờm còn có thể cung cấp nhiều thông tin quan trọng hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Đối với bệnh nhân nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn, đờm có thể có độ đặc sệt, có mùi khó chịu, có thể có máu và màu sắc cũng bất thường, cụ thể như sau:

  • Đờm có màu trắng nhạt, vàng hay xanh lá cây: Mẫu đờm có chứa một số lượng lớn các tế bào bạch cầu – một dấu hiệu cho thấy bệnh nhân đang bị nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phổi hoặc viêm phế quản.
  • Màu đỏ hoặc sậm màu: mẫu đờm này cho thấy người bệnh đang gặp phải tình trạng chảy máu, xuất huyết. Khi đó có thể xuất hiện những vệt hoặc đốm màu đỏ trong mẫu đờm. Màu sắc này cũng có thể là dấu hiệu bệnh đang ở giai đoạn nghiêm trọng.
  • Màu xám hoặc đen: màu sắc của đờm thường chuyển thành xám hoặc đen nếu người bệnh có hút thuốc lá hoặc làm việc ở những nơi ô nhiễm như mỏ than

4. Kết quả xét nghiệm nuôi cấy đờm được giải thích như thế nào?

Nuôi cấy đờm là xét nghiệm để tìm vi khuẩn hoặc vi nấm đang có thể là nguyên nhân gây bệnh. Một số loại vi khuẩn hoặc nấm phát triển nhanh chóng trong nuôi cấy, tuy nhiên một số loại lại phát triển khá chậm. Kết quả xét nghiệm có thể mất từ ​​1 ngày đến vài tuần. Thời gian có kết quả sẽ tùy thuộc vào loại nhiễm trùng mà bác sĩ dự đoán bệnh nhân đang mắc phải. Đặc biệt có một số vi khuẩn không phát triển trong môi trường nuôi cấy tiêu chuẩn và cần một môi trường chuyên biệt hơn. Ngoài ra, không phải vi khuẩn nào phát triển trong đường hô hấp đều gây bệnh, có một số vi khuẩn phát triển bình thường và không gây bệnh. Kết quả có thể gồm các trường hợp sau:

4.1 Bình thường

Đờm chứa một số loại vi khuẩn vô hại chẳng hạn như một số loại Streptococcus và Staphylococcus. Nuôi cấy đờm không phát hiện bất kỳ loại vi khuẩn hoặc nấm có hại. Kết quả nuôi cấy sẽ là âm tính. Tuy nhiên, kết quả này không loại trừ khả năng không đủ mầm bệnh trong mẫu đờm nên không phát hiện được.

4.2 Bất thường

Phát hiện vi khuẩn có hại hoặc nấm có thể là nguyên nhân gây bệnh. Các vi khuẩn có hại phổ biến trong nuôi cấy đờm là những vi khuẩn có thể gây viêm phế quản, viêm phổi hoặc lao. Như vậy kết quả nuôi cấy sẽ là dương tính. Tiếp đến sẽ thực hiện thêm thử nghiệm xác định độ nhạy để tìm ra loại kháng sinh hay kháng nấm phù hợp nhất với tác nhân gây bệnh.

5. Những rủi ro của xét nghiệm là gì?

  • Bạn có thể cảm thấy khó chịu ở ngực sau khi lấy mẫu đờm.
  • Sau khi nội soi phế quản hoặc lấy mẫu đờm bằng ống thông mũi họng, cổ họng của bạn có thể cảm thấy đau
  • Bạn cũng có thể cảm thấy khó thở trong khi lấy mẫu đờm bằng ống thông mũi họng nếu bị hen suyễn hoặc viêm phế quản.
Nuôi cấy đờm
Sau khi lấy đờm làm xét nghiệm nuôi cấy đờm, bạn có thể thấy khó chịu ở ngực

6. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm nuôi cấy đờm

  • Có sử dụng kháng sinh gần đây. Vì dùng kháng sinh có thể ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn, từ đó dẫn đến âm tính giả.
  • Mẫu đờm lấy sai kỹ thuật, bị ô nhiễm bởi các tạp chất
  • Không lấy có đủ lượng đờm.
  • Thời gian từ lúc lấy mẫu đến khi tới phòng xét nghiệm quá lâu
  • Bệnh nhân dùng nước súc miệng trước khi lấy mẫu đờm.

Tóm lại, xét nghiệm nuôi cấy đờm tương đối nhanh, không gây đau và có vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường hô hấp. Bạn nên tuân thủ các lưu ý kể trên để việc lấy mẫu đờm được thuận lợi và nhanh chóng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: