Thời điểm sinh con phù hợp cho sản phụ bị tiền sản giật

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Hiểu biết rõ về tiền sản giật, nắm được các triệu chứng, quản lý thai nghén, khám thai định kỳ để sớm phát hiện tiền sản giật là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và em bé trước những hậu quả mà tiền sản giật có thể gây ra.

1. Nguyên nhân gây tiền sản giật là gì?

Nguyên nhân chính xác của tiền sản giật và sản giật - hậu quả của việc nhau thai hoạt động bất thường, hiện chưa được biết rõ, dù rằng một số nghiên cứu nghi ngờ thiếu chất dinh dưỡng, tỉ lệ mỡ cơ thể cao có thể là nguyên nhân tiềm tàng, và sự thiếu máu tới tử cung hay yếu tố di truyền cũng có mối liên hệ và vai trò nhất định.

2. Những ai dễ bị tiền sản giật?

Theo thống kê, tiền sản giật thường xuất hiện nhất ở lần mang thai đầu, ở thai phụ là trẻ vị thành niên và phụ nữ trên 40 tuổi. Tuy định nghĩa tiền sản giật là xảy ra trên thai phụ chưa từng có tăng huyết áp trước đó, nhưng các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng xảy ra tiền sản giật bao gồm:

  • Tiền sử tăng huyết áp trước khi mang thai.
  • Tiền sử mắc tiền sản giật.
  • Có mẹ hoặc chị em gái bị tiền sản giật.
  • Béo phì.
  • Mang đa thai (thai đôi, thai ba,...).
  • Tiền sử bệnh lý đái tháo đường, bệnh thận, lupus ban đỏ hoặc viêm khớp dạng thấp.
tien-san-giat-thang-cuoi-1
Thai phụ có mẹ hoặc chị em gái bị tiền sản giật có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn bình thường

3. Tác hại của tiền sản giật là gì?

Tiền sản giật có thể khiến cho nhau thai bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn tới thai kém phát triển, em bé sinh ra rất nhẹ cân. Bên cạnh đó các biến chứng khác cũng có thể xảy ra với em bé như: sinh non, dị tật bẩm sinh (chậm phát triển trí tuệ, động kinh, bại não, khuyết tật thị giác, khuyết tật thính giác). Tiền sản giật đôi khi gây ra biến chứng bong nhau thai, dẫn tới thai chết lưu.

Đối với thai phụ, tiền sản giật có thể gây các biến chứng nghiêm trọng (dù hiếm gặp) như:

  • Đột quỵ.
  • Co giật.
  • Phù phổi.
  • Suy tim.
  • Mất thị lực tạm thời.
  • Chảy máu trong gan.
  • Băng huyết.

4. Thời điểm nào phù hợp để sinh con khi thai phụ bị tiền sản giật?

tien-san-giat-thang-cuoi-2
Tiền sản giật cũng như sản giật chỉ biến mất sau khi thai phụ sinh con

Tiền sản giật cũng như sản giật chỉ biến mất sau khi thai phụ sinh con. Nhưng thời điểm sinh con sẽ được bác sĩ chuyên khoa xem xét, đánh giá dựa trên tuổi thai, sự phát triển của thai nhi trong tử cung cũng như mức độ nghiêm trọng của tiền sản giật trên thai phụ.

Nếu thai nhi đã phát triển đủ thời gian, thường là từ 37 tuần trở lên, bác sĩ có thể chỉ định chuyển dạ nhân tạo hoặc tiến hành mổ đẻ, và tình trạng tiền sản giật nhờ đó cũng sẽ được giải quyết.

Nếu thai nhi chưa phát triển đủ thời gian, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tiền sản giật để làm ổn định tình trạng, cố gắng chờ thêm cho đến khi thai nhi phát triển đầy đủ hơn sẽ chỉ định chuyển dạ nhân tạo hoặc mổ đẻ sau (càng tới gần ngày dự sinh càng tốt cho em bé).

  • Với mức độ nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị tiền sản giật như sau:
    • Tăng cường nghỉ ngơi, dù là nằm viện hay tại nhà, và khuyến khích nằm nghỉ nghiêng về bên trái càng nhiều càng tốt.
    • Theo dõi cẩn thận tim thai qua monitor và siêu âm.
    • Sử dụng thuốc hạ huyết áp.
    • Xét nghiệm máu và nước tiểu.
  • Một số trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi tốt hơn, thực hiện được nhiều chỉ định điều trị hơn so với những chỉ định bên trên:
    • Sử dụng thuốc chống co giật, hạ huyết áp và các thuốc khác.
    • Tiêm thuốc kích thích trưởng thành phổi cho thai nhi.
    • Kiểm soát lượng dịch vào - ra.
  • Với tiền sản giật mức độ nặng, có thể thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định cho sinh nở ngay dù thai nhi thiếu tháng để giải quyết tình trạng tiền sản giật (các dấu hiệu của tiền sản giật sẽ dần biến mất trong khoảng thời gian dưới 6 tuần).

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Bác sĩ Trần Thị Phương Loan nguyên là Trưởng khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang; Bác sĩ điều trị tại bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai trước khi là bác sĩ Sản phụ khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc như hiện nay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan