Thóp trước của trẻ sơ sinh đóng khi nào?

Thóp trước là một cấu trúc giải phẫu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu thóp trước đóng quá sớm hoặc quá trễ đều là những hiện tượng bất thường trong quá trình phát triển của trẻ.

1. Thóp trước của trẻ là gì?

Thóp trước là vùng có hình tứ giác ở phía trước đầu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nằm giữa 2 đường tăng trưởng (khớp sọ) nơi các xương sọ giao nhau.

Về mặt giải phẫu, thóp ở trẻ em là các khoảng trống được che phủ bởi màng xơ đàn hồi. Thóp được hình thành khi có từ ba xương của hộp sọ trở lên nằm gần nhau, giữa các xương này là khoảng trống, và màng xơ đàn hồi sẽ che phủ khoảng trống này cũng như liên kết các xương với nhau. Trẻ em khi sinh ra có tất cả là 6 thóp: thóp trước, thóp sau, hai thóp xương chũm và hai thóp xương bướm (tuy nhiên chỉ có thóp trước là có ý nghĩa hơn cả, thóp sau thường rất nhỏ và không có nhiều ý nghĩa, còn bốn thóp còn lại ít được quan tâm, thậm chí ở nhiều trẻ chúng đã đóng từ những tuần cuối của thai kì).

Trẻ sơ sinh
Thóp trước là vùng có hình tứ giác ở phía trước đầu của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cấu trúc màng xơ không chỉ gắn kết các xương của hộp sọ lại với nhau mà còn là đường nối đàn hồi giữa các xương hộp sọ. Nhờ lớp màng xơ này mà đầu của trẻ có thể thay đổi kích thước và hình dạng phù hợp với đường âm đạo của mẹ trong quá trình chuyển dạ và sổ thai (để ra đời thuận lợi hơn). Bên cạnh đó, khi trẻ lọt lòng, thóp cũng đóng vai trò như một lớp đệm bảo vệ não trẻ khỏi những chấn động từ bên ngoài nếu bị ngã.

Ngay sau khi sinh, thóp trước có kích thước 2,5 cm x 2,5 cm (dao động từ 0,6 cm tới 3,6 cm), và có thể rộng tới 5 cm x 5 cm. Vì thóp được che phủ bởi màng xơ nên không có gì nguy hiểm khi người lớn chạm vào thóp của trẻ. Cha mẹ có thể gội đầu cho trẻ và thực hiện các động tác thông thường như đội mũ, chải đầu mà không lo gây tổn thương cho thóp.

2. Thóp trước của trẻ đóng khi nào?

Kích thước não bộ của trẻ nhỏ tăng lên rất nhanh, khi trẻ 6 tháng thể tích não trẻ tăng gấp đôi so với khi sinh ra, và tăng gấp 3 lần khi trẻ được 30 tháng. Thóp và màng xơ đàn hồi là các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho hộp sọ thay đổi phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của não bộ.

Một nghiên cứu của Hoa Kỳ thực hiện năm 1949 về thời điểm đóng thóp trước ở 1677 trẻ cho thấy, thóp trước đóng trong khoảng thời gian 4 - 26 tháng, trong đó: 90% đóng ở độ tuổi 7 - 19 tháng, 41,6% đóng trong năm đầu đời, 2,7% đóng ở 6 tháng và 13,5% đóng ở 9 tháng.

Thóp trước thường rộng ra trong thời gian từ tuần thứ 2 tới tháng thứ 3 rồi dần dần đóng lại. Thông thường thóp trước của trẻ đóng khi trẻ được 14 tháng, đa số trường hợp thóp trước đã đóng khi trẻ được 19 tháng tuổi, tuy nhiên thóp có thể đóng bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ 4 - 26 tháng (hoặc 3 tháng và 24 tháng tùy tài liệu và tùy nghiên cứu). Bình thường thóp trông phẳng hoặc hơi trũng một chút.

3. Nếu thóp của trẻ đóng quá sớm hoặc quá muộn thì sẽ có chuyện gì xảy ra?

Trẻ sơ sinh
Thóp của trẻ đóng lại quá sớm hoặc quá muộn đều là biển hiện của bệnh lý

Thóp của trẻ đóng lại quá sớm hoặc quá muộn đều là biển hiện của bệnh lý.

Nếu thóp và khe xương đóng muộn, không đóng hoặc mở rộng ra theo tuổi của trẻ thì đó là hiện tượng khác thường, chứng tỏ khả năng xương chậm cốt hóa do chức năng của tuyến giáp kém, hoặc bị bệnh còi xương, suy dinh dưỡng, hoặc do não to lên khác thường gây ra.

Nếu thóp trước của trẻ đóng sớm thì cũng chưa hẳn là bất thường. Ở một số trường hợp, tuy thóp của trẻ đóng sớm nhưng chu vi vòng đầu của trẻ vẫn đạt tiêu chuẩn thì vẫn chưa phải bất thường, tuy nhiên trẻ cần được theo dõi cẩn thận để chắc chắn rằng chu vi vòng đầu của trẻ phát triển với tỉ lệ hợp lí. Nếu chu vi vòng đầu của trẻ bắt đầu rơi xuống bên dưới giá trị tham chiếu mong muốn, chẳng hạn như ở bách phân vị thứ 50 vào thời điểm mới sinh hoặc ở bách phân vị thứ 10 vào khoảng thời gian sau đó, thì những đánh giá tiếp theo cần được tiến hành để tìm ra nguyên nhân bệnh lí khiến cho thóp của trẻ đóng sớm. Thóp của trẻ đóng sớm có thể gây biến dạng đầu, gây tác hại tới sự phát triển của hộp sọ và não bộ, thậm chí gây tăng áp lực nội sọ.

Quá trình chẩn đoán và tìm nguyên nhân khiến thóp của trẻ đóng sớm bao gồm khám lâm sàng và thực hiện các kĩ thuật cận lâm sàng như chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính,... Thông thường với các trường hợp cần can thiệp sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật, tuy nhiên phương thức can thiệp như thế nào sẽ cần bác sĩ xem xét cụ thể trên từng trường hợp, bởi nó phụ thuộc vào thời điểm thóp đóng, nguyên nhân gây thóp đóng sớm, toàn trạng của trẻ và các bệnh lí kèm theo (nếu có). Sau khi đã can thiệp, trẻ vẫn cần được theo dõi và tái khám thường xuyên để đảm bảo rằng hộp sọ cũng như não bộ trẻ đã có thể phát triển bình thường. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho trẻ thì các bậc cha mẹ nhất thiết phải tìm một bệnh viện uy tín có chuyên khoa Nhi, có đầy đủ cơ sở vật chất để thực hiện thăm khám và điều trị chuyên sâu.

Trẻ cần cung cấp đủ lượng kẽm nguyên tố/ngày để trẻ ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn. Kẽm đóng vai trò tác động đến hầu hết các quá trình sinh học diễn ra trong cơ thể, đặc biệt là quá trình phân giải tổng hợp axit nucleic, protein... Các cơ quan trong cơ thể khi thiếu kẽm có thể dẫn đến một số bệnh lý như rối loạn thần kinh, dễ sinh cáu gắt,... Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu về Vai trò của kẽm và hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý cho bé.

Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết tham khảo nguồn: stanfordchildrens.org

160.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan