Bệnh viêm loét bờ cong lớn dạ dày: Nguyên nhân và cách điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu hóa với thế mạnh trong Nội soi tiêu hóa chẩn đoán và điều trị.

Viêm loét bờ cong lớn dạ dày là tình trạng các vết loét trên niêm mạc dạ dày nằm ở vị trí bờ cong lớn. Đây là vị trí rất hiếm gặp trong bệnh lý này và nếu gặp phải cần nghi ngờ khả năng ác tính. Theo đó, các cơn đau thượng vị với lối suy nghĩ thông thường có thể làm mất đi cơ hội và khoảng thời gian đáng giá của người bệnh.

1. Giải phẫu bờ cong lớn dạ dày

Dạ dày là một cơ quan tiêu hóa nằm trong ổ bụng, thuộc đoạn giữa thực quản và tá tràng. Với vị trí này, phía trên của dạ dày là thực quản và vòm hoành trái; phía trước là cơ hoành, thành bụng trước, thùy trái gan và túi mật; phía sau là tuyến tụy, thận trái, tuyến thượng thận trái, lách, động mạch lách và mạc treo tràng ngang.

Dạ dày có hình túi dạng chữ “J”, với hai bờ cong hai bên, một bờ cong nhỏ hơn và một bờ cong lớn hơn:

  • Bờ cong nhỏ có chiều dài ngắn hơn, dạng lõm và ở vị trí trung tâm thượng vị.
  • Bờ cong lớn có chiều dài dài hơn, dạng lồi và nằm về phía bên ngoài về bên trái của ổ bụng.

Bên trong dạ dày được chia thành các thành phần nối tiếp nhau, không có sự phân biệt rõ ràng giữa các phần:

  • Tâm vị: Vị trí mở của thực quản vào trong dạ dày
  • Đáy vị: Phần mở rộng của dạ dày theo phía trên
  • Thân vị: Chiếm phần lớn thể tích của dạ dày
  • Hang vị: Phần bắt đầu thu hẹp lại của dạ dày
  • Môn vị: Nơi kết thúc của dạ dày và chuyển tiếp vào tá tràng.
bờ cong nhỏ
Vị tri của bờ cong lớn dạ dày

2. Viêm loét bờ cong lớn dạ dày là gì?

So với viêm loét bờ cong nhỏ dạ dày, viêm loét dạ dày ở vị trí bờ cong lớn khá ít gặp, nhất là khi tổn thương có bản chất là lành tính. Nói một cách khác, nếu quan sát thấy sang thương trên niêm mạc dạ dày tại vị trí bờ cong lớn thì cần phải nghi ngờ khả năng ung thư hóa. Thực vậy, trong các nghiên cứu trên hàng loạt các bệnh nhân phải cắt trọn dạ dày do ung thư, vị trí tiên phát được nhận định là từ bờ cong lớn hơn là những vị trí khác. Trong đó, loại ung thư chiếm tỷ lệ lớn là ung thư biểu mô và u nguyên bào lympho.

Thậm chí, nếu sang thương có kích thước càng lớn, nguy cơ chuyển dạng ác tính càng cao. Vậy nên, trước những bệnh nhân được nội soi thấy vết loét tại vị trí này, chỉ định sinh thiết làm giải phẫu bệnh là cần thiết.

Tuy nhiên, dù cho vị trí của viêm loét dạ dày là ở bờ cong lớn hay ở đâu trên thành tạng rỗng, bệnh lý này cũng biểu hiện bằng các triệu chứng tương tự nhau. Đó là một tập hợp các triệu chứng khó chịu tại vùng bụng trên khiến người bệnh đi khám như sau:

  • Đau rát hoặc khó tiêu ở vùng thượng vị
  • Cảm giác có khuynh hướng trở nên tồi tệ hơn hoặc là cải thiện hơn sau khi ăn
  • Buồn nôn
  • Nôn ói
  • Đầy hơi
  • No sớm

Vì vậy, khi người bệnh có các triệu chứng như trên, nội soi đường tiêu hóa trên nên được thực hiện sớm, nhất là khi triệu chứng đã kéo dài và người bệnh có các dấu hiệu của hội chứng tiền ung thư như sụt cân, suy kiệt, sốt âm ỉ, nổi hạch.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, viêm loét dạ dày không phải lúc nào cũng gây ra các dấu hiệu và triệu chứng. Bệnh cảnh này có thể gặp khi người bệnh viêm sung huyết tiền loét nhưng các yếu tố nội tại bảo vệ, chống lại diễn tiến đến loét thực sự. Ngoài ra, các sang thương loét dạ dày do nguyên nhân ác tính cũng có thể không có triệu chứng.

đau bụng vùng thượng vị
Người bệnh xuất hiện cơn đau vùng thượng vị

3. Nguyên nhân viêm loét bờ cong lớn dạ dày

Do các đặc điểm giải phẫu và vị trí tự nhiên của sự sắp xếp các tạng trong ổ bụng, viêm loét dạ dày có khuynh hướng xảy ra tại bờ cong nhỏ hơn so với bờ cong lớn. Tuy nhiên, những yếu tố gây viêm loét dạ dày nói chung cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh hoặc làm cho tình trạng viêm loét tại bờ cong lớn trở nên nặng nề hơn. Các nguyên nhân đó làm tổn thương hàng rào lót chất nhầy bảo vệ thành dạ dày, khiến cho axit trong lòng dạ dày tấn công, gây viêm niêm mạc dạ dày lâu ngày và cuối cùng dẫn đến loét.

Một số bệnh và tình trạng có thể làm tăng nguy cơ viêm dạ dày như bệnh Crohn và bệnh sarcoidosis, trong đó các tế bào viêm phát triển một cách không kiểm soát trong cơ thể.

Bên cạnh đó, các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm dạ dày bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn:

Mặc dù nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất ở người trên toàn thế giới, chỉ một số người bị nhiễm trùng mới tiến triển đến viêm loét dạ dày hoặc các rối loạn tiêu hóa trên khác. Một số giả thiết đặt ra tính nhạy cảm với vi khuẩn có thể được di truyền hoặc có thể do lựa chọn lối sống, chẳng hạn như hút thuốc và chế độ ăn uống không khoa học.

  • Sử dụng thường xuyên các thuốc giảm đau:

Thuốc giảm đau thông thường - như aspirin, ibuprofen, naproxen - có thể gây ra cả viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mãn tính. Sử dụng các thuốc giảm đau này thường xuyên hoặc dùng quá nhiều các loại thuốc này có thể làm giảm sút các yếu tố giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.

  • Tuổi cao:

Người cao tuổi có nguy cơ bị viêm dạ dày cao hơn vì niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng theo tuổi. Đồng thời, các đối tượng này cũng dễ bị nhiễm H. pylori hoặc rối loạn tự miễn hơn so với người trẻ tuổi.

  • Sử dụng rượu quá mức:

Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị tổn thương hơn khi tiếp xúc với dịch tiêu hóa. Vì vậy, uống quá nhiều rượu có thể gây viêm dạ dày cấp tính.

  • Stress:

Những căng thẳng nghiêm trọng do cuộc phẫu thuật lớn, chấn thương, bỏng da hoặc nhiễm trùng nặng có thể gây viêm dạ dày cấp tính.

Đau đầu căng thẳng
Căng thẳng trong cuộc sống có thể là nguyên nhân viêm loét bờ cong lớn dạ dày
  • Tự miễn:

Cơ thể bị tấn công bởi các tế bào miễn dịch do những sai lệch trong quá trình kích hoạt kháng nguyên – kháng thể. Ngay cả dạ dày cũng là mô đích mục tiêu trong bệnh lý viêm dạ dày tự miễn. Phản ứng tự miễn dịch làm hao mòn hàng rào bảo vệ tự nhiên tại niêm mạc dạ dày.

4. Cách điều trị viêm loét dạ dày

Điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả phải phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Viêm dạ dày cấp tính do thuốc chống viêm không steroid hoặc rượu có thể thuyên giảm bằng cách ngừng sử dụng các chất này.

Song song đó, người bệnh có thể được chỉ định các loại thuốc dùng để điều trị viêm dạ dày bao gồm:

  • Thuốc kháng sinh để tiêu diệt H. pylori.
  • Các loại thuốc ngăn chặn sản xuất axit và thúc đẩy lành vết loét.
  • Thuốc làm giảm sản xuất axit.
  • Thuốc trung hòa axit dạ dày. Bên cạnh thuốc kháng tiết, thuốc giúp trung hòa axit cũng cần thiết để cho tác dụng hiệp đồng. Thuốc này sẽ trung hòa lượng axit trong dạ dày hiện có và có thể giúp giảm đau nhanh chóng.

Ngoài ra, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống và thói quen ăn uống tại nhà, giúp thuyên giảm hay ngăn chặn các cơn đau do viêm loét dạ dày:

  • Chia nhỏ các bữa ăn và ăn nhiều lần trong ngày sẽ giúp giảm bớt tác dụng của axit dạ dày.
  • Tránh các loại thực phẩm gây kích ứng như thực phẩm có vị cay, axit, thức ăn chiên hoặc béo.
  • Tránh uống rượu. Rượu có thể gây kích thích niêm mạc dạ dày.
  • Hạn chế dùng thuốc giảm đau. Nếu cần dùng thuốc giảm đau, nên dùng nhóm an toàn cho dạ dày như acetaminophen.

Tóm lại, viêm loét dạ dày là bệnh lý rất thường gặp trên đường tiêu hóa. Vị trí xảy ra tổn thương tại bờ cong lớn là rất hiếm gặp và nếu gặp phải thì cần chẩn đoán phân biệt với bệnh lý ác tính tại dạ dày. Lúc này, chỉ định nội soi và làm giải phẫu bệnh rất cần thiết; đồng thời, không chần chừ mà tích cực điều trị triệt căn sẽ giúp cải thiện tiên lượng cho người bệnh về lâu dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Damipid
    Công dụng thuốc Damipid

    Thuốc Damipid là một loại thuốc trong nhóm thuốc đường tiêu hóa thường được dùng để chỉ định chữa trị chứng loét dạ dày, những tổn thương ở niêm mạc dạ trong bệnh viêm dạ dày cấp. Để nắm rõ ...

    Đọc thêm
  • Hadilium
    Công dụng thuốc Hadilium

    Thuốc Hadilium được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Domperidon. Thuốc được sử dụng để điều trị triệu chứng nôn và buồn nôn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

    Đọc thêm
  • Zeprilnas
    Công dụng thuốc Zeprilnas

    Zeprilnas là một loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh đường tiêu hóa. Thuốc có thành phần chính là Itoprid hydrochlorid 50mg và các tá dược vừa đủ. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng và tránh được ...

    Đọc thêm
  • vi khuẩn h. pylori
    Tình trạng phát triển các bệnh lý tiêu hóa trong dân số nhiễm H.Pylori

    Dữ liệu về Helicobacter pylori (H. pylori), đã được tích lũy hơn 40 năm kể từ khi được mô tả như một yếu tố căn nguyên gây ra các bệnh đường tiêu hóa. Phần lớn các ấn phẩm hiện đại ...

    Đọc thêm
  • meyersapride 5
    Công dụng thuốc Meyersapride 5

    Meyersapride 5 thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá và được bào chế ở dạng viên nén bao phim. Thành phần chính của thuốc Meyersapride 5 là Mosaprid citrat, được chỉ định trong điều trị các triệu chứng dạ dày ruột ...

    Đọc thêm