Các con đường lây nhiễm của vi khuẩn HP

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội tiêu hóa, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng. Bác sĩ đã có 27 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiêu hóa.

Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến dạ dày như: kém tiêu, viêm, loét dạ dày – tá tràng, thậm chí có thể dẫn tới ung thư dạ dày. Hiểu rõ con đường lây lan của vi khuẩn HP sẽ giúp chúng ta có giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn.

1. Vi khuẩn HP là gì?

Vi khuẩn HP (tên khoa học: Helicobacter pylori) được biết đến là một loại vi khuẩn sinh sống và phát triển trong dạ dày. Loại vi khuẩn này có thể thâm nhập vào cơ thể người thông qua nhiều con đường khác nhau, sinh sống và phát triển trong dạ dày người.

2. Sự ảnh hưởng của vi khuẩn HP tới sức khỏe con người

Một câu hỏi đặt ra là: “Với môi trường acid như dạ dày, làm thế nào mà vi khuẩn HP có thể tồn tại?” Câu trả lời là do đặc tính của vi khuẩn HP có khả năng tiết ra một loại enzyme có tên là Urease có khả năng trung hòa acid trong dạ dày. Điều này cũng khiến cơ thể tiết ra chất kháng viêm có nguy cơ gây hại cho niêm mạc dạ dày.

Phương thức gây bệnh của vi khuẩn HP:

  • Vi khuẩn HP có khả năng tiết ra một loại men làm loại bỏ lớp chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm tiền đề cho acid dạ dày xâm nhập vào lớp niêm mạc gây tổn thương.
  • Vi khuẩn HP sản sinh ra một loại độc tố có khả năng làm thoái hóa, hoại tử tế bào dạ dày, từ đó acid dịch vị thẩm thấu mạnh mẽ gây viêm, loét dạ dày.

3. Vi khuẩn HP lây qua đường nào?

HP
Vi khuẩn HP có khả năng lây nhiễm từ người sang người

Vi khuẩn HP có lây không? Theo thống kê, hiện nay có khoảng 50% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn HP, và loại vi khuẩn này hoàn toàn có khả năng bị nhiễm từ người sang người. Dưới đây là một số con đường lây truyền chính của vi khuẩn HP:

3.1 Lây nhiễm qua đường miệng – miệng

Đây được coi là phương thức chủ yếu làm lây nhiễm vi khuẩn HP. Do vi khuẩn HP tồn tại trong dịch vị dạ dày, nước bọt, mảng bám răng nên chúng được lây truyền từ người này sang người khác khi dùng chung bát đũa, chung bàn chải đánh răng, khi hôn, khi mẹ mớm cơm cho con.

Theo nhiều chuyên gia y khoa, nếu trường hợp trong gia đình có người bị nhiễm vi khuẩn HP thì tỷ lệ những người còn lại mắc bệnh là rất cao.

3.2 Lây nhiễm qua đường phân – miệng

Vi khuẩn HP sẽ được cơ thể đào thải ra ngoài môi trường qua đường phân. Vì vậy, sau khi đi đại tiện hay trước khi ăn, người bệnh cần chú ý nhớ rửa tay bằng xà phòng để tránh nhiễm vi khuẩn HP.

3.3 Lây nhiễm qua đường dạ dày – miệng

Vi khuẩn HP thường trú ngụ và phát triển trong dạ dày, nên khi người bị nhiễm khuẩn HP xuất hiện tình trạng trào ngược dạ dày hay ợ chua sẽ là con đường vận chuyển HP lẫn chung với dịch dạ dày lên miệng.

3.4 Lây nhiễm qua đường dạ dày – dạ dày

Trong trường hợp này, người khỏe mạnh có nguy cơ nhiễm khuẩn HP thông qua các dụng cụ, thiết bị y tế khi tiến hành nội soi dạ dày. Khi tiến hành nội soi dạ dày, nếu đầu dò không được vệ sinh khử trùng đúng tiêu chuẩn thì vi khuẩn HP có thể bám lại và thâm nhập vào cơ thể người thực hiện nội soi tiếp theo.

Vì vậy, người bệnh cần chú ý lựa chọn các cơ sở y tế có uy tín để tiến hành khám chữa bệnh, tránh tình trạng mắc thêm bệnh không đáng có.

Nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày có thể là nguyên nhân khiến vi khuẩn HP xâm nhập vào cơ thể người

4. Triệu chứng của người nhiễm khuẩn HP

Người bị nhiễm khuẩn HP thường không có dấu hiệu gì đặc trưng, hầu hết khi người bệnh bị đau dạ dày thì vi khuẩn HP mới được phát hiện tồn tại trong cơ thể. Tuy vậy, cần chú ý nếu phát hiện những triệu chứng cho thấy nguy cơ mắc các bệnh lý về dạ dày tá tràng, người bệnh cần tiến hành nội soi dạ dày kiểm tra vi khuẩn HP vì loại vi khuẩn này chính là nguyên nhân chính gây bệnh.

Bên cạnh đó, người nhiễm khuẩn HP chỉ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến dạ dày chứ không phải hoàn toàn. Việc này tùy thuộc vào cơ địa của từng người, một số người có sức đề kháng chống lại những tác hại của vi khuẩn HP. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện nay có khoảng 50% dân số thế giới bị nhiễm khuẩn HP, nhưng ước tính chỉ khoảng 10% trong đó được xác định mắc các bệnh lý về dạ dày tá tràng, mắc ung thư dạ dày chiếm 1-3%.

Vi khuẩn HP nếu không được phát hiện và triệt tiêu kịp thời, có nguy cơ cao gây viêm dạ dày HP. Một số triệu chứng điển hình là buồn nôn vào buổi sáng, đau thượng vị sau khi ăn, chán ăn, ợ nóng.

Trường hợp để các triệu chứng kéo dài mà không điều trị sẽ dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh lý về dạ dày như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày hay thậm chí là thủng hay ung thư dạ dày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan