Chăm sóc bệnh nhân đặt ống thông dạ dày, tránh viêm nhiễm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Lê Thanh Tuấn - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Kỹ thuật đặt ống thông dạ dày có thể được chỉ định cho nhiều đối tượng ở mọi độ tuổi, quá trình chăm sóc bệnh nhân đặt ống thông dạ dày đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tình trạng viêm nhiễm hay biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

1. Đặt ống thông dạ dày là gì?

Đặt ống thông dạ dày là phương pháp dùng ống thông vào dạ dày để nuôi dưỡng trực tiếp thức ăn từ cơ thể người bệnh, hút dịch dạ dày và theo dõi tình trạng của dày dạ.

Kỹ thuật đặt ống thông dạ dày sẽ được áp dụng khi bệnh nhân mất khả năng ăn uống thông thường, có 2 cách phổ biến là:

  • Đường từ miệng đến dạ dày
  • Đường từ mũi đến dạ dày

2. Chỉ định đặt ống thông dạ dày

Kỹ thuật đặt ống thông dạ dày được chỉ định đối với những trường hợp sau:

  • Người bị ung thư lưỡi, ung thư thực quản
  • Người hôn mê
  • Người nuốt khó do liệt mặt
  • Người từ chối ăn hoặc ăn quá ít không đủ duy trì sức khỏe
  • Người mắc viêm dạ dày cấp tính và viêm dạ dày mãn tính hoặc ung thư dạ dày
  • Nghi ngờ khi chẩn đoán bệnh viêm phổi, lao phổi ở trẻ
  • Trường hợp người bệnh sau phẫu thuật gặp hiện tượng chướng bụng
  • Xuất hiện dị dạng ở đường tiêu hoá
  • Suy hô hấp, ngạt thở khi người bệnh khó khăn trong việc ăn uống
  • Bệnh nhân rửa dạ dày do ngộ độc thực phẩm
đặt ống thông
Kỹ thuật đặt ống thông dạ dày sẽ được áp dụng khi bệnh nhân mất khả năng ăn uống thông thường

3. Quy trình đặt ống thông dạ dày

  • Đặt người bệnh ở tư thế nửa nằm nửa ngồi (người bệnh tỉnh) hoặc nằm đầu thấp, mặt nghiêng về bên trái (người bệnh hôn mê).
  • Đo chiều dài của ống thông (đo từ cánh mũi tới dái tai vòng xuống mũi ức, khoảng 45- 50 cm là ngang phần đáy dạ dày hoặc từ răng cho đến rốn).
  • Bôi trơn đầu ống thông (khoảng 5cm, không để dầu đọng trong ống làm người bệnh sặc)
  • Yêu cầu người bệnh há miệng hoặc dùng dụng cụ mở miệng hoặc canun Guedel (người bệnh không tỉnh), luồn ống thông qua miệng. Nếu khó khăn có thể luồn qua mũi theo đường đi của lỗ mũi.
  • Nhẹ nhàng đưa ống vào miệng, sát má, tránh vòm họng và lưỡi gà, động viên người bệnh nuốt mặc dầu rất khó chịu, trong khi đó người điều dưỡng từ từ đẩy ống và đến khi vạch đánh dấu chạm tới cung răng thì dừng lại. Nếu người bệnh có sặc, ho dữ dội, tái mặt, tím môi thì rút ra và đưa lại.
  • Kiểm tra xem ống thông đã vào đúng dạ dày chưa bằng 3 cách: bơm khí khoảng 30 ml và nghe vùng thượng vị thấy tiếng sục của khí qua nước hoặc dùng bơm tiêm hút dịch vị hoặc nhúng đầu ngoài của ống thông vào cốc nước sạch không thấy sủi khí.
  • Cố định ống thông dạ dày bằng băng dính.
  • Lắp túi dẫn lưu vào đầu ống thông dạ dày
đặt ống thông
Kỹ thuật đặt ống thông dạ dày có thể được chỉ định cho nhiều đối tượng ở mọi độ tuổi

4. Cách chăm sóc bệnh nhân đặt ống thông dạ dày

Khi chăm sóc bệnh nhân đặt ống thông dạ dày thì nên cho người bệnh nằm đầu cao khoảng 30-45 độ. Nếu thấp quá hoặc cao quá đều không tốt cho quá trình truyền thức ăn cho bệnh nhân. Đồng thời chuẩn bị một số dụng cụ cần thiết như khăn, dụng cụ lau chùi giúp quá trình truyền thức ăn được sạch sẽ và chu đáo hơn.

4.1. Xây dựng thực đơn

  • Đối với bệnh nhân đang đặt ống thông dạ dày bạn chỉ nên cho bệnh nhân ăn những thức ăn mềm, dạng lỏng, dễ nuốt. Dựa vào tình trạng bệnh nhân để xây dựng thực đơn phù hợp, cung cấp đảm bảo dinh dưỡng hợp lý giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe. Các thức ăn cần được xay nhuyễn hoặc ép lấy nước như: cháo dinh dưỡng, súp, sữa bột, sữa tươi, thức ăn xay nhuyễn.
  • Ngoài ra, cần phải dựa vào tình trạng bệnh lý của từng người để cung cấp nguồn dinh dưỡng hợp lý, ví dụ hôn mê gan, hôn mê tai biến mạch máu não... Mỗi loại bệnh khác nhau cần cung cấp thức ăn khác nhau.
  • Chia nhỏ các bữa ăn hàng ngày nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, trung bình khoảng từ 5-6 lần, mỗi bữa ăn người lớn thường ăn khoảng 300ml – 400ml, còn trẻ em nên cho khoảng 20ml/ một bữa.

4.2 Một số lưu ý trong chăm sóc

  • Khi cho ăn cần phải đảm bảo thức ăn nhuyễn, mềm để có thể bơm qua ống thông một cách dễ dàng
  • Cho bệnh nhân ăn đúng cách với tốc độ từ từ không quá nhanh, tránh trường hợp bệnh nhân bị nôn ói.
  • Tráng ống trước khi cho bệnh nhân ăn và đảm bảo ống thức ăn sạch, không có vi khuẩn hoặc lên men. Sau khi cho ăn xong cần phải vệ sinh ống thông một cách sạch sẽ. Nên thay ống thông dạ dày khi cảm thấy bẩn, nghẹt hoặc thay theo định kỳ.
  • Nên vệ sinh răng miệng cho bệnh nhân bằng cách cho súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
  • Xác định đúng bị trí ống thông vào đúng dạ dày, khi thay ống thông nên thay đổi lỗ mũi.

Bác sĩ Lê Thanh Tuấn đã có kinh nghiệm trong khám, điều trị, phẫu thuật các bệnh lý ổ bụng (cả mổ mở, mổ nội soi). Đặc biệt Bác sĩ có thế mạnh trong phẫu thuật ngoại nhi điều trị các bệnh lý như: lồng ruột, ruột thừa viêm, thoát vị bẹn, các dị tật sau sinh (viêm phúc mạc bào thai, megacolon, không hậu môn),..

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

94.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan