Chẩn đoán xác định hội chứng ruột kích thích

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Võ Thị Thùy Trang, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Hội chứng ruột kích thích là một loại rối loạn hệ tiêu hoá. Người ta chẩn đoán hội chứng này nhờ sự kết hợp của các phương pháp siêu âm ổ bụng, chụp x-quang, chụp CT cắt lớp...

1. Hội chứng ruột kích thích là gì?

Bệnh ruột kích thích là một rối loạn tiêu hoá chức năng đặc trưng bởi triệu chứng đau bụng và thay đổi thói quen đi đại tiện mà không tìm thấy tổn thương thực thể nào ở hệ tiêu hóa.

Hội chứng ruột kích thích là một chẩn đoán loại trừ. Không có biểu hiện cụ thể nào về rối loạn nhu động hoặc rối loạn cấu trúc hệ tiêu hóa, do đó hội chứng kích thích ruột vẫn là một bệnh lý chủ yếu được xác định bằng triệu chứng lâm sàng.

Hội chứng ruột kích thích thuộc chứng rối loạn mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần hằng ngày, hàng tháng, hàng năm. Nếu không đi khám và được điều trị đúng cách sẽ làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng tới công việc sinh hoạt, tinh thần...Một số người bị hội chứng kích thích ruột kiêng cữ quá nhiều loại thức ăn đưa đến thiếu chất dinh dưỡng, còn một số người trở nên lo âu trầm cảm.

Hội chứng ruột kích thích
Đau bụng là triệu chứng của bệnh ruột kích thích

2. Các phương pháp hỗ trợ chẩn đoán

  • Nội soi đại tràng rất quan trọng có thể loại trừ polyp hoặc ung thư, viêm đại tràng
  • Siêu âm ổ bụng: Có thể phát hiện khối u bụng, dấu hiệu xâm lấn
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT bụng) cộng hưởng từ
  • Xét nghiệm phân: Tìm máu ẩn trong phân, ký sinh trùng

3. Chẩn đoán bệnh ruột kích thích

3.1. Chẩn đoán lâm sàng

Rối loạn về chức năng hoạt động của hệ tiêu hóa có những biểu hiện lâm sàng thể hiện qua toàn bộ vận động của đường tiêu hóa.

  • Phần trên của đường tiêu hóa

Hội chứng bệnh lý trào ngược thực quản, hay chứng bệnh khó tiêu, cảm giác đầy hơi tức bụng tức ngực.

  • Phần dưới của đường tiêu hóa

Triệu chứng thường thấy chủ yếu thuộc phần đại tràng như: Táo bón hay tiêu chảy, chúng khiến hoạt động của đại tràng thường xuyên bị co thắt, kích thích, hoặc bị rối loạn các chức năng hoạt động của đại tràng.

Những “tuyệt chiêu” giúp bạn đẩy lùi táo bón kéo dài
Rối loạn tiêu hóa là triệu chứng thường thấy ở bệnh ruột kích thích

3.2. Tiêu chuẩn Rome III (2006) chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

  • Đối tượng yêu cầu: Bệnh nhân có tình trạng đau bụng thường xuyên hoặc khó chịu ít nhất 3 ngày/tháng trong 3 tháng trước đó và kết hợp với 2 hoặc nhiều hơn các điểm sau đây:
    • Bớt đau sau khi đi tiêu
    • Khởi phát đau liên quan đến thay đổi về số lần đi tiêu
    • Khởi phát đau liên quan đến thay đổi về hình thức và hình dạng của phân (rắn, lỏng...)
  • Các triệu chứng hỗ trợ chẩn đoán hội chứng kích thích ruột bao gồm:
    • Thay đổi về số lần đi đại tiện
    • Thay đổi về hình thức của phân
    • Thay đổi về kiểu cách đi đại tiện
    • Đại tiện có phân nhầy
    • Đầy hơi trướng bụng
  • Có 4 mô hình hội chứng IBS, bao gồm:
    • IBS-D: tiêu chảy chiếm ưu thế.
    • IBS-C: táo bón chiếm ưu thế.
    • IBS-M: hỗn hợp tiêu chảy và táo bón.
    • IBS-A: xen kẽ giữa tiêu chảy và táo bón.

Điều đáng chú ý là trong vòng 1 năm, có 75% bệnh nhân thay đổi về phân nhóm, và 29% chuyển đổi giữa hội chứng IBS-C và IBS-D.

Hội chứng ruột kích thích IBS
Hội chứng ruột kích thích IBS được chia thành 4 mô hình với các triệu chứng điển hình

3.3. Tiêu chuẩn Rome IV (2016) đánh giá bổ sung chẩn đoán hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích, còn gọi hội chứng IBS là rối loạn chức năng mạn tính đường tiêu hóa dưới; triệu chứng chính là đau bụng và thay đổi thói quen ruột (táo bón và hoặc tiêu chảy). Điều này xảy ra trong trường hợp không có tổn thương thực thể. Các tiêu chuẩn chẩn đoán đã trải qua bốn lần thay đổi kể từ năm 1989 đến năm 2016, các tiêu chí Rome để chẩn đoán IBS được sửa đổi.

Nội dung bổ sung

  • Các tiêu chuẩn đã được điều chỉnh
  • Ảnh hưởng của dinh dưỡng protein đến tiêu hoá đường ruột
  • Ảnh hưởng của chế độ dinh dưỡng trong việc điều trị táo bón, đặc biệt ở trẻ

Tiêu chuẩn Rome IV: Hội chứng IBS là rối loạn ruột mạn tính, đặc trưng bởi đau bụng tái phát, xảy ra ít nhất 1 ngày mỗi tuần, xảy ra trong 3 tháng gần đây và kết hợp với 2 đến 3 yếu tố sau đây:

  • Có liên quan đến đi tiêu
  • Thay đổi số lần đi đại tiện
  • Thay đổi hình dạng phân

Có 4 mô hình hội chứng IBS:

  • IBS-táo bón (IBS-C)
  • IBS-tiêu chảy (IBS-D)
  • IBS-hỗn hợp (IBS-M)
  • IBS không xác định

Các triệu chứng hỗ trợ chẩn đoán đi kèm:

  • Đau bụng, đau bụng tái phát nhiều lần hoặc khó chịu vùng bụng
    • Đau bụng trong IBS rất khác nhau về cường độ và vị trí, đau bụng thường đau quanh khung đại tràng, 25% bệnh nhân đau vùng hạ vị, 20% đau phía bên phải, 20% đau sang bên trái, và 10% bệnh nhân đau vùng thượng vị. Đau bụng thường giảm sau khi đi cầu.
    • Đau bụng tái phát, xảy ra ít nhất 1 ngày mỗi tuần. Được phát hiện trong 3 tháng gần đây với khởi phát triệu chứng ít nhất 6 tháng trước khi được chẩn đoán kèm theo hai hay nhiều hơn các triệu chứng sau
  • Một số yếu tố làm tăng đau bụng:
    • Căng thẳng hoặc cảm xúc bất ổn như với công việc hoặc những khó khăn trong hôn nhân.
    • Tiêu thụ các loại thực phẩm giàu đường và chất béo.
    • Bệnh nhân nữ đau bụng thường tăng trong giai đoạn tiền hành kinh và hành kinh.
  • Thay đổi thói quen ruột
  • Thay đổi trong thói quen đại tiên: Phổ biến nhất là táo bón xen kẽ với tiêu chảy, hoặc tiêu chảy hoăc táo bón chiếm ưu thế.

Táo bón có thể kéo dài vài tuần hay vài tháng.

Tiêu chảy thường phân có khối lượng ít, sêt hoăc lỏng. Tiêu chảy xảy ra chỉ trong giờ thức dậy, thường sáng sớm trong ngày, 36% bệnh nhân muốn đi cầu sau khi ăn, trên 50% bệnh nhân phân có chất nhờn. Tiêu chảy có thể trầm trọng hơn khi căng thẳng hay sau khi ăn uống.

Bệnh nhân thường xuyên khó chịu về chướng bụng và ợ hơi hoặc đầy hơi.

Triệu chứng khác: Từ 25 đến 50% bệnh nhân có triêu chứng khó tiêu, ợ nóng, buồn nôn và ói mửa. Luôn có cảm giác tăng nhu động ruột.

Hội chứng ruột kích thích nên ăn gì
Sử dung thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa

3.4. Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu hiện tượng bình thường
  • Xét nghiệm phân hoặc cấy phân để tìm vi khuẩn hiện tượng bình thường
  • Phản ứng sinh thiết hoá, xét nghiệm các mô bệnh học của đại tràng
  • Chụp X-quang phần khung ngoài đại tràng: hiện tượng bình thường hoặc sẽ có những rối loạn gây co bóp hay nhu động
  • Nội soi đại tràng trực tràng
  • Kết quả thăm khám lẫn xét nghiệm giúp bác sĩ phát hiện những dấu hiệu báo động bệnh lý, tổn thương đang mắc phải để có thể chẩn đoán và phân biệt hội chứng kích thích ruột với các bệnh khác
  • Các dấu hiệu báo động:
    • Sụt cân, chán ăn
    • Thiếu máu nhiều
    • Sốt cao, tăng bạch cầu, tốc độ đông máu lắng máu nhanh
    • Trong phân khi đại tiện có dịch nhầy dính máu
    • Phân khi đại tiện thường xuyên có hình dạng nhỏ và dẹt
    • Các hiện tượng rối loạn trong phân đại tiện ở người > 40 tuổi mới thấy có xảy ra
    • Tiền sử trong gia đình đã từng có người mắc ung thư phần đại tràng
Khám bệnh
Thăm khám định kỳ để phát hiện và điều trị sớm

4. Chẩn đoán phân biệt bệnh ruột kích thích với một số bệnh thường gặp

4.1. Hội chứng ruột kích thích có tiêu chảy

  • Đường ruột bị nhiễm trùng
  • Hệ miễn dịch bị suy giảm
  • Ung thư trực tràng, đại tràng
  • Xuất hiện u lympho ở ruột
  • Dấu hiệu dị ứng với một số thức ăn
  • Cơ thể thiếu men lactase
  • Hiện tượng viêm loét chảy máu ở trực tràng, đại tràng
  • Hiện tượng đại tràng mang hình thái vi thể
  • Hội chứng Crohn

4.2. Hội chứng ruột kích thích có táo bón và đau bụng

  • Xuất hiện khối u ở đại tràng
  • Hiện tượng to giãn vùng đại tràng
  • Xuất hiện khối u ở tuỵ
  • Gặp tình trạng ngộ độc với kim loại chì
  • Hiện tượng thoát vị
  • Cơ thể mắc bệnh viêm túi mật và sỏi mật
  • Hiện tượng rối loạn quá trình chuyển hoá chất porphyrin
Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích thường bị nhầm bởi các bệnh khác liên quan đến hệ tiêu hóa

5. Chẩn đoán với các cấp độ của bệnh

5.1. Cấp độ nhẹ

  • Không thường xuyên có triệu chứng
  • Ít bị rối loạn về tâm lý.
  • Điều trị hội chứng: Giáo dục cơ bản về bệnh, kiêng cữ một số loại thức ăn, chỉ ăn loại thức ăn bác sĩ cho phép

5.2. Cấp độ trung bình

  • Thường xuyên xuất hiện triệu chứng, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt bình thường
  • Tâm lý suy giảm
  • Triệu chứng với mức độ nặng lên, có yếu tố tác động, thúc đẩy
  • Nề nếp trong sinh hoạt bị thay đổi nếp, cần áp dụng các liệu pháp tâm lý, áp dụng ăn kiêng
  • Cần sử dụng thuốc để kiểm soát dấu hiệu bất thường xảy ra

5.3. Cấp độ nặng

  • Thường xuyên đau bụng
  • Tâm thần tiềm ẩn suy giảm
  • Điều trị kết hợp thuốc an thần hay thuốc tâm thần

Hội chứng ruột kích thích khiến rối loạn các chức năng hoạt động của hệ tiêu hoá. Theo những chẩn đoán dấu hiệu của bác sĩ nhẹ thì gây nên các dấu hiệu như rối loạn tâm lý, nặng thì sẽ dân đến những sang chấn tâm thần cần hỗ trợ thuốc. Chính vì vậy, khi có biểu hiện lạ bất thường, người bệnh cần tới gặp bác sĩ để kịp thời chẩn đoán và xây dựng phác đồ điều trị.

Bác sĩ Chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang được đào tạo về chuyên ngành nội tiêu hóa, gan mật tụy và nội soi tiêu hóa; liên tục cập nhật và được đào tạo nội soi nâng cao từ các giáo sư và các chuyên gia nội soi đến từ Thụy Sĩ và Nhật Bản; tham gia nhiều hội nghị tiêu hóa, nội soi trong nước và quốc tế.

Với gần 20 năm làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng trong chuyên ngành nội tiêu hóa - Gan mật tụy, mỗi năm bác sĩ Võ Thị Thùy Trang tham gia nội soi hơn 1500 ca bao gồm: nội soi chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng như: phát hiện viêm, loét, polyp, ung thư, tìm vi khuẩn HP, phát hiện ung thư sớm đường tiêu hóa...; Nội soi điều trị như: Cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa, thắt búi giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, cắt polype ống tiêu hóa qua nội soi...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan